Ðức Hồng y Bo hưởng ứng lời kêu gọi

ngưng bắn toàn cầu của Ðức Thánh cha

 

Ðức Hồng y Bo hưởng ứng lời kêu gọi ngưng bắn toàn cầu của Ðức Thánh cha.

Trần Ðức Anh, OP

Yangon (RVA News 30-04-2020) - Ðức Hồng y Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Ðức Thánh cha Phanxicô, về việc ngưng bắn toàn cầu trước đại dịch coronavirus.

Ðang khi quan tâm đến tình hình tại Myanmar, Ðức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Yangon, cũng kêu gọi chấm dứt chiến sự trên toàn thế giới.

Hành tinh của chúng ta đang bị khủng hoảng. Mọi quyết định của các nhà lãnh đạo lúc này sẽ định hình đất nước mình và thế giới trong những năm sắp tới. Hậu quả của đại dịch hiện nay là một thảm họa cho sức khỏe cộng đồng cũng như cho đời sống kinh tế xã hội. Nếu chúng ta thật sự mong muốn Myanmar vươn lên như một dân tộc đoàn kết, hòa bình, thịnh vượng, thì đây chính là lúc đưa ra những quyết định nhanh chóng, tích cực và tôn trọng. Ðây là lúc phải hành động cách khôn ngoan, minh bạch nhằm định hướng cho tương lai, chứ không phải là lúc để cho xung đột leo thang.

Ông Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres đã phát biểu hôm 23 tháng 3 năm 2020, rằng: "Hãy ngưng các cuộc chiến tranh bệnh hoạn để cùng nhau chiến đấu chống lại dịch bệnh đang tàn phá thế giới chúng ta... Hãy bắt đầu bằng việc chấm dứt chiến tranh ở mọi nơi, ngay lúc này. Ðó là những gì mà gia đình nhân loại chúng ta cần, hơn lúc nào hết."

Ðức Thánh cha Phanxicô, người đã có tình cảm sâu sắc sau chuyến viếng thăm đất nước Myanmar chúng ta năm 2017, cũng nhất trí với lời mời gọi của ông Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, khi ngài nói: "Tôi cầu mong cuộc chiến chống đại dịch hiện nay có thể giúp mọi người nhận ra nhu cầu to lớn là củng cố tương quan huynh đệ giữa các thành viên của đại gia đình nhân loại... Xung đột không thể được giải quyết bằng chiến tranh và đối kháng. Sự khác biệt phải được khắc phục bằng đối thoại và tìm kiếm hòa bình trong tinh thần xây dựng."

Tôi tin rằng nếu tiếp tục các hoạt động quân sự, nhất là đang khi cả nước đang đương đầu với cuộc khủng hoảng, thì sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho đất nước chúng ta.

Ðây là lúc đưa ra các quyết định để xây dựng Myanmar thành một quốc gia thống nhất, hòa bình, thịnh vượng và là thành viên của gia đình thế giới. Xung đột luôn làm cho Myanmar tổn thương cách dễ dàng.

Các nhà lãnh đạo quốc gia và các sắc dân Myanmar có thể lựa chọn giữa con đường tìm kiếm sự tin tưởng và hợp tác, vì lợi ích của tất cả mọi người và đoàn kết quốc gia, hoặc chọn con đường tiếp tục xung đột, điều chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả thảm họa hơn cho những người vốn đã chịu rất nhiều đau khổ.

Như lời bà Cố vấn Nhà nước đã nói trên truyền hình hôm 13 tháng 3 năm 2020, rằng: "Tôi muốn nhấn mạnh một thành phần quan trọng để giảm nguy cơ bùng phát của đại dịch Covid-19 - đó là con người."

Một lần nữa, chúng ta lại được nhắc nhở rằng sự hợp tác của tất cả mọi người là điều quan trọng để khắc phục nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Ðiều này trước tiên phải áp dụng cho sự hợp tác dân sự-quân sự. Ðể tiến bước như một dân tộc, chúng ta cần tin tưởng vào chính quyền, truyền thông và khoa học. Chúng ta được Bộ y tế và Thể thao làm rất tốt khi cung cấp thông tin và cảnh báo kịp thời. Các biện pháp kiểm dịch, cách ly được thực hiện đúng đắn. Việc thả bớt tù nhân khỏi các nhà tù chật chội được hoan nghênh, vì sự an toàn của tất cả mọi người. Chúng tôi tán dương bà Cố vấn Nhà nước, qua phương tiện truyền thông xã hội, đã trực tiếp bày tỏ sự đồng cảm của bà với người dân.

Việc vẫn tiếp tục, thậm chí còn gia tăng các hoạt động quân sự bởi bất kỳ bên nào, sẽ đi ngược lại với các sáng kiến đã đạt được. Các binh sĩ gặp nguy hiểm cách vô lý khi tiếp xúc với các sát thủ virus vô hình. Dân thường gặp nguy hiểm, thậm chí bị bắn giết vì mục đích quân sự. Các cuộc đàm phán hòa bình đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nền kinh tế vốn mong manh, lại bị đe dọa bởi các cuộc phiêu lưu quân sự. Bất kỳ sự gia tăng lây nhiễm nào trong các trại tị nạn, giữa những người bị giam giữ, hoặc những chỗ đông người, đều là mối đe dọa nghiêm trọng cho các dân cư xung quanh.

Ông Antonio Guterres đã nói: "Sự giận dữ của virus minh chứng cho cái điên rồ của chiến tranh. Chính vì vậy, hôm nay, tôi kêu gọi việc ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức, ở tất cả các nơi trên thế giới. Ðã đến lúc phong tỏa các cuộc xung đột vũ trang và cùng nhau tập trung vào cuộc chiến thực sự cho cuộc sống của chúng ta."

Nhiều quốc gia và các bên tham chiến đã đáp lại lời kêu gọi này một cách tích cực. Các nhóm vũ trang ở Cameroon, Philippines, Yemen và Syria, đã thực hiện các bước đi đầu tiên để giảm thiểu bạo lực. Cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở Yemen đã tạo ra một trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Ở Syria, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 đặt ra mối đe dọa chết người đối với 6,5 triệu người di cư trong nước, do hậu quả của 9 năm xung đột. Ðể những sự giúp đỡ đến được với những người dễ bị nhiễm virus, Ðức Thánh cha Phanxicô đã khuyến khích "những tuyến viện trợ nhân đạo, cởi mở trong ngoại giao, và sự chăm sóc chu đáo những người đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất."

Những năm gần đây, Myanmar đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích. Những phán xét không công bằng như vậy phản ánh căn tính đúng đắn của người dân Myanmar. Bằng việc đối phó với cuộc khủng hoảng này, trong sự đoàn kết với các nước láng giềng, chúng ta cho thấy Myanmar là một thành viên chính đáng của gia đình nhân loại. Khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt là cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Hãy hạ khí giới và dừng các hành động gây hấn. Hãy trang bị cho mình lòng chân thành và sự thật. Hãy đi con đường thách đố hơn, khi đối diện với những khác biệt bằng lòng can đảm và trí thông minh. Ðừng che giấu tình người bằng súng ống, vì rốt cục đó chỉ là điểm yếu mà thôi.

Các cuộc gặp gỡ tôn giáo vì hòa bình cho thấy sự đối thoại và liên kết giữa các bên là điều có thể và mang lại hiệu quả. Giáo hội Công giáo tại Myanmar luôn sẵn lòng hợp tác với chính quyền các cấp. Trong mọi lúc, chúng tôi luôn khích lệ đối thoại và sẵn sàng làm trung gian giữa các bên.

Hồng y Charles Maung Bo

Yangon, 22/4/2020

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page