Thông Ðiệp Fratelli Tutti

Tất Cả Anh Em

của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô

(Bản dịch Việt ngữ của Vũ Văn An)

 

Chương 6

Ðối Thoại Và Tình Hữu Nghị Trong Xã Hội

 

198. Tiếp cận, nói chuyện, lắng nghe, nhìn nhau, tiến đến chỗ biết và hiểu nhau, và tìm cơ sở chung: tất cả những điều này được tóm gọn trong một chữ "đối thoại". Nếu chúng ta muốn gặp gỡ và giúp đỡ nhau, chúng ta phải đối thoại. Tôi không cần phải nhấn mạnh các ơn ích của việc đối thoại. Tôi chỉ cần nghĩ tới việc thế giới của chúng ta sẽ ra sao nếu không có cuộc đối thoại kiên nhẫn của những con người rộng lượng, những người giữ cho các gia đình và cộng đồng ở lại với nhau. Không giống như bất đồng và xung đột, cuộc đối thoại kiên trì và can đảm không tạo ra những hàng tít lớn, nhưng lặng lẽ giúp thế giới sống tốt hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

Ðối Thoại Xã Hội Cho Một Nền Văn Hóa Mới

199. Một số người cố gắng trốn chạy thực tại, trú ẩn trong thế giới nhỏ bé của riêng họ; những người khác phản ứng thực tại bằng bạo lực hủy diệt. Tuy nhiên, "giữa sự thờ ơ ích kỷ và sự phản kháng bạo động luôn có một lựa chọn khả hữu khác: đó là lựa chọn đối thoại. Ðối thoại giữa các thế hệ; đối thoại trong nhân dân, vì chúng ta hết thẩy là dân tộc, có khả năng cho và nhận, trong khi vẫn cởi mở đối với sự thật. Một quốc gia phát triển mạnh mẽ khi cuộc đối thoại xây dựng diễn ra giữa nhiều thành tố văn hóa phong phú của nó: văn hóa đại chúng, văn hóa đại học, văn hóa tuổi trẻ, văn hóa nghệ thuật, văn hóa kỹ thuật, văn hóa kinh tế, văn hóa gia đình và văn hóa truyền thông"[196].

200. Ðối thoại thường bị nhầm lẫn với một điều khá khác biệt: nóng nẩy trao đổi ý kiến trên mạng xã hội, thường dựa trên thông tin truyền thông không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Những cuộc trao đổi này chỉ đơn thuần là những cuộc độc thoại song hành. Chúng có thể thu hút sự chú ý bởi giọng điệu gay gắt và hung hãn. Nhưng các cuộc độc thoại không lôi kéo được ai và nội dung của chúng thường mang tính tự phục vụ và mâu thuẫn.

201. Thật vậy, vô số sự kiện và ý kiến ồn ào của truyền thông thường gây trở ngại cho đối thoại, vì nó cho phép mọi người ương ngạnh bám lấy các ý tưởng, sở thích và lựa chọn riêng của họ, với lời bào chữa rằng mọi người khác đều sai lầm. Việc làm mất uy tín và nhục mạ đối thủ ngay từ đầu trở nên dễ dàng hơn là việc mở ra một cuộc đối thoại tương kính nhằm đạt được một thỏa thuận ở bình diện sâu sắc hơn. Tệ hơn nữa, loại ngôn ngữ này, thường được rút tỉa từ việc đưa tin của các phương tiện truyền thông về các chiến dịch chính trị, đã trở nên phổ biến đến độ trở thành một phần của cuộc trò chuyện hàng ngày. Cuộc thảo luận thường bị thao túng bởi các nhóm quyền lợi đặc biệt có quyền thế, những người tìm cách làm cho dư luận nghiêng một cách bất công về phía có lợi cho họ. Loại thao túng này có thể được thực hiện không những nơi các chính phủ, mà cả trong kinh tế, chính trị, truyền thông, tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác. Người ta đưa ra nhiều cố gắng nhằm biện minh hoặc bào chữa cho loại thao túng đó khi nó có xu hướng phục vụ quyền lợi kinh tế hoặc ý thức hệ của riêng họ, nhưng sớm hay muộn nó sẽ quay lưng chống lại chính những quyền lợi đó.

202. Thiếu đối thoại có nghĩa là trong những lĩnh vực riêng lẻ này, người ta quan tâm không phải đối với lợi ích chung, mà đối với lợi ích của quyền lực hoặc, cùng lắm, cũng là để tìm cách áp đặt các ý nghĩ của riêng họ. Vì vậy, bàn tròn trở thành những phiên đàm phán đơn thuần, trong đó các cá nhân cố gắng nắm bắt mọi lợi thế có thể có, thay vì hợp tác để theo đuổi lợi ích chung. Các bậc anh hùng trong tương lai sẽ là những người có thể phá vỡ cái khung suy nghĩ không lành mạnh này và kính cẩn cương quyết tôn trọng tính trung thực, vượt lên trên quyền lợi bản thân. Nhờ ý Thiên Chúa, những bậc anh hùng như vậy đang âm thầm xuất hiện, ngay lúc này, ở giữa lòng xã hội của chúng ta.

Cùng nhau xây dựng

203. Ðối thoại xã hội chân chính bao gồm khả năng tôn trọng quan điểm của người khác và thừa nhận rằng nó có thể bao gồm những xác tín và mối quan tâm chính đáng. Dựa trên danh tính và kinh nghiệm của họ, những người khác có điều để đóng góp và người ta mong muốn rằng họ nên trình bày rõ ràng các lập trường của họ có lợi cho một cuộc tranh luận công khai hữu hiệu hơn. Khi các cá nhân hoặc các nhóm nhất quán trong suy nghĩ của họ, chịu bảo vệ các giá trị và niềm tin của họ, và khai triển lập luận của họ, thì điều này chắc chắn có lợi cho xã hội. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra theo mức độ có sự đối thoại chân chính và cởi mở với người khác. Thật vậy, "trong tinh thần đối thoại thực sự, chúng ta lớn lên trong khả năng nắm bắt được tầm quan trọng của những gì người khác nói và làm, ngay cả khi chúng ta không thể chấp nhận nó làm niềm tin của chính mình. Nhờ cách này, ta có thể thẳng thắn và cởi mở đối với niềm tin của chúng ta, trong khi tiếp tục thảo luận, tìm kiếm các điểm tiếp xúc, và trên hết, cùng làm việc và đấu tranh với nhau"[197]. Thảo luận công khai, nếu thực sự biết dành chỗ cho mọi người và không thao túng hoặc che giấu thông tin, là một kích thích liên tục để nắm bắt sự thật một cách tốt hơn, hoặc ít nhất để diễn đạt nó cách hữu hiệu hơn. Nó giữ cho các khu vực khác nhau không trở nên tự mãn và tự cho mình là trung tâm trong quan điểm và những mối quan tâm hạn chế của họ. Chúng ta đừng quên rằng "các dị biệt có tính sáng tạo; chúng tạo ra căng thẳng và nhờ việc giải quyết căng thẳng, nhân loại mới có sự tiến bộ"[198].

204. Càng ngày, người ta càng xác tín rằng, cùng với các tiến bộ khoa học chuyên ngành, chúng ta cần có việc truyền đạt liên ngành lớn lao hơn. Mặc dù thực tại là một, nhưng nó có thể được tiếp cận từ nhiều góc độ và phương pháp luận khác nhau. Có nguy cơ này là một tiến bộ khoa học đơn nhất được coi như lăng kính khả hữu duy nhất để xem xét một khía cạnh đặc thù của cuộc sống, của xã hội và của thế giới. Các nhà nghiên cứu nào, tuy là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, nhưng cũng quen thuộc với những phát hiện của các ngành khoa học và các môn học khác, là những người biết phân định các khía cạnh khác của đối tượng nghiên cứu của họ và do đó có thể cởi mở đối với một nhận thức toàn diện và toàn vẹn hơn về thực tại.

205. Trong thế giới hoàn cầu hóa ngày nay, "các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta cảm thấy gần gũi với nhau hơn, cảm nhận được tính hợp nhất của gia đình nhân loại, từ đó có thể gợi hứng cho tình liên đới và nỗ lực nghiêm túc để bảo đảm một cuộc sống xứng đáng hơn cho mọi người... Các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta rất nhiều trong việc này, nhất là ngày nay, khi các mạng lưới truyền thông của con người đã có những bước tiến chưa từng thấy. Ðặc biệt, Internet mang lại nhiều khả thể gặp gỡ và liên đới vô cùng to lớn. Ðây là một điều thực sự tốt đẹp, một ơn phúc của Thiên Chúa"[199]. Chúng ta cần liên tục bảo đảm để các hình thức truyền thông ngày nay thực sự hướng dẫn chúng ta tới cuộc gặp gỡ phong phú với người khác, trung thực theo đuổi toàn bộ sự thật, phục vụ, gần gũi với những người kém may mắn và cổ vũ công ích. Như các Giám mục Úc đã chỉ ra, chúng ta không thể chấp nhận "một thế giới kỹ thuật số được thiết kế để khai thác các nhược điểm của chúng ta và chỉ mang ra những điều tồi tệ nhất nơi con người"[200].

Cơ sở của đồng thuận

206. Thuyết tương đối không phải là giải pháp. Dưới chiêu bài khoan dung, thuyết tương đối cuối cùng trao cách giải thích các giá trị đạo đức cho những người nắm quyền, để được định nghĩa theo ý thích của họ. "Trong trường hợp thiếu sự thật khách quan hoặc các nguyên tắc lành mạnh khác hơn việc thỏa mãn các mong muốn riêng và các nhu cầu trước mắt của chúng ta... chúng ta không nên nghĩ rằng các cố gắng chính trị hoặc sức mạnh pháp luật đã là đủ... Khi chính văn hóa bị băng hoại, và sự thật khách quan và các nguyên tắc có giá trị phổ quát không còn được duy trì, thì pháp luật chỉ có thể được coi như những áp đặt độc đoán hoặc các trở ngại cần phải tránh"[201].

207. Liệu ta có thể quan tâm đến sự thật, tìm kiếm sự thật có thể giải đáp ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc sống không? Luật pháp là gì nếu không có sự xác tín, phát sinh từ những suy tư lâu đời và túi khôn vĩ đại, rằng mỗi con người đều thánh thiêng và bất khả xâm phạm? Nếu muốn có một tương lai, xã hội phải tôn trọng sự thật về nhân phẩm của chúng ta và phục tùng sự thật đó. Giết người không sai chỉ vì nó không được xã hội chấp nhận và bị pháp luật trừng phạt, mà vì một xác tín sâu sắc hơn. Ðây là một sự thật không thể thương lượng đạt được bằng cách sử dụng lý trí và được chấp nhận trong lương tâm. Một xã hội sở dĩ cao quý và đứng đắn đặc biệt là nhờ biết nâng đỡ việc theo đuổi chân lý và tuân thủ điều căn bản nhất của các chân lý.

208. Chúng ta cần học cách vạch trần những cách khác nhau trong việc thao túng, bóp méo và che giấu sự thật trong ngôn từ công khai và riêng tư. Ðiều chúng ta gọi là "sự thật" không những chỉ là việc tường thuật các sự kiện và biến cố, như chúng ta thấy trên các báo chí hàng ngày. Nó chủ yếu là việc tìm kiếm các nền tảng vững chắc nâng đỡ các quyết định và luật lệ của chúng ta. Ðiều này đòi hỏi phải thừa nhận rằng tâm trí con người có khả năng vượt qua những mối quan tâm tức thời và nắm bắt một số sự thật bất biến, đúng bây giờ cũng như trong quá khứ. Nhờ biết nhìn vào bản chất của con người, lý trí khám phá ra những giá trị phổ quát bắt nguồn từ cùng một bản chất đó.

209. Nếu không, há không thể quan niệm được việc những nhân quyền căn bản mà ngày nay chúng ta vốn coi như không thể tấn công sẽ bị những người cầm quyền bác bỏ, một khi họ đã đạt được "sự đồng thuận" của một quần chúng thờ ơ hoặc bị đe dọa đó sao? Mà một sự đồng thuận đơn thuần giữa các quốc gia khác nhau, tự nó dễ bị thao túng y như thế, cũng không đủ để bảo vệ chúng. Chúng ta có dư bằng chứng cho thấy chúng ta có thể có nhiều điều tốt đẹp, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận tính phá hoại vốn có trong chúng ta. Há sự thờ ơ và chủ nghĩa cá nhân vô tâm mà chúng ta từng sa vào cũng không là kết quả của việc chúng ta lười biếng trong việc theo đuổi các giá trị cao hơn, các giá trị vượt lên trên nhu cầu trước mắt của chúng ta đó sao? Thuyết tương đối luôn mang đến nguy cơ này là điều này hoặc điều nọ được cho là sự thật sẽ bị những kẻ nắm quyền hoặc người khôn khéo áp đặt. Tuy nhiên, "khi nói đến các quy tắc đạo đức ngăn cấm điều ác nội tại, thì không có đặc quyền hay ngoại lệ nào dành cho bất cứ ai. Không có gì khác biệt cho dù ai đó là chủ nhân của thế giới hay là người 'nghèo nhất trong số những người nghèo' trên trái đất. Trước các đòi hỏi đạo đức, tất cả chúng ta đều tuyệt đối bình đẳng"[202].

210. Ðiều đang xảy ra hiện nay và lôi kéo chúng ta vào một lối suy nghĩ đồi bại và cằn cỗi, là việc giản lược đạo đức và chính trị thành vật lý. Sự thiện và sự ác không còn hiện hữu trong chính chúng nữa; chỉ còn phép giải tích lợi hại và nặng nhẹ. Do sự chuyển vị lý luận đạo đức, luật pháp không còn được coi như phản ảnh ý niệm công lý căn bản mà như phản chiếu các ý niệm đang thịnh hành. Do đó có sự suy sụp: mọi sự đều bị "san bằng thấp xuống như nhau" bởi một đồng thuận đổi trao phiến diện. Cuối cùng, luật của kẻ mạnh nhất thắng thế.

Ðồng thuận và sự thật

211. Trong một xã hội đa nguyên, đối thoại là cách tốt nhất để nhận ra điều phải luôn được khẳng định và tôn trọng bất kể sự đồng thuận phù phiếm nào. Cuộc đối thoại như vậy cần được làm phong phú và soi sáng bởi các biện minh, các lập luận hợp lý, một loạt các viễn ảnh và sự đóng góp của nhiều lĩnh vực nhận thức và quan điểm khác nhau. Cuộc đối thoại này cũng không được loại trừ xác tín cho rằng có thể đạt được một số chân lý nền tảng nào đó luôn cần được đề cao. Thừa nhận sự hiện hữu của một số giá trị lâu dài nào đó, dù không phải lúc nào cũng dễ biện phân ra chúng, mang lại sự vững chắc và ổn định cho một nền đạo đức xã hội. Ngay cả khi các giá trị căn bản đó được thừa nhận và chấp nhận nhờ đối thoại và đồng thuận, chúng ta thấy chúng vẫn vượt lên trên bất cứ sự đồng thuận nào; chúng ta thừa nhận chúng như các giá trị vượt quá các bối cảnh của chúng ta và không bao giờ thương lượng được. Sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa và tầm quan trọng của chúng có thể gia tăng - và theo nghĩa này, sự đồng thuận là một điều có tính năng động - nhưng tự thân, chúng được coi như ổn định nhờ ý nghĩa nội tại của chúng.

212. Nếu một điều gì đó luôn phục vụ sự vận hành tốt đẹp của xã hội, há chẳng phải vì, nằm ở bên kia nó, có một sự thật lâu dài mà trí khôn ta có thể tiếp cận được đó sao? Nội tại trong bản chất của con người và xã hội vốn hiện hữu một số cơ cấu căn bản nào đó để hỗ trợ chúng ta phát triển và sinh tồn. Do đó, mà có một số yêu cầu và các yêu cầu này có thể được phát hiện nhờ đối thoại, mặc dù, nói một cách chính xác, chúng không được đồng thuận tạo ra. Sự kiện một số quy tắc nào đó cấp thiết đối với chính cuộc sống của xã hội là một dấu hiệu cho thấy chúng vốn tốt trong và tự chúng. Vì vậy, không cần thiết phải tương phản lợi ích của xã hội, sự đồng thuận và thực tại của sự thật khách quan. Ba thực tại này có thể được hòa hợp bất cứ khi nào, nhờ đối thoại, người ta không sợ đi vào trọng tâm của một vấn đề.

213. Phẩm giá của người khác phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, không phải vì phẩm giá đó là điều chúng ta đã sáng chế hay tưởng tượng ra, mà bởi vì con người sở hữu một giá trị nội tại vượt lên trên giá trị của các đồ vật vật chất và các tình huống không nhất thiết. Ðiều này đòi hỏi họ phải được đối xử khác khau. Sự kiện mỗi hữu thể nhân bản đều có một phẩm giá bất khả chuyển nhượng là một chân lý tương ứng với bản chất con người bất chấp mọi thay đổi văn hóa. Vì lý do này, con người có phẩm giá bất khả xâm phạm như nhau trong mọi thời đại của lịch sử và không ai có thể tự cho mình là người được ủy quyền bởi bất cứ tình huống đặc thù nào có thể bác bỏ xác tín này hoặc hành động chống lại nó. Trí khôn có thể tìm hiểu thực tại của sự vật qua suy tư, kinh nghiệm và đối thoại, và tiến đến chỗ nhận ra trong thực tại đó, một thực tại vốn vượt quá nó, cơ sở của một số đòi hỏi đạo đức phổ quát nào đó.

214. Ðối với những người bất khả tri, nền tảng này có thể chứng tỏ là đủ để đem lại một giá trị phổ quát vững chắc và ổn định cho các nguyên tắc đạo đức căn bản và không thể thương lượng có thể giúp ngăn ngừa các thảm họa hơn nữa. Là các tín hữu, chúng ta tin chắc rằng bản chất con người, vốn là nguồn gốc của các nguyên tắc đạo đức, được Thiên Chúa tạo dựng, và cuối cùng chính Người là Ðấng ban nền tảng vững chắc cho những nguyên tắc này[203]. Ðiều này không dẫn đến tính cứng ngắc đạo đức cũng như không dẫn đến việc áp đặt bất cứ hệ thống đạo đức nào, vì các nguyên tắc đạo đức có giá trị từ trong nền tảng và một cách phổ biến có thể được hiện thân trong các quy tắc thực tiễn khác nhau. Vì vậy, luôn có chỗ dành cho đối thoại.

Một Nền Văn Hóa Mới

215. "Cuộc sống, dù với mọi việc đối đầu của nó, vẫn là một nghệ thuật gặp gỡ"[204]. Tôi đã thường xuyên kêu gọi sự phát triển một nền văn hóa gặp gỡ có khả năng vượt quá các khác biệt và chia rẽ của chúng ta. Ðiều này có nghĩa là làm việc để tạo ra một khối đa diện có nhiều phía khác nhau nhưng tạo thành một thể thống nhất sặc sỡ, trong đó "tổng thể lớn hơn một phần"[205]. Hình ảnh khối đa diện có thể tượng trưng cho một xã hội trong đó, các khác biệt cùng hiện hữu, bổ sung, làm phong phú và soi sáng lẫn nhau, ngay cả giữa những bất đồng và dè dặt. Mỗi chúng ta đều có thể học được điều gì đó từ những người khác. Không ai là vô dụng và không ai có thể bị hy sinh. Ðiều này cũng có nghĩa phải tìm cách bao gồm những người hiện nằm ở ngoại vi cuộc sống. Vì họ có cách nhìn khác về sự việc; họ nhìn thấy các khía cạnh của thực tại vốn vô hình đối với các trung tâm quyền lực nơi đưa ra các quyết định quan trọng.

Cuộc gặp gỡ trở thành văn hóa

216. Chữ "văn hóa" chỉ một điều đã ăn sâu vào một dân tộc, các xác tín trân trọng nhất và cách sống của họ. Nền "văn hóa" của một dân tộc không chỉ là một ý tưởng trừu tượng. Nó liên hệ đến các ước nguyện của họ, sở thích của họ và cuối cùng cách họ sống cuộc sống của họ. Nói đến nền "văn hóa gặp gỡ" có nghĩa là chúng ta, như một dân tộc, nên say mê với việc gặp gỡ người khác, tìm kiếm các điểm tiếp xúc, xây dựng những cầu nối, lập kế hoạch cho một dự án bao gồm mọi người. Ðiều này trở thành một khát vọng và một lối sống. Chủ thể của nền văn hóa này là nhân dân, chứ không đơn giản chỉ là một bộ phận của xã hội nhằm làm an tâm những người còn lại với sự giúp đỡ của các nguồn lực chuyên môn và các phương tiện truyền thông.

217. Hòa bình xã hội đòi hỏi sự chăm chỉ, lành nghề. Sẽ dễ dàng hơn nếu chỉ kiểm soát các quyền tự do và sự khác biệt bằng sự khôn khéo và một ít nguồn lực. Nhưng một nền hòa bình như thế sẽ hời hợt và mong manh, chứ không phải là thành quả của một nền văn hóa gặp gỡ nhằm mang lại sự ổn định lâu dài. Hòa nhập các khác biệt là một diễn trình khó khăn và chậm chạp hơn nhiều, nhưng nó bảo đảm một nền hòa bình chân chính và lâu dài. Hòa bình đó không thể đạt được chỉ nhờ vào những người trong sạch và không bị ô uế, vì "ngay cả những người có thể bị coi là đáng nghi vấn do lỗi lầm của họ cũng có một điều gì đó để cung hiến mà ta không được bỏ qua"[206]. Nó cũng không phát xuất từ việc phớt lờ các đòi hỏi của xã hội hoặc chế ngự các xáo trộn, vì nó không phải là "một đồng thuận trên giấy tờ hay một nền hòa bình nhất thời cho một thiểu số hài lòng"[207]. Ðiều quan trọng là tạo ra các diễn trình gặp gỡ, các diễn trình nhằm xây dựng một dân tộc biết chấp nhận các khác biệt. Chúng ta hãy trang bị cho con cái chúng ta bằng các vũ khí đối thoại! Chúng ta hãy dạy chúng chiến đấu cho cuộc chiến văn hóa gặp gỡ tốt đẹp!

Niềm vui thừa nhận người khác

218. Tất cả những điều trên đòi hỏi khả năng biết thừa nhận quyền của người khác được là chính họ và được khác biệt. Sự thừa nhận này, khi trở thành một nền văn hóa, có thể tạo ra một giao ước xã hội. Không có nó, nhiều cách tinh vi có thể được tạo ra nhằm biến người khác trở thành vô nghĩa, không còn liên quan, không có giá trị gì đối với xã hội. Trong khi bác bỏ một số hình thức bạo lực trông thấy, một loại bạo lực khác xảo quyệt hơn có thể bắt rễ: bạo lực của những người coi thường những người khác biệt, đặc biệt khi các yêu cầu của những người này làm tổn hại đến quyền lợi riêng của họ bất cứ cách nào.

219. Khi một bộ phận của xã hội khai thác tất cả những gì thế giới có nghĩa vụ cung ứng, hành động như thể người nghèo không hiện hữu, thì cuối cùng sẽ có hậu quả. Không sớm thì muộn, việc phớt lờ sự hiện hữu và quyền lợi của người khác sẽ bùng nổ dưới một số hình thức bạo lực, thường ít ngờ nhất. Tự do, bình đẳng và tình huynh đệ có thể vẫn chỉ là những lý tưởng cao cả trừ khi chúng được áp dụng cho mọi người. Cuộc gặp gỡ không thể diễn ra chỉ giữa những người nắm giữ quyền lực kinh tế, chính trị hoặc học thuật. Cuộc gặp gỡ xã hội chân chính đòi phải có một cuộc đối thoại dựa trên nền văn hóa được phần lớn dân số chia sẻ. Việc thường xảy ra là các ý tưởng tốt đẹp không được các thành phần nghèo hơn của xã hội chấp nhận vì chúng được trình bày trong một bộ áo văn hóa không phải của họ và họ không thể đồng nhất hóa với nó. Một giao ước xã hội thực tiễn và bao trùm cũng phải là một "giao ước văn hóa", một giao ước biết tôn trọng và thừa nhận các thế giới quan, các nền văn hóa và các lối sống khác nhau cùng hiện hữu với nhau trong xã hội.

220. Chẳng hạn, các dân tộc bản địa không phản đối sự tiến bộ, nhưng quan niệm của họ là một quan niệm khác về sự tiến bộ, thường mang tính nhân bản hơn so với nền văn hóa hiện đại của các dân tộc phát triển. Văn hóa của họ không phải là một nền văn hóa nhằm mang lại lợi ích cho những kẻ có quyền lực, những người được thúc đẩy tạo ra cho chính họ một loại thiên đường ở ngay trần gian này. Bất khoan dung và thiếu tôn trọng các nền văn hóa đại chúng bản địa là một hình thức bạo lực dựa trên cách nhìn chúng một cách lạnh lùng và mang tính phán xét. Không thể có sự thay đổi đích thực, sâu sắc và lâu dài trừ khi nó bắt đầu từ các nền văn hóa khác nhau, nhất là các nền văn hóa của người nghèo. Một giao ước văn hóa xa lánh lối hiểu độc khối (monilithic) về bản sắc của một nơi chốn đặc thù; nó bao hàm lòng tôn trọng đối với tính đa dạng bằng cách cung ứng các cơ hội thăng tiến và hòa nhập xã hội cho mọi người.

221. Một giao ước như vậy cũng đòi hỏi sự nhận thức ra rằng một số điều có thể bị bác bỏ vì lợi ích chung. Không ai có thể sở hữu toàn bộ sự thật hoặc thỏa mãn mọi mong muốn của mình, vì sự kỳ vọng đó sẽ dẫn đến việc triệt tiêu người khác bằng cách bác bỏ các quyền lợi của họ. Một khái niệm sai lầm về lòng khoan dung phải nhường chỗ cho một chủ nghĩa hiện thực đối thoại về phần những người đàn ông và những người đàn bà biết trung thành với các nguyên tắc của riêng họ trong khi thừa nhận rằng những người khác cũng có quyền làm như vậy. Ðây là sự thừa nhận người khác một cách chân chính mà chỉ có tình yêu mới làm cho khả hữu. Chúng ta phải đứng vào vị trí của người khác, nếu chúng ta muốn khám phá ra điều gì là chân chính, hoặc ít nhất có thể hiểu được, trong các động cơ và mối quan tâm của họ.

Phục Hồi Lòng Tốt

222. Chủ nghĩa cá nhân tiêu dùng đã dẫn đến sự bất công lớn. Những người khác bị xem như chỉ là trở ngại cho sự hiện hữu thanh thản của chúng ta; kết cục, chúng ta coi họ như những người làm ta khó chịu và chúng ta ngày càng trở nên hung hãn. Ðiều này càng đúng hơn trong thời kỳ khủng hoảng, thảm họa và khổ cực, khi chúng ta bị cám dỗ nghĩ theo câu nói cổ thời, "mọi người vì chính mình". Tuy nhiên, ngay cả những khi đó, chúng ta vẫn có thể quyết định chọn việc nuôi dưỡng lòng tốt. Những người làm như vậy trở thành những ngôi sao rạng sáng giữa bóng tối.

223. Thánh Phaolô mô tả lòng tốt (kindness) như hoa trái của Chúa Thánh Thần (Gl 5:22). Ngài sử dụng chữ Hy Lạp chrestótes, chữ này mô tả một thái độ hòa nhã, dễ chịu và hỗ trợ, không thô lỗ hay xỗ xàng. Những cá nhân có phẩm chất này thường giúp làm cho cuộc sống của người khác dễ chịu hơn, nhất là bằng cách chia sẻ gánh nặng các nan đề, nhu cầu và nỗi sợ hãi của họ. Cách đối xử với người khác này có thể mang nhiều hình thức khác nhau: một hành động tử tế, một sự quan tâm không xúc phạm bằng lời nói hoặc việc làm, một sự sẵn sàng làm nhẹ bớt gánh nặng của họ. Nó bao gồm việc "nói những lời khuyên giải, sức mạnh, an ủi và khuyến khích" chứ không phải "những lời nhằm hạ thấp, gây buồn bã, tức giận hoặc biểu lộ sự khinh bỉ"[208].

224. Lòng tốt giải thoát chúng ta khỏi sự độc ác đôi khi đầu độc các mối liên hệ của con người, khỏi sự lo lắng vốn ngăn cản chúng ta nghĩ đến người khác, khỏi những hoạt động cuồng nhiệt đến quên rằng người khác cũng có quyền được hạnh phúc. Ngày nay, chúng ta thường không có cả thời gian lẫn năng lực để dừng lại và đối xử tốt với người khác, để nói "xin lỗi", "bỏ quá cho", "cảm ơn". Tuy nhiên, thỉnh thoảng, một cách lạ lùng, một người tốt bụng bỗng xuất hiện và sẵn sàng gạt mọi sự khác sang một bên để thể hiện sự quan tâm, để ban tặng một nụ cười, để nói một lời động viên, lắng nghe giữa sự thờ ơ chung. Nếu chúng ta nỗ lực hàng ngày để thực hiện chính điều này, chúng ta có thể tạo ra một bầu không khí xã hội lành mạnh, trong đó những hiểu lầm có thể được khắc phục và xung đột được ngăn chặn. Lòng tốt cần được trau dồi; nó không phải là nhân đức tư sản hời hợt. Chính vì nó bao hàm lòng quý mến và tôn trọng người khác, nên một khi lòng tốt trở thành một nét văn hóa trong xã hội, nó sẽ biến đổi lối sống, các mối liên hệ và cách các ý tưởng được thảo luận và so sánh. Lòng tốt tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm sự đồng thuận; nó mở ra những nẻo đường mới trên đó sự thù địch và xung đột sẽ đốt cháy mọi cây cầu.

- - - - - - - - - -

 

[196] Gặp gỡ Các Nhà Lãnh đạo chính trị, Kinh tế và văn hóa Ba Tây, Rio de Janeiro, Brazil (27 Tháng 7 2013): AAS 105 (2013), 683-684.

[197] Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Querida Amazonia (2 Tháng 2 2020), 108.

[198] Từ cuốn phim Pope Francis: A Man of His Word, by Wim Wenders (2018).

[199] Thông điệp nhân ngày Truyền thông Thế giới (24 Tháng 1 2014): AAS 106 (2014), 113.

[200] Hội Ðồng Giám Mục Úc, Ủy ban Công lý, Sứ mệnh và Phục vụ Xã hội, Making It Real: Genuine Human Encounter in Our Digital World (Tháng 11 2019).

[201] Thông điệp Laudato Si' (24 Tháng 5 2015), 123: AAS 107 (2015), 896.

[202] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor (6 Tháng 8 1993), 96: AAS 85 (1993), 1209.

[203] Là các Kitô hữu, chúng ta cũng tin rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn thánh của Người giúp chúng ta hành động như anh chị em.

[204] VINICIUS DE MORAES, Samba da Bencão, từ cuốn băng Um encontro no Au bon Gourmet, Rio de Janeiro (2 Tháng 8 1962).

[205] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 237: AAS 105 (2013), 1116.

[206] Ðã dẫn, 236: AAS 105 (2013), 1115.

[207] Ðã dẫn, 218: AAS 105 (2013), 1110.

[208] Tông huấn Amoris Laetitia (19 Tháng 3 2016), 100: AAS 108 (2016), 351.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page