Giáo hội Công giáo Latinh Ucraina

kỷ niệm 30 năm canh tân cơ cấu

 

Giáo hội Công giáo Latinh Ucraina kỷ niệm 30 năm canh tân cơ cấu.

Ngọc Yến

Lviv (Vatican News 8-02-2021) - Năm 2021, Giáo hội Công giáo Latinh Ucraina kỷ niệm 30 canh tân cơ cấu Giáo hội. Nền tảng cho sự canh tân bắt đầu từ chuyến tông du của Thánh Gioan Phaolô II tới Ucraina năm 2001.

Nhân dịp này, Ðức Tổng Giám mục Mieczyslaw Mokrzycki, Tổng Giám mục Lviv bày tỏ: "Ðây là dịp để chúng tôi tưởng nhớ rất nhiều người can đảm, linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người trong cuộc bách hại của chế độ cộng sản vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động mục vụ và dấn thân vì lợi ích của Giáo hội".

Ngày 16 tháng 01 năm 1991, Thánh Gioan Phaolô II đã xác nhận Tổng Giáo phận Lviv và hai Giáo phận khác, đồng thời bổ nhiệm Giám mục cho các Giáo phận này. Một trong những nhân chứng của giai đoạn lịch sử này là nguyên Giám mục của Kharkiv-Zaporizhia, Ðức cha Marian Buczek, lúc đó đang là linh mục. Ðức cha giải thích: "Chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II tới Ucraina năm 2001 là nền tảng cho sự canh tân, một sự kiện đã tạo động lực mới cho sự phát triển của Giáo hội".

Ðức cha cho biết: "Ban đầu các linh mục và tu sĩ được các giám mục mời từ hải ngoại, giờ đây đa số xuất thân từ địa phương. Tại các giáo xứ, Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Ucraina và các ngôn ngữ khác, tùy nhu cầu của các tín hữu. Như ở vùng Transcarpazia, phụng vụ bằng tiếng Hungary và tiếng Slovak; ở Kharkiv, một trung tâm lớn của miền đông Ukraine, nơi người dân thuộc các quốc tịch khác nhau sinh sống, Chúa nhật Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Việt. Ðiều này cho thấy rõ ràng nhất về tính phổ quát của Giáo hội".

Nguyên Giám mục Kharkiv-Zaporizhia khẳng định chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II đã giúp cho Giáo hội tái khởi động các cơ cấu Giáo hội.

Một năm trước khi thực hiện chuyến tông du, Thánh Gioan Phaolô II đã có cuộc gặp gỡ 28 giám mục Ucraina tại Vatican. Ngài khuyến khích các Giám mục ba điểm chính: sự tha thứ và hòa giải từ phía người Công giáo, con đường đại kết đối với Chính thống giáo; trách nhiệm của Giáo hội trong việc khôi phục sự thống nhất cho một châu Âu bị chia rẽ giả tạo bởi Chiến tranh thế giới. (CSR_969_2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page