Diễn văn của Ðức Thánh Cha

tại buổi gặp gỡ đại kết và liên tôn vì hoà bình

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du Bangladesh: Diễn văn của Ðức Thánh Cha tại buổi gặp gỡ đại kết và liên tôn vì hoà bình.


Ðức Thánh Cha Phanxicô tham dự buổi gặp gỡ đại kết và liên tôn vì hoà bình diễn ra tại khuôn viên Toà Tổng giám mục Dhaka.


Dhaka (WHÐ 3-12-2017) - Trong khuôn khổ chuyến tông du Bangladesh, vào lúc 17g00 thứ Sáu 1 tháng 12 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự buổi gặp gỡ đại kết và liên tôn vì hoà bình diễn ra tại khuôn viên Toà Tổng giám mục Dhaka.

Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài diễn văn của Ðức Thánh Cha tại buổi gặp gỡ này:

* * *

Thưa các vị khách quý,

các Bạn thân mến,

Cuộc gặp gỡ của chúng ta, quy tụ các đại diện của các cộng đồng tôn giáo khác nhau hiện diện trên đất nước này, là khoảnh khắc rất quan trọng trong chuyến viếng thăm của tôi tới Bangladesh. Vì chúng ta gặp nhau là để tô đậm tình bằng hữu của chúng ta và bày tỏ mong ước chung của chúng ta về ân phúc hoà bình đích thực và lâu dài.

Tôi xin cảm ơn Ðức hồng y D'Rozario về những lời chào mừng quý hoá, và cảm ơn những người đã nhiệt tình chào đón tôi nhân danh các cộng đồng Hồi giáo, Hindu, Phật giáo và Kitô giáo cũng như nhân danh xã hội dân sự. Tôi cảm ơn Ðức giám mục Anh giáo tại Dhaka về sự hiện diện của ngài, cảm ơn nhiều cộng đồng Kitô hữu, và tất cả những người đã cộng tác trong việc tổ chức cuộc gặp gỡ này.

Những lời chúng ta đã nghe, và cả các bài hát và vũ điệu tạo bầu khí cho cuộc gặp gỡ này, đã nói với chúng ta một cách hùng hồn về niềm khao khát sự hoà hợp, tình huynh đệ và hoà bình được thể hiện trong các giáo huấn của các tôn giáo trên thế giới. Mong sao cuộc gặp gỡ chiều nay là một dấu chỉ rõ ràng về những nỗ lực của các nhà lãnh đạo và các tín hữu của các tôn giáo hiện diện nơi đất nước này để chung sống trong sự tương kính và thiện ý. Ở Bangladesh, nơi quyền tự do tôn giáo là một nguyên tắc căn bản, cuộc gặp gỡ này sẽ như một lời trách cứ tế nhị nhưng vẫn cứng rắn đối với những ai muốn tìm cách kích động chia rẽ, hận thù và bạo lực nhân danh tôn giáo.

Thật là một dấu chỉ đẹp của thời đại chúng ta khi các tín hữu và mọi người thiện chí ngày càng cảm nhận lời mời gọi hợp tác với nhau để kiến tạo một nền văn hoá gặp gỡ, đối thoại và hợp tác để phục vụ gia đình nhân loại. Ðiều này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ khoan dung mà thôi. Nó thách đố chúng ta đến với những người khác trong sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, nhằm xây dựng một sự hiệp nhất không xem đa dạng là một mối đe dọa, mà là một nguồn tiềm năng làm phong phú hoá và tăng trưởng. Nó thách đố chúng ta vun trồng một con tim rộng mở nhìn những người khác như một con đường, chứ không phải rào cản.

Xin cho phép tôi cùng với quý vị xem xét một cách ngắn gọn vài tính chất thiết yếu của "một con tim rộng mở" - là điều kiện của nền văn hoá gặp gỡ.

Trước hết, đó là một cánh cửa. Ðây không phải là một lý thuyết trừu tượng mà là một kinh nghiệm sống. Nó giúp chúng ta đi vào cuộc đối thoại của cuộc sống, chứ không chỉ là trao đổi ý kiến. Nó đòi hỏi phải có thiện chí và đón nhận, nhưng đừng nhầm lẫn với sự thờ ơ hoặc dè dặt trong việc biểu lộ những xác tín sâu sắc nhất của chúng ta. Dấn thân cùng với người khác một cách hiệu quả nghĩa là chia sẻ bản sắc tôn giáo và văn hoá riêng của mình, nhưng luôn luôn với tâm tình khiêm tốn, trung thực và tôn trọng.

Sự rộng mở của con tim còn giống như một cái thang dẫn đến Tuyệt đối. Khi nhắc lại chiều kích siêu việt này của hoạt động của chúng ta, chúng ta nhận ra rằng cần phải thanh tẩy cõi lòng, để có thể nhìn mọi thứ trong nhãn quan chân thực nhất của chúng. Khi cái nhìn của chúng ta từng bước trở nên rõ ràng hơn, chúng ta có được sức mạnh để kiên trì trong nỗ lực hiểu biết và đánh giá người khác cũng như quan điểm của họ. Như thế, chúng ta sẽ tìm được khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để mở rộng bàn tay bằng hữu cho tất cả mọi người.

Sự rộng mở của con tim giống như một con đường dẫn tới việc theo đuổi điều thiện hảo, công lý và tình liên đới. Nó dẫn đến việc tìm kiếm điều thiện hảo cho người thân cận của chúng ta. Trong thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô đã thúc giục họ: "Ðừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy điều thiện mà thắng sự ác" (Rm 12,21). Ðây là tâm tình mà tất cả chúng ta có thể bắt chước. Sự ân cần quan tâm đến hạnh phúc của người thân cận chúng ta bắt nguồn từ một trái tim rộng mở, tràn ra bên ngoài như một dòng sông rộng lớn, để tưới mát những miền đất hoang khô cằn nứt nẻ của hận thù, thối nát, đói nghèo và bạo lực huỷ hoại đời sống con người, làm tan nát gia đình, hay làm méo mó món quà của thiên nhiên.

Những cộng đồng tôn giáo khác nhau của Bangladesh đã chấp nhận con đường này một cách cụ thể qua sự dấn thân chăm sóc trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, và qua việc ứng phó với những thảm hoạ thiên nhiên ập đến đất nước mình trong những năm gần đây. Tôi cũng nghĩ đến rất nhiều nỗi buồn thương, lời cầu nguyện và tình liên đới chia sẻ trong tai nạn thảm khốc của vụ toà nhà Rana Plaza sụp đổ, mà mọi người vẫn chưa quên. Bằng nhiều cách khác nhau ấy, chúng ta thấy con đường của thiện hảo đã dẫn đến sự hợp tác trong việc phục vụ người khác như thế nào.

Một tinh thần cởi mở, chấp nhận và hợp tác giữa các tín hữu không chỉ đơn thuần là đóng góp vào một nền văn hoá hài hoà và bình an; đó là nhịp đập trái tim của nó. Thế giới chúng ta cần trái tim này đập mạnh mẽ biết bao, để chống lại virus tham nhũng chính trị, chống lại những hệ tư tưởng tôn giáo huỷ hoại, và cơn cám dỗ nhắm mắt làm ngơ trước nhu cầu của người nghèo, người tị nạn, của các nhóm thiểu số bị áp bức, và của những người dễ bị tổn thương nhất. Tinh thần cởi mở ấy cũng cần biết bao để đến với nhiều người trong thế giới của chúng ta, nhất là những người trẻ, là những người đôi khi cảm thấy cô đơn và bối rối khi đi tìm ý nghĩa của cuộc sống!

Các bạn thân mến, tôi cảm ơn các bạn đã nỗ lực thúc đẩy nền văn hoá gặp gỡ, và tôi cầu nguyện cho, một khi các tín hữu cùng nhau dấn thân để nhận ra và thực hành những điều tốt, họ sẽ giúp tất cả các tín hữu tăng triển trong sự khôn ngoan và thánh thiện, đồng thời hợp tác trong việc xây dựng một thế giới nhân đạo, hợp nhất và hoà bình hơn bao giờ hết.

Tôi xin mở rộng tấm lòng mình cho tất cả các bạn, và một lần nữa cảm ơn các bạn đã đón tiếp tôi. Chúng ta hãy nhớ nhau trong lời cầu nguyện.

* * *

Kết thúc buổi Gặp gỡ đại kết và liên tôn trên đây, Ðức Thánh Cha đã gặp 18 người tị nạn Rohingya, trong đó có 2 trẻ em, đến từ một trại tị nạn ở gần Cox's Bazar thuộc Ðông Nam Bangladesh. Ðức Thánh Cha đã khóc khi nghe họ kể lại cho ngài tấn thảm kịch của họ ở Myanmar, nơi họ bị trục xuất.

Ngỏ lời với người tị nạn và những người tham dự, Ðức Thánh Cha nói:

* * *

Anh chị em thân mến, tất cả chúng tôi gần gũi với anh chị em. Những gì chúng tôi có thể làm được thật ít ỏi vì thảm trạng của anh chị em quá bi đát. Nhưng chúng tôi có chỗ trong trái tim mình. Thay mặt cho mọi người, thay mặt những người bức hại anh chị em, những người làm tổn thương anh chị em, nhất là vì sự thờ ơ của thế giới, tôi xin anh chị em tha thứ. Xin hãy tha thứ. Rất nhiều người trong anh chị em đã nói với tôi về tấm lòng hào hiệp của người Bangladesh đã đón tiếp anh chị em. Giờ đây tôi cũng kêu gọi tấm lòng quảng đại của anh chị em, hãy tha thứ cho chúng tôi.

Anh chị em thân mến, câu chuyện về sáng tạo của Kitô giáo - Do Thái giáo nói rằng Chúa là Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh giống Thiên Chúa. Mọi người chúng ta là hình ảnh ấy. Những người anh chị em của chúng ta đây cũng vậy. Họ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống. Một trong những truyền thống tôn giáo của anh chị em nói rằng thuở ban đầu Thiên Chúa đã lấy một ít muối, bỏ vào trong nước là linh hồn của tất cả mọi người nam và nữ. Mỗi người chúng ta mang trong mình một chút muối thần linh. Những người anh chị em của chúng ta đây mang trong mình muối của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy làm cho thế giới thấy được thói ích kỷ của thế giới đang làm gì đối với hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tiếp tục làm điều tốt cho họ, giúp đỡ họ. Chúng ta hãy tiếp tục tích cực làm việc để nhìn nhận các quyền của họ. Chúng ta đừng đóng cửa lòng mình, hay nhìn một cách khác. Ngày nay, sự hiện diện của Thiên Chúa còn có tên gọi là "Rohingya". Mong sao mỗi người trong chúng ta biết đáp lại theo cách riêng của mình.

(Nguồn: Libreria Editrice Vaticana)

 

Minh Ðức chuyển ngữ

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page