Ðức Thánh cha Phanxicô

và nghĩa vụ bảo vệ môi sinh

 

Ðức Thánh cha Phanxicô và nghĩa vụ bảo vệ môi sinh.

Phúc Nhạc

Vatican (RVA News 09-11-2020) - Theo tổ chức Lương Nông Quốc Tế, gọi tắt là FAO, trên trái đất chúng ta có 5 tỷ 500 triệu hecta rừng cây, và theo phúc trình mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu, gọi tắt là IPCC, để giảm bớt một độ rưỡi, độ C, sự hâm nóng trái đất trước năm 2050, cần có thêm một tỷ rừng cây nữa. Làm thế nào chúng ta có thể khởi đầu chiến dịch tạo thêm rừng cây? Thưa, thật là đơn sơ: bạn hãy kiếm hạt giống và những cây nhỏ để trồng.

Trong ý hướng trên đây, tại Italia có một tổ chức tên là "Cộng đoàn Laudato sì", là một liên mạng các công dân và hiệp hội được thành lập để cổ võ thực hành cụ thể giáo huấn của Ðức Thánh cha Phanxicô trong thông điệp Laudato sì, ban hành cách đây 5 năm, với mục đích động viên nhân loại, đặc biệt là các tín hữu Kitô, tham gia vào công trình bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại.

Hồi tháng 6 năm 2020, nhà khoa học Stefano Mancuso, Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc tế về sinh học thực vật (International Laboratory for Plant Neurobiology) và Ðức cha Domenico Pompili, giám mục giáo phận Rieti, nhân danh cộng đoàn Laudato sì đã cổ võ sáng kiến trồng cây. Họ đưa ra lời kêu gọi như sau:

"Chúng tôi xin mỗi công dân thiện chí, mỗi tổ chức thuộc bất kỳ loại nào và khuynh hướng nào, mỗi xí nghiệp công hoặc tư, cũng như chính quyền quốc gia hãy hợp với chúng tôi trong mục đích trồng 60 triệu cây tại Italia càng sớm càng tốt, mỗi cây tượng trưng một người dân nước này".

Theo những người cổ võ chiến dịch "thêm một cây", sáng kiến này là để góp phần đương đầu với nạn trái đất bị hâm nóng. "Chiến dịch này không hẳn giải quyết vấn đề, nhưng nó giúp chúng ta thay đổi lối sống, trong khi chờ đợi giải quyết được hiểm họa trái đất nóng thêm".

Thành phố Bra, có 30,000 dân ở miền Piemonte, tây bắc Italia, đã hưởng ứng sáng kiến vừa nói, và hôm 6 tháng 6 năm 2020, đã trồng bảy cây đầu tiên.. như một cử chỉ khởi đầu và hưởng ứng chiến dịch. Những cử chỉ bé nhỏ này nói lên sự dấn thân giáo dục quần chúng về nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Ðó cũng là điều thông điệp Laudato sì của Ðức Thánh cha bàn tới, trong chương 6 của Thông điệp.

Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quí và các bạn vài đoạn trong thông điệp Laudato sì của Ðức Thánh cha, qua đó ngài đề cao tầm quan trọng của việc giáo dục về sự tôn trọng môi sinh, tập thi hành những tập quán nho nhỏ nhưng góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường.

Trong đoạn số 209 của thông điệp, Ðức Thánh cha viết:

[209] "Ý thức cuộc khủng hoảng trầm trọng về văn hóa và môi sinh phải được biểu lộ qua những tập quán mới. Nhiều người biết rằng sự tiến bộ hiện nay và nguyên việc tích trữ các đồ vật hoặc lạc thú không đủ để mang lại ý nghĩa và niềm vui cho tâm hồn con người, nhưng họ không cảm thấy mình có khả năng từ bỏ những gì mà thị trường cống hiến cho họ. Tại những quốc gia, lẽ ra phải tạo nên những thay đổi lớn trong tập quán tiêu thụ, những người trẻ có một sự nhạy cảm mới về môi sinh và một tinh thần quảng đại, và một số người trong họ tranh đấu một cách đáng ngưỡng mộ để bảo vệ môi trường, nhưng họ lớn lên trong một bối cảnh có mức độ rất cao về tiêu thụ và về cuộc sống sung túc, khiến cho các tập quán khác khó tăng trưởng. Vì thế, chúng ta đang đứng trước một thách đố về giáo dục".

Trong đoạn số 211 của thông điệp Laudato sì, Ðức Thánh cha cổ võ một nền giáo dục hữu hiệu về môi sinh, và viết rằng:

[211]. "Nền giáo dục (...) nhiều khi chỉ giới hạn vào việc thông tin, chứ không làm cho các tập quán được trưởng thành. Sự hiện hữu của các luật lệ và qui tắc, về lâu về dài, không đủ để giới hạn những lối cư xử xấu, kể cả khi có một sự kiểm soát hữu hiệu. Ðể qui luật pháp lý tạo ra những hiệu quả quan trọng và lâu bền, cần có phần lớn các thành phần của xã hội đón nhận qui luật ấy, đi từ những động lực thích hợp, và phản ứng theo sự biến đổi bản thân. Chỉ khi nào đi từ việc vun trồng những nhân đức vững chắc mới có thể thực sự dấn thân về môi sinh. Nếu một người, tuy có những điều kiện kinh tế để tiêu thụ và chi tiêu nhiều hơn, nhưng họ mặc áo ấm nhiều hơn một chút thay vì bật sưởi lên, điều ngày giả thiết là họ đã đạt được xác tín và cách thức cảm thấy ủng hộ việc chăm sóc môi trường. Một điều rất cao thượng là đảm nhận một nghĩa vụ chăm sóc thiên nhiên qua những hành động bé nhỏ thường nhật và thật là điều tuyệt vời nếu việc giáo dục có khả năng thúc đẩy họ đến độ hình thành một lối sống. Giáo dục về trách nhiệm đối với môi trường có thể khuyến khích những cách cư xử khác nhau có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng trong việc chăm sóc môi trường, như tránh dùng những vật liệu bằng plastic, hoặc bằng giấy, giảm bớt việc tiêu thụ nước, phân biệt các loại rác, chỉ nấu nướng những gì ta có thể ăn, đối xử với các sinh vật với tinh thần chăm sóc, dùng các phương tiện chuyên chở công cộng hoặc đi xe chung giữa nhiều người, trồng cây, tắt những đèn điện vô ích, v.v. Tất cả những điều ấy thuộc về một tinh thần sáng tạo quảng đại và xứng đáng, chứng tỏ điều tốt đẹp nhất của con người. Dùng lại thay vì mau lẹ vứt bỏ đi, đi từ những động lực sâu xa, đó là một hành vi yêu thương biểu lộ phẩm giá của chúng ta".

Ðức Thánh cha viết tiếp:

[212]. "Không nên nghĩ rằng những cố gắng như thế sẽ không thay đổi thế giới. Những hành động như vậy phổ biến một điều thiện trong xã hội, luôn tạo nên những hoa trái vượt xa hơn những gì ta có thể nhận thấy, nhiều khi rất vô hình. Ngoài ra, việc thi hành những lối cư xử hành động như thế trả lại cho chúng ta cảm thức về phẩm giá của mình, đưa chúng ta tới một chiều sâu hơn trong cuộc sống, giúp chúng ta cảm nghiệm rằng thật là điều bõ công khi đi qua thế giới này.

[213]. Có nhiều lãnh vực giáo dục khác nhau như học đường, gia đình, các phương tiện truyền thông, huấn giáo, v.v. Một nền giáo dục học đường tốt đẹp trong thời thơ ấu và thiếu niên gieo những hạt giống có thể tạo nên những công hiệu trong suốt cuộc đời. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng chủ yếu của gia đình, vì "gia đình là nơi trong đó sự sống, là hồng ân của Thiên Chúa, có thể được đón nhận thích hợp và bảo vệ chống lại nhiều cuộc tấn công ta gặp phải, và có thể triển nở theo những đòi hỏi của sự tăng trưởng đích thực về nhân bản. Chống lại thứ văn hóa chết chóc, gia đình chính là nơi vun trồng văn hóa sự sống" (149). Trong gia đình, ta vun trồng những tập quán đầu tiên về sự yêu mến và săn sóc cuộc sống, ví dụ sử dụng đúng đắn mọi đồ vật, trật tự, sạch sẽ, tôn trọng hệ thống môi sinh ở địa phương và bảo vệ mọi loài thụ tạo. Gia đình là nơi huấn luyện toàn vẹn, nơi phát triển các khía cạnh khác nhau, có liên hệ giữa chúng với nhau, giúp con người trưởng thành. Trong gia đình, ta học cách xin phép mà không hách dịch đòi hỏi, biết cám ơn như một sự biểu lộ tâm tình quí chuộng vì những gì chúng ta nhận được, học cách chế ngự tính gây hấn hoặc tham lam, và học cách xin lỗi khi chúng ta làm điều gì trái. Những cử chỉ bé nhỏ ấy chân thành, lịch sự, giúp kiến tạo một nền văn hóa sự sống có tinh thần chia sẻ và tôn trọng đối với những gì quanh chúng ta.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page