Ðức Thánh Cha cử hành

thánh lễ tại Nagasaki

 

Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nagasaki.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Nagasaki (Vatican News 24-11-2019) - Trong thánh lễ đầu buổi chiều ngày Chúa Nhật 24 tháng 11 năm 2019 tại Nagasaki, Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu tín thác nơi Chúa, liên đới với những người đau khổ, cầu nguyện và hoạt động để Nước Chúa hiển trị.

Lúc gần 1 giờ rưỡi chiều, Ðức Thánh Cha từ tòa Tổng giám mục Nagasaki đến để cử hành thánh lễ đầu tiên ở Nhật Bản, tại Sân dã cầu chỉ cách đó 600 mét. Trời không còn mưa như ban sáng nữa, và 35 ngàn tín hữu đã có mặt tại thao trường để sẵn sàng dự lễ với Ðức Thánh Cha. Ngoài các chỗ xung quanh có mái che, còn có hàng ngàn tín hữu ngồi tại sân chơi trong thao trường. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có nhiều anh chị em tín hữu Công Giáo Việt Nam.

Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có khoảng 40 Hồng y và Giám mục cùng với hàng trăm linh mục. Thánh lễ mừng kính Chúa Kitô Vua được cử hành bằng tiếng la tinh và tiếng Nhật, trong khi các ý nguyện trong lời nguyện giáo dân được xướng lên bằng tiếng Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Tagalok-Philippines, Nhật và Việt Nam.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha đã diễn giải cuộc đối thoại giữa người trộm lành với Chúa Giêsu bị treo trên thập giá và Chúa hứa: "Quả thực tôi nói với anh, ngay hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng" (Lc 23,43). Ðức Thánh Cha nhận xét rằng "Quá khứ quanh co của người trộm dường như trong nháy mắt mặc một ý nghĩa mới: đi sát cực hình của Chúa và giây lát ấy càng củng cố cuộc sống của Chúa: Chúa luôn luôn cống hiến ơn cứu độ mọi nơi."

Tuyên xưng đức tin và phụng sự Chúa

Ðức Thánh Cha nói với các tín hữu rằng: "Ở đây, ngày hôm nay, chúng ta hãy canh tân đức tin và quyết tâm của chúng ta. Chúng ta biết rõ lịch sử những thất bại, tội lỗi và giới hạn của chúng ta, như người trộm lành, nhưng chúng ta không muốn để điều ấy ảnh hưởng hoặc quyết định hiện tại và tương lai của chúng ta. Chúng ta biết nhiều khi chúng ta có thể lâm vào tình trạng lười biếng, khiến chúng ta nói một dễ dàng và dửng dưng: "Bạn hãy tự cứu mình đi", và không còn nhớ đến ý nghĩa việc chịu đựng đau khổ của bao nhiêu người vô tội. Phần đất này, đã cảm nghiệm như một số nơi khác, khả năng tàn phá mà con người có thể gây ra. Vì thế, như người trộm lành, chúng ta muốn sống giây phút chúng ta có thể lên tiếng và tuyên xưng đức tin để bảo vệ và phục vụ Chúa, Ðấng Vô Tội chịu đau khổ. Chúng ta muốn tháp tùng khổ hình của Chúa, nâng đỡ sự cô đơn và bị bỏ rơi của Ngài, và lắng nghe một lần nữa điều này: ơn cứu độ là lời Chúa Cha muốn cống hiến cho tất cả mọi người: "Ngay hôm nay anh sẽ ở cùng tôi trên thiên đàng".

Noi gương các thánh tử đạo

"Ơn cứu độ và xác tín chắc chắn mà thánh Phaolô Miki và các bạn đã can đảm làm chứng bằng chính mạng sống, cũng như hàng ngàn vị tử đạo có ảnh hưởng mạnh trên gia sản tinh thần của anh chị em. Theo vết các ngài, chúng ta hãy tiến bước. Theo bước đi của các ngài, chúng ta hãy can đảm tuyên xưng rằng tình yêu được Chúa Kitô trao ban, hiến tế và cử hành trên thập giá, có thể chiến thắng mọi thứ oán ghét, ích kỷ, lăng mạ hoặc sự trốn chạy xấu xa; tình yêu ấy có thể chiến thắng mọi thái độ bi quan lười biếng hoặc những thứ an sinh làm mê hoặc, rốt cục làm tê liệt mọi hành động và chọn lựa tốt đẹp."

Cầu xin cho Nước Chúa hiển trị

Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng: "Niềm tin của chúng ta là ở nơi Thiên Chúa hằng sống. Chúa Kitô sống và hành động giữa chúng ta, dẫn tất cả chúng ta đến cuộc sống sung mãn... Chúng ta kêu cầu mỗi ngày: xin cho nước Chúa hiển trị. Khi làm như thế chúng ta cũng muốn cuộc sống và những hành động của chúng ta trở thành lời chúc tụng. Nếu sứ mạng của chúng ta, trong tư cách là môn đệ thừa sai, là làm chứng và loan báo điều sẽ xảy đến, thì sứ mạng của chúng ta không cho phép chúng ta cam chịu trước sự ác và những tai ương, trái lại thúc đẩy chúng ta trở thành men của Nước Chúa tại bất kỳ nơi nào chúng ta sống: trong gia đình, nơi làm việc, trong xã hội, trở thành một lỗ nhỏ qua đó Chúa Thánh Linh tiếp tục thổi hy vọng vào dân chúng. Nước Trời là mục đích chung của chúng ta, một mục tiêu không thể chỉ là ngày mai, nhưng chúng ta khẩn cầu và bắt đầu sống ngay từ hôm nay, cạnh sự dửng dưng xung quanh và nhiều khi nó làm cho các bệnh nhân và người khuyết tật, người già và người bị bỏ rơi, người tị nạn và công nhân nước ngoài phải im tiếng. Tất cả những người ấy đều là dấu chỉ sinh động của Chúa Kitô, Vua của chúng ta, vì "Nếu chúng ta thực sự khởi hành từ sự chiêm ngắm Chúa Kitô, thì chúng ta phải biết nhận ra Chúa, đặc biệt là nơi khuôn mặt những người mà chính Chúa muốn đồng hóa với họ" (Gioan Phaolô II, Novo millénnio ineunte, 49).

Cầu nguyện cho tất cả những người đau khổ

Sau cùng Ðức Thánh Cha nói: "Anh chị em thân mến, Nagasaki mang trong tâm hồn mình một vết thương khó chữa lành, đó là dấu chỉ đau khổ không thể giải thích được của bao nhiêu người vô tội, nạn nhân của chiến tranh hôm qua và cả ngày nay họ còn chịu đau khổ vì "thế chiến thứ ba từng mảnh". Nơi đây chúng ta hãy lên tiếng, trong một kinh nguyện chung, cầu cho tất cả những người đang chịu đau khổ hôm nay trong thân xác họ, vì cái tội kêu thấu tới trời, để chúng ta ngày càng như người trộm lành, có khả năng không im lặng hay nhạo cười, nhưng tiên báo bằng chính tiếng nói của mình về một Nước chân thực và công lý, thánh thiện và ân phúc, tình thương và hòa bình".

Cuối thánh lễ lúc gần 3 giờ rưỡi chiều, Ðức Cha Giuse Mitsuaki Takami, thuộc tu đoàn Xuân Bích, Tổng giám mục sở tại đã chào mừng và cám ơn Ðức Thánh Cha. Ðức Thánh Cha đã tặng cho giáo phận một chén lễ quý giá.

Liền đó Ðức Thánh Cha ra phi trường Nagasaki để bay đến thành phố Hiroshima, cách đó 460 cây số, và là chặng chót trong chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha hôm Chúa nhật 24 tháng 11 năm 2019.

Tại Công viên hòa bình lúc 6 giờ chiều, giờ địa phương, Ðức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ hòa bình với 1,300 người gồm 20 vị lãnh đạo tôn giáo và 20 nạn nhân vụ ném bom nguyên tử ngày 06 tháng 08 năm 1945. Sau khi công bố sứ điệp hòa bình, Ðức Thánh Cha bay trở lại Tokyo.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page