Sứ điệp Ðức Hồng y Turkson

nhân ngày ngư nghiệp

 

Sứ điệp Ðức Hồng y Turkson nhân ngày ngư nghiệp.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 23-11-2020) - Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới về ngư nghiệp, cử hành vào thứ Bảy, 21 tháng 11 năm 2020, Ðức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, lưu ý về những vấn đề lớn đang đè nặng trên các ngư dân, nhất là những thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ðức Hồng y Turkson, người Ghana ghi nhận rằng ngư nghiệp là một trong những lãnh vực dễ bị tổn thương và bị thiệt hại rất nhiều về kinh tế do đại dịch gây ra. Trong ngành này, hiện có khoảng 59 triệu rưỡi người làm việc, phần lớn tại Á châu, chiếm khoảng 85% lực lượng lao động thế giới và 68% các ngư thuyền trên hoàn cầu. Ảnh hưởng này trước tiên do các biện pháp giới nghiêm, cách ly, đóng cửa các chợ, giảm sút làn sóng du lịch tại các khách sạn và quán ăn. Tình trạng này tạo ra những vấn đề lớn đối với việc bán cá tươi và các sản phẩm liên hệ, làm giảm giá ngư sản, và giảm các hoạt động chế biến cá cũng như mức tiêu thụ.

Ðức Hồng y Turkson đặc biệt tố giác nạn đánh cá bừa bãi, ồ ạt và bất hợp pháp trên thế giới, với những đoàn tàu đánh cá hùng hậu, không những vi phạm các luật về đánh cá, sự cạnh tranh chính đáng, nhưng còn làm cạn các nguồn hải sản, khiến cho các loại tôm cá không kịp sinh sản. Những tội ác đó chống lại các quyền con người và nghĩa vụ bảo vệ thiên nhiên, ảnh hưởng tiêu cực tới lương thực chất đạm tới toàn bộ dân chúng vốn sống bằng các hải sản.

Cũng nhân Ngày Thế giới về ngư nghiệp, Ðức Hồng y Bộ trưởng Bộ phát triển nhân bản toàn diện của Tòa Thánh nói về những điều kiện làm việc và an ninh của các ngư phủ, thường phải sống trong những không gian chật chội, không thể thay thế nhau và thiếu những phương thế bảo vệ cá nhân, khiến cho nguy cơ lây nhiễm Coronavirus trở nên mạnh mẽ. Vì thế, nhiều ngư phủ bị nhiễm virus mà không được săn sóc tức thời về y tế. Họ thiệt mạng và xác bị các đồng nghiệp an táng trong biển. Nhiều khi gia đình không biết về số phận những người thân của mình.

Ðức Hồng y Turkson không quên nhắc đến số phận khó khăn của các ngư phủ di dân, thiếu mọi cơ may làm việc, không có lợi tức và có nguy cơ bị buôn bán, hoặc bị kẹt tại những nước xa lạ, buộc lòng sống trong các trại di dân và tị nạn, chen chúc trong những điều kiện thiếu vệ sinh.

Trong bối cảnh đó, Ðức Hồng y kêu gọi gia tăng tình liên đới với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, theo tinh thần thông điệp Fratelli tutti của Ðức Thánh cha Phanxicô, nói về tình liên đới như một "dịch vụ", vác đỡ gánh nặng cho tha nhân và sự mong manh của họ. Ðức Hồng y Turkson mời gọi các chính quyền và các tổ chức quốc tế thực hiện những bước tiến cụ thể trong việc bảo vệ các quyền con người và lao động, bằng cách đề ra các luật lệ bảo vệ và chống lại những hiện tượng, như cưỡng bách lao động và buôn người.

(Rei 20-11-2020)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page