Hội thảo

"Kinh Nghiệm Về Hoạt Ðộng Thư Viện

Góp Ý Xây Dựng Thư Viện

Văn Hóa Công Giáo Việt Nam"

 

Uỷ ban Văn hoá Hội đồng Giám mục Việt Nam: Hội thảo "Kinh Nghiệm Về Hoạt Ðộng Thư Viện & Góp Ý Xây Dựng Thư Viện Văn Hóa Công Giáo Việt Nam".

Sàigòn (WHÐ 15-11-2017) - Thứ Năm, ngày 09 tháng 11 năm 2017, Uỷ ban Văn hoá trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBVH) đã tổ chức Hội thảo Kinh Nghiệm Về Hoạt Ðộng Thư Viện & Góp Ý Xây Dựng Thư Viện Văn Hóa Công Giáo Việt Nam (TVVHCGVN) tại Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, Sàigòn.

Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa, đến sớm đón khách với nụ cười ấm áp, tay bắt mặt mừng. Ðức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp vừa là thuyết trình viên, vừa là hội thảo viên nên sốt ruột tới từ sáng tinh mơ và Ðức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn nhiệt tình có mặt từ phút đầu. Riêng Ðức cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng tuy rất bận, nhưng có vẻ "không tới với Hội thảo là lòng không yên" nên có trễ cũng cố tới. Khách mời là các chuyên viên thư viện, quản thủ thư viện, và cả các linh mục, tu sĩ, giáo dân quan tâm tới thư viện đến từ các giáo phận và các dòng tu khắp nơi.

Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân hân hoan chào đón các anh em và mở màn cuộc Hội thảo. Ðức cha minh bạch xác định, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HÐGMVN) năm 2003 đã chỉ thị cho Ủy Ban Văn Hoá thành lập Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam, trước tiên để đón nhận gia sản văn hóa Công giáo Việt Nam do Hội Thừa Sai Balê có lòng tốt muốn chia sẻ với Giáo hội Việt Nam. Ðức cha Chủ tịch Ủy Ban Văn Hoá cũng chân thành nhìn nhận, do thiếu phương tiện, thiếu cơ sở nên Ủy Ban Văn Hoá đã để lỡ một chuyến đò chuyên chở sách vở, tài liệu, văn bản chứng từ của Giáo hội Việt Nam (dưới dạng ebooks) từ Hội Thừa Sai Balê về với Việt Nam.

Hôm nay thời cơ đã đến. Ủy Ban Văn Hoá nhất tâm bước đầu hình thành Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam và mong các anh em có mặt trong Hội thảo và cả các anh em, thân hữu trong nước, ngoài nước góp tay, góp ý, góp kinh nghiệm với Ủy Ban Văn Hoá trong bước đầu nhiều khó khăn.

Nội dung cuộc Hội thảo gồm ba phần "Ði Tìm". Phần 1: Ði Tìm Một Lối Ði, Phần 2: Ði Tìm Những Người Ðọc và Phần 3: Ði Tìm Một Ðịnh Dạng. Anh Augustinô Vương Ðình Chữ lên diễn đàn đầu tiên với đề tài Thư Viện Như Một Kho Báu (Thư Viện Trong Hoạt Ðộng Văn Hóa Và Tâm Linh). Anh nhập đề bằng hình ảnh "bốn bồ chữ" nhân thế (theo kiểu ví von của Cao Bá Quát) rồi xuýt xoa "kiến thức của nhân loại được tích trữ từ bao ngàn năm là kho tàng mênh mông như biển khơi". Nhưng theo anh, kiến thức không là nước ao tù nhưng mãi luân chuyển sinh lợi, làm lời để phục vụ con người. Ngược lại, kiến thức được giấu kín, không ai sử dụng sẽ ra vô bổ. Rồi ra kiến thức lại đẻ ra kiến thức và mỗi ngày cứ chồng chất mãi lên cho tới hôm nay. Và kiến thức đi vào sách, sách vào thư viện.

Với anh, sách và các ấn phẩm của tiền nhân đã thành di sản văn hóa và chứng từ đức tin được chuyển giao cho con cháu qua các thế hệ. Ðón nhận, khai triển các di sản và chứng từ này cũng là cách "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Và cũng từ đó rút ra kinh nghiệm rao truyền Tin Mừng trong bối cảnh văn hóa hôm nay. Chia sẻ những khó khăn bước đầu với Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam, anh Chữ bày tỏ nhiệt tình muốn trợ giúp Ủy Ban Văn Hoá, tìm kiếm nguồn sách, đón nhận các di sản từ mọi phía.

Từ đầu bài thuyết trình, Ban tổ chức đã giới thiệu anh "từng ăn dầm nằm dìa" bên MEP và thấm thía hai chuyến Tây Du thỉnh kinh sách thánh hiền. Qua hai chuyến đi "thỉnh kinh" anh biết rõ kho báu của MEP và hiểu lòng tốt của MEP cũng như của các phòng lưu trữ thuộc các dòng tu nước ngoài, anh mong UBVH sớm thương thảo để đón nhận món quà hào phóng của MEP, các giáo phận và các dòng tu trong và ngoài nước.

Tiếp bài góp ý của anh Chữ là "Vừng Ơi, Mở Ra" của Ðức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Từ lối nhìn xưa và nay về văn hóa, Ðức cha để ý tới quan điểm của UNESCO, thấy văn hóa như một hệ thống các giá trị truyền thống đã và đang thể hiện thành bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Ðặc biệt Ðức cha nhấn mạnh quan điểm của Giáo hội qua Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, "Có nhiều tương quan giữa các sứ điệp cứu độ và văn hóa... Giáo hội đã sử dụng nhiều tài nguyên của các nền văn hóa để phổ biến và trình bày sứ điệp của Ðức Kitô cho muôn dân".

Theo Ðức cha, văn hóa có một nét đặc trưng, "văn hóa có một khung trời tự do, một sự tự trị chính đáng trong lãnh vực chính đáng của mình và những điều kiện cần thiết để sáng tạo nhưng văn hóa không có giá trị tuyệt đối". Chung với lối nghĩ của người xưa "văn dĩ tải đạo" Ðức cha tâm đắc với Tông huấn Giáo Hội Tại Á Châu, "Văn hóa phải tùy thuộc vào con người toàn diện, việc phục vụ công thiện, công ích của xã hội và tiêu chuẩn đạo đức".

Ở đây trọn cả nội dung về văn hóa, nói gần hay nói xa cũng để mở đường cho các công trình hội nhập văn hóa hay là làm văn hóa và tìm lối cho sách và thư viện vào đời, nói chung, cũng như tìm lối cho Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam nhập cuộc, nói riêng.

Ðề tài Vừng Ơi, Mở Ra! là câu thần chú trong Alibaba và 40 Tên Cướp cũng được kết bằng Vừng Ơi, Mở ra! Văn Hóa Ơi, Mở Ra! Thư Viện Ơi, Mở Ra! Những câu thần chú nghe như thống thiết, nghe như khẩn cấp, như có nhà cháy đâu đây!

Bài trao đổi của cha Phanxicô Xaviê Phó Ðức Giang vào buổi chiều. Dường như sợ bóng sợ gió, sợ chiều xuống trong tâm tư các thành viên Ủy Ban Văn Hoá, sợ bước đầu khó khăn cho Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam, ai đó đã mạnh mẽ cất lên bài đồng ca, "Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trên bàn tay, trên mặt mày. Hy vọng đã vươn lên trong lòng anh, trong lòng tôi, trong lòng ai..."

Cha Phanxicô Xaviê Phó Ðức Giang với giọng trẻ trung, đã đốt lửa lên với "Một Vài Hướng Ði Mới Của Thư Viện Trong Thời Kỳ Kỹ Thuật Số". Là giám học của Dòng Anh Em Hèn Mọn thường xuyên tiếp cận với thư viện, cùng với "một bồ kinh nghiệm" về thư viện học hỏi từ các môi trường kỹ thuật cao về trang bị cho các sinh viên của học viện, hôm nay cha nhiệt tình 'rút ruột ra' với các hội thảo viên. Cha vào đề ngay bằng lời cảnh giác, "Cần xác định đối tượng cho thư viện" để điều chỉnh nguồn dữ liệu cho phù hợp mang lại lợi ích thỏa đáng cho người đọc. Nhiều hội thảo viên giật mình, "Ở quê hương mình, hình như chưa có thư viện mạng đúng nghĩa, có chăng một số gian hàng ebooks bày ra một số sách giải trí như tiểu thuyết xã hội hoặc bộ kiếm hiệp toàn tập của Kim Dung". Gợi ý "cần xác định đối tượng thư viện"của cha Giang vẫn còn đợi đấy!

Tiếp theo, thuyết trình viên quả quyết, thư viện đương thời không thể thiếu phần mềm quản lý, bao gồm kỹ thuật an ninh mã nguồn. Cha cũng giới thiệu hai loại mã phổ biến thuộc phần mềm quản lý thư viện: Mã Vạch (Bar code) và Mã QR (Quick Response) khá thông dụng trong quản lý. Nhưng khó khăn và tế nhị nhất vẫn là tìm cách liên kết với các thư viện thân hữu trong và ngoài nước để cùng chia sẻ dữ liệu, làm giàu có cho nội dung thư viện.

Vấn đề phần mềm quản lý thư viện được thuyết trình viên khơi lên, có vẻ đang sôi bỏng tại các thư viện thuộc các dòng tu. Ðề tài đã làm các hội thảo viên chuyên thư viện xôn xao làm nóng cả diễn đàn. Nhiều anh chị em muốn giới thiệu chuyên viên phần mềm thư viện và sẵn sàng chia sẻ cả các phần mềm điều hành. Riêng Ủy Ban Văn Hoá vẫn trắng tay!

Cuối cùng, cha Phó Ðức Giang nêu câu hỏi đòi mọi người gắn bó trách nhiệm với hoạt động thư viện suy nghĩ nhiều, "Tại sao không có loại sách thần học, triết học được đọc miễn phí tại các thư viện tại Việt Nam?" Và tiếp theo, một hội thảo viên khác đặt câu hỏi, "Tại sao giới trẻ Việt Nam lười đọc sách?" và "Nên giới thiệu sách gì cho bạn đọc trẻ và đọc cách nào?"...

Buổi chiều trước lời tổng kết cuộc Hội thảo của Ðức cha Chủ tịch Ủy Ban Văn Hoá, linh mục Giuse Trịnh Tín Ý giới thiệu mô hình Thư Viện Van Hoá Công Giáo Việt Nam. Trước khi vào mô hình thực tế, cha dẫn sách và thư viện về nguồn như để tìm một lối đi, một nhịp sống cho Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam. Theo một lối nhìn, cha thấy cuốn sách đầu tiên thời Cựu Ước là những tấm Bia Ðá ghi Mười Giới Luật của Chúa và thư viện đầu tiên chứa những cuốn sách đầu tiên là Hòm Bia Thánh luôn được Dân Chúa tôn kính như biểu tượng Thánh Nhan Chúa giữa Dân. Ðến thời Chúa Giêsu, hội đường là thư viện luôn gìn giữ, trân quý Sách Thánh cho Dân Chúa mỗi ngày Sabbat họp mặt nhau đọc và nghe Sách Thánh.

Nếu hình dung Sách Thánh là cỗ Ðại Thừa chuyên chở Lời Ánh Sáng, Lời Khôn Ngoan, chúng ta nhận ra các sách vở Công Giáo là cỗ Tiểu Thừa phản ảnh Lời Khôn Ngoan của Sách Thánh và chuyên chở cả những trăn trở thao thức, những cảm nhận buồn vui của con người làm lời đáp trả và tạ ơn Thiên Chúa.

Và thư viện được nhìn ra như một không gian thánh, nơi khách hành hương tìm về nguồn cội của mình. Ðồng thời thư viện cũng là nơi xuất phát những chuyến hành hương đến với các anh chị em mình trong tình thân thương...

Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI xác định: "Ði hành hương không chỉ là đi tới thăm một nơi chốn nào để ngưỡng phục những kho tàng thiên nhiên, một nền nghệ thuật hay những di tích lịch sử. Ði hành hương thực sự mang ý nghĩa bước ra khỏi chính mình để đối diện với Thiên Chúa, nơi Ngài đã tự mạc khải, nơi ơn thánh đặc biệt chiếu rọi ánh quang rực rỡ và mang lại những thành quả về cuộc trở về và ơn thiêng giữa những người tin". (https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2010/november/documents/hfben-xvispe20101106cattedrale-compostela.html). Xuôi dòng những ý niệm của Ðức Bênêđictô XVI, chúng ta hiểu ra, "Bước ra khỏi chính mình" chính là bước ra khỏi cõi tâm hẹp hòi của lòng mình để đọc và đón nhận ánh sáng phản chiếu từ Lời Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

Ủy Ban Văn Hoá xin đón nhận Sách Thánh và Thư Viện Thánh làm mẫu mực và ý nghĩa cho Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam hình thành. Cha Thư ký Ủy Ban Văn Hoá cùng với các hội thảo viên hướng tới mô hình gồm 6 điểm chính:

1/ Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam ngỏ lời xin các sao bản điện tử từ phòng lưu trữ và thư viện thuộc các giáo phận tại Việt Nam và các dòng tu trong và ngoài nước.

2/ Ủy Ban Văn Hoá xin thương thảo các điều kiện về lưu trữ và bản quyền của các văn bản, tài liệu khi được trao.

3/ Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam bước đầu hình thành như một thư viện lưu trữ và tiếp tới Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam sẽ triển khai thư viện mạng.

4/ Ủy Ban Văn Hoá kêu gọi tác giả của các đề án tiến sĩ thuộc các đề tài liên hệ tới tín hữu và đạo lý Công giáo góp bản sao kỹ thuật số cho Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam. Các đề án này được xem như phần tinh hoa của văn hóa Công giáo Việt Nam, Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam mong được lưu trữ và luôn bảo đảm bản quyền.

5/ Ủy Ban Văn Hoá mong được thương thảo với chủ nhân hoặc người thừa kế các tủ sách Công giáo tại Việt Nam hay ở nước ngoài để nhận mua hoặc nhận giữ các tài liệu văn bản Công giáo như tài sản chung của Giáo hội Việt Nam.

6/ Ðể tiện đón nhận các tài liệu văn bản điện tử, Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam tạm đặt tại địa chỉ: Nhà thờ Vinh Sơn, số 249-251 Ba Tháng Hai, P.10, Q.10, Sàigòn. email: vinhson249251@gmail.com. ÐT: 0913801255.

Ðúng 16g00, Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, Chủ tịch Ủy Ban Văn Hoá đúc kết cuộc Hội thảo. Sau khi lắng nghe các thuyết trình viên, ghi nhận các ý kiến đóng góp, Ðức cha đã trải lòng ra với tâm sự một khách hành hương, mong càng nhiều bạn đồng hành cùng cộng tác, sẻ chia, càng vững bước, càng hy vọng đón nhận dồi dào ân sủng của Ðấng là Ðường Ði, là Sự Thật và là Sự Sống. Ðức cha đã thiết tha kêu gọi thân hữu khắp các giáo phận, các dòng tu là chuyên viên thư viện, là người đọc, là chủ nhân các gia sản văn hóa, và cả những ai thiện chí góp ý, góp sức cho Thư Viện Văn Hoá Công Giáo Việt Nam hình thành.

Ðúng ra, ai cũng thấy, thư viện và người đọc luôn có với nhau một tương quan hỗ tương: người đọc xây dựng cho thư viện và thư viện hào phóng với người đọc. Tương quan này giống mối tương quan giữa văn hóa và đức tin như Huấn thị 'Ði Tìm Hướng Mục Vụ Cho Văn Hóa' xác định, "Tin Mừng chỉ có thể đến được với con người trong văn hóa của họ, nền văn hóa này thấm vào cách họ sống đức tin, rồi cách họ sống đức tin lại dần dần tạo dáng cho văn hóa".

Cuối cùng bài thánh ca "Xin hiệp nhất chúng con" đã vang lên làm lời kết thúc cuộc Hội thảo Kinh Nghiệm Về Hoạt Ðộng Thư Viện & Góp Ý Xây Dựng Thư Viện Văn Hóa Công Giáo Việt Nam.

 

Uỷ ban Văn hoá / HÐGMVN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page