Giáo Hội hiệp nhất

trong máu các vị tử đạo

 

Giáo Hội hiệp nhất trong máu các vị tử đạo.

Roma (Vat. 1-03-20180 - Hôm 12 tháng 2 năm 2018 là ngày kỷ niệm 2 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Ðức Thánh Cha Phanxicô và Ðức Thượng Phụ chính thống Nga Kirill I tại La Habana thủ đô Cuba. Trong lễ nghi kỷ niệm biến cố này Ðức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã phát biểu; và bài phát biểu của ngài đã được đăng trên báo Quan Sát Viên Roma số ra ngày 15 tháng hai năm 2018. Ðức Hồng Y đã khẳng định rằng "Sự hiệp nhất của Giáo Hội đã thành toàn nơi các thánh, và trong các vị tử đạo của mình Giáo Hội không bị chia rẽ. Cũng giống như Giáo Hội thuở ban đầu xác tín rằng máu các vị tử đạo là hạt giống làm nảy sinh ra các kitô hữu mới, ngày nay cũng thế chúng ta hy vọng rằng một ngày kia máu của biết bao nhiêu vị tử đạo của thời đại chúng ta sẽ được vén mở như hạt giống của sự hiệp nhất đại kết toàn vẹn của Thân Mình Chúa Kitô".

Ðức Hồng Y coi biến cố gặp gỡ giữa Ðức Thánh Cha Phanxicô và Ðức Thượng Phụ Kirill là một thí dụ ngoại thường của việc đại kết xích lại gần nhau. Trong vùng Trung Ðông tuy tình hình của các kitô hữu có khó khăn, nhưng các tương quan đại kết lại mạnh mẽ và hứa hẹn. Tình hình khó khăn cũng là một lý do của sự xích lại gần nhau có thể định nghĩa là "đại kết của cuộc sống". Và chứng tá chung của các kitô hữu Trung Ðông là một bảo đảm cho sự hiệp nhất. Ðức Hồng Y cũng cho nhận thấy sau Công Ðồng Chung Vaticăng II, mọi Giáo Hoàng đều đã nhấn mạnh trên tầm quan trọng đại kết của các vị tử đạo; và điều này tiếp tục với Ðức Thánh Cha Phanxicô. "Ðại kết của máu" là một trong các đề tài quan trọng thường được ngài nhắc tới.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung bài phát biểu của Ðức Hồng Y Kurt Koch.

Mở đầu bài phát biểu Ðức Hồng Y khẳng định rằng chiều kích đại kết của việc bách hại các kitô hữu và của sự tử đạo đã trở thành hữu hình chính là nhờ các Giáo Hoàng sau Công Ðồng Chung Vaticăng II. Trong khoá họp thứ ba của Công Ðồng ngày 18 tháng 10 năm 1964 Ðức Phaolô VI đã phong Chân phước cho các vị tử đạo Uganda, và cũng đã vinh danh các vị tử đạo tin lành cùng bị bách hại như các anh em công giáo. Trong Năm Thánh 2000 Ðức Gioan Phaolô II cũng đã tổ chức một buổi cử hành đại kết tại hí trường Colosseo với sự hiện diện của hàng lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác.

Trong dịp này ngài đã nhắc tới các vị tử đạo của thế kỷ XX và chứng tá của các vị như: mục sư Paul Schneider, Ðức Tổng Giám Mục Serafim và cha Maximiliano Kolbe. Ðức Gioan Phaolô II đã bình luận như sau: "Gia tài quý báu mà các chứng nhân can đảm này đã để lại là một gia tài chung cho tất cả mọi Giáo Hội và các cộng đoàn giáo hội. Ðó là một gia tài nói với chúng ta bằng một tiếng nói mạnh hơn là tiếng nói của những kẻ chia rẽ chúng ta. Ðại kết thuyết phục nhất là đại kết của các vị tử đạo và các chứng nhân đức tin. Nó chỉ cho các kitô hữu của thế kỷ XXI con đường của sự hiệp nhất" (Gioan Phaolô II bài giảng trong dịp tưởng niệm các chứng nhân đức tin của thế kỷ XX, ngày 7-5-2000).

Năm 2008 nhân dịp viếng thăm vương cung thánh đường thánh Bartolomeo trên đảo Tevere dâng kính các vị tử đạo của thế kỷ XX, Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI đã tôn vinh sự tử đạo đại kết như là chứng tá tình yêu cao cả nhất (Bài giảng nhân dịp tưởng niệm các vị tử đạo của thế kỷ XX tại vương cung thánh đường thánh Bartolomeo trên đảo sông Tevere ngày 7-4-2008).

Việc nhấn mạnh tầm quan trọng đại kết của các vị tử đạo rất may tiếp tục với Ðức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngay từ đầu triều đại của mình ngài đã làm cho đại kết của các vị tử đạo trở thành "đại kết của máu" như chính ngài đã định nghĩa. Và đây là một trong các đề tài đại kết quan trọng nhất. Theo ngài chính các kẻ bách hại đạo chỉ cho chúng ta việc đại kết máu này. Thật vậy, "đối với các kẻ bách hại chúng ta không bị chia rẽ, chúng ta không phải là tín hữu luther, chính thống, tin lành, công giáo. Không! Chúng ta là một! Ðối với các kẻ bách hại chúng ta là kitô hữu! Họ không chú ý tới gì khác. Ðó là đại kết của máu mà chúng ta sống ngày nay!" (Phanxicô, Diễn văn đọc trước các thành viên Huynh đoàn công giáo các cộng đoàn giao ước đặc sủng và Bằng hữu ngày 31-10-2014). Như vậy, trong đại kết của các vị tử đạo cũng có một thách đố lớn đối với chúng ta, mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã diễn tả khi nói câu nổi tiếng này: "Nếu kẻ thù hiệp nhất chúng ta trong cái chết, thì chúng ta là ai để chia rẽ nhau trong sự sống?" (Diễn văn trước Phong trào Canh tân đặc sủng Thánh Linh 3-7-2015). Thật vậy, đôi khi lại không nhục nhã sao, khi các kẻ bách hại các kitô hữu có một quan niệm đại kết tốt hơn quan niệm của chúng ta, bởi vì họ biết rằng nói cho cùng các kitô hữu chỉ là một giữa họ với nhau?"

Các khẳng định quan trọng này của các Giáo Hoàng cho thấy rằng sự hiệp nhất của Giáo Hội đã thành toàn trong các thánh và trong các vị tử đạo. Giáo Hội không chia rẽ. Như Giáo Hội thuở ban đầu đã xác tín rằng máu các vị tử đạo là hạt giống làm nảy sinh ra các kitô hữu mới, thì chúng ta ngày nay cũng thế, chúng ta có thể hy vọng rằng một ngày kia máu của biết bao nhiêu vị tử đạo của thời đại chúng ta sẽ được vén mở như hạt giống của sự hiệp nhất đại kết tràn đầy của Thân Mình Chúa Kitô.

Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và Ðức Thượng Phụ Kirill đã làm chứng cho niềm hy vọng ấy trong tuyên ngôn chung tại La Habana, trong đó các vị viết: "Chúng tôi nghiêng mình trước sự tử đạo của những người làm chứng cho sự thật của Tin Mừng bằng giá cuộc sống của chính mình, thích cái chết hơn việc chối bỏ Chúa Kitô. Chúng tôi tin rằng các vị tử đạo này của thời đại chúng ta phát xuất từ nhiều Giáo Hội khác nhau, nhưng hiệp nhất bởi một khổ đau chung là bảo đảm cho sự hiệp nhất các kitô hữu" (Tuyên ngôn chung của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và Ðức Thượng Phụ Kirill Matscơva và toàn nước Nga, La Habana 12-2-2016, s. 12).

Như vùng Trung Ðông là vùng đất nguồn gốc của Kitô giáo, nó có thể đòi cho mình một chỗ duy nhất trong phong trào hiệp nhất các tín hữu kitô. Phong trào đại kết được in dấu bởi xác tín sâu xa rằng các kitô hữu sẽ tìm ra các con đường dẫn tới sự hiệp nhất, và sẽ đào sâu các gốc rễ chung của họ. Vì thế không phải vô tình mà tại Giêrusalem đã có biến cố ghi dấu sự khởi đầu của "cuộc đối thoại tình yêu" giữa các tín hữu công giáo và chính thống, nghĩa là chuyến hành hương mà chân phước Phaolo VI và Ðức Thượng Phụ đại kết Athenagoras đã cùng làm tại thành thánh ngày mùng 6 tháng giêng năm 1964. Trên vùng đất nơi Chúa Kitô đã thành lập Giáo Hội Ngài, và nơi Ngài đã đổ máu ra cho Giáo Hội, hai vị lãnh đạo của Giáo Hội đã trao đổi nụ hôn hoà bình, đã lắng nghe đọc chương 17 Phúc Âm thánh Gioan, và đã cầu nguyện chung, và như thế dấn thân trên con đường hướng về sự hiệp nhất một cách không thể quay lại đàng sau được nữa.

Trung Ðông chắc chắn là một trong các vùng trên thế giới, trong đó tình hình của các kitô hữu khó khăn và bất ổn, nhưng là nơi các tương quan đại kết lại mạnh mẽ và hứa hẹn, nhất là giữa các anh em chính thống và công giáo. Tình hình thiểu số và bối cảnh khó khăn này chắc chắn là các lý do của việc xích lại gần nhau trong cách thức mà người ta có thể định nghĩa là "đại kết của cuộc sống", và nó được diễn tả ra bằng các thoả hiệp mục vụ quan trọng. Nhất là tôi nghĩ tới thoả hiệp quan trọng ký kết hồi năm 1996 tại Charfeh bên Libăng bởi các Thượng Phụ công giáo và chính thống vùng Trung Ðông, đặc biệt liên quan tới các vụ hôn nhân hỗn hợp, và việc biên soạn một sách giáo lý chung cho trẻ em. Ngoài ra tình liên đới cần thiết trong bối cảnh bất ổn đã thúc đẩy các Giáo Hội ký kết các thoả hiệp mục vụ quan phòng trong các trường hợp cần thiết, và cho phép các tín hữu của các Giáo Hội khác lãnh nhận các bí tích tích, chẳng hạn như trong Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống Siro năm 1984, và trong Giáo Hội Canđê và Giáo Hội Assiri Ðông Phương năm 2001.

Trong tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục "Ecclesia in Medio Oriente" ký tại Beirut ngày 14 tháng 9 năm 2012 Ðức Giáo Hoàmg Biển Ðức XVI đã mạnh mẽ khích lệ việc phát triển các liên lạc đại kết này giữa các kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội Trung Ðông. Ngài nhấn mạnh chiều kích đaị kết của sự thánh thiện như sau: "Các chuyên viên tử đạo chứng thực rằng các thánh và các vị tử đạo thuộc mọi giáo hội đã - và vài vị ngày nay vẫn còn - là các chứng nhân sống động của sự hiệp nhất vô biên giới trong Chúa Kitô vinh hiển, việc nếm trước sự hiệp nhất của chúng ta như dân sau cùng được hoà giải trong Ngài" (Ecclesia in Medio Oriente, s. 11).

Sự thánh thiện được cho thấy trong cuộc sống và chứng tá chung của các kitô hữu vùng Trung Ðông là một chứng cớ của sự hiệp nhất. Trong thư gửi kitô hữu Trung Ðông ngày 21 tháng 12 năm 2014 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh lời kêu gọi đại kết của sự thánh thiện, mà việc bách hại hướng tới các tín hữu kitô thuộc mọi Giáo Hội. Ngài viết: "Tình hình trong đó anh chị em sống là một lời kêu mời mạnh mẽ sống thánh thiện, như các thánh và các vị tử đạo thuộc mọi giáo hội chứng thực. Với lòng yêu mến và tôn kính tôi nhớ tới các chủ chăn và các tín hữu trong các thời gian sau này đã được đòi hỏi hy sinh mạng sống, thường khi chỉ vì là kitô hữu. Tôi cũng nhớ tới các người bị bắt cóc, trong đó có các giám mục chính thống và các linh mục thuộc nhiều lễ nghi khác nhau. Ước chi các vị có thể mau chóng trở về nhà và cộng đoàn của các vị yên hàn bằng an. Tôi xin Thiên Chúa, vì biết bao khổ đau kết hiệp với thập giá Chúa, ban nhiều hoa trái tốt lành cho Giáo Hội và cho các dân tộc vùng Trung Ðông."

Trong cùng thư Ðức Phanxicô cũng bầy tỏ niềm vui của ngài trước sự đại kết cụ thể được các tín hữu kitô trung đông sống. "Giữa các thù nghịch và xung đột, sự hiệp thông được sống giữa anh chị em trong tình huynh đệ và sự đơn sơ là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa. Tôi sung sướng vì các tương quan tốt lành và sự cộng tác giữa các thượng phụ của các Giáo Hội công giáo đông phương và các thượng phụ của các Giáo Hội chính thống, cũng như giữa tín hữu của các Giáo Hội khác nhau. Các khổ đau mà các tín hữu kitô phải chịu góp phần vô cùng quý giá cho sự hiệp nhất. Ðó là đại kết của máu, đòi hỏi một sự tin tưởng phó thác cho hoạt động của Chúa Thánh Thần".

Tình hình, trong đó các kitô hữu trung đông sống, là một thúc đẩy đại kết không chỉ cho chính họ, mà cũng cho các tín hữu kitô trên toàn thế giới nữa. Việc lo lắng cho các kitô hữu Trung Ðông đã được nhắc tới trong các tuyên ngôn chung khác nhau mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký với các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội, như với Ðức Thượng Phụ đại kết Bartolomaios I tại Giêrusalem ngày 25 tháng 5 năm 2014 và tại Istanbul ngày 30 tháng 11 năm 2014, hay với Ðức Thượng Phụ Tawadros tại Cairo ngày 28 tháng 4 năm 2017. Tuyên ngôn chung với Ðức Thượng Phụ Kirill tại La Habana ngày 12 tháng 2 năm 2016 cũng đã là một thí dụ ngoại thường của việc đại kết xích lại gần nhau, phát xuất từ tình hình thê thảm của các kitô hữu bên Trung Ðông. Cũng chính trong nghĩa này mà các khổ đau của các anh chị em của chúng ta trong đức tin tuyệt đối không vô ích.

Tình trạng đớn đau của các kitô hữu Trung Ðông là một lời mời gọi cấp thiết đối với chúng ta tiếp đón họ trong con tim, nhớ tới họ trong lời cầu nguyện, và đem các nhu cầu của họ tới trước mặt Thiên Chúa. Trong hai chuyến viếng thăm mà tôi đã có thể làm trong các năm qua tại các trại tỵ nạn bên Giordania và trên đảo Leros, các anh chị em tỵ nạn đã luôn luôn xin tôi đừng quên họ, nhưng hãy nhớ tới họ. Chúng ta không bao giờ được cho họ cảm tưởng bị lẻ loi và bị bỏ rơi. Ðiều này tuỳ thuộc sự tham dự liên đới của chúng ta trong lời cầu nguyện. Tôi uớc mong kết thúc bài phát biểu của tôi bằng các lời cầu nguyện cho vùng Trung Ðông trong tuyên ngôn chung đã được Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và Ðức Thượng Phụ Kirill ký tại La Habana: "Chúng con nâng lời cầu nguyện lên Chúa Kitô, Ðấng Cứu thế giới, cho việc tái lập hoà bình trên vùng đất Cận Ðông, là "kết quả của công lý" (Is 32,17), để cho sự sống chung huynh đệ giữa các dân tộc, các Giáo Hội và tôn giáo khác nhau sống trong đó được củng cố, cho các người tỵ nạn được trở về tổ ấm của họ, cho các người bị thương được bình phục và cho sự an nghỉ của linh hồn những người vô tội đã bị giết".

 

Linh Tiến Khải

(Vatican News)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page