Ðức Thánh Cha tưởng niệm

các vị tử đạo Nhật Bản và đọc kinh Truyền tin

 

Ðức Thánh Cha tưởng niệm các vị tử đạo Nhật Bản và đọc kinh Truyền tin.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Nagasaki (Vatican News 24-11-2019) - Trưa Chúa nhật 24 tháng 11 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tưởng niệm các vị tử đạo Nhật Bản trên đồi Nishizaka ở Nagasaki, nơi hành quyết thánh Phaolô Miki và 25 thánh tử đạo Nhật Bản hồi năm 1597.

Sau khi công bố sứ điệp hòa bình và chống võ khí hạt nhân ở Atom Bomb Hypopark, Ðức Thánh Cha đã đến Ðài các Thánh Tử Ðạo cách đó 3 cây số trên đồi Nishizaka. Ðài này được xây bằng gạch đỏ có hình tượng 26 thánh tử đạo to bằng người thật hồi năm 1962. Cha Paolo Miki, dòng Tên và 25 vị tử đạo bị sát hại ngày 5 tháng 2 năm 1597 theo lệnh của Sứ quân Toyotomi Hideyoshi; cái chết của các vị mở đầu cho một thời kỳ bách hại Công Giáo dài hai thế kỷ tại Nhật.

Khi đến Ðài tưởng niệm, Ðức Thánh Cha được ông giám đốc bảo tàng viện, một linh mục và một tu huynh thuộc cộng đoàn dòng Tên ở địa phương chào đón, và một gia đình trao hoa cho ngài để đặt tại Ðài tưởng niệm. Ngài cũng thắp lên một ngọn nến sáng để tưởng nhớ tất cả các tín hữu Kitô bị bách hại, rồi cầu nguyện trong thinh lặng, trước khi xông hương các thánh tích.

Huấn dụ của Ðức Thánh Cha

Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng Ðài kỷ niệm này gợi lại những cuộc hành quyết và tên của các tín hữu Kitô đã chịu tử đạo xưa kia, bắt đầu là Cha Phaolo Miki và các bạn tử đạo ngày 05 tháng 02 năm 1597, và đông đảo các vị khác đã thánh hóa khu đất này bằng đau khổ và cái chết của các vị.

Ðài này biểu tượng chiến thắng của sự sống

Ðức Thánh Cha nói: "Nhưng chắc chắn rằng Ðài Tưởng Niệm này, nói với chúng ta về sự chiến thắng của sự sống hơn là sự chết. Thánh Gioan Phaolô II đã nhìn nơi này không phải như một núi các vị tử đạo, nhưng như một Núi Phúc thật, nơi chúng ta có thể nhận thấy chứng tá của những người đầy Thánh Linh, được tự do đối với sự ích kỷ, tiện nghi thoải mái và khỏi sự kiêu ngạo (Xc. Gaudete et exsultate, 65). Bởi vì nơi đây, ánh sáng Tin Mừng chiếu tỏa trong tình yêu chiến thắng trên sự bách hại và gươm giáo... Ðúng vậy, tại đây có tăm tối của chết chóc và tử đạo, nhưng cũng có loan báo ánh sáng phục sinh, nơi mà máu các vị tử đạo trở thành hạt giống sự sống mới mà Chúa Kitô muốn ban cho tất cả chúng ta. Chứng tá của các vị củng cố chúng ta trong đức tin và giúp chúng ta canh tân lòng tận tụy và quyết tâm để sống ơn gọi làm môn đệ thừa sai, biết làm việc cho một nền văn hóa có khả năng bảo vệ và luôn bênh đỡ mỗi sự sống, qua "sự tử đạo" trong việc phục vụ âm thầm hằng ngày dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người túng thiếu nhất".

Hiệp với các tín hữu Kitô đang đau khổ

Và Ðức Thánh Cha nói: "Anh chị em, tại nơi này chúng ta cũng hãy hiệp với các tín hữu Kitô tại nhiều nơi trên thế giới đang chịu đau khổ và sống cuộc tử đạo vì đức tin. Các vị tử đạo của thế kỷ 21 đang đặt câu hỏi cho chúng ta qua chứng tá của họ để chúng ta can đảm tiến vào con đường các Mối Phúc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và với họ, lên tiếng để tự do tôn giáo được bảo đảm cho tất cả mọi người ở mọi nơi trên trái đất và chúng ta hãy lên tiếng chống lại mọi thứ lèo lái các tôn giáo, do những chính sách cực đoan và chia rẽ, cũng như do chế độ kiếm lợi vô độ và những xu hướng ý thức hệ đáng ghét, lèo lái các hoạt động và vận mệnh của con người" (Văn kiện Abu Dhabi 04/02/2019).

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Chúng ta hãy cầu xin Ðức Mẹ, và Nữ Vương các vị tử đạo, cũng như xin thánh Phaolô Miki và tất cả các bạn, qua dòng thời gian đã công bố những kỳ công của Chúa bằng chính cuộc sống, xin các vị cầu bầu cho đất nước chúng ta và toàn thể Giáo Hội để những hy sinh của các ngài khơi lên những niềm vui cho việc truyền giáo được sinh động".

Sau khi đọc kinh truyền tin và ban phép lành cho mọi người, Ðức Thánh Cha đã về tòa Tổng giám mục Nagasaki. Tại đây ngài đã được 14 tiểu chủng sinh và 15 đệ tử sinh của hai dòng tu được thành lập tại Nagasaki, chào đón. Rồi Ðức Thánh Cha dùng bữa trưa, nghỉ ngơi, để chuẩn bị cử hành thánh lễ lúc 1 giờ rưỡi ở Sân dã cầu tại địa phương.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page