Thông Ðiệp Fratelli Tutti

Tất Cả Anh Em

của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô

(Bản dịch Việt ngữ của Vũ Văn An)

 

Chương 8

Các Tôn Giáo Phục Vụ Tình Huynh Ðệ

Trong Thế Giới Của Chúng Ta

 

271. Căn cứ vào sự tôn trọng của họ đối với mỗi con người như một tạo vật được kêu gọi làm con Thiên Chúa, các tôn giáo khác nhau đều góp phần đáng kể vào việc xây dựng tình huynh đệ và bảo vệ công lý trong xã hội. Ðối thoại giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau không diễn ra chỉ vì mục đích ngoại giao, ân cần hay khoan dung. Theo lời của các Giám mục Ấn Ðộ, "mục tiêu của đối thoại là thiết lập tình hữu nghị, hòa bình và hòa hợp, cũng như chia sẻ các giá trị và kinh nghiệm tinh thần và đạo đức trong tinh thần sự thật và tình yêu"[259].

Nền Tảng Tối Hậu

272. Là những tín hữu, chúng ta xác tín rằng, nếu không có sự cởi mở với Cha của mọi người, sẽ không có các lý do vững chắc và ổn định nào để kêu gọi tình huynh đệ. Chúng ta tin chắc rằng "chỉ với ý thức này: chúng ta không mồ côi, mà là con cái, chúng ta mới có thể sống hòa bình với nhau"[260]. Vì "lý trí, tự nó, có khả năng nắm bắt sự bình đẳng giữa con người và mang lại sự ổn định cho việc chung sống như công dân của họ, nhưng nó không thể thiết lập ra tình huynh đệ"[261].

273. Về phương diện trên, tôi xin trích dẫn câu nói đáng nhớ sau đây: "Nếu không có chân lý siêu việt, chân lý mà nếu chịu vâng phục, con người sẽ đạt được bản sắc đầy đủ của mình, thì không có nguyên tắc chắc chắn nào để bảo đảm các mối liên hệ công chính giữa con người với nhau. Tư lợi của họ, như một giai cấp, một nhóm hay một quốc gia, chắc chắn sẽ khiến họ chống đối lẫn nhau. Nếu một ai đó không thừa nhận chân lý siêu việt, thì sức mạnh quyền lực sẽ tiếp quản, và mỗi người sẽ nghiêng về phía sử dụng trọn vẹn các phương tiện theo ý mình để áp đặt quyền lợi của mình hoặc ý kiến của mình mà không quan tâm đến quyền lợi của người khác... Người ta đã tìm thấy căn nguyên của chủ nghĩa toàn trị hiện đại trong việc phủ nhận phẩm giá siêu việt của con người, là chủ thể, trong tư cách hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, do đó, tự chính bản chất của họ, là chủ thể của các quyền lợi không ai có thể vi phạm - bất kể là cá nhân, nhóm, lớp, quốc gia hoặc tiểu bang nào. Thậm chí cả đa số xã hội cũng không thể vi phạm những quyền này, bằng cách chống lại thiểu số"[262].

274. Từ kinh nghiệm đức tin của mình và từ sự khôn ngoan tích lũy qua nhiều thế kỷ, nhưng cũng từ những bài học rút ra từ nhiều nhược điểm và thất bại của mình, chúng ta, các tín hữu của các tôn giáo khác nhau, biết rằng việc chúng ta làm chứng cho Thiên Chúa có ích lợi cho xã hội của chúng ta. Nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa với tấm lòng chân thành, miễn là không bao giờ bị các mục đích ý thức hệ hoặc tư lợi làm cho chúng ta nhụt chí, giúp chúng ta nhìn nhận lẫn nhau như những người bạn đồng hành, thực sự là anh chị em. Chúng ta xác tín rằng "khi nhân danh một ý thức hệ, có mưu toan loại bỏ Thiên Chúa khỏi một xã hội, thì xã hội đó kết cục sẽ tôn thờ ngẫu tượng, và chẳng bao lâu đàn ông và đàn bà sẽ mất hướng, phẩm giá của họ sẽ bị chà đạp và các quyền lợi của họ bị vi phạm. Các bạn biết rõ người ta đã gây ra biết bao đau khổ bởi việc khước từ tự do lương tâm và tự do tôn giáo, và vết thương đó để lại một nhân loại nghèo khổ như thế nào, vì thiếu hy vọng và lý tưởng để hướng dẫn họ"[263].

275. Cần phải nhìn nhận rằng "trong số những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra các cuộc khủng hoảng của thế giới hiện đại là lương tâm con người đã thành vô cảm, là việc xa rời các giá trị tôn giáo và là chủ nghĩa cá nhân đương thịnh kèm theo bởi triết lý duy vật chuyên thần hóa con người và du nhập các giá trị vật chất và trần tục thay thế các nguyên tắc tối cao và siêu việt"[264]. Thật là sai lầm khi tiếng nói duy nhất được nghe thấy trong cuộc tranh luận công khai là tiếng nói của những người có quyền và "các chuyên gia". Cần dành chỗ cho các suy tư phát sinh từ các truyền thống tôn giáo vốn là kho lưu trữ hàng thế kỷ kinh nghiệm và túi khôn. Vì "các tác phẩm cổ điển về tôn giáo có thể chứng tỏ là có ý nghĩa trong mọi thời đại; chúng có một sức mạnh bền bỉ [để mở ra những chân trời mới, kích thích tư tưởng, mở rộng trí óc và trái tim]". Tuy nhiên, chúng thường bị coi thường, bị coi như kết quả của "chủ nghĩa duy lý thiển cận nào đó"[265].

276. Vì những lý do trên, trong khi tôn trọng quyền tự trị của sinh hoạt chính trị, Giáo hội không hạn chế sứ mệnh của mình trong phạm vi riêng tư. Trái lại, "Giáo Hội không thể và không được ở mãi bên lề" trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, hoặc không "đánh thức trở lại năng lực tinh thần" vốn có khả năng đóng góp vào việc làm cho xã hội tốt đẹp hơn[266]. Ðúng là các thừa tác viên tôn giáo không được tham gia vào chính trị đảng phái vốn là lãnh vực riêng của giáo dân, nhưng họ cũng không được từ bỏ chiều kích chính trị của chính đời sống[267], một chiều kích liên quan đến việc không ngừng lưu ý đến công ích và quan tâm đến việc phát triển con người toàn diện. Giáo hội "có vai trò công cộng vượt quá và vượt trên các hoạt động bác ái và giáo dục của mình". Giáo Hội làm việc cho "sự thăng tiến của nhân loại và tình huynh đệ phổ quát"[268]. Giáo Hội không cho là mình cạnh tranh với các quyền lực trần thế, nhưng tự hiến như "một gia đình giữa các gia đình, Giáo hội là như thế, cởi mở đối với việc làm chứng trong thế giới ngày nay, cởi mở đối với đức tin, đức cậy và đức mến vào Chúa và vào những người mà Chúa vốn yêu thương bằng một tình yêu ưu tiên. Một ngôi nhà với những cánh cửa rộng mở. Giáo hội là một ngôi nhà với những cánh cửa rộng mở, bởi vì Giáo hội là một bà mẹ"[269]. Và để noi gương Ðức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, "chúng ta muốn trở thành một Giáo hội phục vụ, rời nhà và ra khỏi những nơi thờ phượng, ra khỏi các phòng áo lễ, để đồng hành với cuộc sống, duy trì hy vọng, trở thành dấu chỉ hiệp nhất... để xây những cây cầu, phá sập các bức tường, để gieo các hạt giống hòa giải"[270].

Bản sắc Kitô giáo

277. Giáo hội trân quí những cách thức trong đó Thiên Chúa hoạt động nơi các tôn giáo khác, và "không bác bỏ điều gì là chân thực và thánh thiện trong các tôn giáo này. Giáo Hội rất coi trọng lối sống và cách cư xử của họ, những giới luật và học thuyết của họ# thường phản ảnh một tia chân lý soi sáng cho mọi người nam và nữ"[271]. Tuy nhiên, các Kitô hữu chúng ta ý thức rất rõ rằng "nếu âm nhạc của Tin Mừng ngưng vang lên trong chính con người chúng ta, chúng ta sẽ mất đi niềm vui phát sinh từ lòng cảm thương, tình yêu dịu dàng phát sinh từ lòng tín thác, khả năng hòa giải vốn bắt nguồn từ nhận thức này: chúng ta đã được tha thứ và được sai đi. Nếu âm nhạc của Tin Mừng ngưng vang lên trong nhà của chúng ta, quảng trường công cộng, nơi làm việc, đời sống chính trị và tài chính của chúng ta, thì chúng ta sẽ không còn nghe thấy những giai điệu thách thức chúng ta bảo vệ phẩm giá của mọi người nam và nữ"[272]. Những người khác uống từ các nguồn khác. Ðối với chúng ta, nguồn suối của nhân phẩm và tình huynh đệ là ở nơi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Từ đó nảy sinh việc, "đối với tư tưởng Kitô giáo và hành động của Giáo hội, địa vị thứ nhất dành cho mối liên hệ, cho sự gặp gỡ mầu nhiệm thiêng liêng là người khác, cho sự hiệp thông phổ quát với toàn thể gia đình nhân loại, như một ơn gọi của mọi người"[273].

278. Ðược kêu gọi bén rễ vào mọi nơi, Giáo hội đã có mặt trong nhiều thế kỷ trên khắp thế giới, vì đó là ý nghĩa của hạn từ "Công Giáo". Như vậy, từ kinh nghiệm ân sủng và tội lỗi của mính, Giáo Hội có thể hiểu vẻ đẹp của lời mời gọi yêu thương phổ quát. Thật vậy, "mọi điều nhân bản đều là mối quan tâm của chúng ta... bất cứ nơi nào hội đồng các quốc gia họp lại với nhau để thiết lập các quyền lợi và nghĩa vụ của con người, chúng ta rất vinh dự được có chỗ đứng của chúng ta trong đó"[274]. Ðối với nhiều Kitô hữu, hành trình huynh đệ này cũng đều có Mẹ, mà tên người Mẹ này chính là Maria. Khi lãnh nhận chức mẹ phổ quát này dưới chân thập giá (x. Ga 19:26), Mẹ không chỉ quan tâm đến Chúa Giêsu mà còn quan tâm đến "những người con khác của Mẹ" (x. Kh 12:17). Trong quyền năng của Chúa Phục sinh, Mẹ muốn khai sinh một thế giới mới, trong đó, tất cả chúng ta là anh chị em, trong đó, có chỗ dành cho tất cả những ai bị xã hội chúng ta loại bỏ, trong đó, công lý và hòa bình được tôn vinh.

279. Các Kitô hữu chúng ta yêu cầu rằng, ở những quốc gia nơi chúng ta là thiểu số, chúng ta được bảo đảm quyền tự do, ngay cả khi chính chúng ta cổ vũ quyền tự do đó cho những người không phải là Kitô hữu ở những nơi họ là thiểu số. Một nhân quyền căn bản không được quên trong hành trình hướng tới tình huynh đệ và hòa bình. Ðó là quyền tự do tôn giáo cho các tín hữu của mọi tôn giáo. Sự tự do này tuyên xưng rằng chúng ta có thể "xây dựng hòa hợp và hiểu biết giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Nó cũng làm chứng cho thực tại này là, vì những điều quan trọng được chúng ta chia sẻ thì rất nhiều, nên có thể tìm ra một phương tiện để sống chung một cách thanh thản, có trật tự và hòa bình, chấp nhận các khác biệt của mình và vui mừng rằng, là con cái của một Thiên Chúa, chúng ta thẩy đều là anh chị em"[275].

280. Ðồng thời, chúng ta cầu xin Thiên Chúa củng cố sự hiệp nhất trong Giáo Hội, một sự hiệp nhất được làm cho phong phú nhờ các dị biệt được hòa giải bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vì "trong Thần Khí duy nhất, tất cả chúng ta được rửa tội thành một thân thể" (1Cr 12:13), trong đó, mỗi thành viên đều có phần đóng góp khác biệt của mình. Như Thánh Augustinô từng nói, "tai nhìn qua mắt, và mắt nghe qua tai"[276]. Ðiều cũng khẩn cấp là tiếp tục làm chứng cho cuộc hành trình gặp gỡ giữa các tín phái Kitô giáo khác nhau. Chúng ta không thể quên ước muốn của Chúa Kitô "xin cho chúng hết thẩy nên một" (x. Ga 17:21). Nghe lời kêu gọi của Người, chúng ta buồn bã nhận ra rằng diễn trình hoàn cầu hóa vẫn còn thiếu sự đóng góp có tính tiên tri và tâm linh của sự hiệp nhất Kitô giáo. Dù vậy, "ngay cả khi chúng ta đang thực hiện cuộc hành trình tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn này, chúng ta có bổn phận làm chứng chung cho tình yêu mà Thiên Chúa vốn dành cho mọi người bằng cách cùng nhau phục vụ nhân loại"[277].

Tôn Giáo Và Bạo Lực

281. Cuộc hành trình hòa bình là điều khả hữu giữa các tôn giáo. Ðiểm xuất phát của nó phải là cách Thiên Chúa nhìn sự vật. "Thiên Chúa không nhìn bằng mắt, Chúa thấy bằng trái tim của Người. Và tình yêu của Thiên Chúa như nhau đối với mọi người, không phân biệt tôn giáo. Ngay cả khi họ là những người vô thần, tình yêu của Người vẫn vậy. Khi ngày cuối cùng đến, và có đủ ánh sáng để nhìn sự vật như chúng thực sự là, chúng ta sẽ thấy mình khá đáng ngạc nhiên"[278].

282. Do đó, "Các tín hữu chúng ta cần tìm dịp nói chuyện với nhau và cùng nhau hành động vì lợi ích chung và cổ vũ người nghèo. Ðiều này không liên quan gì đến việc hạ thấp hoặc che giấu các xác tín sâu sắc nhất của chúng ta khi chúng ta gặp gỡ những người khác có suy nghĩ khác với chúng ta# Vì bản sắc của chúng ta càng sâu sắc, mạnh mẽ và phong phú, chúng ta càng có khả năng làm giàu người khác bằng sự đóng góp thích đáng của chính chúng ta"[279]. Các tín hữu chúng ta được thử thách quay về nguồn của mình, để tập trung vào điều thiết yếu: thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương người lân cận, kẻo một số giáo huấn của chúng ta, khi bị lấy ra khỏi bối cảnh, kết cục nuôi dưỡng các hình thức khinh miệt, hận thù, bài ngoại hoặc phủ định người khác. Sự thật là bạo lực không có cơ sở trong các xác tín tôn giáo nền tảng của chúng ta, mà chỉ là trong sự xuyên tạc chúng.

283. Sự thờ phượng khiêm cung và chân thành đối với Thiên Chúa "không đem lại hoa trái kỳ thị, hận thù và bạo lực, mà là hoa trái tôn trọng tính thánh thiêng của sự sống, tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, và cam kết đầy yêu thương đối với phúc lợi của mọi người"[280]. Quả thật, "ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4: 8). Vì lý do này, "chủ nghĩa khủng bố là đáng trách và đe dọa an ninh của người ta - dù họ ở phương Ðông hay phương Tây, phương Bắc hay phương Nam - và gieo rắc sự hoảng sợ, kinh hoàng và bi quan yếm thế, nhưng điều này không phải do tôn giáo, cho dù những kẻ khủng bố vốn biến nó thành công cụ. Ðúng hơn, đó là do sự tích lũy các giải thích không chính xác về các bản văn tôn giáo và các chính sách liên quan đến đói, nghèo, bất công, áp bức và tự hào. Ðó là lý do tại sao cần phải ngưng việc hỗ trợ các phong trào khủng bố bị thúc đẩy bởi việc tài trợ, cung cấp vũ khí và chiến lược, và bởi các mưu toan biện minh cho các phong trào này, thậm chí sử dụng cả các phương tiện truyền thông. Tất cả những điều này phải được coi là tội ác quốc tế nhằm đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Chủ nghĩa khủng bố như thế phải bị lên án dưới mọi hình thức và biểu thức của nó"[281]. Các xác tín tôn giáo về ý nghĩa thánh thiêng của sự sống con người giúp chúng ta "nhận ra các giá trị nền tảng của nhân tính chung của chúng ta, những giá trị mà nhân danh chúng, chúng ta có thể và phải hợp tác, xây dựng và đối thoại, tha thứ và phát triển; điều này sẽ giúp cho các tiếng nói khác nhau hợp nhất trong việc tạo ra một giai điệu cao quý và đẹp đẽ siêu phàm, thay vì những tiếng kêu thét hận thù cuồng tín"[282].

284. Ðôi khi bạo lực duy cực đoan được xổ lồng trong một số nhóm, thuộc bất cứ tôn giáo nào, bởi sự hấp tấp của các nhà lãnh đạo của họ. Tuy nhiên, "điều răn hòa bình được khắc sâu trong các truyền thống tôn giáo mà chúng ta đại diện... Là những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta được kêu gọi trở thành 'những người đối thoại' đích thực, hợp tác vào việc xây dựng hòa bình không phải với tư cách là người trung gian mà là những người hòa giải đích thực. Người trung gian tìm cách giảm giá cho mọi người, nhưng cuối cùng là để thu được điều gì đó cho chính họ. Trái lại, người hòa giải là người không giữ lại gì cho mình, nhưng đúng hơn, quảng đại tiêu hao mình đến cùng kiệt, biết rằng điều duy nhất thu được là hòa bình. Mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành nghệ nhân của hòa bình, bằng cách hợp nhất chứ không chia rẽ, bằng cách dập tắt hận thù chứ không duy trì nó, bằng cách mở ra những nẻo đường đối thoại chứ không phải bằng cách xây dựng những bức tường mới"[283].

Một lời kêu gọi

285. Trong cuộc gặp gỡ huynh đệ của tôi với Ðại Imam Ahmad Al-Tayyeb, một cuộc gặp gỡ mà tôi vui mừng nhớ lại, "chúng tôi kiên quyết [tuyên bố] rằng các tôn giáo không bao giờ được xúi giục chiến tranh, các thái độ thù hận, sự thù địch và chủ nghĩa cực đoan, cũng như không xúi giục bạo lực hoặc đổ máu. Những thực tại bi thảm này là hậu quả của việc đi lệch ra ngoài các giáo huấn tôn giáo. Chúng là kết quả của sự thao túng chính trị đối với các tôn giáo và những diễn giải của các nhóm tôn giáo, trong quá trình lịch sử, từng lợi dụng sức mạnh của tình cảm tôn giáo nơi trái tim những người đàn ông và đàn bà... Thiên Chúa, Ðấng Toàn năng, không cần được được bất cứ ai bênh vực và không muốn tên Ngưới bị sử dụng để khủng bố người ta"[284]. Vì lý do này, tôi xin nhắc lại ở đây lời kêu gọi cho hòa bình, công lý và tình huynh đệ mà chúng tôi đã cùng nhau thực hiện:

"Nhân danh Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng nên mọi con người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em, đổ đầy trái đất và làm mọi người biết đến các giá trị tốt lành, yêu thương và hòa bình;

"Nhân danh mạng sống con người vô tội mà Thiên Chúa vốn cấm giết khi khẳng định rằng ai giết một người thì coi như giết cả nhân loại, ai cứu một người thì coi như cứu cả nhân loại;

"Nhân danh người nghèo, người túng thiếu, người thiệt thòi và những người thiếu thốn nhất, những người mà Thiên Chúa đã truyền cho chúng ta phải giúp đỡ như một bổn phận bắt buộc đối với mọi người, đặc biệt là những người giàu có và những người có phương tiện;

"Nhân danh trẻ mồ côi, góa phụ, người tị nạn và những người bị đày ải khỏi nhà cửa và đất nước của họ; nhân danh tất cả các nạn nhân của chiến tranh, bách hại và bất công; nhân danh kẻ yếu, những người sống trong sợ hãi, các tù nhân chiến tranh và những người bị tra tấn ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bất phân biệt;

"Nhân danh những dân tộc đã mất an ninh, hòa bình và khả thể chung sống với nhau, trở thành nạn nhân của sự hủy diệt, thiên tai và chiến tranh;

"Nhân danh tình huynh đệ nhân bản, tình huynh đệ bao gồm mọi hữu thể nhân bản, hợp nhất họ và làm cho họ bình đẳng;

"Nhân danh tình huynh đệ từng bị xé nát bởi các chính sách cực đoan và chia rẽ, bởi các hệ thống lợi nhuận không ai kiềm chế được hoặc bởi các khuynh hướng ý thức hệ thù hận chuyên thao túng các hành động và tương lai của những người đàn ông và đàn bà;

"Nhân danh tự do, mà Thiên Chúa đã ban cho mọi hữu thể nhân bản, tạo ra họ tự do và đặt họ riêng ra bằng ơn phúc này;

"Nhân danh công lý và lòng thương xót, vốn là các nền tảng của thịnh vượng và đá góc của đức tin;

"Nhân danh mọi người thiện chí hiện diện ở mọi nơi trên thế giới;

"Nhân danh Thiên Chúa và mọi điều đã đề cập trên đây, [chúng tôi] tuyên bố việc chấp nhận nền văn hóa đối thoại làm con đường; hợp tác lẫn nhau làm quy tắc ứng xử; sự hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn"[285].

286. Trong những trang suy tư về tình huynh đệ phổ quát này, tôi cảm thấy được đặc biệt truyền cảm hứng bởi Thánh Phanxicô thành Assisi, nhưng cũng bởi những người anh chị em khác của chúng ta không phải là người Công Giáo: Martin Luther King, Desmond Tutu, Mahatma Gandhi và nhiều người khác. Tuy nhiên, tôi xin kết thúc bằng cách đề cập đến một người khác có đức tin sâu sắc, người, nhờ dựa vào cảm nghiệm mãnh liệt của mình về Thiên Chúa, đã thực hiện một cuộc hành trình biến đổi để cảm nhận mình như người anh em của mọi người. Tôi muốn nói tới Chân phúc Charles de Foucauld.

287. Chân phúc Charles de Foucault đã hướng lý tưởng hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa của mình vào sự đồng nhất hóa với người nghèo, bị bỏ rơi trong thẳm sâu sa mạc Châu Phi. Trong khung cảnh đó, ngài bày tỏ mong muốn được cảm nhận mình như người anh em của mọi người[286], và đã yêu cầu một người bạn "cầu nguyện cùng Thiên Chúa để tôi thực sự là anh em của tất cả mọi người"[287]. Cuối cùng, ngài muốn trở thành "người anh em phổ quát" [288]. Tuy nhiên, chỉ bằng cách đồng nhất hóa với những người nhỏ bé nhất, cuối cùng ngài mới trở thành người anh em của mọi người. Xin Thiên Chúa linh hứng ước mơ đó trong mỗi người chúng ta. Amen.

Lời cầu nguyện với Ðấng tạo dựng

Lạy Chúa, Cha của gia đình nhân loại chúng con,

Cha đã tạo dựng mọi hửu thể nhân bản bình đẳng về phẩm giá:

tuôn đổ vào tâm hồn chúng con một tinh thần huynh đệ

và linh hứng nơi chúng con một giấc mơ gặp gỡ đổi mới,

đối thoại, công lý và hòa bình.

Xin Cha thúc đẩy chúng con tạo ra các xã hội lành mạnh hơn

và một thế giới xứng đáng hơn,

một thế giới không có đói, nghèo, bạo lực và chiến tranh.

Xin cho trái tim chúng con cởi mở đối với mọi dân tộc và các quốc gia trên trái đất.

Xin cho chúng con nhận biết sự tốt lành và vẻ đẹp mà Cha đã gieo nơi mỗi người chúng con,

và do đó tạo nên mối dây hợp nhất, các dự án chung,

và các giấc mơ chung. Amen.

Một lời cầu nguyện đại kết Kitô giáo

Lạy Thiên Chúa, Ba Ngôi tình yêu,

từ sự hiệp thông sâu sắc của sự sống thần thiêng của Chúa,

xin tuôn đổ trên chúng con suối lượng tình yêu huynh đệ.

Xin ban cho chúng con tình yêu phản ảnh trong các hành động của Chúa Giêsu,

trong gia đình Nadarét của Người,

và trong cộng đồng Kitô giáo tiên khởi.

Xin ban ơn để Kitô hữu chúng con biết sống theo Tin Mừng,

khám phá ra Chúa Kitô trong mỗi hữu thể nhân bản,

nhận ra Người bị đóng đinh

trong những đau khổ của những người bị bỏ rơi

và bị lãng quên trong thế giới của chúng con,

và sống lại trong mỗi anh chị em

đang thực hiện một khởi đầu mới.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến chỉ cho chúng con thấy vẻ đẹp của Chúa,

phản ảnh trong mọi dân tộc trên trái đất,

để chúng con có thể khám phá lại điều này là mọi người đều quan trọng và đều cần thiết,

những khuôn mặt khác nhau của một nhân loại được Thiên Chúa rất yêu thương. Amen.

 

Ban hành tại Assisi, tại mộ của Thánh Phanxicô,

vào ngày 3 tháng 10, Vọng Lễ của Thánh Nhân, năm 2020,

năm thứ tám triều Giáo hoàng của tôi.

Franciscus

- - - - - - - - - - -

 

[259] Hội Ðồng Giám Mục Ấn độ, Response of the Church in India to the Present-day Challenges (9 Tháng 3 2016).

[260] Bài giảng trong Thánh Lễ tại Nhà Thánh Martha (17 Tháng 5 2020).

[261] Ðức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 19: AAS 101 (2009), 655.

[262] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1 Tháng 5 1991), 44: AAS 83 (1991), 849.

[263] Diễn văn với Các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Khác và Các Tín phái Kitô giáo khác, Tirana, Albania (21 Tháng 9 2014): Insegnamenti II, 2 (2014), 277.

[264] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L'Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 6.

[265] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 256: AAS 105 (2013), 1123.

[266] Ðức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25 Tháng 12 2005), 28: AAS 98 (2006), 240.

[267] "Con người là một con vật chính trị", ARISTOTLE, Politics, 1253a 1-3.

[268] Ðức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 11: AAS 101 (2009), 648.

[269] Diễn văn với Cộng đồng Công Giáo, Rakovski, Bulgaria (6 Tháng 5 2019): L'Osservatore Romano, 8 Tháng 5 2019, p. 9.

[270] Bài giảng lễ, Santiago de Cuba (22 Tháng 9 2015): AAS 107 (2015), 1005.

[271] Công Ðồng Vatican II, Tuyên ngôn về Mối Liên hệ của Giáo Hội với các Tôn giáo không phải Kitô giáo, Nostra Aetate, 2.

[272] Buổi cầu nguyện đại kết Riga, Latvia (24 Tháng 9 2018): L'Osservatore Romano, 24-25 Tháng 9 2018, p. 8.

[273] Lectio Divina, Pontifical Lateran University, Rome (26 Tháng 3 2019): L'Osservatore Romano, 27 Tháng 3 2019, p. 10.

[274] Thánh Phaolô VI, Thông điệp Ecclesiam Suam (6 Tháng 8 1964): AAS 56 (1964), 650.

[275] Diễn văn với Nhà Cầm quyền Dân sự, Bethlehem, Palestine (25 Tháng 5 2014): Insegnamenti II, 1 (2014), 597.

[276] Enarrationes in Psalmos, 130, 6: PL 37, 1707.

[277] Tuyên bố chung của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng phụ Ðại kết, Jerusalem (25 Tháng 5 2014), 5: L'Osservatore Romano, 26-27 Tháng 5 2014, p. 6.

[278] Từ cuốn phim Pope Francis: A Man of His Word, của Wim Wenders (2018).

[279] Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Querida Amazonia (2 Tháng 2 2020), 106.

[280] Bài giảng lễ, Colombo, Sri Lanka (14 Tháng 1 2015): AAS 107 (2015), 139.

[281] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L'Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 7.

[282] Diễn văn với Nhà Cầm quyền Dân sự, Sarajevo, Bosnia-Herzegovina (6 Tháng 6 2015): L'Osservatore Romano, 7 Tháng 6 2015, p. 7.

[283] Diễn văn với Hội nghị Quốc tế về Hòa bình do cộng đồng Sant'Egidio tổ chức (30 Tháng 9 2013): Insegnamenti I, 1 (2013), 301-302.

[284] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L'Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 6.

[285] Ðã dẫn.

[286] Xem CHARLES DE FOUCAULD, Méditation sur le Notre Père (23 Tháng 1 1897).

[287] Letter to Henry de Castries (29 Tháng 11 1901).

[288] Letter to Madame de Bondy (7 Tháng 1 1902). Thánh Phaolô VI dùng các lời này để ca ngợi việc dấn thân của bà: Thông điệp Populorum Progressio (26 Tháng 3 1967): AAS 59 (1967), 263.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page