Ðức Thánh Cha gặp thành viên

của Liên đoàn các Hợp tác xã Italia

 

Ðức Thánh Cha gặp thành viên của Liên đoàn các Hợp tác xã Italia.

Văn Yên, SJ

Vatican (Vat. 16-03-2019) - Lúc 11:30 sáng ngày 16 tháng 3 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gặp khoảng 7 ngàn thành viên của Liên đoàn các Hợp tác xã Italia tại Ðại thính đường Phaolô VI.

Trong diễn văn, Ðức Thánh Cha chúc mừng liên đoàn về 100 năm thành lập và hoạt động của Liên đoàn từ gợi hứng của Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) của Ðức Giáo Hoàng Leone XIII, là triều Giáo Hoàng với cử chỉ tiên tri đã mở ra một suy tư lớn về học thuyết xã hội của Giáo hội.

Ðức Thánh Cha nói đến sự đóng góp lớn của Liên đoàn ngang qua những đóng góp nghiêm túc và cụ thể trong suốt thế kỷ qua. Ðây là dấu chỉ mạnh mẽ làm cho học thuyết xã hội của Giáo hội không chỉ là những lời nói suông và trừu tượng, nhưng trở thành những con người cụ thể bằng xương bằng thịt dấn thân trong lãnh vực xã hội này.

Ngày nay, Giáo hội không chỉ phải lên tiếng về sự thật, nhưng cần những con người cụ thể, với tư cách cá nhân cũng như tập thể, làm cho những lời giảng của các mục tử và của thần học gia trở thành lợi ích cụ thể. Mô hình hợp tác xã có khả năng nối kết và tạo sự liên đới chính bên trong các thành viên nhưng cũng liên đới với bên ngoài. Bằng cách này, lao động hợp tác diễn tả chức năng ngôn sứ của mình và làm chứng cho xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng.

Lợi ích quan trọng nhất và rõ ràng nhất của hợp tác xã là chiến thắng sự cô đơn như là địa ngục. Khi một người cảm thấy cô đơn, họ cảm nhận đó là địa ngục. Ngược lại, sự hợp tác cho phép vượt qua mọi khó khăn và gian nan. Thế giới của chúng ta đang ốm yếu vì sự cô đơn. Do đó, cần có những sáng kiến để cùng với người khác đối diện với những gì cuộc sống đè nặng lên chúng ta. Khi đi cùng nhau và làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ thấy được phép lạ lớn của niềm hy vọng. Với nghĩa này, sự cộng tác là cách thức sống sự thân cận như Chúa Giêsu dạy, vì nó làm cho chúng ta không để ai ở trong tình trạng cô đơn.

Khi một xã hội trở thành bức tường, nó làm cho nhiều người không suy nghĩ và hành động như những con người, không coi trọng giá trị nền tảng của tương quan. Do đó, người bại liệt thật sự chính là đám đông. Một đám đông làm cho người ta chỉ nhìn đến những nhu cầu của riêng mình chứ không quan tâm đến nhu cầu của những người khác.

Trong thế giới toàn cầu hoá, chúng ta phải đặt mình thuận với giáo huấn học thuyết xã hội của Giáo hội khi đặt trọng tâm vào con người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page