Mạch Nước Vọt Lên
Sự Sống Ðời Ðời

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Thứ Tư, 21-2-1990
Bài 14

Chúa Thánh Thần
là Ðấng Thánh Hóa

Theo Thánh Kinh, thần linh không những là ánh sáng chiếu soi bằng việc làm cho hiểu biết và gợi nói tiên tri, mà còn là một quyền năng thánh hóa nữa. Thần linh của Thiên Chúa thông truyền sự thánh thiện, vì chính Ngài là "một thần linh thánh thiện", là "thánh linh". Tước hiệu này được gán cho thần linh ở chương 63 Sách Tiên Tri Isaia, ở đoạn mà sau một bài thơ hay bài thánh vịnh dài viết lên chúc tụng những phúc lợi Giavê ban phát và phiền trách những hoang đàng trong giòng lịch sử của dân Yến Duyên, tác giả sách thánh viết rằng: "họ đã nổi loạn và làm phiền muộn thánh linh của Ngài" (Is.63:10). Thế nhưng, tác giả còn thêm, sau khi bị Thiên Chúa trừng phạt, "họ đã nhớ lại những ngày xưa kia và nhớ lại Moisen tôi tớ của Ngài", và họ tự nghĩ: "Ðấng đặt thánh thần của Ngài giữa họ nay ở đâu?" (Is.63:11).

Danh xưng này cũng làm âm dội Thánh Vịnh 53, nơi mà tác giả, trong khi cầu xin Chúa thứ tha và xót thương (Miserere mei Deus, secundum, miserecordiam tuam), đã van nài: "Xin đừng hất hủi tôi khỏi thiên nhan Ngài cũng đừng lấy mất thánh thần của Ngài nơi tôi" (Ps.51:13). Câu Thánh Vịnh này nói lên nguyên lý thiện hảo sâu xa tác hành bên trong dẫn con người đến sự thánh thiện ("thần linh thánh thiện").

Sách Khôn Ngoan xác nhận Thánh Thần không tương xứng với tất cả những gì là thiếu chân thành và công chính: "Thánh linh của kỷ cương tránh lánh xảo quyệt và rút lui khỏi dẫn dụ vô nghĩa; và hổ thẹn khi xẩy ra bất chính" (Wis.1:5). Ðiều này nói lên mối liên hệ rất chặt chẽ giữa khôn ngoan và thần linh. Theo khôn ngoan, tác giả hứng khởi viết: "có một thần linh tinh thông và thánh hảo" (7:22), một thần linh do đó phải là một thần linh "không tì vết" và "yêu chuộng sự thiện". Thần linh này là chính thần linh của Thiên Chúa, vì Ngài "toàn năng và toàn kiến" (7:23). Không có "thánh linh của Thiên Chúa" (x.9:17) này, thánh linh được Thiên Chúa "từ trời sai đến", nhân loại không thể nào nhận ra thánh ý Thiên Chúa (9:13-17) và càng không thể trung thành thực thi thánh ý Chúa.

Sự khẩn thiết của thánh thiện trong Cựu Ước được gắn liền với chiều kích văn hóa và tư tế của cuộc sống dân Yến Duyên. Việc thờ phượng phải được cử hành ở một nơi "thánh", nơi Thiên Chúa ba lần thánh ngự (x.Is.6:1-4). Mây là dấu hiệu Chúa hiện diện (x.Ex.40:34-35; 1Kgs.8:10-11). Mọi sự ở trong lều tạm, trong Ðền Thờ, trên bàn thờ và trên mình các vị tư tế, bắt đầu từ Aaron, vị tư tế tiên khởi được hiến thánh (x.Ex.29:1ff), đều phải xứng đáng với những điều kiện "thánh hảo". Sự thánh hảo giống như một hào quang tôn kính và sùng mộ bao trùm những con người, những lễ nghi, những địa điểm được ân huệ có liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa.

Một vài bản văn Thánh Kinh xác nhận việc Thiên Chúa hiện diện trong lều tạm, trong sa mạc và trong Ðền Thờ Gialiêm (Ex.25:8,40:34-35; 1Kgs.8:10-13; Ez.43:4-5). Chưa hết, trong đoạn cung hiến Ðền Thờ Solomon, vua Solomon đã nói lên vấn nạn Thiên Chúa hiện diện qua lời nguyện như sau: "Có thể nào Thiên Chúa lại thực sự ở giữa loài người trên mặt đất này? Nếu các tầng trời và những tầng cao thẳm còn không thể chứa nổi Ngài thì Ðền Thờ mà tôi xây cất đây lại càng không thể" (1Kgs.8:27). Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, Thánh Stêphanô đã phát biểu cùng một xác tín về Ðền Thờ như thế: "Thế nhưng Ðấng Tối Cao không ở nơi những ngôi nhà do bàn tay nhân loại làm nên" (Acts 7:48). Lý do là vì, như chính Chúa Giêsu cắt nghĩa trong cuộc chuyện vãn với người phụ nữ Samaritanô: "Thiên Chúa là thần linh, ai tôn thờ Ngài phải tôn thờ trong tinh thần và chân lý" (Jn.4:24). Một ngôi nhà làm bằng vật chất không thể nào nhận được trọn vẹn tác động thánh hóa của Chúa Thánh Thần, và vì thế cũng không thể nào thực sự là "nơi Thiên Chúa cư ngụ". Ngôi nhà đích thực của Thiên Chúa phải là một "ngôi nhà thiêng liêng", như Thánh Phêrô viết, được hình thành bởi "những viên đá sống động", tức là, bởi những người nam, người nữ được Thần Linh Thiên Chúa thánh hóa trong tâm hồn.

Vì lý do đó, Thiên Chúa đã hứa ban tặng ân Thần Linh trong lòng, như lời tiên tri nổi tiếng của Ezekien như sau: "Ta sẽ chứng tỏ sự thánh thiện vì đại danh của Ta, một danh hiệu đã bị tục hóa giữa các dân nước, nơi các ngươi đã làm cho danh Ta bị tục hóa... Ta sẽ tẩy rửa các ngươi khỏi mọi nhơ nhớp và khỏi mọi ngẫu tượng; Ta sẽ ban cho các ngươi một thần trí mới trong mình các ngươi... Ta sẽ đặt thần linh của Ta trong các ngươi..." (Ez.36:23-27). Hoa trái của tặng ân lạ lùng này là sự thánh thiện thực tiễn được sống bằng một tấm lòng gắn bó chân tình với thánh ý của Thiên Chúa. Nhờ sự hiện diện thân tình của Chúa Thánh Thần, cuối cùng lòng con người sẽ trở nên dễ dạy đối với Thiên Chúa và cuộc đời của tín hữu sẽ hòa hợp với luật Chúa.

Thiên Chúa phán: "Ta sẽ đặt thần linh của Ta trong các ngươi và Ta sẽ làm cho các ngươi sống theo các chỉ dụ của Ta, sẽ làm cho các ngươi tuân giữ các lề luật của Ta và thi hành lề luật của Ta" (Ez.36:27). Như thế là Thần Linh thánh hóa toàn thể cuộc sống của con người.

"Thần dối trá" chống lại với thần linh Thiên Chúa (x.1Kgs.22:21-23); "thần ô uế" chiếm cứ con người và người ta, làm cho họ cúi đầu tôn thờ ngẫu tượng. Trong Sách tiên tri Zacharia, khi nói về việc giải thoát của Gialiêm, hướng về đấng thiên sai, chính Chúa đã hứa làm cho dân biết cải hối, khi khai trừ thần ô uế: "Vào ngày đó... Ta sẽ hủy hoại tên tuổi của các ngẫu tượng khỏi đất nước... Ta cũng sẽ loại trừ khỏi đất nước những tiên tri và thần ô uế..." (Zech.13:1-2; x.Jer.23:9f; Ex.13:2ff).

Chúa Giêsu đã loại trừ "thần ô uế" (x.Lk.9:42,11:24). Làm việc này, Chúa Giêsu đã đề cập đến sự can thiệp của thần linh Thiên Chúa, khi phán: "Nếu Tôi lấy Thần Linh Thiên Chúa mà khử trừ ma qủi thì vương quốc của Thiên Chúa đã đến với qúi vị rồi đó" (Mt.12:28). Với các môn đệ của mình, Chúa Giêsu đã hứa ban cho họ sự phù trợ của "Ðấng Dẫn Dụ", Ðấng "sẽ làm cho thế gian nhận thức... về việc luận phạt, vì đầu lãnh thế gian này đã bị luận phạt rồi" (Jn.16:8,11). Còn thánh Phaolô, khi nói đến vị thần linh là Ðấng thánh hóa bởi đức tin và đức ái (x.Gal.5:5-6), và là Ðấng sẽ thay thế "những công việc của xác thịt" bằng "những hoa trái của thần linh" (x.Gal.5:19ff), thánh nhân đã rao giảng một cuộc sống mới "theo Thần Linh": một Thần Linh mới đã được các vị tiên tri nói tới.

Tất cả những cá nhân hay con người chạy theo thần trí phản lại với Thiên Chúa thì "làm phiền" thần linh Thiên Chúa. Ðó là điều tiên tri Isaia diễn tả mà chúng ta đã có dịp trưng dẫn, ở đây lập lại thiết tưởng rất thích hợp. Ðiều này được đọc thấy trong phần suy niệm gọi là Trito-Isaia về lịch sử dân Yến Duyên: "Chẳng phải là một sứ giả hay là một thiên thần, mà là chính (Thiên Chúa) đã cứu họ. Vì tình yêu và lòng thương xót của Ngài, Ngài đã tự cứu họ, nâng họ lên và mang lấy họ suốt cả một thời xưa. Thế nhưng họ đã phản loạn và làm phiền lòng thánh linh của Ngài" (Is.63:9-10). Vị tiên tri đã đối chiếu giữa lòng quảng đại của tình yêu cứu rỗi Thiên Chúa dành cho dân Ngài với lòng vô ơn bội nghĩa của họ. Trong cách vị tiên tri diễn tả theo đường lối nhân loại, thì việc gán cho thần linh Thiên Chúa nỗi phiền muộn vì bị dân ruồng bỏ am hợp với tâm lý nhân loại. Thế nhưng, theo ngôn ngữ của vị tiên tri, người ta có thể nói rằng tội lỗi của dân làm buồn phiền thần linh Thiên Chúa nhất là vì thần linh này thánh hảo: tội lỗi phạm đến sự thánh thiện thần linh. Sự xúc phạm trầm trọng hơn vì thánh thần Thiên Chúa chẳng những đã được Thiên Chúa đặt để nơi Moisen là tôi tớ của Ngài (x.Is.63:11), mà còn được Ngài ban cho dân Ngài như một vị hướng đạo trong cuộc Xuất Ai Cập của họ, như một dấu hiệu và lời đoan nguyền cho việc cứu độ sau này: "và họ đã nổi loạn..." (Is.63:10).

Thánh Phaolô cũng thế, như một người thừa hưởng ý niệm và từ vựng này, đã khuyên răn Kitô hữu giáo đoàn Eâphêsô: "Ðừng làm phiền lòng Thánh Thần Thiên Chúa mà anh em đã được ghi ấn tín cho ngày cứu độ" (Eâph.4:30,1:13-14).

Cách diễn tả "làm buồn phiền Thánh Thần" chứng tỏ rõ ràng dân Cựu Ước đã dần dần tiến từ ý niệm thánh thiện linh thiêng, một sự thánh thiện ngoại tại, đến ước muốn thánh thiện sâu xa bên trong dưới ảnh hưởng của Thần Linh Thiên Chúa.

Việc thường dùng danh hiệu "Thánh Thần" nói lên sự tiến hóa này. Không có mặt trong hầu hết các sách cổ thời của Thánh Kinh, danh hiệu này từ từ xuất hiện chính là vì nó muốn nói lên vai trò của Thần Linh trong việc thánh hóa tín hữu. Những bản thánh ca Qumran, (chẳng hạn như những bản thánh ca trong The First Cave of Qumran, 16:12,17:26), ở một số đoạn tạ ơn Thiên Chúa về việc thanh tẩy nội tâm mà Ngài đã thực hiện nhờ Thánh Thần của Ngài.

Ước muốn thiết tha của người tín hữu không còn mong chỉ được giải thoát khỏi những kẻ bức hiếp mình, như trong thời các quan án, mà trên hết mọi sự, họ mong sao cho mình có thể phụng sự Chúa "trong thánh thiện và công chính trước nhan Ngài mọi ngày trong đời sống chúng ta" (Lk.1:75). Vì thế mới cần đến ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần.

Sứ điệp Phúc Âm đã đáp ứng lòng mong đợi này. Có một điều đáng chú ý là, trong cả 4 Phúc Âm, chữ "thánh" lần đầu tiên xuất hiện liên quan đến Thần Linh, trong cả đoạn nói về việc hạ sinh của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu (Mt.1:18-20; Lk.1:15,35), cũng như trong đoạn loan báo phép rửa trong Thánh Thần (Mk.1:8; Jn.1:33). Trong đoạn truyền tin, Trinh Nữ Maria nghe thấy những lời của thiên thần Gabiên: "Thánh Thần sẽ đến trên trinh nữ... vì Ðấng hạ sinh sẽ là thánh và được gọi là Con Thiên Chúa" (Lk.1:35). Thế là hoạt động thánh hóa hệ trọng của Thánh Thần nhắm đến tất cả mọi dân nước đã được bắt đầu.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page