Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018

Ðồng hành với các gia đình trẻ

Bài 9: "Trước mặt Chúa"

 

Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018: Ðồng hành với các gia đình trẻ

Bài 9: "Trước mặt Chúa"

Chọn làm một lễ cưới Công giáo có nghĩa là bạn đã cho cuộc sống của bạn một định hướng rất đặc biệt. Cuộc sống của bạn giờ đây được sẻ chia với một con người khác, và cả hai bạn muốn nâng đỡ và trợ giúp nhau suốt cuộc đời. Ðể thực hiện điều đó, cả hai thề hứa trước bàn thờ gắn kết với nhau "trước mặt Chúa". Ðó không phải là một cách nói tùy tiện điểm tô thêm vào lời thề hứa kiểu như ta vẫn thường nói 'nhờ ơn Chúa giúp', hoặc như người ta vẫn thường xem những lời ấy chỉ như một thứ công thức vốn gắn liền với nghi lễ hôn phối trong nhà thờ. Tuyên bố "trước mặt Chúa" đó không phải là chuyện tùy nghi nhưng là yếu tố cốt yếu của khế ước hôn phối, cho dẫu người ta có xem nhẹ, và việc xem nhẹ ấy thường cũng là gốc rễ của mọi đổ vỡ hôn nhân về sau.

Cùng đi với Chúa

Ðôi bạn chọn kết hôn "trước mặt Chúa" có nghĩa là đôi bạn quyết định đi trọn cuộc sống hôn nhân mình cùng với Chúa. Ðiều này nói lên điều gì đó rất thực về hôn nhân, một cái gì đó rất quan yếu định hướng cho cuộc hôn nhân. Hôn nhân Kitô giáo không chỉ liên quan đến hai người, bởi họ luôn kết hôn trước mặt Chúa và với Chúa. Hình ảnh của hôn nhân trong Thánh Kinh nói rõ ràng đó là một dấu chỉ của Giao ước của Thiên Chúa với con người, và Giao ước hướng về Chúa là một chuyện cả đời. Cái nhìn của Thánh Kinh về hôn nhân rất đòi hỏi, vì đôi bạn kết hôn lấy tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa và sự tự hiến mình của Ðức Kitô làm lí tưởng.

Trong Kitô giáo, tình yêu không chỉ đòi hỏi nhiều, nhưng đòi hỏi tất cả. Tình yêu thực sự biểu lộ khi người ta hoàn toàn tự nguyện. Khi người này muốn nhận lãnh từ người kia - và trao hiến cho người kia - không những một tổ ấm gia đình, một đứa con, một sự lấp đầy nhu cầu về thể xác, một sự nâng đỡ và bổ túc cho nhau, trong khi vẫn muốn giữ một cuộc sống cho riêng mình. Khi bạn chấp nhận các nghĩa vụ và quyền lợi trong hôn nhân, và trong những việc khác, bạn phải tránh thói ích kỉ.

Vì thế, ta phải nhìn cuộc sống hôn nhân cách thực tế. Không hề có một người chồng, hay một người vợ hoàn hảo. Ngược lại, bạn phải đón nhận người bạn đời như người ấy là chính họ, cùng với tất cả những lỗi lầm và yếu điểm của họ. Ðiều quan trọng không phải là ta có thể đòi hỏi những yêu sách rất nặng nề nơi người bạn đời, hoặc mong đợi mọi sự từ người ấy hay không. Tình yêu sai lạc sẽ làm người ta ra mù quáng, vì sớm hay muộn thực tế cuộc sống - gồm cả những lỗi lầm, yếu kém, và khó khăn - sẽ đến làm nên chính mối quan hệ của đôi bạn.

Chính vì thế, điều cốt yếu là đôi bạn cần phải để Chúa đi vào cuộc sống mình. Khi Chúa đi vào cuộc sống hôn nhân, Ngài có đó như là nền tảng cho những bù đắp và lấp đầy những thiếu sót mà đôi vợ chồng thường không đủ khả năng cung ứng bởi sức riêng mình. Ðiều này làm giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống hôn nhân và giữ gìn đôi bạn không đòi hỏi nhau quá mức. Khi kết hôn trước mặt Chúa, đôi bạn nhận ra tình yêu của họ là một quà tặng của Chúa ban và đặt cuộc sống tương lai của họ dưới bàn tay chúc lành của Ngài. Ðặt bảo đảm hôn nhân của họ được thành toàn viên mãn ở nơi Thiên Chúa vĩnh cửu chứ không ở con người của nhau. Nhưng họ nên và sẽ sống gắn bó với Chúa trên nẻo đường hành trình trần thế. Họ phó thác mình cho Chúa đồng hành, Ngài sẽ chăm sóc họ, rồi Ngài mới có thể làm cho tình yêu của đôi bạn bền vững và tràn đầy.

Khi để cho Chúa dự phần vào cuộc sống của họ, mối quan hệ của đôi bạn sẽ được biến đổi. Họ hiểu rằng mỗi người là quà tặng của Chúa ban cho và trên cơ sở đó họ đón nhận nhau. Người này sẽ nhìn người kia, nhìn vào lịch sử cuộc sống cả những ưu điểm lẫn khuyết điểm của người ấy, trong cái nhìn đức tin. Họ sẽ nhìn nơi người kia là một người bạn đời được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài và được Ngài yêu thương. Qua đó, họ có thể tôn trọng và tha thứ cho nhau, kính trọng và yêu thương nhau, tin tưởng và hết lòng vì nhau, đối xử khiêm tốn và nhân hậu với nhau, và nhiều mặt khác nữa trong cuộc sống chung, và đôi bạn sẽ nhận thấy mình đang dần được thay đổi.

Cầu nguyện với nhau và cho nhau

Muốn thế, đôi vợ chồng phải cầu nguyện cùng nhau. Ban đầu đôi bạn có thể cảm thấy khó khăn cầu nguyện cùng nhau, nhưng nếu họ thực hành cầu nguyện, một nguồn suối sẽ mở ra tuôn trào sức sống củng cố cuộc sống chung vợ chồng. Họ sẵn sàng tha thứ cho nhau hơn, có những thay đổi tích cực hơn, giúp nhau ngày càng lớn lên trong tình yêu và chung thủy với nhau. Ðức Giáo hoàng Phanxicô nói "các gia đình cầu nguyện cùng nhau sẽ ở lại bên nhau" ("Families that pray together stay together" - Amoris Laetitia 227). Họ sẽ cùng lớn lên và cùng đương đầu với các vấn để cuộc sống xảy đến.

Một lí do khiến việc cầu nguyện chung trong gia đình ngày nay gặp khó khăn, đó là các phương tiện truyền thông xã hội hầu như được mọi người khắp nơi sử dụng. Nhiều cặp vợ chồng, mỗi người ngồi trước màn hình TV hay Internet cả buổi chiều tối, có khi ngay cả trong phòng ngủ của họ. Ðiều đó làm giảm thiểu hay ngăn trở họ trò chuyện với nhau hoặc cầu nguyện cùng nhau. Những sinh hoạt đó có thể gây tổn hại đến mối quan hệ trong gia đình. Thế giới ảo, không thể thay thế thế giới thực, dần dần làm cho những cố gắng đối thoại và cầu nguyện chung trở nên khó khăn hơn. Cầu nguyện chung trong hôn nhân là cả hai vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau và cho nhau. Hành trình hôn nhân của đôi bạn như thế sẽ trở thành một hành trình thiêng liêng và đôi bạn sẽ nên một trong tinh thần. Cầu nguyện cùng nhau là điều đôi vợ chồng cần xây dựng đầu tiên nếu như hôn nhân nhằm một cuộc sống bền vững có định hướng và xây dựng Hội Thánh tại gia.

Cuối cùng, kết hôn trước mặt Chúa là đón nhận một bí tích. Các bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu do Ðức Kitô thiết lập biểu lộ sự hiện diện thực nhưng vô hình của ân sủng. Nói cách khác, có cái gì đó lớn lao hơn ở bên dưới hành động bề ngoài - ở đây hành động này chính là sự cử hành hôn phối tại bàn thánh trong nhà thờ. Chính Chúa hiện diện tại buổi cử hành hôn phối này. Người chúc lành và thánh hiến sự kết hợp vợ chồng ấy. Chấp nhận sự ưng thuận của đôi bạn sẵn sàng sống cuộc sống hôn nhân của họ một cách phù hợp, Người muốn đồng hành với họ mãi mãi. Nhờ ân sủng này của Chúa nâng đỡ, cuộc sống của họ sẽ sinh hoa kết quả dồi dào, không chỉ nơi đàng con cái, mà còn nơi sự phát triển bản thân, và hoa quả này cũng sẽ sinh ích lợi cho anh em bạn hữu của họ.

Sống cuộc hôn nhân như một bí tích có nghĩa là nhìn nhận địa vị ưu việt của Thiên Chúa và đón nhận các ân sủng mà Chúa muốn thông ban để họ sống kết hợp vợ chồng. Theo nghĩa đó, Công Ðồng Vatican II dạy: "Ðôi vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một bí tích riêng biệt để đảm nhận các bổn phận và sống đúng phẩm giá bậc sống của họ" (Gaudium et Spes, 48). Hiểu ý nghĩa của ơn gọi hôn nhân như thế, đôi bạn không thể quyết định dấn thân, dù với lí do gì, một cách vội vã và hời hợt được. Quyết định sống chung với nhau cả một đời không những phải được đôi bạn suy nghĩ chín chắn, hơn nữa còn được thực hiện trước mặt Chúa, với niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa, Ðấng kêu gọi hai người kết hôn với nhau, sẽ giúp họ sống lời thề hứa dành cho nhau. Ðàng khác, cơ sở chung này cũng cho những ai dám liều lĩnh dấn thân bước vào hôn nhân có một bảo đảm chắc chắn.

Một mặt khác của vấn đề cũng rất ý nghĩa, đó là cộng đoàn Giáo hội có nhiệm vụ quan trọng là giúp đỡ những người trẻ kết hôn khám phá được vẻ đẹp của hôn nhân Kitô giáo. Ðiều này càng trở nên quan trọng hơn bởi xu hướng ngày càng gia tăng của xã hội ngày nay, là người ta chống lại lí tưởng một cuộc hôn nhân kéo dài bền vững giữa một người nam và một người nữ. Càng có ít mẫu gương các cặp vợ chồng chung thủy lâu năm trong gia đình và trong môi trường xã hội họ đang sống, càng khó cho họ dám chọn sống hôn nhân Kitô giáo. Do đó, việc chuẩn bị hôn nhân càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc chuẩn bị này gắn chặt với lời kêu gọi họ sống đức tin một cách có ý thức và dấn thân, để có thể sống hôn nhân - gia đình như một ơn gọi.

Câu hỏi suy tư hay để thảo luận

1. Thiên Chúa có chỗ đứng nào trong cuộc sống của bạn?

2. Thiên Chúa có liên quan gì với cuộc hôn nhân của bạn?

3. Bạn có thể nói chuyện với người chồng (hay vợ) của mình về Chúa không?

4. Bạn có thể cầu nguyện được không? Bạn (hay vợ chồng bạn) cầu nguyện như thế nào?

5. Cầu nguyện và việc thờ phượng có ý nghĩa gì cho cuộc sống của các bạn không?

 

Văn phòng HÐGMVN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page