Sứ vụ của Giáo hội Ðài Loan

giữa đại dịch Covid-19

 

Sứ vụ của Giáo hội Ðài Loan giữa đại dịch Covid-19.

Hồng Thủy

Taipei (Vatican News 3-05-2020) - Tuy Ðài Loan là một quốc gia nhỏ bé bị nhiều nước "chối bỏ", cô lập, vì lý do chính trị ngoại giao, nhưng Giáo hội Ðài Loan là một Giáo hội sống động và hiệp thông với Tòa Thánh và với các Giáo hội khác tại Á châu cũng như trên toàn thế giới. Giáo hội đã cộng tác tích cực với chính quyền trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona; đồng thời dấn thân giúp đỡ những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn do đại dịch. Giáo hội cũng ý thức vai trò truyền giáo của mình.

Ðài Loan bị Trung Quốc coi là một "tỉnh nổi loạn" và chỉ được khoảng 15 quốc gia, trong đó có Tòa Thánh, công nhận là một quốc gia; tiếng nói của nó ít được quốc tế lắng nghe. Nhưng Ðài Loan là một trong những quốc gia đầu tiên hành động để chống lại sự lây lan của virus corona và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra báo động quốc tế cho Tổ chức Y tế Thế giới.

Tại Ðài Loan, có một Giáo hội Công giáo sống động, được hướng dẫn bởi Ðức Tổng Giám mục Gioan Hồng Sơn Xuyên (John Hung shan-Chuan), tu sĩ dòng Ngôi Lời người Ðài Loan. Ngài được đào tạo tại Philippines và từ năm 2007 đã hướng dẫn tổng giáo phận thủ đô Ðài Bắc. Trong cuộc nói chuyện với hãng tin ACI, Ðức Tổng giám mục nhấn mạnh những thách thức mà quốc gia này phải đối mặt, sự dấn thân của Giáo hội nước này để chống lại dịch bệnh, và cả mối quan hệ với Trung Quốc và Tòa thánh.

Giáo hội tích cực hợp tác để ngăn ngừa virus lây lan

Ðức cha Gioan Hồng cho biết: Vài năm trước, Ðài Loan phải đối mặt với đại dịch SARS. Nhờ kinh nghiệm này, chính phủ đã ngay lập tức thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ người dân Ðài Loan ngay khi nhận thức được đại dịch bùng phát vào tháng 01 năm 2020. Nhờ Trung tâm chỉ huy y tế quốc gia, rất có năng lực và phối hợp chặt chẽ, các thông tin hữu ích đã và vẫn còn được cung cấp trên cơ sở hàng ngày cho người dân thông qua truyền hình và phương tiện truyền thông xã hội. Hội đồng Giám mục cũng phản ứng rất nhanh, ngay lập tức đưa ra những hướng dẫn thiết thực cho những người đi lễ để bảo vệ họ khỏi bị lây nhiễm, đặc biệt là trong khi cử hành Thánh lễ.

Vì Giáo hội cần hỗ trợ cho chính quyền địa phương bất cứ khi nào có thể, vì lý do an ninh quốc gia và vì sức khỏe của người Công giáo, các giáo phận - ngoại trừ giáo phận Hoa Liên, nơi không có trường hợp nào lây nhiễm - đã nhanh chóng tuân theo các khuyến nghị và quy định của Bộ Nội vụ, quyết định lần lượt đình chỉ tất cả các hội họp trong nhà thờ đóng kín, bao gồm việc cử hành các Thánh lễ, và đóng cửa các tòa nhà của Giáo hội, để tránh cho mọi người nguy cơ lây nhiễm đại dịch, điều có thể gây ra nhiều cái chết. Ðồng thời, các tín hữu được cung cấp cơ hội tham dự các Thánh lễ được phát trực tuyến trên nhiều kênh xã hội khác nhau, và ngoài ra, họ được khuyến khích liên hệ với các vị mục tử thông qua phương tiện truyền thông xã hội và điện thoại.

Caritas Ðài Loan chăm sóc và bảo vệ người lao động nhập cư

Tổ chức Caritas Ðài Loan đã hoạt động tích cực trong thời gian đại dịch, Vì có nhiều công nhân nhập cư ở Ðài Loan sống trong tình huống bấp bênh và là nhóm có nguy cơ lây nhiễm và lây lan Covid-19 cao, ngoài các dịch vụ mà nó đã cung cấp hàng ngày, Caritas dấn thân trong việc gây ý thức tự vệ và bảo vệ bản thân khỏi bị lây nhiễm, đồng thời phân phát các khẩu trang bảo vệ cho ngư dân và công nhân nhập cư, những người không thể nhận được mặt nạ do chính sách phân phát khẩu trang theo nhân khẩu của chính phủ. Ngoài ra, phối hợp với các tổ chức phi chính phủ khác, Caritas Ðài Loan đang hợp tác về mặt pháp luật để bảo vệ người lao động nhập cư, những người dễ bị lây nhiễm Covid-19 và đã yêu cầu chính phủ cho phép họ ở lại Ðài Loan ngay cả khi visa hết hạn.

Caritas Ðài Loan hợp tác với các tổ chức nhân đạo quốc tế

Trên bình diện quốc tế, Caritas Ðài Loan đã hợp tác với các tổ chức nhân đạo của các tôn giáo, ví dụ như Quỹ hỗ trợ nhân đạo Phật giáo Chu Zi, cung cấp cho các tổ chức này thông tin của các tổ chức của Giáo hội Công giáo ở Hoa Kỳ, Ý và Tây Ban Nha. Các tổ chức này đã gửi trực tiếp cho các tổ chức khác những trợ giúp, khẩu trang và các nhu yếu phẩm khác. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu giúp đỡ cho Giáo hội Công giáo và các tổ chức của Giáo hội ở châu Á, châu Ðại Dương và châu Phi, là những nơi dễ bị nhiễm virus corona nhất do thiếu khả năng phòng ngừa. Caritas Ðài Loan chịu trách nhiệm về sứ vụ này trong Caritas Quốc tế.

Giáo hội Ðài Loan không bị cô lập

Tuy Ðài Loan là một quốc gia bị cô lập, được ít quốc gia công nhận, Giáo hội Ðài Loan không bị cô lập và vẫn có liên hệ với các Giáo hội khác trong khu vực. Ðức tổng giám mục Ðài Bắc chia sẻ: "Chính thức thì Ðài Loan có quan hệ ngoại giao với rất ít quốc gia, nhưng Giáo hội Công giáo hiện diện ở mọi quốc gia. Vì lý do này, Giáo hội tại Ðài Loan không bao giờ cảm thấy bị cô lập. Trái lại, nhờ vào Tòa Sứ thần và đại diện của Tòa Sứ thần, chúng tôi thực sự cảm thấy được hiệp thông với Ðức Thánh Cha và với các Giáo hội địa phương khác. Trước khi đại dịch bùng phát thì đã có sự trao đổi thường xuyên giữa Giáo hội tại Ðài Loan và Giáo hội ở các quốc gia khác. Ngoài ra, các Hồng y và giám mục của một số cơ quan ở Vatican cũng đã được mời đến Ðài Loan với tư cách là diễn giả tại các hội thảo và hội nghị quốc tế trong vài năm qua. Ðây là vẻ đẹp và tính độc đáo của Giáo hội Công giáo, mà chúng ta nên cảm ơn Chúa."

Tương lai của Giáo hội Công giáo ở Ðài Loan

Ðây là câu hỏi đang được đặt ra ở Ðài Loan, và theo Ðức cha Gioan Hồng, chỉ một người duy nhất thì không thể trả lời được, bởi vì Giáo hội là một cộng đồng. Ðức cha nói: Giáo hội không chỉ hình thành bởi các linh mục, mà còn bởi giáo dân. Ðây là lý do tại sao Hội đồng Giám mục của chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị một Ðại hội Truyền giáo toàn quốc kể từ năm ngoái. Ðại hội dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới, chính là để trả lời câu hỏi này. Câu trả lời sẽ đến từ việc cầu nguyện của cộng đồng, suy tư và thảo luận về các vấn đề khác nhau liên quan đến Giáo hội Công giáo Ðài Loan. Do đại dịch Covid-19, Ðại hội đã được chuyển sang năm sau. Ưu tiên của chúng tôi bây giờ là đảm bảo rằng các tín hữu có thể nhận được các bí tích và chăm sóc mục vụ cần thiết trong giai đoạn khó khăn này.

Vai trò của Giáo hội Ðài Loan tại Á châu

Giáo hội Ðài Loan góp phần truyền giáo cho người Trung Quốc. Ðức cha Gioan Hồng nhận định: Như là Hội đồng giám mục nói tiếng Trung Quốc trong Giáo hội Công giáo (Hội đồng Giám mục khu vực Trung Quốc), Giáo hội tại Ðài Loan có thể góp phần truyền giáo cho những người nói tiếng Trung Quốc. Truyền giáo giả định sự hội nhập văn hóa và đi đôi với việc giảng dạy đức tin Công giáo. Phối hợp với các giáo phận Hồng Kông và Macao, Hội đồng giám mục của chúng tôi có nhiệm vụ dịch tất cả các tài liệu của Ðức Thánh Cha (các sứ điệp các ngày thế giới, các thông điệp, các tông huấn, tông thư và phát sóng trực tiếp phép lành Urbi et Orbi của Lễ Phục sinh và Giáng sinh có thuyết minh trực tiếp), cũng như các tài liệu giáo hội quan trọng của các cơ quan của Tòa thánh. Theo cách này, chúng ta có thể làm cho đức tin Công giáo phù hợp với những người nói tiếng Trung Quốc trên khắp thế giới.

Tương quan giữa Tòa Thánh và Trung Quốc và Ðài Loan

Ðức tổng giám mục Ðài Bắc chia sẻ: Ðại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có và gây nguy hiểm cho toàn nhân loại. Không một quốc gia nào có thể xóa bỏ đại dịch bằng cách hoạt động một mình mà không cần sự giúp đỡ của các quốc gia khác. Như Ðức Thánh Cha đã nói trong thông điệp Phục Sinh Urbi et orbi, "sự thờ ơ, ích kỷ, chia rẽ và quên lãng không phải là những từ chúng ta muốn nghe trong giai đoạn này. Chúng ta muốn ngăn chặn những từ này mãi mãi." Ðiều mà thế giới đang rất cần bây giờ là sự đoàn kết trong hành động chứ không phải lợi ích cá nhân. Vì vậy, thật tốt khi Trung Quốc có cơ hội cung cấp viện trợ cho các quốc gia khác trên quy mô lớn. Nhờ món quà thiết bị y tế từ Trung Quốc, Vatican sẽ có thể giúp đỡ nhiều người nghèo ở các quốc gia khác bị các chính trị gia lãng quên và những người mà giới truyền thông không nói đến. Có lẽ đại dịch Covid-19 đang nói với chúng ta rằng sức khỏe của chúng ta quan trọng hơn sức khỏe kinh tế và tình huynh đệ thực sự của con người xứng đáng và cao quý hơn thành công ngoại giao. Ðại dịch đang gây ra một cuộc khủng hoảng khác là khủng hoảng nhân đạo. Giáo hội Công giáo ở các quốc gia nghèo đang chờ được giúp đỡ. Và Vatican sẽ biết ơn bất kỳ cử chỉ liên đới cụ thể nào, mà không quan tâm đến hệ thống chính trị của các quốc gia vì Giáo hội có sứ mệnh loan báo Tin mừng cho tất cả các quốc gia đồng thời thúc đẩy nền văn hóa huynh đệ và chung sống hòa bình.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page