Mạch Nước Vọt Lên
Sự Sống Ðời Ðời

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Thứ Tư, 22-7-1989
Bài 16

Thánh Thần Hiện Xuống:
Một Biến Cố
Tràn Lan Sự Sống Thần Linh

Biến cố Ngày Lễ Hiện Xuống tại nhà tiệc ly ở Gialiêm là một việc tỏ hiện thần linh đặc biệt. Chúng ta đã xét đến những yếu tố bề ngoài của biến cố này, như "tiếng gió thổi mạnh", những "lưỡi lửa" đậu trên đầu những người tụ họp tại nhà tiệc ly, và sau hết là việc "nói tiếng của những ngôn ngữ khác". Tất cả những yếu tố này chẳng những nói lên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, mà còn nói lên việc Người đặc biệt hiện xuống trên những ai có mặt, tức là "việc tự hiến ban" của Ngài, một việc làm phát sinh nơi họ một cuộc biến đổi trông thấy, như được sách Tông Ðồ Công Vụ thuật lại tỏ tường (2:1-12). Ngày Lễ Hiện Xuống đã kết thúc một tiến trình dài trong việc tỏ hiện thần linh nơi Cựu Ước, mà cuộc tỏ hiện thần linh quan trọng nhất là cuộc tỏ hiện cho Moisen trên Núi Sinai.

Ngay từ ban đầu của loạt suy niệm về thánh linh học này, chúng ta cũng đã đề cập đến mối liên hệ giữa biến cố Hiện Xuống của Chúa Thánh Thần và Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, nhất là về phương diện Người ra đi về với Cha qua cái chết của Người trên thập giá, cuộc phục sinh và thăng thiên của Người. Việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là việc làm hoàn tất lời Chúa Giêsu loan báo cho các tông đồ vào ngay trước cuộc tử nạn của Người trong "bài từ biệt" tại nhà tiệc ly ở Gialiêm. Bấy giờ Chúa Giêsu đã nói về một "Ðấng An Ủi mới": "Thày sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Ðấng An Ủi khác để mãi mãi ở cùng các con, Ngài là Thần Chân Lý" (Jn.14:16). Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: "Khi nào Thày đi, Thày sẽ sai Ngài đến với các con" (Jn.16:7). Nói về việc ra đi của mình nơi cái chết cứu độ trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói: "Chẳng còn bao lâu nữa thế gian sẽ không còn thấy Thày, song các con sẽ thấy Thày vì Thày vẫn sống" (Jn.14:19).

Ðến đây chúng ta tiến đến một phương diện mới của mối liên hệ giữa cuộc Vượt Qua và việc Hiện Xuống, ở chỗ là "Thày sống". Chúa Giêsu bấy giờ nói về cuộc phục sinh của Người. "Các con sẽ sống", một sự sống sẽ được tỏ hiện và bảo đảm bằng cuộc phục sinh của Thày là sự sống của các con. Việc thông truyền sự sống này, được tỏ hiện nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, cuối cùng đã có công hiệu nơi việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thật thế, những lời của Chúa Kitô đã làm âm vang phần kết thúc của sách tiên tri Ezekien, trong đó có lời Thiên Chúa hứa rằng: "Ta sẽ đặt Thần Linh của Ta nơi các ngươi, và các ngươi sẽ sống" (37:14). Bởi vậy, việc Hiện Xuống được liên kết một cách khít khao với cuộc Vượt Qua. Nó dính dáng với mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô: "Thày sống và các con cũng sẽ sống".

Nhờ việc Chúa Thánh Thần đến mà lời nguyện của Chúa Kitô ở nhà tiệc ly cũng được nên trọn: "Lạy Cha, đã đến giờ rồi; xin hãy tôn vinh Con Cha để Con Cha cũng được tôn vinh Cha, vì Cha đã ban cho Người quyền năng trên tất cả mọi xác thể, để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người" (Jn.17:1-2).

Trong mầu nhiệm vượt qua, Chúa Giêsu Kitô là nguyên lý của sự sống này. Chúa Thánh Thần ban phát sự sống này, bằng cách rút lấy từ việc cứu chuộc được hiệu thành bởi Chúa Kitô: "Ngài sẽ lấy những gì bởi Thày" (Jn.16:14). Chính Chúa Giêsu đã nói: "Chính Thần Linh mới ban sự sống" (Jn.6:63). Cũng thế, Thánh Phaolô tuyên xưng rằng: "luật thành văn thì giết hại, song Thần Linh lại ban sự sống" (2Cor.3:6). Việc Hiện Xuống đã làm sáng tỏ sự thật mà Giáo Hội tuyên xưng bằng những lời của Kinh Tin Kính: "Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là Chúa và là Ðấng ban sự sống". Cùng với cuộc Vượt Qua, việc Hiện Xuống là tột đỉnh công cuộc cứu chuộc của Ba Ngôi thần linh nơi lịch sử loài người.

Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã hội họp tại nhà tiệc ly ở Gialiêm cùng với Maria, Mẹ Chúa Giêsu, cùng các "môn đệ" khác của Chúa, nam cũng như nữ. Các vị này là thành phần đầu tiên cảm nghiệm được những hoa trái phục sinh của Chúa Kitô.

Ðối với các vị, Ngày Hiện Xuống là ngày phục sinh, ngày của một sự sống mới trong Chúa Thánh Thần. Ðó là một cuộc phục sinh thiêng liêng mà chúng ta có thể thấy được nơi việc các tông đồ được biến đổi trong thời gian của tất cả những ngày ấy; từ Thứ Sáu Chúa Kitô tử nạn, qua ngày Phục Sinh, cho đến ngày Hiện Xuống. Việc Thày bị bắt và bị tử giá đã quất một đòn chí tử trên các vị, làm các vị khó lòng phục hồi được. Ở chỗ, nhận được tin về việc phục sinh, các vị vẫn không tin và còn nghi ngờ, ngay cả khi các vị đối diện với Ðấng phục sinh. Các Phúc Âm đã nhắc lại sự kiện này một số lần: "Các vị không tin" (Mk.16:11); "một số hồ nghi" (Mt.28:17). Chính Chúa Giêsu đã nhẹ nhàng trách các vị: "Tại sao các con hoảng hốt và tại sao lòng các con còn thắc mắc?" (Lk.24:38). Người đã cố gắng làm cho các vị nhận thức được mình, bằng cách tỏ cho các vị thấy rằng Người không phải là "một con ma" song "có xương thịt" đàng hoàng. Và vì có xương thịt mà Người ăn một miếng cá đã nấu chín trước mắt họ (x.Lk.24:37-43).

Cuối cùng biến cố Hiện Xuống đã đưa các môn đệ đến việc chế ngự được thái độ thiếu tin tưởng này: sự thật về cuộc phục sinh đã hoàn toàn thấm nhập lý trí các vị và chiếm cứ lòng muốn của các vị. Ðúng là lúc bấy giờ "từ lòng họ tuôn ra những giòng sông chảy nước sự sống" (x.Jn.7:38), như chính Chúa Giêsu đã bóng bảy báo trước khi nói về Chúa Thánh Thần.

Nhờ công việc của Chúa Thánh Thần, các tông đồ cùng với các môn đệ khác đã trở nên một "thành phần Phục Sinh", những người tin tưởng và làm chứng cho việc phục sinh của Chúa Kitô. Các vị đã không ngại lấy biến cố quyết liệt này làm của mình. Từ ngày Lễ Hiện Xuống, các vị đã trở thành tin mừng cho "những việc uy quyền của Thiên Chúa" (Acts 2:11). Từ nội tâm của mình, các vị đã được ban cho khả năng này. Chúa Thánh Thần đã hiệu thành việc biến đổi nội tâm các vị bằng một sự sống mới phát xuất từ cuộc phục sinh của Chúa Kitô, một sự sống giờ đây được Ðấng An Ủi mới truyền sang cho các môn đồ của Người. Chúng ta có thể áp dụng vào cuộc biến đổi này với điều mà Isaia đã bóng bẩy nói tiên tri: "cho đến khi Thần Linh từ trên cao được đổ xuống trên chúng ta thì nơi hoang dã sẽ trở thành cánh đồng trù phú, và cánh đồng trù phú được coi như là một khu rừng" (Is.32:15). Thật thế, vào Ngày Lễ Hiện Xuống, chân lý phúc âm đã chiếu tỏa ánh quang: Thiên Chúa "không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống" (Mt.22:32), "vì tất cả đều sống cho Ngài" (Lk.20:38).

Cuộc hiển linh Hiện Xuống đã khai mở cho tất cả quan niệm về nét mới mẻ của sự sống. Biến cố này là khởi sự việc Thiên Chúa lại "tự hiến ban mình" cho nhân loại. Các tông đồ là dấu hiệu và là bảo chứng không những cho một "tân Yến Duyên" mà còn cho một "tân thụ tạo" được hiệu thành bởi mầu nhiệm vượt qua. Thánh Phaolô viết: "việc làm công chính của một người đem tất cả con người đến sự trắng án và sự sống... Ở đâu tội lỗi tăng lên thì ở đó ân sủng lại càng tràn trề" (Rm.5:18-20). Cuộc chiến thắng của sự sống trên sự chết này, ân sủng trên tội lỗi này, do Chúa Kitô chiếm được, thực hiện nơi nhân loại nhờ Chúa Thánh Thần. Bởi Ngài, cuộc chiến thắng này làm cho mầu nhiệm cứu chuộc (x.Rm.5:5; Gal.5:22) sinh hoa kết trái nơi cõi lòng chúng ta.

Việc Hiện Xuống là khởi đầu cho một tiến trình canh tân linh thiêng, một tiến trình thể hiện công cuộc cứu chuộc theo chiều kích lịch sử và cánh chung của nó, nhắm vào toàn thể tạo vật.

Trong Thông Ðiệp về Chúa Thánh Thần, Dominum et Vivificantem, Tôi đã viết: "Ðó là một khởi sự mới có liên quan tới lúc khởi sự nguyên thủy đầu tiên của việc hiến ban mình cứu rỗi của Thiên Chúa, một việc được coi như đồng nhất với chính mầu nhiệm tạo dựng. Ðây là điều chúng ta đã đọc thấy ngay những lời đầu tiên của Sách Khởi Nguyên: "Từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên các tầng trời và đất... và Thần Linh của Thiên Chúa (ruah Elohim) bấy giờ di chuyển trên mặt của các giòng nước" (1:1f). Ý niệm theo thánh kinh về việc tạo dựng này chẳng những bao gồm ơn gọi hiện hữu chính hữu thể của vũ trụ, tức là việc ban phát sự hiện hữu, mà còn bao gồm cả sự hiện diện của Thần Linh Thiên Chúa nơi việc tạo dựng nữa, tức là bao gồm cả việc Thiên Chúa thông ban mình cứu độ cho mọi sự Ngài tạo thành. Ðiều chân thật này liên quan trước hết đến con người, thành phần đã được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa (x.câu 12). Vào Ngày Lễ Hiện Xuống, cuộc "khởi sự mới" của việc Thiên Chúa ban mình cứu độ được liên kết với mầu nhiệm vượt qua, nguồn mạch của sự sống mới.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page