Tòa Thánh tái kêu gọi chống bom chùm
Tòa Thánh tái kêu gọi chống bom chùm.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Genève (RVA News 28-11-2020) - Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại các tổ chức Liên Hiệp Quốc, ở Genève Thụy Sĩ, Ðức Tổng giám mục Ivan Jurkovic, tái kêu gọi cộng đồng quốc tế chống bom chùm và đầu tư vào việc giải giáp.
Trong bài tham luận hôm 25 tháng 11 năm 2020, tại Hội nghị kỳ II duyệt lại Qui ước về các bom chùm, tiến hành dưới dạng trực tuyến, Ðức Tổng giám mục Jurkovic lấy làm tiếc vì chỉ tiêu 130 quốc gia ký vào Qui Ước chống bom chùm được đề ra cách đây 5 năm, cho đến nay vẫn chưa đạt được, "và điều đáng trách, đáng lo âu hơn nữa, đó là các bom chùm tiếp tục được sử dụng trong một số các cuộc xung đột, tạo nên các nạn nhân mới".
Và điều thiết yếu là Tòa Thánh kêu gọi cộng đồng quốc tế cấp thiết hành động ở các nơi để có sự gia tăng đầu tư vào việc giải trừ võ trang. Ðức Tổng giám mục Jurkovic nói: "Hễ chúng ta càng đầu tư vào việc giải trừ võ trang, thì chúng ta càng bớt phần chi phí trợ giúp nhân đạo cho các nạn nhân. Vì thế, Tòa Thánh tái kêu gọi tất cả các quốc gia chưa tham gia Qui ước chống bom chùm, hãy tham gia vào nỗ lực toàn cầu để cùng nhau xây dựng một thế giới an ninh hơn, vì trong quá khứ đã có quá nhiều nạn nhân, và còn có thể có những nạn nhân trong tương lai: chúng ta có thể bảo vệ sinh mạng của họ bằng cách thực thi hoàn toàn Qui ước chống bom chùm".
Lên tiếng về vấn đề di cư
Ngày hôm sau, 26 tháng 11 năm 2020, Tổng giám mục Jurkovic đã tham dự và lên tiếng tại khóa họp thứ 111 của Hội đồng thuộc Tổ chức Quốc tế về di cư, cũng tiến hành dưới dạng trực tuyến vì đại dịch.
Ðức Tổng giám mục nói: "Di cư là một hiện tượng tự nhiên và là một thực tại của con người từ thời xa xưa. Tuy nhiên, sự bành trướng của hiện tượng này ngày nay cần có một lối tiếp cận quyết liệt hơn để quản lý tốt hơn các vấn đề di cư. Ðiều đáng tiếc là trong khi lao công của những người di dân được nhiều nơi cần đến, nhưng họ thường bị xua đuổi và bị nhiều người đối xử, với thái độ duy lợi lộc trong những xã hội tiếp nhận họ. Thực tại đau thương này là một sự mâu thuẫn tỏ tường nảy sinh từ thái độ coi trọng lợi lộc kinh tế hơn con người. Trong thời đại Covid-19 này, sự mâu thuẫn đó càng tỏ tường hơn vì những công nhân bị thương tổn nhiều nhất chính là những người di dân".
Trong bài tham luận, Tổng giám mục Jurkovic cũng đề cập đến những vấn đề, như con cái của những người di dân, việc săn sóc sức khỏe... Vị đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cảnh giác chống lại bao nhiêu nguy hiểm và lạm dụng mà các trẻ vị thành niên di dân gặp phải. Các em thường không có người đi kèm, hoặc bị tách rời khỏi gia đình. Tất cả các em đều có những đòi hỏi và những quyền cá nhân, kể cả khi các em vượt qua các biên giới. Vì thế, Tòa Thánh kêu gọi các chính quyền làm sao để tất cả các chính sách liên hệ dành ưu tiên cho thiện ích của các em trong mọi lúc và mọi giai đoạn".
Về vấn đề săn sóc sức khỏe, Tổng giám mục Jurkovic than phiền vì giữa kỳ đại dịch nhiều người di dân càng dễ bị tổn thương hơn, vì họ không được săn sóc sức khỏe như những người dân khác, hoặc vì họ ở trong tình trạng bất hợp lệ, hoặc vì chính họ sợ bị giam cầm hoặc bị trục xuất, phát lưu, nên họ do dự không dám xin được săn sóc sức khỏe.
(Vatican News, CNA 26-11-2020)