Chân phước linh mục

Nicolas Bunkerd Kitbamrung, Thái Lan

 

Chân phước linh mục Nicolas Bunkerd Kitbamrung, Thái Lan.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Bangkok (Vatican News 22-11-2019) - Chân phước Nicolas Bunkerd Kitbamrung (1895-1944) thuộc vào số 44 vị tử đạo, trong đó có thầy giảng Anrê Phú Yên, được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước tại Roma ngày 05 tháng 03 Năm Thánh 2000 trước sự tham dự của 30 ngàn tín hữu.

Thân thế

Ngài sinh ngày 31 tháng 01 năm 1898 tại huyện Nakhon Chaisri thuộc tỉnh Nakhon Pathom, bấy giờ thuộc Bangkok, cách thủ đô 30 cây số. Thân phụ ngài là Ông Joseph Poxang, thành hôn với Agnès Thiang ngày 20 tháng 11 năm 1893, và Bunkerd là con đầu lòng được cha René Perros, thuộc Hội thừa sai rửa tội với tên thánh là Benedictus, nhưng luôn được gọi là Nicolas. Sau này Cha Perros là Giám mục Ðại diện Tông Tòa giáo phận Bangkok từ năm 1909 đến 1947.

Bunkerd có 5 người em và tất cả đều được giáo dục trong tinh thần Công Giáo nhờ tiếp xúc với các thừa sai. Khi còn nhỏ, Nicolas Bunkerd thường giúp lễ và tỏ ra có tính tình nhút nhát, và xa tránh các bạn xấu. Năm 13 tuổi, cậu Bunkerd được gửi vào tiểu chủng viện Bang Xang, và trong những năm tại đây, cậu cũng sinh hoạt mục vụ với giới trẻ. Lên đại chủng viện Penang ở Malaysia vào năm 1920, bấy giờ là trung tâm quốc tế đào tạo các linh mục cho vùng Ðông Nam Á.

Qua các hồ sơ còn để lại, thầy Bunkerd Kitbunchu có trí khôn thông minh, tính tình cương quyết, sức khỏe và hạnh kiệm tốt, kết quả các kỳ thi có điểm rất cao. Tính tình mạnh mẽ khiến cho thầy ban đầu có vẻ tự phụ, nhạy cảm, dễ nổi giận và hơi cứng đầu, nhưng khi các bề trên cảnh giác, thì thầy quyết tâm cải tiến, sửa chữa và xin các bề trên tiếp tục khuyên bảo.

Hoạt động tông đồ

Sau khi lần lượt chịu các chức thánh, ngày 24 tháng 01 năm 1926, thầy Nicolas Bunkerd thụ phong linh mục cùng với 4 thầy bạn tại Nhà thờ chính tòa Bangkok. Và bắt đầu hoạt động mục vụ và truyền giáo, trước hết làm cha phó tại Bang-Nok-Khnuek, của cha Durand, thuộc Hội thừa sai Paris. Tháng 10 năm sau, 1927 có các thừa sai dòng Salésien Don Bosco đến lập cứ điểm truyền giáo và mang theo 20 tu sinh học ban triết, có một vài linh mục hướng dẫn, trong đó có cha Gaetano Pasotti.

Cha Bunkerd dạy các thầy tiếng Thái và các bài học giáo lý, đồng thời tận tụy lo việc tông đồ. Ngày 01 tháng 01 năm 1928, cứ điểm truyền giáo đó được giao cho các cha dòng Don Bosco, và cha Nicolas Bunkerd được cử làm cha phó tại Phisatnulok dưới sự hướng dẫn của cha thừa sai Mirabel người Pháp. Cha làm việc trong xứ đạo và học tiếng Hoa. Từ năm 1930 đến 1937, cha được gửi đi làm việc truyền giáo tại miền Bắc Thái. Ðây là một công việc rất phức tạp: phục hồi các tín hữu Công Giáo, vì nghèo đói nên đã lơ là việc hành đạo, những cuộc du hành ở những miền hiểm trở, đường đi khó khăn và chưa được khai phá ở biên giới Lào. Tại Chiang Mai, một nhà nguyện được thiết lập như trung tâm hoạt động tông đồ. Từ đó, cha Nicolas Bunkerd mở các chuyến đi truyền giáo cho đến tận Miến Ðiện, vượt qua những con đường núi hiểm trở, qua những con sông nước chảy xiết.

Thay đổi nhiệm sở

Năm 1937, Cha Bunkerd lại đổi nhiệm sở lần thứ tư và được gửi tới huyện Khorat với nhiệm vụ cha sở. Lúc ấy cha đã 42 tuổi và đạt được những thành quả rất tốt trong việc hồi phục các tín hữu Công Giáo đã đi trệch đường. Cha tổ chức các lớp giáo lý cho người ngoại đạo, cho người dự tòng; cha cũng kiêm nhiệm thêm giáo xứ lân cận Non-Kaew từ năm 1938 đến 1941. Trong lúc đó, chiến tranh bùng nổ tại Ðông Dương và Thái Lan cũng bị can dự. Cha bị tố cáo là làm gián điệp cho Pháp nên bị bắt ngày 12 tháng 01 năm 1941 và giam tại nhà tù ở địa phương, rồi 40 ngày sau giải tới nhà tù quân sự ở thủ đô. Tại đây, cha bị xét xử và lên án 15 năm tù, nhưng vì bị bệnh lao phổi, cha qua đời ngày 12 tháng 01 năm 1944, sau bao nhiêu ngược đãi và hành hạ, lao lực trong tù.

Con đường tử đạo

Vụ cha Bunkerd bị bắt và những lý do khiến cha bị kết án nằm trong khuôn khổ cuộc bách hại chống Công Giáo tại Thái Lan, trong các năm 1930 và đầu thập niên 1940. Cha Nicolas Bunkerd bị kết án vì một số nhóm bài người nước ngoài, các chính trị gia bài Công Giáo ghét luôn cả các tín hữu Công Giáo thời đó, và nhất là nếu đó là một linh mục Công Giáo.

Sau 3 năm bị cầm tù, vị Tôi Tớ Chúa chết vì bệnh lao, mắc phải trong tù, và không được săn sóc. Thực vậy, cha bị chuyển sang khu bệnh lao với mục đích để cha cũng mắc bệnh đó, vì cha đã nhiệt thành làm việc tông đồ nơi các tù nhân. Ban giám đốc chủ tâm làm như vậy để cha chết sớm. Cha đã dạy giáo lý và rửa tội cho 68 tù nhân. Cha sống những năm tù gay go và bất công với tinh thần bình thản, chấp nhận số phận và lòng bác ái Kitô trung thành, chấp nhận hoàn cảnh, không kêu than, và coi đó như ý Chúa: Cha tha thứ cho những kẻ vu khống và bách hại cha.

Cha Nicolas Bunkerd Kitbamrung thật là một mẫu gương quan trọng cho các Linh Mục tại các xứ truyền giáo ngày nay thường bị bách hại. Cha cũng giúp tái đẩy mạnh linh đạo linh mục triều trong Ngàn Năm Thứ Ba.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page