14 chuyến viếng thăm châu Phi

của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

 

14 chuyến viếng thăm châu Phi của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Hồng Thủy

Vatican (Vatican News 31-08-2019) - Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực hiện tất cả 14 chuyến tông du châu Phi, từ năm 1980 đến năm 2000, và đã thăm 38 nước ở châu lục này.

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI là Giáo hoàng đầu tiên viếng thăm châu Phi khi ngài đến thăm Uganda từ ngày 31 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 1969. Và bước khởi đầu lịch sử này đã được vị kế nhiệm ngài là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tiếp tục trong suốt 20 năm đầu triều đại Giáo hoàng của ngài.

Những chuyến thăm Phi châu đầu tiên (từ năm 1980-1990)

Chuyến viếng thăm châu Phi đầu tiên của thánh Gioan Phaolô II kéo dài 10 ngày, từ 2 đến 12 tháng 5 năm 1980, với điểm đến là các nước Zaire, Cộng hòa Congo, Kenya, Ghana, Burkina Faso và Bờ Biển Ngà.

Không đầy 2 năm sau, ngài trở lại châu Phi và trong vòng một tuần lễ, từ ngày 12 đến 19 tháng 2 năm 1982, ngài đã thăm Nigeria, Benin, Gabon và Guinea xích đạo.

Trong chuyến viếng thăm thứ ba, từ ngày 8 đến 19 tháng 8 năm 1985, ngài thăm các nước Togo, Camerun, Cộng hòa Trung Phi, Marốc và lần thứ hai đến Zaire, Bờ Biển Ngà và Kenya.

Ba năm sau, từ ngày 10 đến 19 tháng 9 năm 1988, ngài thăm châu Phi lần thứ tư và các nước được ngài viếng thăm là Zimbawe, Botswana, Lesotho, Swaziland và Mozambique.

Chuyến viếng thăm lần thứ 5 được ngài thực hiện không đầy một năm sau, từ ngày 28 tháng 4 đến 6 tháng 5 năm 1989, với cuộc viếng thăm Madagascar, Malawi, Reunion và Zambia.

Cùng năm 1989, trên đường từ Nam Hàn và Ðông Timor trở về, thánh Gioan Phaolô II đã thăm châu Phi lần thứ 6, với chuyến viếng thăm quần đảo Mauritius từ ngày 14 đến 16 tháng 10 năm 1989.

Chuyến tông du nước ngoài đầu tiên của năm 1990 cũng là châu Phi, và là chuyến viếng thăm thứ 7, từ 25 tháng 1 đến 1 tháng 2 năm 1990; ngài đến Capo Verde, Guinea Bissau, Chad, Mali và lần thứ hai đến Burkina Faso.

"Tuyên ngôn về chương trình"

Những lời đầu tiên ngài lên tiếng tại châu Phi, vào ngày 2 tháng 5 năm 1980 ở Kinshasa, thủ đô Cộng hòa dân chủ Congo, là những lời của hy vọng. Nó gần như là một "tuyên ngôn về chương trình", đánh dấu tất cả các giai đoạn viếng thăm châu Phi của ngài. Thánh Gioan Phaolô II nói: "Tôi bày tỏ lời chào thân thiện và ấm áp, và cảm giác tin tưởng của tôi với tất cả người dân châu Phi, bất kể nguồn gốc hay quốc gia nào . Ðầu tiên tôi chào các con cái và anh em Công giáo của tôi, và các Kitô hữu khác. Tôi chào tất cả những người, được hướng dẫn cách sâu sắc bởi tâm tình tôn giáo, trong trái tim họ mong muốn trao phó cuộc sống của họ cho Thiên Chúa hoặc tìm kiếm sự hiện diện của Người. Tôi xin chào các gia đình, những bậc cha mẹ, trẻ em và người già. Tôi đặc biệt chào những người đau khổ về thể xác và tâm hồn. Tôi chào những người mở lòng ra với lợi ích chung của đồng bào của họ, cho nền giáo dục của họ, cho sự thịnh vượng của họ, cho sức khỏe của họ, cho sự an ninh của họ. Tôi chào mỗi quốc gia châu Phi."

"Tôi vui mừng với họ vì họ nắm trong tay vận mệnh của mình. Tôi nghĩ về di sản tuyệt đẹp các giá trị nhân bản và thiêng liêng của họ, những nỗ lực đáng khen của họ, tất cả các nhu cầu hiện tại của họ. Mỗi quốc gia vẫn còn một chặng đường dài để củng cố sự thống nhất của mình; đào sâu nhân cách và văn hóa của mình; thực hiện sự phát triển trong nhiều lĩnh vực, và điều này trong công bình, với sự quan tâm tham gia và về lợi ích của tất cả mọi người; tích cực hòa nhập vào bản hòa tấu của các quốc gia. Ðây là lý do tại sao châu Phi cần độc lập và trợ giúp lẫn nhau cách vô vị lợi; châu Phi cần hòa bình".

Những chuyến viếng thăm cuối cùng (cuối năm 1990-2000)

Cũng trong năm 1990, một lần nữa, thánh Gioan Phaolô II trở lại châu Phi. Từ ngày 1 đến 10 tháng 9 năm 1990, ngài thực hiện chuyến viếng thăm thứ 8 đến châu lục này, sau khi đã thăm Malta. Lần này ngài thăm các nước Tanzania, Burundi, Rwanda và Bờ Biển Ngà, để thánh hóa đền thờ Ðức Mẹ Hòa bình ở Yamoussoukro, được thế giới xem như là đền thờ thánh Phêrô của Phi châu.

Trong năm 1992, ngài thực hiện 2 chuyến viếng thăm liên tiếp đến châu Phi. Trong huyến thăm Phi châu lần thứ 9 kéo dài một tuần từ ngày 19 đến 26 tháng 2 năm 1992, ngài thăm các nước Senegal, Gambia và Guinea, và chuyến thứ 10 từ ngày 4 đến 10 tháng 6 năm 1992, ngài thăm Angola, Sao Tomè và Principe.

Trong chuyến viếng thăm châu Phi lần thứ 11 từ ngày 2 đến 10 tháng 2 năm 1993, ngài đã thăm các nước Benin, Uganda và thủ đô của Sudan là Khartoum.

3 năm sau, từ ngày 14 đến 20 tháng 9 năm 1995, thánh Gioan Phaolô II thực hiện chuyến thăm thứ 12, thăm các nước Camerun, Kenya và Nam Phi được giải phóng khỏi chế độ phân biệt chủng tộc apartheid. Chuyến viếng thăm này có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó diễn ra sau khóa họp đặc biệt của Thượng hội đồng giám mục châu Phi được tổ chức vào năm trước tại Vatican.

Từ ngày 21 đến 23 tháng 3 năm 1998, thánh Gioan Phaolô II thực hiện chuyến viếng thăm châu Phi lần thứ 13, 2 tháng sau chuyến viếng thăm lịch sử đến Cuba; ngài đến thăm Nigeria lần thứ hai.

Và chuyến thăm châu Phi cuối cùng được ngài thực hiện vào năm 2000, tại Ai Cập, nhân dịp Năm Thánh 2000. Trong lần này, ngài đã lên núi Sinai và từ đó ngài đã chào châu Phi.

Diễn từ đặc biệt tại Kenya năm 1995

Trong rất nhiều diễn từ ngài đã đọc trong những chuyến viếng thăm này, đáng nhớ nhất là những lời ngài nói khi từ biệt Kenya vào năm 1995: "từ trái tim của châu Phi, một tiếng kêu vọng đến những người có thể giúp đỡ. Cái gọi là miền Nam của thế giới kêu gọi miền Bắc đừng bỏ cuộc trong quyết định giải quyết vấn đề nghèo đói, người tị nạn, kinh tế và văn hóa kém phát triển. Khoảng cách tồn tại giữa các khu vực giàu và nghèo trên thế giới thể hiện mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định toàn cầu. Ðòi hỏi luân lý về sự liên đới được kết nối cách cơ bản với chính bản chất con người và với sự cần thiết tuyệt đối mà con người có đối với nhau. Ở cấp độ của các quốc gia và lục địa, nhu cầu này phải được đáp ứng, nếu không, việc sống chung hòa hơpk với nhau sẽ là điều không thể".

Ngài kết luận: "Người nghèo đừng ganh tị với người giàu vì sự tiến bộ của họ! Hãy yêu cầu họ đảm nhận các trách nhiệm xuất phát từ đặc quyền của họ và đáp ứng yêu cầu đạo đức về tính cộng đồng của tài nguyên thế giới. Tiếng kêu từ các dân tộc châu Phi vang tới các quốc gia giàu nhất là tiếng cầu cứu giúp đỡ, hợp tác và liên đới vì sự tôn trọng thực sự đối với mọi người như là con người, nghèo hay giàu, yếu hay mạnh, tất cả hiệp nhất trong một gia đình nhân loại duy nhất và có cùng phẩm giá con người như nhau".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page