Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục

Ðại diện Tòa Thánh tại Việt Nam

về đại dịch Covid-19

 

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Ðại diện Tòa Thánh tại Việt Nam về đại dịch Covid-19.

Dung Hạnh chuyển ngữ

Sàigòn (WHÐ 25-04-2020) - Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Ðại diện Tòa Thánh tại Việt Nam: Ðại dịch virus corona là thời điểm để lượng giá lại và "dò xét" chính chúng ta.

Nhân dịp lễ kính Thánh sử Máccô, bổn mạng Ðức Tổng Giám mục Ðại diện Tòa Thánh, Truyền thông Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã liên hệ với Ðức Tổng Giám mục Marek Zalewski để chúc mừng và phỏng vấn ngài về tình trạng đại dịch hiện nay.

1. BTT: Thưa Ðức Tổng, như chúng con được biết, tháng trước Ðức Tổng đã quyết định hoãn các chuyến thăm viếng mục vụ tại một vài giáo phận ở Việt Nam vì dịch bệnh. Xin Ðức Tổng vui lòng cho chúng con biết lý do của quyết định này?

ÐTGM: Vì luôn cập nhật tình hình bùng phát COVID-19 tại Trung Quốc, ngay từ đầu năm (tháng 1, tháng 2), nên tôi có thể nói rằng virus corona chủng mới này rất dễ lây nhiễm. Trước hết, hãy cứ xem nó lan đến các quốc gia khác ở châu Á nhanh như thế nào, và bây giờ đến những vùng còn lại trên thế giới, chúng ta có thể khẳng định rằng du lịch là một trong những yếu tố chính góp phần gây ra đại dịch toàn cầu này.

Thứ đến, tại Singapore, nơi tôi cư trú có nhiều ca nhiễm hơn ở Việt Nam. Do đó, với trách nhiệm xã hội và để thực hiện các hướng dẫn cụ thể từ Tòa Thánh đối với Bộ ngoại giao, cũng như sau khi tham khảo ý kiến các Giám mục liên hệ, tôi đã quyết định hạn chế việc đi lại và thực hành giãn cách xã hội ở cả Singapore và Việt Nam để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19.

2. BTT: Tháng trước, Singapore được ca ngợi là hình mẫu trong ứng phó đối với virus corona, Giáo hội Singapore cũng đã tạm dừng các cử hành phụng vụ chung và những hoạt động khác. Xin Ðức Tổng chia sẻ với chúng con về tình hình tại Singapore?

ÐTGM: Singapore đã bị ảnh hưởng do khủng hoảng SARS 2003 trước đây nên có lập trường rất thận trọng đối với cuộc chiến chống virus corona chủng mới. Theo khuynh hướng này, chúng ta có thể thấy các ca nhiễm đã khởi phát ở những nơi tụ tập đông người. Vì thế, Ðức Tổng Giám mục Singapore đã quyết định tạm dừng các Thánh lễ cộng đoàn và các sinh hoạt khác từ ngày 14 tháng 02 năm 2020. Biện pháp này được thực hiện cẩn trọng như chúng ta thấy kết quả hiện nay, không có bất cứ ca nhiễm nào từ nhà thờ Công giáo. Hơn nữa, tiếp theo việc đình chỉ này, chúng ta có thể thấy chính phủ Singapore từng bước thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn như hạn chế số lượng người tụ tập, thậm chí đến mức yêu cầu tất cả cư dân ở nhà, chỉ có các dịch vụ thiết yếu hoạt động. Ðiều này cho thấy tầm nhìn xa và cách quản trị cẩn trọng của Giáo hội địa phương tại Singapore.

3. BTT: Là một nhà ngoại giao Tòa Thánh, Ðức Tổng nhận thấy điều gì nơi Giáo hội trong thời điểm đại dịch lịch sử này? Ðức Tổng có lời khuyên nào cho Việt Nam chúng con?

ÐTGM: Thật vậy, năm 2020 là năm thách đố về mọi mặt: tài chính, thể lý, tình cảm, xã hội và tinh thần. Trong giai đoạn đặc thù này khi không thể quy tụ trong các nhà thờ để cùng nhau thờ phượng Chúa, chúng ta hãy nhớ lại cách thức mà các Tông đồ đã bắt đầu sứ vụ với những nhóm nhỏ "qui tụ trong nhà" và hãy nhận ra Giáo hội đã tiến triển như thế nào từ thời Chúa [Giêsu] cho tới nay.

Liên quan đến tình hình tại Việt Nam, tôi biết rằng:

- Ngày 02 tháng 02, Ðức cha Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục đã thông báo với Giáo hội Việt Nam về sự bùng phát của bệnh dịch mới này và lưu ý một số biện pháp phòng tránh lây nhiễm; tiếp theo đó, Ủy ban Phụng tự đã phổ biến bản kinh nguyện chung cho cả giáo hội cùng cầu nguyện cho dịch bệnh sớm chấm dứt.

- Ngày 25 tháng 03, Ðức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã gửi thư thông báo cho giáo sĩ và giáo dân trong Tổng Giáo phận của ngài về việc tạm ngưng các buổi cử hành phụng vụ chung trong tuần và Chúa Nhật.

- Vài ngày sau đó, hầu hết các giáo phận ở Việt Nam đều có một hướng chung là tạm dừng các buổi cử hành phụng vụ cộng đồng. Tín hữu Việt Nam tham dự phụng vụ và cầu nguyện trực tuyến như lần chuỗi Mân côi, suy tôn Lòng Chúa Thương Xót, và chầu Thánh Thể.

- Ngày 31 tháng 03, Ðức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Sàigòn đã xuất hiện trên đường trong đoạn video với thông điệp kêu gọi giáo dân chung tay trợ giúp những người bên lề xã hội và những người buôn bán rong là những anh chị em bị ảnh hưởng trực tiếp trong thời gian giãn cách xã hội.

- Tất cả những biện pháp bảo vệ được chính phủ Việt Nam đưa ra, chẳng hạn như ngày 01 tháng 04, lệnh giãn cách xã hội đã chính thức bắt đầu trong cả nước, siết chặt giao thông và áp dụng lệnh ở yên trong nhà.

- Ngày 02 tháng 04, Ðức Cha Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục gửi thư kêu gọi toàn thể Giáo hội Việt Nam chọn ngày 04 tháng 04 là ngày Giáo hội cử hành Thánh lễ đặc biệt trong thời gian đại dịch theo tinh thần của Sắc lệnh 156/20 của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Hãy tuân thủ các qui định và Khuyến cáo này, đừng quên người nghèo giữa các bạn và hãy tham dự tích cực vào đời sống cầu nguyện của Hội Thánh!

Tôi học theo mẫu gương tuyệt vời của Ðức Thánh cha Phanxicô. Như anh chị em biết, Ðức Thánh cha của chúng ta đã thực hiện rất nhiều sáng kiến chống Covid-19. Ngài kêu gọi tất cả tín hữu cùng thực hiện: cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt, giúp đỡ tha nhân và vững tin nơi Chúa.

Trước khi kết thúc, tôi muốn nhấn mạnh rằng đây cũng là thời điểm chúng ta cần phải lượng giá lại và "dò xét" chính bản thân. Ðể thấy chúng ta là môn đệ như thế nào của Chúa, hãy xem mình có thật sự yêu mến Ðấng Cứu độ, Ðấng Phục sinh và Thiên Chúa hằng sống của chúng ta, có trung thành tuân giữ các giới răn của Chúa không?

Chúng ta có thể chất vấn bản thân về tình yêu chân thực của ta đối với Chúa:

- Có phải tình yêu của ta dành cho Chúa bị đóng khung với thói quen xơ cứng khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật không?

- Giữa cơn khủng hoảng toàn cầu, chúng ta có mất đức tin và thiếu trông cậy nơi Chúa không?

- Khi các nhà thờ đóng cửa, chúng ta có quên Chúa không?

Cám ơn anh chị em. Xin Chúa ban phúc lành cho Việt Nam!

BTT: Xin chân thành cảm ơn Ðức Tổng.

Truyền thông Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam thực hiện

Dung Hạnh chuyển ngữ

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page