Ðức Thánh Cha kết thúc

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu

 

Ðức Thánh Cha kết thúc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Hồng Thủy

Vatican (Vatican News 26-01-2020) - Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu, trong hành trình đại kết, hãy lắng nghe những người, những cộng đoàn bé nhỏ vì Thiên Chúa thích thông qua họ, trao các sứ điệp cho chúng ta; hãy vượt trên lợi ích của nhóm để hướng tới ơn cứu độ phổ quát Chúa muốn cho tất cả mọi người; và hãy sống lại truyền thống hiếu khách của Tin Mừng bằng cách đón nhận các Kitô hữu thuộc các Giáo hội và truyền thống khác nhau.

Lúc 5 giờ 30 chiều thứ Bảy 25 tháng 01 năm 2029, Ðức Thánh Cha đã chủ sự giờ Kinh Chiều kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, được cử hành tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành.

Tham dự giờ Kinh Chiều có Ðức tổng giám mục Gennadios, đại diện Ðức Thượng phụ Chính Thống Constantinople; nữ mục sư Ian Ernest, đại diện Ðức tổng giám mục Cantebury của Anh giáo, và các đại diện của các Giáo hội và cộng đoàn Giáo hội khác.

Bắt đầu bài giảng, Ðức Thánh Cha đề cập đến ba nhóm người hiện diện trên cùng con tàu với thánh Phaolô như được thuật lại trong sách Công vụ tông đồ chương 27. Nhóm uy quyền nhất là quân lính dưới quyền của viên đại đội trưởng. Nhóm thủy thủ là nhóm mà những người trên thuyền cậy dựa vào họ trong suốt hành trình. Và nhóm cuối cùng là các tù nhân, những người ysu đuối và dễ tổn thương nhất. Thánh Phaolô, tuy thuộc nhóm tù nhân lại là người mang sứ điệp hy vọng cho tất cả mọi người, khi họ dường như đã hoàn toàn mất hy vọng khi con tàu của họ gặp bão tố. Và tất cả họ đã được người dân đảo Malta tiếp đón nồng hậu.

Chúa thích gửi các sứ điệp qua những người bé nhỏ, nghèo khổ

Câu chuyện của sách Công vụ Tông đồ cũng nói về hành trình đại kết của các Giáo hội, hướng đến sự hiệp nhất mà Thiên Chúa mong muốn. Trước hết là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương, những người có rất ít để trao tặng, nhưng dựa vào Thiên Chúa, sự giàu sang đích thật, họ có thể đưa ra những sứ điệp có lợi cho tất cả. Ngay cả các cộng đồng Kitô giáo nhỏ nhất và ít liên quan nhất trong mắt thế giới, nếu họ sống kinh nghiệm của Chúa Thánh Thần, nếu họ sống tình yêu với Thiên Chúa và người lân cận, họ có một thông điệp để trao cho toàn thể gia đình Kitô hữu. Ðức Thánh Cha nói: "Như trong câu chuyện về vụ đắm tàu của Phaolô, thường là người yếu nhất mang thông điệp cứu rỗi quan trọng nhất. Bởi vì Thiên Chúa thích cách này: Người cứu chúng ta không phải bằng sức mạnh của thế giới, nhưng bằng sự yếu đuối của thập giá (x. 1Cr 1,20-25). Ðức Thánh Cha cảnh giác các Kitô đừng để bị thu hút bởi lý luận của thế gian nhưng cần lắng nghe những người nghèo khổ và bé nhỏ, bởi vì Chúa thích gửi các sứ điệp qua họ, những người giống với Con Thiên Chúa Nhập Thể nhất.

Ưu tiên của Thiên Chúa là cứu độ tất cả mọi người

Khía cạnh thứ hai của đoạn sách Công vụ Tông đồ là ưu tiên của Thiên Chúa là cứu độ tất cả, như thiên thần đã nói với thánh Phaolô: Thiên Chúa muốn cứu thánh nhân và tất cả những người đồng hành với ngài. Chính thánh Phaolô cũng đã viết: "Người muốn rằng mọi người được cứu độ" (1Tm, 2,49). Chúng ta được mời gọi không chỉ dành cho cộng đoàn của mình nhưng mở ra với thiện ích của tất cả, mở ra với cái nhìn phổ quát của Thiên Chúa, Ðấng làm người để ôm lấy toàn thể con người và chết và sống lại để vì ơn cứu độ của tất cả. Với ơn Chúa, chúng ta có cùng cái nhìn với Người và có thể vượt qua sự chia rẽ. Mỗi cộng đoàn Kitô hữu đều có món quà để trao cho người khác. Khi chúng ta càng nhìn xa hơn lợi ích đảng phái và vượt qua những di sản của quá khứ với mong muốn tiến tới bến đỗ chung, chúng ta sẽ càng tự động nhận ra, chào đón và chia sẻ những món quà này.

Lòng hiếu khách

Và điểm cuối cùng Ðức Thánh Cha chia sẻ, cũng là trọng tâm của Tuần Ðại kết, chính là sự hiếu khách. Những người dân trên đảo Malta đã đón tiếp, quảng đại giúp đỡ thánh Phaolô và các bạn đồng hành của ngài với lòng hiếu khách. Ðức Thánh Cha nói: "Từ tuần cầu nguyện này, chúng ta muốn học cách trở nên hiếu khách hơn, trước hết là giữa các Kitô hữu, ngay cả trong số các anh em thuộc các hệ phái khác nhau. Hiếu khách thuộc về truyền thống của các cộng đoàn và gia đình Kitô giáo. Các tiền bối của chúng ta đã dạy chúng ta bằng ví dụ rằng trên bàn của một gia đình Kitô giáo luôn có một đĩa súp cho người bạn lỡ đường hoặc người nghèo khổ đến gõ cửa. Và trong các đan viện, lòng hiếu khách rất được coi trọng. Chúng ta đừng đánh mất nó, nhưng trái lại, hãy làm sống lại những phong tục của Tin Mừng!" (REI 25/01/2020)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page