Ðừng thế tục hoá đức tin,

Giáo Hội là ngôi nhà của Lòng Thương Xót

 

Ðức Thánh Cha: Ðừng thế tục hoá đức tin, Giáo Hội là ngôi nhà của Lòng Thương Xót.

Hồng Thủy

Vatican (Vatican News 21-09-2019) - Hãy đến với những người bị lãng quên nhất, với những người đang lẩn tránh đàng sau sự xấu hổ, sợ hãi, cô đơn, để nói với họ: 'Thiên Chúa nhớ đến bạn'", Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ như thế trong chuyến viếng thăm giáo phận Albano, gần Vatican. Ngài mời gọi mọi người đừng trở nên những người bình phẩm, lên án người khác, nhưng trở nên những người thăng tiến lợi ích cho tất cả anh chị em của mình.

Chiều thứ bảy 21 tháng 9 năm 2019, Ðức Thánh Cha đã viếng thăm giáo phận Albano nằm về hướng tây nam của Roma. Trên lãnh thổ của giáo phận có dinh thự nghỉ hè của các Giáo hoàng, Castel Gandolfo.

Ngày 21 tháng 9 - dấu mốc quan trọng trong ơn gọi của Ðức Thánh Cha

Hôm 12 tháng 7 năm 2019, Tòa Thánh đã thông báo rằng rằng Ðức Thánh Cha sẽ đến thăm giáo phận Albano vào ngày 21 tháng 9 năm 2019. Ðức cha Marcello Semeraro , giám mục của giáo phận Albano, cũng là Tổng Thư ký Hội đồng Hồng y cố vấn của Ðức Thánh Cha, cho biết: "Ngày 21 tháng 9 năm 1953, ngày lễ thánh Matthêu, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến gặp một linh mục, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử ơn gọi của ngài. Ðể ghi nhớ biến cố này, tôi đã đề nghị Ðức Thánh Cha sống lại cuộc hẹn thiêng liêng này với chúng tôi. Và đây cũng là dịp ghi nhớ biến cố ngày 21 tháng 9 năm 2008, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã đến nhà thờ chính tòa thánh Pancrazio để cung hiến bàn thờ chính và ghế giám mục mới của nhà thờ chính toà." Ðức Thánh Cha đã đồng ý thỉnh cầu của Ðức cha Semeraro. Ðó là lý do ngài đến Albano Laziale chiều ngày 21 tháng 9 năm 2019 và chủ sự Thánh Lễ tại đây.

Bức họa trên tường "Exemplum Omnibus"

Ðức Thánh Cha đã đến nhà thờ chính tòa Albano vào khoảng 5:15 chiều và được Ðức cha Semeraro, thị trưởng Nicola Marini thành phố Albano cùng với phu nhân, và cha sở nhà thờ chính tòa chào đón. Ông thị trưởng đã chào Ðức Thánh Cha và trao cho ngài Chìa khóa thành phố và một cuốn thuật lại kinh nghiệm của các hiệp hội thiện nguyện của thị trấn Albano, trình bày cho ÐTC bức họa trên tường được thực hiện nhân chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha. Bức tranh vẽ Ðức Thánh Cha trong y phục của một công nhân đang lau sạch khói bụi trên bầu trời, những thứ ô nhiễm do con người gây ra hàng ngày.

Tại cửa vào nhà thờ chính tòa, cha sở chào đón Ðức Thánh Cha và sau đó Ðức Thánh Cha rảy nước thánh trên các tín hữu. Lên đến cung thánh, Ðức Thánh Cha bắt đầu phút cầu nguyện với các linh mục. Sau đó, vào lúc 6 giờ chiều, Ðức Thánh Cha bắt đầu cử hành Thánh lễ.

Trong bài giảng, dựa trên đoạn Tin Mừng thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu vào thành Giêricô và đi ngang qua thành này, và đã nhìn thấy ông Giakêu, Ðức Thánh Cha đề cập đến 3 đặc tính của tình yêu Thiên Chúa.

Hành động thứ nhất của Chúa Giêsu: không lãng quên nhưng nhớ đến con người

Trước hết, Thiên Chúa không lãng quên, nhưng nhớ đến con người. Giêricô bị tàn phá và bị gọi là "thành phố bị lãng quên" (xem Gs 6). Nhưng theo Tin Mừng, Chúa Giêsu "đi vào và đi ngang qua" Giêricô (xem Lc 19,1). Ông Giakêu, một người thu thuế, đúng hơn "người đứng đầu những kẻ thu thuế, những kẻ cộng tác cướp bóc, bị dân chúng thù ghét, là tượng trưng cho hình ảnh của một điều tồi tệ bị lãng quên. Dưới mắt dân chúng, ông là kẻ tồi tệ, không thể được cứu độ. Nhưng dưới mắt Chúa Giêsu thì không phải thế. Chúa Giêsu là người đã gọi đích danh ông, Giakêu, nghĩa là "Thiên Chúa nhớ". Tại thành phố bị lãng quên, Thiên Chúa nhớ đến kẻ tội lỗi nhất.

Không cản trở nào ngăn Chúa nhớ đến chúng ta

Ðức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu nhớ đến chúng ta trước hết, Người không quên chúng ta, không bỏ qua chúng ta dù có những cản trở có thể làm chúng ta xa cách Người. Những cản trở của ông Giakêu là dáng người thấp bé của ông, về cả thể lý và luân lý, và cả sự xấu hổ của ông nữa, điều khiến ông tìm cách trốn dưới những cành cây đầy lá để nhìn Chúa Giêsu, có lẽ là ông hy vọng không bị Chúa nhìn thấy. Và rồi những lời phê bình bên ngoài, vì cuộc gặp gỡ với Chúa, cả thành phố xầm xì (câu 7). Dù những giới hạn, tội lỗi, xấu hổ, đàm tiếu và định kiến, không có trở ngại nào khiến Chúa Giêsu quên đi điều cốt yếu, con người được yêu thương và cứu độ".

Sứ vụ của Giáo Hội: nói cho con người biết mình được Chúa yêu thương

Câu hỏi được Ðức Thánh Cha đặt ra: "Ðoạn Tin Mừng này nói với anh chị em điều gì trong năm kỷ niệm nhà thờ chính tòa của anh chị em?" Mỗi giáo xứ, Giáo Hội tồn tại để duy trì trong trái tim con người ký ức sống động về tình yêu của Thiên Chúa đối với Hội Thánh. Giáo hội hiện diện để nói rằng mỗi người, cả những người xa cách Giáo Hội nhất: "Bạn được yêu thương và được Chúa Giêsu gọi đích danh; Thiên Chúa không quên bạn, bạn ở trong tim Người".

Và Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu hãy đến với những người bị lãng quên nhất, với những người đang lẩn tránh đàng sau sự xấu hổ, sợ hãi, cô đơn, để nói với họ: 'Thiên Chúa nhớ đến bạn'".

Hành động thứ hai của Chúa Giêsu: "đi bước trước"

Hành động thứ hai của Chúa Giêsu được Ðức Thánh Cha nhấn mạnh chính là Người "đi bước trước". Ðức Thánh Cha lưu ý rằng ông Giakêu không khám phá ra Chúa Giêsu khi ông nhìn Người, nhưng chính khi ông được Chúa nhìn. Bởi vì khi ông đang tìm cách thấy Chúa, Chúa Giêsu đã thấy ông trước; trước khi ông nói, Chúa Giêsu đã nói với ông; trước khi ông mời Chúa Giêsu, Chúa đã đến nhà ông.

Ðức Thánh Cha nói: "Chúa Giêsu chính là người thế này: người nhìn thấy chúng ta trước, người yêu thương chúng ta trước, người đón tiếp chúng ta trước". Khi chúng ta khám phá ra rằng Người yêu thương chúng ta rước, Người đến với chúng ta trước, thì cuộc sống sẽ thay đổi"... Chỉ với Chúa Giêsu, bạn sẽ tìm thấy mình được yêu thương và khám phá cuộc sống. Bạn sẽ cảm thấy được sự dịu dàng không thể cưỡng nổi của Thiên Chúa chạm vào sâu thẳm con tim của mình, Ðấng lay động và làm cho con tim thổn thức. Ðiều này cũng xảy ra với ông Giakêu và với mỗi người chúng ta, khi chúng ta khám phá ra 'bước đi trước' của Chúa Giêsu".

Thiên Chúa trước hay chương trình của chúng ta trước?

Ðức Thánh Cha tiếp tục đặt câu hỏi: "Là Giáo Hội, chúng ta tự hỏi xem Chúa Giêsu có đến với chúng ta trước tiên: là Người đến trước tiên hay lịch làm việc của chúng ta, là Người hay là các cơ cấu của chúng ta? Và Ðức Thánh Cha cảnh giác: "Mỗi cuộc hoán cải xuất phát từ bước đi trước của lòng thương xót, của sự dịu dàng của Thiên Chúa, sự dịu dàng đánh cắp con tim. Nếu tất cả điều mà chúng ta làm không xuất phát từ ánh nhìn thương xót của Chúa Giêsu, chúng ta có nguy cơ gặp phải sự tục hóa của đức tin, nguy cơ làm cho nó phức tạp và lấp đầy nó với những điều thứ yếu # Chúng ta quên điều thiết yếu, sự đơn giản của đức tin: cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu điều này không là trọng tâm, nếu nó không là khởi điểm và kết thúc của mọi hoạt động của chúng ta, chúng ta có nguy cơ đặt Chúa 'bên ngoài ngôi nhà Giáo hội', nơi chính là nhà của Người."

Hành động thứ ba của Chúa Giêsu:giúp chúng ta cảm thấy ở nhà mình

Hành động cuối cùng của Chúa Giêsu là làm cho chúng ta cảm thấy như ở nhà mình. Ông Giakêu, người bị cảm thấy là khách lạ trong thành phố của mình, sau khi gặp Chúa, ông trở về nhà như người được yêu thương. Cảm thấy mình ở nhà của mình, ông đã mở cửa cho tha nhân.

Giáo hội là nhà của mọi người

Ðức Thánh Cha nói: "Sẽ thật tuyệt với nếu những người lân cận và người quen biết của chúng ta cảm thấy Giáo hội như là nhà của họ! Thật không may là các cộng đoàn của chúng ta trở thành xa lạ với nhiều người và lôi cuốn ít người# Có nhiều anh chị em nhớ nhà, không có can đảm đến gần, bởi vì họ không cảm thấy được đón tiếp. Chúa mong ước rằng Giáo hội của Người là một ngôi nhà giữa những ngôi nhà hiếu khách, nơi mỗi người gặp được Chúa.

Tin Mừng kết luận: "Con Người đến để tìm kiếm và cứu chuộc những gì đã hư mất" (Lc 19,10). Ðức Thánh Cha mời gọi tín hữu hãy xin được ơn đi gặp mỗi người như một người anh em và không thấy người nào là kẻ thù. Và nếu chúng ta bị đối xử tệ thì hãy đáp lại bằng điều tốt.

Nhà thờ là nơi cảm thấy được Chúa nhớ, được Người mời gọi trước và được đón tiếp

Ðức Thánh Cha kết thúc với lời cầu chúc: "Anh chị em thân mến, tôi cầu chúc rằng nhà thờ của anh chị em, cũng như mọi nhà thờ, là nơi mà mỗi người cảm thấy được Thiên Chúa nhớ đến, được lòng thương xót của Người đến trước và được đón tiếp vào nhà. Và cũng mong ước rằng trong Giáo Hội xảy ra điều tốt đẹp nhất: hãy vui mừng bởi vì ơn cứu độ đã vào trong cuộc đời của anh chị em".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page