Giáo Hội Ấn Ðộ bênh vực

quyền lợi của người cùng đinh Ðalít

 

Giáo Hội Ấn Ðộ bênh vực quyền lợi của người cùng đinh Ðalít.

Roma (Vat. 19-02-2018) - Trong các ngày 2 đến 9 tháng 2 năm 2018 Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ gồm ba nghi lễ Latinh, Siro Malabar và Siro Malankara đã nhóm phiên họp khoáng đại tại Bangalore. Giáo Hội công giáo Ấn Ðộ có 132 giáo phận, 183 Giám Mục và là Hội Ðồng Giám Mục lớn nhất Á châu và lớn thứ tư trên thế giới. Thánh lễ khai mạc đại hội đã do Ðức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, kiêm chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, chủ sự. Ðức Hồng Y cũng là thành viên Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của Ðức Giáo Hoàng.

Trong các ngày nhóm họp các Giám Mục đã đặc biệt thảo luận nhiều vấn đề của Giáo Hội trong đó có việc bênh vực và bảo vệ quyền lợi của các anh chị em cùng đinh Ðalít. Trong thống cáo kết thúc đại hội các Giám Mục Ấn đã nêu bật quyết tâm dấn thân của Giáo Hội trong việc thăng tiến và bênh vực quyền lợi của lớp cùng đinh Ðalít. Tại Ấn Ðộ các kitô hữu chỉ chiếm 2.3% trên tống số 1 tỷ 200 triệu dân. Các anh chị em Ðalít chiếm 60% tổng số kitô hữu.

Các người Ðalít hay cũng gọi là "những người không thể đụng chạm đến" vì bị coi là ô uế là tầng lớp thấp kém nhất trong quan niệm triết lý tôn giáo chính trị xã hội của đạo Brahmanismo, là tôn giáo bắt đầu hiện hữu bên Ấn Ðộ vào thế kỷ XII trước công nguyên. Nó được gợi hứng bởi nền văn chương Vệ Ðà, gắn liền với hệ tư tưởng Brahmana và Upanishad Vệ Ðà, phát triển trở thành hệ tư tưởng Vệ Ðà làm nảy sinh ra Ấn giáo hiện nay.

Brahma là một trong các vị thần quyền năng và được tôn sùng nhất tại Ấn Ðộ. Brahmani là các tư tế chiếm hữu được Brahman là khoa học dâng các lễ tế khiến cho các thần linh phải theo ý muốn của con người.

Khác với Phật giáo dậy mọi người đều bình đẳng như nhau, Ðạo Brahmanismo chia con người thành bốn đẳng cấp: ba đẳng cấp cao và một giai đẳng cấp thấp kém, dựa trên các công nghiệp mà mỗi người chiếm hữu được trong các cuộc sống quá khứ. Bốn đẳng cấp xã hội đã có từ thời tạo dựng: từ miệng của thần Brahma sinh ra các tư tế Brahamani, từ cánh tay phát xuất ra các chiến sĩ Ksatriya; từ đùi phát xuất ra giới nông dân và thương gia Vaisya, và từ chân phát xuất ra giới thường dân Sudra hay Paria phải sống kiếp nô lệ làm những việc hèn hạ và phục vụ các giai tầng khác. Các người Ðalít cùng đinh hay "những người không thể đụng chạm tới", vì bị coi như ô uế thuộc đẳng cấp sau hết này. Họ bị tước đoạt nhân phẩm và các quyền làm người. Chính vì thế họ bị kết án sống trong cảnh bần cùng nghèo túng tột độ, bất xứng, nhục nhã xấu hổ, bất lực bị gạt bỏ ngoài lề xã hội và bị các giai tầng khác khinh bỉ coi thường. Hiện nay tại Ấn Ðộ có 200 triệu người Ðalít, đa số là các nông dân không ruộng đất sống trong các làng quê nghèo.

Linh Mục Maria Arul Raja dòng Tên giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Học viện thần học dòng Tên Chennai đã thuyết trình trong đại hội, cho biết trong phiên họp khoáng đại các Giám Mục nhắc nhớ rằng Giáo Hội không chỉ có bổn phận thăng tiến các chương trình phát triển và bao gồm giúp các anh chị em gốc Ðalít có thế đứng và vai trò giữa lòng xã hội, nhưng còn được mời gọi tìm hiểu các lý do sâu xa của hiện tượng kỳ thị và loại trừ các anh chị em Ðalít kitô giữa lòng Giáo Hội, xã hội và quốc gia. Các Giám Mục đã cuơng quyết dấn thân thúc đẩy các cơ cấu giáo dục công giáo tạo ra các không gian cho các sinh viên học sinh đalít bị thiệt thòi, bằng cách đề ra các sáng kiến nhằm thăng tiến các quyền lợi và giúp họ phát triển cũng như loại bỏ mọi dấu vết kỳ thị đẳng cấp.

Hồi tháng 12 năm 2016 các Giám Mục Ấn Ðộ cũng đã phổ biến một tài liệu tựa đề: "Ðường lối chính trị thăng tiến xã hội cho anh chị em Ðalít của Giáo Hội công giáo tại Ấn Ðộ", trong đó các vị khẳng định rằng các anh chị em Ðalít cảm thấy họ được chúc phúc đang sống một thời điểm ơn thánh". Tuy nhiên cha Arul Raja cũng nhận xét rằng cả khi Giáo Hội thăng tiến sức mạnh của Tin Mừng, công lý, sự cảm thương và bình đẳng do Chúa Giêsu Kitô đem tới, nhưng Giáo Hội cũng bị ngã dưới sức nặng tàn bạo của nền văn hoá phân chia đẳng cấp, viện cớ là không thể loại trừ sự phân chia ấy. Cha Arul Raja cũng cho biết thêm là anh chị em Ðalít hồi giáo cũng bị kỳ thị, nhưng người Ðalít kitô lại còn phải gánh chịu nhiều kỳ thị và thiệt thòi hơn nữa. Vì là kitô hữu họ không được chấp nhận vào danh sách các chương trình trợ giúp của chính quyền đề ra để trợ giúp các người Ðalít Ấn giáo, Sikh hay Phật giáo.

Lệnh này đã do chính quyền Ấn ban hành ngày mùng 10 tháng 8 năm 1950. Chính vì thế Hội Ðồng Giám Mục Ấn đã gọi ngày mùng 10 tháng 8 là "ngày đen tối" và kêu gọi tổ chức các buổi hội họp, canh thức cầu nguyện và các hình thức phản đối khác để yểm trợ và tỏ tình liên đới với các anh chị em Ðalít kitô và hồi giáo bị tước đoạt các quyền hợp pháp.

Ngoài ra các Giám Mục công giáo cũng nhóm họp với Hội đồng các Giáo Hội Kitô Ấn Ðộ để thành lập ngày "Giải phóng Ðalít" cử hành hằng năm vào ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng 11. Trong ngày này có các cuộc tuần hành trong mọi thành phố toàn nước nhằm ủng hộ cuộc tranh đấu cho quyền làm người của người Ðalít. Các Giáo Hội Kitô cũng gửi thỉnh nguyện thư lên Toà Án Tối Cao Ấn để yêu cầu huỷ bỏ điều khoản ban hành năm 1950 khước từ các quyền của người Ðalít kitô và hồi giáo. Cha Arul Raja cho biết các anh chị em Ðalít cảm thấy rất được an ủi, khi thấy mọi Giám Mục đồng hành với họ trong sáng kiến dấn thân mục vụ này.

Giảng trong Thánh lễ khai mạc đại hội khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ Ðức Hồng Y Gracias nhấn mạnh rằng "ơn gọi của các anh chị em đã được rửa tội tại Ấn Ðộ này là các công dân Ấn tràn đầy và là các kitô hữu tràn đầy. Giáo Hội công giáo cần quốc gia Ấn và Ấn Ðộ cũng cần Giáo Hội. Chúng ta được mời gọi ngày càng trở thành các kitô hữu Ấn Ðộ tốt lành hơn."

Trong khoá họp các Giám Mục cũng thảo luận vấn đề công dân, vì các nhóm ấn cuồng tín được hỗ trợ bởi các đảng phái và giới chức chính trị đang tìm cách hạn chế phần đóng góp của các nhóm tôn giáo thiểu số như kitô và hồi giáo, cho quốc gia, bằng cách sử dụng các phương pháp bạo lực và các hoạt động đi ngược lại Hiến Pháp. Ðức Hồng Y Gracias nói: "Trách nhiệm của chúng ta là làm cho các giá trị của Tin Mừng hiện diện trong xã hội để góp phần nhổ tận gốc rễ nạn gian tham hối lộ, phổ biến sự thật, công lý, tình yêu thương tha nhân, loại bỏ các thành kiến, khai thác các bộ lạc và áp bức các anh chị em Ðalít."

Về tương quan giữa các Giám Mục, giáo sĩ và giáo dân Ðức Hồng Y đã nhắc nhở rằng "các Chủ chăn phải có mùi chiên đồng thời phải cảm thấy hương thơm của Thiên Chúa".

Ngày 11 tháng 2 năm 2018 trong buổi họp báo giới thiệu tài liệu đúc kết đại hội Ðức Hồng Y Baselios Cleemis nhấn mạnh rằng đức tin công giáo đã đến với người dân Ấn nhờ các Tông Ðồ như thánh Tôma và thánh Phanxicô Xaviê và chính nhờ Kitô giáo mà Ấn Ðộ được như ngày nay. Chính vì thế quốc gia được mời gọi khước từ một chủ trương quốc gia tôn giáo quá khích đã gây ra biết bao bạo lực và tàn ác đối với phụ nữ, người cùng đinh Ðalít, các tôn giáo thiểu số, và cần theo đuổi một chủ thuyết quốc gia đích thực có thể đưa quê hương tới một nền hoà bình hoà hợp, một tiến bộ và thịnh vượng đích thực.

Các Giám Mục khẳng định rằng tín hữu công giáo yêu quê hương thực sự. Họ tin rằng mọi người đều là anh chị em với nhau như Chúa Giêsu đã dậy. Việc giải phóng dân nghèo và thăng tiến phẩm giá con người đã được Hiến Pháp thừa nhận và được Giáo Hội thăng tiến trong sứ mệnh của mình. Chính vì thế mọi âm mưu thăng tiến chủ trương quốc gia quá khích dựa trên một nền văn hoá hay tôn giáo đặc biệt nào đều là một lập trường nguy hiểm. Nó có thể dẫn đưa tới chỗ đồng nhất, nhưng không bao giờ đưa tới sự hiệp nhất đích thực. Các cố gắng như vậy chỉ có thể dẫn đưa quốc gia của chúng ta tới sự tự diệt mà thôi. Việc tìm kiếm hoà bình, tiến bộ và phát triển, nhất là trong một nước phong phú đa văn hoá, tiếng nói và tôn giáo như Ấn Ðộ, sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời trong chủ trương một nền văn hoá duy nhất và sớm muộn gì bạo lực cũng sẽ rơi trên đầu kẻ bạo lực.

Các Giám Mục Ấn cũng than phiền về con số các vụ bạo hành nữ giới, các vụ giết người, các cạnh tranh giữa các giai tầng xã hội, bạo lực tập thể, và các vụ tấn kích các cơ cấu và cộng đoàn kitô gia tăng. Một chủ trương ái quốc đích thực thì tôn trọng quyền của mỗi công dân, bất kể họ thuộc nền văn hoá, tôn giáo, ngôn ngữ, vùng miền hay hệ thống kinh tế nào. Tiếp đến Ðức Hồng Y Cleemis đã khẩn thiết kêu gọi mọi người thiện chí ủng hộ quốc gia pháp quyền như đã được Hiến Pháp quốc gia bảo đảm. Giáo Hội đánh giá cao và muốn cộng tác với chính quyền trong mọi dấn thân duy trì luật lệ và trật tự trong nước để bảo đảm cho tiến bộ và phát triển của mọi người và bảo vệ mội sinh. Giáo Hội công giáo ủng hộ giá trị tuyệt đối và siêu việt của sự sống con người là ơn vô cùng quý báu Thiên Chúa ban. Vì thế việc tấn kích sự sống không bao giờ có thể do Thiên Chúa gợi hứng cũng không thể được biện minh bởi bất cứ tín ngưỡng và thực hành tôn giáo nào. Mạng sống của từng người phải được mẹ quê hương trân trọng và bảo vệ. Chỉ có lòng xót thương của Thiên Chúa mới có thể chữa lành các con tim bị thương tích, nối lại các tương quan đã bị bẻ gẫy giữa con người và các cộng đoàn với nhau và nâng những người bị sự bần cùng áp bức từ bao thế kỷ nay. Chính trong tình hình này các môn đệ của Chúa Kitô quyết định trở thành các chứng nhân đích thực của lòng thương xót, là nòng cốt của Tin Mừng và việc biểu lộ ơn gọi là môn đệ kitô như thánh nữ Terexa Calcutta và chân phước Rani Maria đã sống và nêu gương. Trong việc phục vụ của chúng ta đối với quốc gia, đặc biệt là đối với các anh chị em Ðalít, các nhóm bộ tộc và các giai tầng xã hội chậm tiến khác, kitô hữu chúng ta phải chung vai sát cánh với các công dân khác để bảo đảm cho sự phát triển nhân bản đích thật của dân tộc Ấn, được đo lường bằng mức thang nhân bản chứ không phải chỉ bằng mức độ kinh tế mà thôi.

Ðể sống sự hiệp nhất trong khác biệt trong Giáo Hội cũng như trong quốc gia, các Giám Mục Ấn đã đưa ra một loạt các đề nghị và hướng dẫn trong đó có việc củng cố sự hiệp thông giữa các linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ; đồng hành với các gia đình trong sứ mệnh rao truyền Tin Mừng trong thế giới ngày nay và lấy gia đình làm đích điểm công tác mục vụ của Giáo Hội; thông truyền cho giới trẻ quan điểm trung thực về cuộc sống kitô và giúp họ chu toàn vai trò của người trẻ trong lòng Giáo Hội và trong xã hội; chuẩn bị cho các linh mục tu sĩ và chủng sinh trở thành các chứng nhân đích thực của lòng thương xót Chúa trong Giáo Hội và trong xã hội; khích lệ và động viên giáo dân tích cực dấn thân trong thế giới; tiếp tục phục vụ trong lãnh vực giáo dục theo chính sách giáo dục công giáo đã được Hội Ðồng Giám Mục đề ra năm 2007 để phổ biến Tin Mừng. Như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định Giáo Hội hiện hữu là để rao truyền Tin Mừng. Cả khi có phải đương đầu với các thách đố nghiêm trọng và phải chiến đấu cho sự hiệp nhất trong khác biệt của đất nước, kitô hữu chúng ta hãnh diện là người Ấn Ðộ. Chúng ta yêu quê hương và liên tục cầu nguyện cho sự thịnh vượng của đất nước.

Hiện nay Giáo Hội công giáo Ấn thuộc cả ba nghi lễ có hơn 20 triệu tín hữu sống rải rác trong nhiều tiểu bang. Ðức Cha Theodore Mascaranhas, Tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Ấn cho biết tình hình khó khăn vì các nhóm Ân giáo quá khích chống tín hữu Kitô và Hồi giáo ngày càng gia tăng, và Ðảng Bharatiya Janata cầm quyền trong 19 trên tổng số 29 tiểu bang tại Ấn. Ðức Hồng Y Charles Bo Tổng Giám Mục Yangoon cũng đưọc mời tham dự hội nghị của Hội Ðồng Giám Mục Ấn. Ngài đã chia sẻ kinh nghiệm của Giáo Hội Myanmar và khích lệ Giáo Hội Ấn hiệp nhất trong giai đoạn tế nhị này. Linh Mục Devasgayaraj thư ký văn phòng Hội Ðồng Giám Mục Ấn đặc trách các giai tầng xã hội và các lớp người chậm tiến cho biết từ xa xưa Giáo Hội đã dấn thân trong lãnh vực giáo dục và y tế. giờ đây phải nghĩ ra các cách thức mới trong việc thi hành sứ mệnh tông đồ. Ông Jose Kavi, nhà báo công giáo vui mừng vì Hội Ðồng Giám Mục Ấn chú ý nhiều hơn tới tình hình chung của quốc gia chứ không chỉ lo cho chuyện nội bộ của Giáo Hội như trước kia.

 

Linh Tiến Khải

(Vatican News)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page