Ðức Bartolomeo đệ nhất,
Giáo chủ đại kết Giáo hội chính thống Constantinopoli,
đón nhận với niềm vui lớn lao
chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Hy lạp

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðức Bartolomeo đệ nhất, Giáo chủ đại kết Giáo hội chính thống Constantinopoli, đón nhận với niềm vui lớn lao chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Hy lạp.

 (Avvenire 25.3.2001) - Trong những ngày vừa qua, Ðức Bartolomeo đệ nhất, Giáo chủ đại kết Giáo hội chính thống Constantinopoli, viếng thăm miền nam nước Ý, cách riêng Tu viện các Ðan sĩ Certosini (Chartreux) do Thánh Bruno (1035-1101), người Ðức, sáng lập; Ngài đón nhận với niềm vui lớn lao chuyến viếng thăm tới đây của Ðức Gioan Phaolô II tại Atene (thủ đô Hy lạp). Chuyến viếng thăm được ấn định vào những ngày mồng 3 và mồng 4 tháng 5/2001 trên đường đi Damas, thủ đô Syrie, với mục đích kính viếng các nơi ghi lại dấu vết của Thánh Phaolô, Tông đồ dân ngoại, nhà truyền giáo đã rao giảng Tin Mừng cho dân thành Atene và được ơn trở lại lạ lùng trong lúc bách hại dữ dội các tín hữu đầu tiên của Giáo hội công giáo.

 Trả lời câu hỏi của đặc phái viên nhật báo công giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire 23.3.2001): "Kính thưa Ðức Giáo chủ, đây là cuộc hành hương thứ nhất của Ngài tại nước Ý và cuộc hành hương này đến trước cuộc hành hương của Ðức Gioan Phaolô II tại Atene (Hy lạp), theo vết chân Thánh Phaolô. Như vậy có sự liên kết nào giữa hai biến cố này không?".

 Ðức Giáo chủ Thành Constaninopoli thở dài, rồi nhắc lại rằng: Cuộc hành hương tại Calabria có tính cách xám hối. Nhưng rồi, ngài đã làm một luật trừ, bằng việc chấp nhận trao đổi ít lời với đặc phái viên. Ðức Giáo chủ nói như sau: "Không có một sự liên kết nào cả đã được tính toán trước; đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên xét về thời giờ". Rồi suy nghĩ một phút, Ðức Giáo chủ nói thêm: "Dĩ nhiên tôi chào mừng với niềm vui lớn lao chuyến ra đi này của Ðức Gioan Phaolô II tại Hy lạp, vì nó sẽ góp phần lớn vào việc đối thoại và tinh thần huynh đệ giữa các Giáo hội chúng ta".

 Nắm được cơ hội thuận tiện, đặc phái viên hỏi thêm: "Ðây là một chuyến viếng thăm, để có thể thực hiện, đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thưa có đúng như vậy không? Mỉm cười, Ðức Bartolomeo trả lời: "Cái đã phải xẩy ra, sẽ xẩy ra. Tôi rất hài lòng bởi vì chuyến viếng thăm này có thể thực hiện được". Ðức Giáo chủ tránh nhắc đến những tranh luận với Giáo hội chính thống Hy lạp, vì cách đây không lâu, Giáo hội này đã quyết định không đón tiếp Vị Lãnh đạo Giáo hội công giáo tại Hy lạp.

 Ðàng khác, như mọi người biết, vẫn có những xung khắc giữa Ðức TGM Christodulos tại Atene, lãnh đạo Giáo hội chính thống Hy lạp tự trị và Ðức Giáo chủ Bartolomeo đệ nhất, được công nhận là "Người Ðứng Ðầu Trong Những Anh Em Bằng Nhau" (Primus inter pares, người thứ nhất trong các người đồng chức vụ), không có quyền hành gì thực sự trên các Giáo hội chính thống khác. Các xung khắc này không những có tính cách lịch sử và liên quan đến quyền quản trị, nhưng còn cả về con người của hai vị. Vị Giáo chủ Atene nghiêm ngặt và bảo thủ; trái lại vị Giáo chủ Constantinopoli lại sẵn sàng đối thoại tiến đến hiệp nhất các tín hữu Kitô. Cũng vì lý do này Ðức Giáo chủ Bartolomeo sẽ không đến Atene trong lúc Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Hy lạp. Chính Ðức Giáo chủ đã xác nhận như vậy với đặc phái viên báo "Tương Lai" rằng: "Tôi không có mặt tại Atene, vì trong những ngày mồng 3 và 4 tháng 5/2001, tôi sẽ viếng thăm mục vụ tại miền bắc Hy lạp". Miền này lệ thuộc Tòa Giáo chủ Constantinopoli, nhưng không được Tòa Giáo chủ Atene công nhận".

 Ðặc phái viên đặt thêm câu hỏi khác: "Kính thưa Ðức Giáo chủ, ngài có thể làm một bản thống kê về chuyến viếng thăm tại Calabria, vừa kết thúc không? - Ðức Giáo chủ trả lời: "Tại nơi chúng tôi, người ta không nói: "đến Constantinopoli, mà trở về Constantinopoli". Cũng vậy đối với miền "Thánh Ðịa" này của các Ðan sĩ và các nhà khổ tu, tôi không nói: "đến Calabria, mà trở về Calabria". Ðây là chuyến ra đi thứ nhất của tôi, nhưng như thể tôi đã ở đây trước rồi, bởi vì người dân của tôi đã sinh sống tại đây và còn giữ những nguồn gốc sâu xa của miền đất này. Sự hăng say gây xúc động dân chúng miền này dành cho tôi, cách riêng trong những ngày này, minh chứng điều quả quyết trên đây của tôi, giáo chủ Constantinopoli; và Constantinopoli là một thành phố lịch sử trong biết bao thế kỷ đã là điểm tham khảo của người dân miền này. Như vậy, có thể nói: Tôi đến đến để củng cố những mối giây liên kết với miền Ðất này".

 Ðức Giáo chủ chính thống giải thích thêm: "Ðây là hạt giống chúng ta đã gieo vãi và hạt giống này sẽ sinh hoa trái. Nhưng xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi không có ý nói đến việc chiêu mộ các tín hữu, nhưng tôi có ý nói đến việc đối thoại và hiệp nhất. Chúng ta phải xây dựng những chiếc cầu thiêng liêng giữa các tín hữu chính thống và công giáo. Và đây là ý nghĩa của chuyến viếng thăm của tôi tại Calabria, cũng như của các chuyến viếng thăm khác và trong các hoạt động của tôi tại Fanar (Trụ sở Tòa Giáo chủ ở Thành phố Istanbul, thủ đô Thổ nhĩ kỳ).

 Và câu hỏi cuối cùng: Vậy lời cầu chúc của Ðức Giáo chủ là như thế nào? Ðức Giáo Chủ Bartolomeo Ðệ Nhất trả lời như sau: Uớc gì Ngàn năm thứ ba của Kitô Giáo được giống như Ngàn năm thứ nhất, lúc Ðông phương và Tây phương hiệp nhất với nhau, và không phải như Ngàn năm thứ hai, bị đánh dấu bằng sự chia rẽ".

 Trong chuyến thăm của Ðức Giáo chủ Constantinopoli đã có nhiều dấu hiệu về hiệp nhất. Hôm Thứ năm 22.3.2001, Ðức Bartolomeo đã làm phép viên đá đầu tiên xây cất nhà thờ tại Seminara, trên sườn Núi Thánh Elia, để các tín hữu chính thống Bulgari, thuộc quyền Tòa Giáo chủ Constantinopoli, di cư đến đây có nơi phụng tự. Từ trước tới giờ, Ðức Cha Luciano Bux, giám mục giáo phận Palmi vẫn dành một nhà thờ công giáo tại Seminara cho anh chị em chính thống này, trong khi chờ đợi xây cất nhà thờ mới, theo kiến trúc Bizantin. Chiều thứ năm, Ðức Giáo chủ đến Thành phố Reggio-Calabria, được Uûy Ban Hành chính miền tiếp đón và sau đó cùng với Ðức TGM giáo phận, tham dự buổi cầu nguyện đại kết trong nhà thờ chính tòa.

 Tưởng cũng nên nhắc lại đây rằng: ÐTC Gioan Phaolô II là người hăng say cầu nguyện và hoạt động cho hiệp nhất các tín hữu Kitô, cách riêng trong Năm Ðại Toàn xá vừa qua. Ngài đã nói lên nhiều lần: "Ngàn năm thứ ba phải là ngàn năm tiến đến sự hiệp nhất như ngàn năm thứ nhất hay ít ra các Giáo hội đừng chia rẽ thêm nữa". Ngài đã có nhiều cử chỉ rất ý nghĩa trong Năm Toàn xá, với sự tham dự tích cực của các Giáo hội Kitô khác (Anh Giáo, Chính Thống, Tin Lành...), như lễ nghi mở Cửa Thánh Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành 18.01.2000, cùng với Ðức Giáo chủ Anh giáo và đại diện Tòa Giáo chủ chính thống Constantinopoli; lễ nghi kính nhớ các Vị Tử đạo của các Giáo hội trong thế kỷ XX tại Hí trường Roma (Colosseo) ngày 7.5.2000 với sự tham dự đông đảo của đại diện các Giáo hội Kitô trên cả thế giới; Thánh lễ xin tha thứ trong Ðền thờ Thánh Phêrô, với sự hiện diện của các Giáo hội Kitô, ngày 12.3.2000, Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay và hằng năm việc cử hành ngày bế mạc Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô (25 tháng Giêng) trong Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành, với sự tham dự của đại diện các Giáo hội Kitô. Như thế, đã có nhiều bước dài tiến đến sự hiệp nhất các tín hữu. Ðây một điểm đáng mừng; nhưng con đường tiến đến hiệp thông hoàn toàn còn rất dài và đầy khó khăn.

 Một Vị Hồng Y trong Giáo Triều Roma đã nói về Ðức Gioan Phaolô II như sau: "Ngài nói lên cái ngài làm và làm cái ngài nói lên". Và mới đây, trong sứ điệp gửi cho Ðại hội Giáo dân Ðảo Sicilia (miền nam nước Ý), ÐTC nhấn mạnh: "Anh chị em hãy làm cho Giáo hội trở thành ngôi nhà và trường học của sự hiệp nhất và hiệp thông: đây là thách đố lớn lao trước mắt chúng ta trong Ngàn Năm vừa bắt đầu, nếu chúng ta muốn trung thành với chương trình của Thiên Chúa và đáp lại cả những chờ đợi sâu xa của thế giới ngày nay"
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page