Cuộc cách mạng kỹ thuật số

 

Cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Italia (ANSA 04-04-2017; Vat. 12-04-2017) - Trong tuần qua, đại học Milano-Bicocca nằm về mạn Bắc Italia, đã tổ chức một hội nghị quốc tế ngoại thường về tương lai nền khoa học, với chủ đề "Cuộc cách mạng kỹ thuật số thay đổi cuộc đời chúng ta".

Tham dự hội nghị đã có rất nhiều chuyên viên ngành vi tính thế giới, trong đó có ông Alessandro Curioni, giám đốc trung tâm nghiên cứu IBM Zurich bên Thụy Sĩ. Ông khẳng định rằng trí thông minh nhân tạo sẽ đẩy mạnh vượt bậc đà phát triển khoa học, cho phép chiến thắng những thách đố mới ngày càng khó khăn hơn trong lãnh vực quản lý những kho tàng dữ kiện mà các kỹ thuật mới thu thập được.

Ông nói: những gì chúng ta đang sống chỉ là bước khởi đầu, chập chững của một đà tăng trưởng mạnh mẽ những dữ kiện mới mẻ. Trong vòng năm 2025 tới đây, số lượng dữ kiện này sẽ đạt tới con số khổng lồ 165 zettabyte, tức là 165 ngàn tỷ gigabyte, đơn vị đo lường kỹ thuật số hiện nay.

Mọi người trong chúng ta đều sản xuất ra những dữ kiện, ngay cả với chiếc điện thoại smarthphone đơn sơ. Số lượng dữ kiện đáng sợ này đề ra vấn đề quản lý vì chúng không được tập trung vào một nơi, nhưng rải rác phân chia làm nhiều loại. 80% những dữ kiện này được xếp vào loại dark data, dữ kiện đen, nghĩa là không có cơ cấu chẳng hạn như những tin nhắn, hình ảnh, đoạn phim viedeo hay thu thanh.

Theo dự liệu thì tỷ lệ những dữ kiện này sẽ tăng lên đến 93% trong vòng 3 năm tới đây. Ðể giải quyết lượng dữ kiện khổng lồ này, các cách thức xếp hạng theo kỹ thuật vi tính như hiện nay không thể hữu hiệu được nữa, và đây là lúc trí thông minh nhân tạo nhập cuộc. Ðây sẽ là khởi đầu của cuộc cách mạng thông minh nhân tạo, sẽ giúp chúng ta đơn giản hóa việc phân loại và xếp đặp những dữ kiện thu thập được, ngay cả những dữ kiện chưa phân loại.

Dưới quan điểm này, trí thông minh nhân tạo là dụng cụ hoàn hảo nhất mà chúng ta đang có trong tay để đẩy mạnh tiến bộ khoa học: tiến trình nghiên cứu và phát triển sẽ không chỉ đi theo đường thẳng mà thôi, nhưng sẽ gộp cả với những dữ kiện khác, được kiện toàn hơn và dễ đưa chúng ta đến một khám phá tri thức (Cognitive Discovery) nghĩa là khả năng thực hiện những khám phá mới dựa trên số lượng dữ kiện đã có sẵn.

Dĩ nhiên là sự kiện này đề ra nhiều vấn đề luân lý đạo đức và IBM cũng như các doanh nghiệp khác đã đặt ra những giới hạn trong lãnh vực này. Ông nói: Chúng tôi muốn tăng trưởng và không thế chỗ trí thông minh của con người, bảo đảm sự minh bạch khi xử dụng các dữ kiện và cộng tác làm sao để sự biến đổi thế giới lao động sẽ xảy ra trong mục tiêu tối hậu là đem lại lợi ích tốt đẹp hơn cho xã hội loài người.

(ANSA 04.04.17)

 

Mai Anh

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page