Mùa Chay thánh:
Ý nghĩa lễ nghi bỏ Tro trên đầu các tín hữu

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Mùa Chay thánh: Ý nghĩa lễ nghi bỏ Tro trên đầu các tín hữu.

 Thứ tư 28/02/2001, Giáo hội công giáo bắt đầu Mùa Chay thánh, để chuẩn bị cử hành Mầu nhiệm Phục sinh: Cuộc Tử Nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu chuộc nhân loại. Ðây là Mầu nhiệm quan trọng hơn cả và là trung tâm của Năm Phụng vụ.

 Hằng Năm vào đầu Mùa Chay , ÐTC đến nhà thờ Thánh Sabina (có từ thế kỷ thứ năm) trên đồi Aventino, để chủ tọa Cuộc kiệu xám hối, từ nhà thờ Thánh Anselmo (của các Tu sĩ Dòng Biển Ðức) đến nhà thờ Thánh Sabina (do các Cha Dòng Ða minh phụ trách). Tại đây ngài chủ tế Thánh lễ và làm Phép Tro, bỏ trên đầu các tín hữu.

 Ý nghĩa sâu xa của Lễ nghi bỏ Tro trên đầu.

 Trước hết, lãnh nhận việc bỏ Tro trên đầu là một cử chỉ có từ rất lâu đời. Trong Cựu Ước chúng ta thấy nhiều lần: việc bỏ Tro trên đầu là dấu hiệu của tang chế, đau buồn và của sự tự hạ mình, để xin ơn tha thứ.

 Trong lúc quân đội của Assyria do Tướng hùng hổ Holoferno chỉ huy tiến vào Israel, mọi người dân Giêrusalem, cả phụ nữ và trẻ em, phủ phục xuống đất trước Ðền Thánh và bỏ tro trên đầu, giang tay lên trời, khẩn cầu Thiên Chúa (Judit , 4, 11 ).

 Ông Gióp, sau khi tha thiết kêu cầu Thiên Chúa cứu mình trong cơn cực khổ, hoạn nạn, bị mọi người từ bỏ, trở về với Chúa với tất cả niềm tin tưởng và thề hứa: "Lạy Chúa, con xin rút lời than phiền, trách móc, con đau đớn bỏ tro bụi trên con" (Job 42, 6).

 Bị đe dọa tàn phá, sau khi nghe tiên tri Giona giảng, toàn dân thành Ninive, từ Vua đến dân thường và cả loài vật nữa, bỏ tro trên đầu, mặc áo nhặm, xin ơn tha thứ và đã được Thiên Chúa thương đến (Jona 3, 5).

 Trong khi lãnh chút tro trên đầu, chúng ta, các người lớn, nhất là các bậc làm cha mẹ, các nhà giáo dục, các linh mục, các nữ, hãy lo lắng giải thích ý nghĩa cho các trẻ em. Tốt hơn cả là chúng ta cùng với các em lãnh tro trên đầu, để có dịp thuận tiện giải thích ý nghĩa sâu xa của lễ nghi này.

 Lễ nghi bỏ Tro trên đầu nhắc nhở chúng ta nhận biết: chúng ta là hư vô trước mặt Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không yêu thương chúng ta, nếu Người không ban sự sống cho chúng ta, nếu Người không xuống thế cứu chuộc chúng ta, thì chúng ta chỉ đáng giá như một chút bụi tro...và còn kém cả bụi tro nữa, vì chúng ta sẽ không có ở trần gian này. Lời linh mục căn dặn chúng ta trong lễ nghi bỏ tro trên đầu: "Người là bụi tro, người sẽ trở về tro bụi". Lời này nhắc cho chúng ta "sẽ phải chết và trở về đất bùn", chờ đợi ngày sống lại hợp với linh hồn bất tử, để hưởng vinh quang hay bị án phạt đời đời, tùy đời sống lành thánh hay tội lỗi của mỗi một người trong chúng ta. Ðây là một chân lý và một thực tại không thể phủ nhận được. Cần phải suy tư nhiều, cách riêng trong Mùa Chay thánh này, để chân lý và thực tại này sẽ giúp chúng ta sống lành thánh mỗi ngày mỗi thêm mãi. Chết là án phạt "Người phải chết, vì người đã không tuân giữ lề luật của Ta". Thánh Phaolô nói rõ: "Vì tội lỗi, sự chết vào trong thế gian". Mọi người, lớn bé già trẻ, giầu sang, nghèo hèn, quyền chức hay bạch đinh, có tín ngưỡng hay vô thần... đều phải chết và chết có một lần mà thôi và không biết khi nào phải chết. Các tiến bộï khoa học, cách riêng trong lãnh vực Y Khoa, tìm mọi cách để kéo dài sự sống, nhưng chưa khám phá được môn thuốc nào chữa khỏi chết và sẽ không bao giờ khám phá được, vì đây là án phạt của tội lỗi: "Ngươi phải chết".

 Nhìn thẳng vào thực tại này, chúng ta, người có đức tin, không thể và không được phép buồn sầu, trái lại vui mừng. Chúng ta bởi Thiên Chúa mà đến trong thế gian này. Một ngày nào đó, chúng ta trở về với Người, chỉ vì tình yêu thương và tha thứ, chứ không vì công nghiệp nào cả của chúng ta. Nếu Người yêu thương chúng ta vô cùng, chúng ta không phải sợ hãi chi. "Nếu Chúa tôi chấp tội, thì nào ai có thể cứu rỗi được?".

 Lễ nghi bỏ tro trên đầu nhắc nhở: chúng ta phải chết: "Người là bụi trọ, người sẽ trở về tro bụi". Tại sao chúng ta cố tình quên đi chân lý và thực tại này? Chúng ta đừng sống như người cự phú Chúa nhắc trong Phúc Aâm. Oâng ta tính toán tích trữ của cải để hưởng cuộc đời. Nhưng Chúa phán: "Vậy hỡi người khờ dại, đêm nay Chúa gọi người về, thì ích lợi gì những tính toán của người?". Chúng ta được gọi sống cuộc sống vĩnh cửu. Cuộc sống ở trần gian chỉ là tạm bợ, với biết bao khổ cực, đau đớn, bệnh tật: "Người phải đổ mồ hôi, bới đất nhặt cỏ, mới kiếm được của ăn". Ðây là số phận con người sống ở trần gian, đây là án phạt, sau khi ông bà nguyên tổ lỗi luật Thiên Chúa. Nghĩ đến cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta can đảm lãnh nhận mọi vất vả, hy sinh của cuộc đời, để lập công: "Per Crucem ad Lucem "(nhờ Thánh giá để tiến đến ánh sáng muôn đời).

 Mùa Chay thánh là thời gian chuẩn bị việc cử hành Mầu nhiệm Phục sinh. Lễ nghi bỏ tro trên đầu nhắc lại cho chúng ta rằng: một ngày nào đó, xa hay gần, chúng ta cũng qua sự chết, để được phục sinh với Chúa trong vinh quang. Muốn được hưởng vinh quang, cần phải đi trên Con đường Thánh giá, con đường Chúa Giêsu đã đi và đây là con đường duy nhất dẫn đưa đến cuộc sống vĩnh cửu. ÐTC đã đề nghị với các thanh niên "con đường duy nhất này ", trong sứ điệp ngài gửi để chuẩn bị Ngày Thế giới Thánh niên thứ XVI , được cử hành trên cấp giáo phận, vào Chúa nhật Lễ Lá tới đây.

 Lễ nghi bỏ tro trên đầu biểu lộ sự trở lại của mỗi một người trong chúng ta. Bỏ tro trên đầu, linh mục có thể đọc "Người là tro bụi, người sẽ trở lại bụi tro", hoặc lời này: "Hãy trở lại và tin vào Tin Mừng". Chính Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở về với Người: "Hãy tận tình trở về với Ta" ( ( Joel 2, 12 ). Tội lỗi không phải chỉ là một việc lỗi lề luật Thiên Chúa hay Giáo hội, nhưng còn là một vết thương gây hại cho mối quan hệ tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Trong Mùa Chay thánh, mỗi người trong chúng ta hãy công nhận mình là người con hoang đàng, bỏ nhà ra đi, sống một đời lãng mạn, nay bị túng cực, đói khổ: "Tôi đã phạm đến trời và đến Cha tôi". Và với sự thống hối này, quyết tâm trở về nhà Cha: "Tôi sẽ trở về nhà Cha tôi, nơi có dư dật mọi sự. Tôi sẽ thú nhận với Cha tôi: Con đã phạm đến Cha. Xin Cha tha thứ", ( Lc 15,14-24 ).

 Sau cùng, sự nghiêm khắc của lễ nghi bỏ tro mời gọi chúng ta tiến đến niềm an vui của tha thứ, của việc trở lại nhà Cha. Chúng ta phải nhìn vào Thiên Chúa và tin vào tình yêu thương của Người, hơn là nhìn lại quá khứ của tội lỗi. Chúng ta phải nhìn vào những sự kỳ diệu của ơn thánh Chúa hoạt động và biến đổi tâm hồn chúng ta hơn là khóc lóc tội lỗi xưa kia. Chúng ta hãy nhìn vào cử chỉ âu yếm của người Cha khi thấy con phung phá trở về nhà, hơn là nghĩ đến cuộc sống lãng mạn của chúng ta trước đây.

 Dó đó, lẽ nghi lãnh nhận chút tro trên đầu là một bước tiến đến tình yêu và tín nhiệm. Dĩ nhiên chúng ta thú nhận tội lỗi chúng ta, nhưng chúng ta còn ca ngợi hơn nữa lòng thương xót của Chúa. Và chúng ta hãy hát lên lời Thánh vịnh sau đây: "Lạy Chúa, xin thương xót con vì tình yêu thương và lòng nhân hậu của Chúa. Xin xóa sạch mọi tội lỗi con, để linh hồn con trở nên trắng như tuyết " ( TV 50, 1 ).
 
 

ÐTC chủ tọa lễ nghi làm Phép Tro và giảng trong Thánh lễ.

Roma - 28/02/2001 - Lúc 17:30, thứ tư Lễ Tro, đầu Mùa Chay thánh, ÐTC đến nhà thờ Thánh Sabina, trên đồi Aventino, để chủ tọa lễ nghi làm phép Tro, bỏ Tro và giảng khuyên trong thánh lễ.

 Trong bài giảng, ÐTC giải thích lời Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai của Thánh Lễ Thứ Tư: "Ðây là thì giờ thuận tiện".

 Mùa Chay là thời giờ thuận tiện cho việc trở lại của chúng ta, cho cuộc canh tân đời sống của chúng ta. Việc canh tân này phát xuất từ Mầu nhiệm Phục sinh: Cuộc Tử nạn và Cuộc Phục sinh của Chúa Kitô. Chết đi cho tội lỗi, để được sống lại trong ơn thánh Chúa.

 ÐTC nói tiếp: Lễ nghi bỏ Tro trên đầu là dấu hiệu ăn năn thống hối và trở lại của chúng ta. "Hãy trở lại và hãy tin vào Tin Mừng". Ý thức như vậy, chúng ta bước vào Mùa Chay thánh. Ðại Toàn xá đã đánh dấu một sự hòa giải với Thiên Chúa, với anh chị em. Kho tàng ơn thánh này phải được tiếp tục được ban phát cho cộng đồng các tín hữu. ÐTC đã nói rõ trong Tông thư "Novo Millennio ineunt " (bước vào Ngàn năm mới). Giáo hội phải tiến sang giai đoạn mới, bằng việc chiêm ngưỡng khuôn mặt cực thánh Chúa, khuôn mặt đau khổ . Việc chiêm ngưỡng khuôn mặt đau khổ của Chúa, mời gọi chúng ta tiến theo Người lên Núi Calvario, tiến trên con đuờng thánh giá "Via Crucis". Con đường Thánh Giá là con đường của Mùa Chay thánh. Giáo hội tiến sang giai đoạn mới bằng việc cầu nguyện - bằng việc lãnh nhận Bí tích hòa giải. Ở đây chúng ta nhận ra lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa. Lòng thương xót này thúc đẩy chúng ta nghĩ đến và giúp đỡ các người nghèo khổ.

 ÐTC kết thúc bài giảng của ngài như sau: Anh chị em hãy để mình hòa giải với Thiên Chúa. Thế giới ngày nay cần đền việc hòa giải. Giáo hội rao giảng tha thứ và tình yêu thương của Thiên Chúa, rao giảng những quan hệ huynh đệ giữa con người với nhau, giữa các dân tộc, rao giảng Thánh Giá Chúa, vì Thánh Giá là sự cứu rỗi của nhân loại, chỉ mình Thánh Giá ban bình an và ơn cứu độ mà thôi.

 Sau bài giảng, ÐTC làm Phép Tro và bỏ Tro trên đầu các Hồng Y, Giám mục và một số đông Tu sĩ Nam, Nữ và Giáo dân. Rồi ngài dự thánh lễ do Ðức Hồng Y Jozef Tomko, Tổng trưởng Bộï Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, tước hiệu Nhà thờ Thánh Sabina, chủ tế.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page