Ðức Giêsu Kitô

Ðường xuống với con người

 

Ðức Giêsu Kitô - Ðường xuống với con người.

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên

Vinh (WHÐ 31-01-2020) - Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 2 năm 2020. Chương trình mục vụ giới trẻ mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Ðức Giê-su Ki-tô:

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng 1 năm 2020 vừa qua, cùng nhau, chúng ta đã suy niệm hình ảnh Ðức Giê-su Ki-tô là Hoàng Tử Hòa Bình. Tháng 2 này, chúng ta suy niệm hình ảnh Ðức Giê-su Ki-tô là Ðường, Ðường xuống với con người. Ðức Giê-su Ki-tô xuống với con người để thông phần với con người trong muôn hình thức đau khổ do tội lỗi gây nên và dẫn đưa con người về với Thiên Chúa.

Sách Sáng Thế, chương 1, cho chúng ta biết con người là đỉnh cao của chương trình Thiên Chúa sáng tạo. Sách Sáng Thế, chương 2, cho chúng ta biết con người là trung tâm của chương trình Thiên Chúa sáng tạo. Tuy nhiên, sang chương 3, trình thuật sách Sáng Thế lại cho chúng ta thấy bộ mặt khác của con người: Con người vô ơn, con người kiêu ngạo, và con người phạm tội. Con người đã tìm cách đi lên, 'lên bằng Thiên Chúa', với sức riêng của mình, qua hình ảnh ăn trái cây biết lành biết dữ để được tinh khôn, 'được như Thiên Chúa' (St 3,4-6). Tiếp đó, sách Sáng Thế chương 11 cho chúng ta biết rằng, sau Hồng Thủy, con người vẫn tìm cách vươn lên bằng Thiên Chúa, qua 'sự vô ơn và kiêu ngạo tập thể', được diễn tả trong câu chuyện xây tháp Ba-ben. Hậu quả là, tháp bị sụp đổ hoàn toàn, con người bị chia ly phân tán khắp mặt đất và sống trong cảnh tăm tối, không lối thoát. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn trung tín, luôn yêu thương con người. Sách Sáng Thế chương 12 cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tuyển chọn Áp-ra-ham, để từ ông, chương trình cứu độ của Thiên Chúa được diễn tiến trong lịch sử và được thực hiện cách trọn vẹn nhờ Ðức Giê-su Ki-tô.

Trong Cựu Ước, khoảng 700 năm trước biến cố Giáng Sinh, tiên tri I-sai-a nói với A-khát, vua Giu-đa rằng: "Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en" (Is 7,14). Lời này được nhắc lại nơi Tân Ước và được giải thích một cách cặn kẽ hơn trong biến cố truyền tin cho ông Giu-se rằng: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Mt 1,23). Thiên Chúa từ môi trường vĩnh cửu xuống với môi trường thế giới thụ tạo, môi trường thời gian, môi trường con người. Ðây thật là Tin Mừng lớn lao cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế.

Trong Tân Ước, thánh Gio-an tông đồ viết rằng: "Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa" (Ga 1,1). Cũng theo thánh nhân: "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành" và "ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại" (Ga 1,3,4). Như vậy, trong tương quan với Thiên Chúa, Ngôi Lời hằng hữu. Trong tương quan với thế giới thụ tạo, Ngôi Lời đóng vai trò quan trọng trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Khi con người làm méo mó và biến dạng chương trình này, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Ðức Giê-su Ki-tô, đã làm người và cư ngụ giữa lòng nhân loại (Ga 1,14).

Tin Mừng Ðức Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an cũng cho chúng ta biết rằng sau Bữa Ăn Cuối Cùng, Bữa Tiệc Ly, Ðức Giê-su Ki-tô đã tâm sự riêng với các môn đệ và mặc khải cho họ nhiều điều quan trọng, chẳng hạn, giới răn mới, giới răn yêu thương, yêu như Ðức Giê-su Ki-tô đã yêu, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, vai trò của Chúa Thánh Thần, sự bình an, tình hiệp nhất... Ðặc biệt, khi Ðức Giê-su Ki-tô nói với các môn đệ của Người rằng: "Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi" (Ga 14,3-4). Ông Tô-ma hỏi Ðức Giê-su Ki-tô: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?" (Ga 14,5). Ðức Giê-su Ki-tô trả lời: "Chính Thầy là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6). Chúng ta biết rằng đường, sự thật và sự sống là những điều quan trọng nhất mà tất cả mọi người trong gia đình nhân loại luôn tìm kiếm. Những điều này được diễn tả nơi Biến Cố Ðức Giê-su Ki-tô. Trong dòng lịch sử, nhiều người cho rằng mình là người chỉ đường cho người khác, còn Ðức Giê-su Ki-tô nói rằng chính Người là Ðường, Ðường dẫn tới sự thật và sự sống viên mãn.

Ðể chuẩn bị cho Ðức Giê-su Ki-tô, chuẩn bị cho Ðường xuống với con người khi thời gian tới hồi viên mãn, Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa xuống với con người và hướng dẫn con người, nhất là tổ tiên Dân Do-thái, theo nhiều cách thức khác nhau. Trong Tân Ước, tác giả Thư gửi tín hữu Do-thái, ngay phần mở đầu, đã tóm tắt chương trình của Thiên Chúa trong Cựu Ước cho tới Biến Cố Ðức Giê-su Ki-tô rằng: "Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử" (Dt 1,1-2). Như vậy, nhờ Ðức Giê-su Ki-tô là Thánh Tử của Thiên Chúa, con người nhận ra khuôn mặt hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Hơn nữa, để trở thành Ðường nối kết Tình yêu Thiên Chúa với con người và dẫn con người về với Thiên Chúa, Ðức Giê-su Ki-tô đã đi trên con đường làm người dương thế như chúng ta (Dt 4,15). Thật vậy, Thánh Tử của Thiên Chúa đã trở thành Thánh Tử của Gia Ðình Thánh Gia, trong gia đình lớn hơn là gia đình nhân loại, nhờ sự trung tín, vâng phục và cộng tác chân thành của Ðức Ma-ri-a và thánh Giu-se.

Vừa sinh ra chưa được bao lâu, các thành viên của Gia Ðình Thánh Gia (Ðức Giê-su Ki-tô, Ðức Ma-ri-a và thánh Giu-se) đã phải xuống Ai Cập để tránh sự lùng bắt của vua Hê-rô-đê. Câu chuyện bắt đầu với việc ba nhà đạo sĩ nhìn thấy vì sao của Ðức Giê-su Ki-tô Giáng Sinh ở Phương Ðông và họ đã tới Giê-ru-sa-lem để hỏi thăm các thượng tế và kinh sư Do-thái, dưới sự chủ tọa của vua Hê-rô-đê về việc Giáng Sinh của Ðức Giê-su Ki-tô, Vua Dân Do-thái. Sau khi ba nhà đạo sĩ gặp gỡ Ðức Giê-su Ki-tô và tiến dâng lễ vật (vàng, nhũ hương và mộc dược), họ 'không trở lại đường cũ' để tường thuật cho vua Hê-rô-đê biết về sự gặp gỡ của họ với các thành viên của Gia Ðình Thánh Gia. Vua Hê-rô-đê phẫn nộ, ra lệnh lùng bắt và giết chết các bé trai tại Bê-lem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống. Thế nên, Thánh Gia phải lánh sang Ai Cập. Khi vua Hê-rô-đê băng hà, các thành viên Gia Ðình Thánh Gia từ Ai Cập trở về Na-da-rét, miền đất của Ít-ra-en, và sinh sống tại đó.

Ðức Giê-su Ki-tô trải qua thời gian dài trong thinh lặng nơi làng quê Na-da-rét cho đến năm 30 tuổi. Ðể bắt đầu sứ mệnh công khai, Người đi từ phía Bắc xuống phía Nam của đất nước Do-thái, tới thung lũng Giê-ri-khô, tới sông Gio-đan nối liền với Biển Chết, chỗ sâu nhất trên địa cầu (khoảng 400m dưới mực nước biển). Dòng sông Gio-đan, nơi Ðức Giê-su Ki-tô chịu Phép Rửa cũng là nơi xưa kia, sau thời gian dong duổi 40 năm trong thân phận nô lệ, Dân Do-thái băng qua để về với Ðất Hứa, đất chảy sữa và mật. Tại đó, Ðức Giê-su Ki-tô, tuy vô tội, Người đã chịu Phép Rửa để thông phần với con người trong các hình thức đau khổ do tội lỗi gây nên. Hình ảnh Người chịu Phép Rửa diễn tả việc Người xuống thung lũng tội lỗi của con người, của con cháu A-đam qua muôn thế hệ.

Trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Ðức Giê-su Ki-tô đã cúi xuống với những người bệnh tật, những kẻ bị quỉ ám để chữa lành và hồi phục phẩm giá cho họ. Người đã cúi xuống với những người nghèo khổ, những người cô thế cô thân và nạn nhân của vô số hình thức bất công trong xã hội Do-thái. Người đã đến với những người bị loại trừ, chẳng hạn, những người thu thuế hay những phụ nữ ngoại tình để an ủi họ. Hơn nữa, Người còn cho họ trở thành môn đệ của Người trong hành trình trần thế. Ðặc biệt, Người đã cúi xuống với những người tội lỗi và tha thứ cho họ. Trong mọi hoàn cảnh, Ðức Giê-su Ki-tô luôn diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, mà không quan tâm đến điều kiện văn hóa, truyền thống, chủng tộc hay bất cứ hình thức phân chia nào theo cách thức loài người.

Ðức Giê-su Ki-tô, Ðường xuống với con người không chỉ dừng lại ở đó. Người đã thông phần với con người trong muôn hình thức đau khổ mà đỉnh cao là sự chết. Người đã chết và xuống ngục tổ tông, xuống cõi âm ty, xuống nơi hoàn toàn thiếu vắng tình thương, để trao ban tình thương Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho tất cả. Theo mặc khải Ki-tô giáo, những người chết không thể tự mình ra khỏi vực thẳm này, nhưng cậy nhờ vào sự giải thoát của Thiên Chúa, được thực hiện qua Biến Cố Ðức Giê-su Ki-tô. Thánh Phê-rô viết rằng: "Ðức Giê-su đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm" (1 Pr 3,19) và rằng: "Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa" (1 Pr 4,6).

Trong nhãn quan của thánh Phao-lô, Ðức Giê-su Ki-tô xuống để kéo mọi người lên: "Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? Ðấng đã xuống cũng chính là Ðấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn" (Ep 4,9-10). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: "Ðức Ki-tô đã xuống âm phủ" (Mt 12,40; Rm 10,7; Ep 4,9) để "kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa và ai nghe thì được sống" (Ga 5,25; GLGHCG, 635) và rằng: "Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng khơi nguồn sự sống" (Cv 3,15), đã "nhờ cái chết của Người, tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ" (Dt 2,14,15; GLGHCG, 635). Ðiều này giúp chúng ta xác tín rằng với Ðức Giê-su Ki-tô, những gì 'không thể đối với con người' thì lại 'luôn có thể' đối với quyền năng của Thiên Chúa.

Ðức Giê-su Ki-tô là Ðường xuống với con người, đồng thời, là Ðường duy nhất dẫn tất cả mọi người trong gia đình nhân loại lên với Thiên Chúa. Thánh Phê-rô đã minh định với các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giê-ru-sa-lem rằng: "Ngoài Ðức Giê-su Ki-tô ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ" (Cv 4,12). Tương tự như thế, thánh Phao-lô nói: "Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người" (1 Tm 2,5). Ðối với những người có kinh nghiệm trực tiếp về Ðức Giê-su Ki-tô lịch sử và Ðức Giê-su Ki-tô Phục Sinh như thánh Phê-rô và Phao-lô thì những khẳng định trên đây là nền tảng không lay chuyển của nội dung đức tin Ki-tô Giáo.

Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng đã tới vực thẳm sâu nhất của thân phận con người là vực thẳm sự chết, cũng chính là Ðấng phục hồi phẩm giá con người. Trong hành trình dương thế, Ðức Giê-su Ki-tô gọi các môn đệ của mình là bạn (Ga 15,13-15). Vị Thiên Chúa toàn năng toàn thiện gọi thụ tạo mình là bạn, đây thật là điều không thể tưởng tượng được, nhưng thực sự đã xảy ra. Thánh Phao-lô diễn tả Ðức Giê-su Ki-tô là Anh Cả của tất cả mọi người cùng muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Theo thánh nhân, Người vừa là "trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo", vừa là "trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại" (Cl 1,15.18). Ðiều này, một lần nữa, cho phép chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Ðức Giê-su Ki-tô, Ðường xuống với con người. Hơn nữa, trong nhãn quan của thánh Gio-an Tông Ðồ, nhờ Ðức Giê-su Ki-tô, con người không chỉ trở về tình trạng nguyên thủy là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, mà còn trở thành con cái Thiên Chúa (Ga 1,12; 1 Ga 3,1).

Ðức Giê-su Ki-tô vừa là Ðường xuống với con người, vừa là Ðường lên với Thiên Chúa. Quả thật, nếu hành trình của Ðức Giê-su Ki-tô, chỉ là hành trình xuống, xuống tận vực thẳm sâu nhất và rùng rợn nhất là sự chết, thì quả thật Ðức Giê-su Ki-tô cũng như muôn người khác trong gia đình nhân loại vậy. Không! Ðức Giê-su Ki-tô xuống để dẫn tất cả mọi người lên. Lời tựa Tin Mừng Ðức Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an làm nổi bật rằng Ðức Giê-su Ki-tô đến từ Thiên Chúa để cứu độ mọi người và dẫn đưa mọi người về với Thiên Chúa (Ga 1,1-18). Do đó, ai muốn theo Người là Ðường lên với Thiên Chúa, thì trước hết hãy theo Người là Ðường xuống với con người. Ai muốn theo Người, Ðường lên với Thiên Chúa, thì hãy học nơi Người, Ðường xuống với con người, xuống với anh chị em mình. Cách cụ thể là: Trong mọi hoàn cảnh, các môn đệ của Ðức Giê-su Ki-tô phải luôn hạ mình, luôn cúi đầu, luôn đấm ngực ăn năn về những tội lỗi và bất xứng của bản thân trong các tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.

Ai không thông phần với Ðức Giê-su Ki-tô, Ðường xuống với con người, thì cũng không thể thông phần với Người, Ðường lên với Thiên Chúa. Ai từ chối 'sự đụng chạm' của Ðức Giê-su Ki-tô, từ chối tình yêu của Người, thì cũng không thể thông phần gia nghiệp vĩnh cửu với Người trong Nước Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, trong Bữa Tiệc Ly, khi Ðức Giê-su Ki-tô cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau nhằm diễn tả tình yêu tự hạ, tình yêu của Ðường xuống với con người, Ðức Giê-su Ki-tô đến với Phê-rô, để rửa chân cho Phê-rô, nhưng Phê-rô từ chối. Ðức Giê-su Ki-tô nói với Phê-rô: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy" (Ga 13,8). Phê-rô đã đồng ý để Ðức Giê-su Ki-tô rửa chân cho mình và đã cảm nghiệm được tình yêu vô bờ của Thầy mình.

Ðiểm lại chương trình mặc khải của Thiên Chúa nơi Biến Cố Ðức Giê-su Ki-tô, chúng ta nhận ra bảy hình thức hiện diện đặc biệt của Người: (1) Ðức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa, (2) Ðức Giê-su Ki-tô xuống thế làm người, (3) Ðức Giê-su Ki-tô chịu thương khó, (4) Ðức Giê-su Ki-tô chịu chết, (5) Ðức Giê-su Ki-tô Phục Sinh, (6) Ðức Giê-su Ki-tô Thánh Thể, (7) Ðức Giê-su Ki-tô Thân Thể Mầu Nhiệm (Giáo Hội). Chúng ta nhận thức rằng trong bảy hình thức hiện diện của Ðức Giê-su Ki-tô, ngoại trừ hình thức thứ nhất (Ðức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa) và thứ năm (Ðức Giê-su Ki-tô Phục Sinh), các hình thức khác đều diễn tả Ðức Giê-su Ki-tô, Ðường xuống với con người. Ðức Giê-su Ki-tô chịu chết là hình thức Người xuống thấp nhất. Vị Thiên Chúa chết để tất cả mọi người trong gia đình nhân loại được sống! Ðây quả thật là hình thức diễn tả tình yêu sâu đậm và nhiệm mầu nhất của Ðức Giê-su Ki-tô, của Thiên Chúa, đối với con người.

Nhờ Ðức Giê-su Ki-tô, Ðường xuống với con người, Vương Quốc Thiên Chúa hiện diện trên trần gian. Vương Quốc này tiếp tục hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội, đồng thời, Vương Quốc này hướng về sự sung mãn khi Thiên Chúa qui tụ muôn vật muôn loài trong Ðức Giê-su Ki-tô quang lâm (Ep 1,9-10). Như vậy, nhờ Ðức Giê-su Ki-tô, nhờ Ðường xuống với con người, Thiên Chúa hiện diện giữa con người, vĩnh cửu hiện diện trong thời gian, vô hạn hiện diện trong hữu hạn và sự sống hiện diện trong cõi chết. Ðiều này gợi lên nơi tất cả mọi người sự cần thiết để theo Ðường Ðức Giê-su Ki-tô trong hành trình trần thế của mình.

Người theo Ðường Ðức Giê-su Ki-tô là người làm những việc Ðức Giê-su Ki-tô đã làm, nói những điều Ðức Giê-su Ki-tô đã nói và hành động như Ðức Giê-su Ki-tô đã hành động. Người theo đường Ðức Giê-su Ki-tô là người đến với mọi người như Ðức Giê-su Ki-tô đã đến, yêu mọi người như Ðức Giê-su Ki-tô đã yêu và phục vụ mọi người như Ðức Giê-su Ki-tô đã phục vụ. Người theo Ðường Ðức Giê-su Ki-tô là người ngày càng trở nên giống Ðức Giê-su Ki-tô trong mọi sự. Người theo đường Ðức Giê-su Ki-tô là người luôn vâng theo Thần Khí của Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa Thánh Thần trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình. Người theo Ðường Ðức Giê-su Ki-tô là người luôn thiết lập mối tương quan liên vị với Người, đồng thời, luôn sẵn sàng đến với mọi người để dẫn đưa họ về với Thiên Chúa.

Chúng ta không chỉ được mời gọi học hỏi Ðường Ðức Giê-su Ki-tô, suy niệm Ðường Ðức Giê-su Ki-tô, tin tưởng Ðường Ðức Giê-su Ki-tô, dạy Ðường Ðức Giê-su Ki-tô, mà còn thực hành Ðường Ðức Giê-su Ki-tô nữa. Chúng ta biết rằng thực hành Ðường Ðức Giê-su Ki-tô luôn là việc lắm khó khăn và nhiều thách đố, bởi vì, để thực hành Ðường Ðức Giê-su Ki-tô, chúng ta phải từ bỏ chính mình, phải xuống sâu tận đáy lòng mình để nhận ra tội lỗi, yếu đuối và các hình thức bất xứng của bản thân. Ðể thực hành Ðường Ðức Giê-su Ki-tô, chúng ta phải xuống với những người bần cùng khốn khổ, xuống với những người đơn hèn, yếu đuối, xuống với những người bị xã hội bỏ rơi và muôn hình thức bất hòa hợp khác trong gia đình nhân loại.

Hôm nay đây, Ðức Giê-su Ki-tô vẫn luôn xuống, xuống với những ai đặt niềm hy vọng vào Người: Niềm hy vọng vào quyền năng của Người trên sự dữ, của vĩnh cửu trên thời gian, của vô hạn trên hữu hạn, của sự sống trên sự chết. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có sẵn sàng đón nhận Người hay đang bận rộn với ai đó, hiện tượng nào đó, biến cố nào đó? Chúng ta đang theo đường nào? Rất nhiều người nói rằng mình đang theo Ðường Ðức Giê-su Ki-tô; tuy nhiên, trong thực tế, họ đang theo đường mà họ tưởng tượng ra, theo Ðức Giê-su Ki-tô mà họ tưởng tượng ra hơn là Ðức Giê-su Ki-tô, Ðường xuống với con người, Ðức Giê-su Ki-tô đích thật, là Con Thiên Chúa, là Ðấng đã chết và đã xuống vực thẳm sự chết để diễn tả tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với con người.

Dư âm của Tội Nguyên Tổ, dư âm của sự vô ơn và kiêu ngạo vẫn tồn đọng trong tất cả mọi người. Dư âm của Tội Nguyên Tổ vẫn còn khi mỗi cá nhân muốn xây dựng cuộc sống bằng sức riêng của mình, muốn về với Thiên Chúa bằng sức riêng của mình. Dư âm của Tội Nguyên Tổ vẫn còn khi các hình thức cộng đoàn muốn xây dựng đời sống chung dựa trên sự đồng thuận của các cá nhân, mà không màng quan tâm hay quy chiếu mặc khải Thiên Chúa được thực hiện nơi Ðức Giê-su Ki-tô. Con người, trên bình diện cá nhân và tập thể, được mời gọi chiêm ngắm Ðức Giê-su Ki-tô, Ðường xuống với con người, để không ngừng biến đổi bản thân và các hình thức tập thể khác trong xã hội.

Xét về mặt thể lý, hành trình của mỗi người trên trần gian là hành trình xuống. Mỗi giây qua đi, mỗi phút qua đi, mỗi giờ qua đi, mỗi ngày qua đi, mỗi tháng qua đi, mỗi năm qua đi, con người 'càng gần hơn' với vực thẳm sự chết, vực thẳm mà ai cũng run sợ, ai cũng muốn trì hoãn, ai cũng bồn chồn lo lắng. Vực thẳm sự chết là vực thẳm nhiệm mầu và không ai có thể tránh được. Ðức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, cũng đã bồn chồn lo lắng trước vực thẳm này; tuy nhiên, Người đã vượt thắng tất cả trong sự vâng phục và tin tưởng phó thác vào tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Ðức Giê-su Ki-tô đã Phục Sinh! Niềm vui tràn ngập toàn thể địa cầu. Với Ðức Giê-su Ki-tô, hừng đông của cánh chung ló rạng cho tất cả những ai tin tưởng, yêu mến và đặt hy vọng vào Ðường của Người.

Sự quan sát, đánh giá và diễn tả trên đây cho phép chúng ta nhận biết rằng Ðức Giê-su Ki-tô là Ðường xuống với con người. Bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và sự vâng phục cộng tác của Ðức Trinh Nữ Maria, Ðức Giê-su Ki-tô đã xuống thế làm người, xuống Ai Cập, xuống thung lũng Giê-ri-khô, xuống sông Gio-đan, xuống với những người tội lỗi, bị quỉ ám, và muôn hình thức đau khổ khác trong xã hội loài người. Người đã chết và đã đến vực thẳm sâu nhất của thân phận con người là vực thẳm sự chết, để trao ban sự sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người. Ước gì mỗi người chúng ta luôn là môn đệ và tông đồ của Ðức Giê-su Ki-tô là Ðường xuống với con người trong hành trình trần thế này, để nhờ Người là Ðường lên với Thiên Chúa, chúng ta được hưởng bình an và hạnh phúc muôn đời trên Nước Trời.

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên

Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Giới Trẻ và Thiếu Nhi / HÐGMVN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page