Ðức Hồng y Béchara Rai

kêu gọi quốc tế liên đới với Liban

 

Ðức Hồng y Béchara Rai kêu gọi quốc tế liên đới với Liban.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Liban (RVA News 03-03-2020) - Ðức Hồng y Béchara Rai, Thượng phụ Giáo chủ Công giáo Maronite kêu gọi cộng đồng quốc tế liên đới hơn với Liban, đứng trước làn sóng mới những người tị nạn ở Trung Ðông.

Tuyên bố với hãng tin Công giáo Ðức KNA hôm 01 tháng 03 năm 2020, Ðức Hồng y Rai nói: "Cộng đồng quốc tế cần ý thức rằng Liban không thể tự mình chịu nổi gánh nặng 2 triệu người tị nạn hiện nay".

Ðức Hồng y Rai mới tròn 80 tuổi và tiếp tục là thủ lãnh của 4 triệu tín hữu Công giáo Maronite tại Liban và nhiều nước trên thế giới.

Liban được tổ chức bác ái Misereor của Hội đồng Giám mục Ðức chọn làm quốc gia tiêu biểu trong chiến dịch Mùa Chay, bắt đầu từ Chúa nhật 1/3 vừa qua trong các cộng đoàn Công giáo tại Ðức. Theo Ðức Hồng y Rai, cộng đồng quốc tế cũng có một trách nhiệm lớn về các cuộc xung đột ở vùng Trung Ðông. Ngài nói: "Việc buôn bán võ khí và chuyển giao võ khí tới Siria và Irak chỉ góp phần tạo nên và nuôi dưỡng chiến tranh chứ không xây dựng hòa bình."

Phê bình giới lãnh đạo chính trị Liban

Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Hồng y Rai cũng phê bình giới lãnh đạo chính trị tại Liban: nạn tham nhũng và quản lý kém, cùng với sự suy sụp kinh tế đang làm cho Liban ngã quị. Trong số 4 triệu rưỡi dân Liban hiện nay, có ít nhất 1 phần 3 sống dưới mức nghèo đói, một nửa dân Liban đang ở tuổi làm việc không có công ăn việc làm. Những người tốt nghiệp đại học cũng chẳng tìm được việc làm. Vì thế, nhiều người Liban tìm cách di cư ra nước ngoài và đất nước mất đi nhiều nhân tài.

Ðức Hồng y Rai cũng cho biết điều may mắn là hầu như mỗi gia đình Liban đều có thân nhân ở nước ngoài, hỗ trợ tài chánh, nên không ai chết đói. Ðức Hồng y cũng tỏ ra thông cảm với những cuộc biểu tình của dân chúng Liban phản đối chính phủ. Ngài nói: "Tôi ủng hộ các cuộ biểu tình, để có những thay đổi chính trị hiện nay".

Sự sống chung giữa các tôn giáo Liban

Ðức Hồng y Béchara Rai ca ngợi sự sống chung hòa bình giữa các cộng đồng tôn giáo tại Liban mặc dù có những xung đột tại Trung Ðông. Ngài nói: "Chúng tôi nghèo về kinh tế và tài chánh, nhưng giàu về các giá trị. Các tín hữu Kitô, Hồi giáo Shiite và Sunnit, mỗi cộng đoàn chiếm khoảng 1 phần 3 dân Liban, chúng tôi sống trong tự do huynh đệ hoàn toàn. Sự tham gia dân chủ của tín hữu các cộng đoàn này vào các chức vụ công quyền và chính quyền được điều hành theo một hiệp ước quốc gia. Ðây là kho tàng cần phải được bảo tồn".

Theo Hiệp ước này, tổng thống Liban là một tín hữu Công giáo Maronite, thủ tướng là người Hồi giáo Sunnit, và Chủ tịch quốc hội là một tín hữu Shiite.

(KNA 2-3-2020)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page