Cha Sebastiano D'Ambra nhà truyền giáo

sáng lập viên và linh hồn của phong trào Silsilah

cổ võ đối thoại Hồi giáo Kitô giáo

 

Câu chuyện của cha Sebastiano D'Ambra nhà truyền giáo, sáng lập viên và linh hồn của phong trào Silsilah, cổ võ đối thoại Hồi giáo - Kitô giáo.

Mindanao, Philippines (Asia News 23-03-2018; Vat. 4-04-2018) - Phong trào Ðối thoại "Silsilah" được nhà truyền giáo Sebastiano D'Ambra khởi phát vào năm 1984. Phong trào đặt trọng tâm vào việc "đối thoại và hòa bình", mục đích là để nuôi dưỡng và củng cố gặp gỡ và đối thoại giữa hai tôn giáo lớn bắt đầu với "một cách thức đơn giản", đó là sự dấn thân của các Kitô hữu và người Hồi giáo ở Zamboanga (Mindanao). Phong trào bắt đầu hiện diện ở một hòn đảo ở Philippins, phổ biến khắp nước Philippines và giờ đây đã vươn lên ở tầm mức quốc tế.

Từ trụ sở chính tại làng Harmony ở ngoại ô Zamboanga - phía Nam Philippines, quốc gia châu Á duy nhất có con số Công giáo lớn nhất nhưng lại là nơi có một cộng đồng Hồi giáo không nhỏ, gồm sáu triệu người; phong trào "Silsilah" đã tìm cách giảm bớt căng thẳng và xoa dịu bùng phát bạo lực. Một sứ mệnh bắt nguồn từ chính cái tên của phong trào; Sufi có nghĩa là "chuỗi" hoặc "liên kết" và kết hiệp con người với Thiên Chúa.

Hoạt động do Silsilah thực hiện trong những năm gần đây đã mang lại những giải thưởng quốc tế có uy tín: năm 2013, giải Goi Peace Award do Tổ chức Goi Peace Foundation trao tặng, một cơ quan Nhật Bản cam kết thúc đẩy hoà bình, vượt qua các rào cản về chủng tộc, tôn giáo, niềm tin; năm 2014 một giải thưởng được thúc đẩy và ủng hộ bởi nhà vua Jordan Abdullah II. Nhận giải, Cha D'Amrab nhấn mạnh rằng: "Khi các thế lực tàn phá làm việc mạnh mẽ, đây cũng là lúc mà những người yêu hòa bình và sự hòa hợp phải hoạt động can đảm hơn".

Hoạt động của phong trào đã đạt được những thành công ngay cả khi gặp khó khăn gây thất vọng, như đã xảy ra vào tháng chín năm ngoái (2017) khi một cuộc đột kích của quân đội Philippins ở miền Nam đã làm cho hàng ngàn người phải di dời, gây ra tình trạng không tin tưởng vào sắc tộc và tôn giáo. Trong trường hợp đó, Phong trào đã tăng cường các nỗ lực và các nguồn lực để khôi phục lại một bầu khí tin tưởng và đối thoại trong khu vực và để giảm thiểu thiệt hại và bạo lực do cuộc xung đột gây ra.

Phong trào có những sáng kiến nhằm mang lại an bình cho mọi người, ví dụ hoạt động nghệ thuật cho trẻ em Maranao, nhóm nạn nhân chính của chiến tranh. Nhờ sự đóng góp của một số nhà hảo tâm, Silsilah đã tập hợp hàng trăm trẻ em để giúp các em khắc phục chấn thương thông qua việc vẽ tranh. Các tình nguyện viên hướng dẫn các em bày tỏ sự đau đớn của mình trong việc phác họa các bức tranh nhưng lồng vào trong đó là ước muốn hòa bình.

Một sáng kiến khác mà Silsilah đang thực hiện để giúp dân cư Marawi là mở lại Diễn đàn tại Ðại học Mindanao State (Msu), một trường đại học lớn được xây dựng vào đầu những năm 70 với mục đích thúc đẩy hòa hợp tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục. Sau cuộc xung đột, người ta sợ rằng Mindanao State phải bắt đầu gần như từ con số không, nhưng Silsilah làm mới lại sự dấn thân của mình bằng cách tăng cường sự hiện diện của các thành viên và những người ủng hộ nơi môi trường đại học này.

Một câu chuyện về hy vọng, mà phong trào Ðối thoại và Hòa bình chia sẻ đó là câu chuyện của một nữ tu hoạt động mục vụ tại Malabang, một ngôi làng gần Marawi. Ở đây các Kitô hữu chỉ là thiểu số, vì nhiều người trong số họ đã ra đi vì sợ hãi, nữ tu quyết định ở lại như "chứng nhân của tình yêu", mặc dù mối đe dọa gây ra bởi một số nhóm cực đoan, mà từ lâu gây khó khăn cho những người không phải là Hồi giáo.

Phong trào tổ chức các buổi gặp mặt, ví dụ vào vào ngày 2 tháng 2 năm 2018, khoảng 250 giáo viên đã tham gia cuộc họp cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo được kính trọng nhất ở Zamboanga. Trong buổi gặp mặt này cha D'Ambra nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đối thoại trong thời điềm này. Cha đã lắng nghe các nhà lãnh đạo Hồi giáo và trình bày đạo Hồi như là một tôn giáo của hòa bình và khuyến khích các giáo viên để họ được hướng dẫn bởi tinh thần tôn giáo tốt chứ không phải bởi những người thúc đẩy bạo lực. Vào dịp này chính cha đã tìm thấy sự suy tư của một số nhà lãnh đạo Hồi giáo phù hợp với sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô. Cha trích dẫn những lời mà Ðức Thánh Cha tuyên bố vào ngày 2 tháng 2 năm 2018 trong buổi tiếp kiến với những người tham dự Hội nghị "Tấn công bạo lực nhân danh tôn giáo". Trong bài phát biểu Ðức Thánh Cha tuyên bố: "Bạo lực tuyên truyền và thực hiện dưới danh nghĩa tôn giáo chỉ có thể mất uy tín với chính tôn giáo. Thiên Chúa duy nhất là sự tốt lành, tình yêu, từ bi, và trong Người không có chỗ cho hận thù. Do đó cần phải có sự hợp tác với nhau, các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà lãnh đạo tôn giáo, để cảnh báo bất cứ ai bị cám dỗ bởi những hình thức sai lạc của tín ngưỡng sai lạc, rằng họ không liên quan gì đến chứng nhân của một tôn giáo xứng đáng với cái tên

Nhà truyền giáo kết luận: "Công việc của "Silsilah" vẫn còn dài, chúng ta nhìn thấy một số thành quả nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi và chúng ta luôn phải là dấu hiệu hy vọng cho người dân". (Asia News. 23/03/2018)

 

Ngọc Yến

(Vatican News)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page