Ðâu là chỗ đứng của dân chủ

trong Giáo hội

 

Ðâu là chỗ đứng của dân chủ trong Giáo hội?

Roma (WHÐ 15-03-2017) - Ðức Thánh Cha Phanxicô đang tham khảo ý kiến các linh mục và tín hữu Roma để chọn vị Giám quản giáo phận Roma kế nhiệm Ðức hồng y Agostino Vallini, là người sẽ rời chức vụ này vào ngày 17 tháng Tư năm 2017.

Trước đây chưa từng có việc tham khảo ý kiến như thế, vì theo truyền thống quyền lựa chọn Giám quản Roma là của Ðức giáo hoàng, Giám mục Roma.

Ðây là cung cách độc đáo của một giáo hoàng, giám mục giáo phận Roma. Theo trang web Vatican Insider, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tham khảo rộng rãi trong giáo phận của ngài để chọn ra vị Giám quản kế tiếp cho giáo phận Roma, một sự lựa chọn thông thường chỉ thuộc quyền Giáo hoàng.

Ðang khi vị Giám quản hiện nay, Ðức hồng y Agostino Vallini - 77 tuổi, sẽ rời khỏi chức vụ này vào ngày 17 tháng Tư năm 2017, các linh mục và tín hữu được mời gọi gửi thư để "nêu ra tính cách cần có của vị Giám quản kế tiếp, và có thể cả danh tính của vị này", cho đến ngày 12 tháng Tư năm 2017. Ðức Thánh Cha đã đưa ra lời mời gọi trên trong một cuộc gặp gỡ riêng với 36 vị hữu trách trong giáo phận - gồm 334 giáo xứ và 2.8 triệu tín hữu.

Ðức Thánh Cha muốn có dân chủ nhiều hơn trong Giáo hội Công giáo chăng?

Chắc chắn, Ðức Thánh Cha cho thấy ngài rất quan tâm đến ý kiến của các tín hữu, khi tham khảo rộng rãi trước hai Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình vào năm 2014 và 2015. "Nhưng đó không phải là vấn đề quản trị", cha Luc Forestier, giám đốc Viện nghiên cứu tôn giáo thuộc Học viện Công giáo Paris, khẳng định.

Những thực hành dân chủ rất cổ xưa trong các dòng tu

Ðàng khác, "việc tham khảo trước khi bổ nhiệm một giám mục, tự nó, là điều gì đó rất bình thường, cha nhấn mạnh. Nhưng tiến trình này, do các sứ thần thực hiện, là bí mật. Tôi đã được hỏi ý kiến nhiều lần, tôi biết nhiều giáo dân cũng được hỏi ý kiến như thế, trong vòng bí mật".

Ngoài ra, theo cha Forestier, tính mới mẻ của việc tham khảo ý kiến về vị Giám quản Roma sắp tới là nó được thực hiện công khai đối với tất cả các tín hữu, ít nhất là họ được thông báo về việc này.

Như thế, sáng kiến của Ðức Thánh Cha là "rất hay" nhưng "phải cẩn trọng khi so sánh với sự dân chủ", cha Forestier nhấn mạnh. "Phải xác định rõ rằng Giáo hội không thể được so sánh với hoạt động của một hệ thống chính trị hoặc đoàn thể, cha nói. Thực tại Giáo hội là một hình thức độc đáo và không giống như thực tại trần thế. Ngay trong các công nghị giáo phận, khi các giám mục để cho người tín hữu lên tiếng, thì cuối cùng trách nhiệm vẫn là của giám mục".

Dẫu vậy, trong Giáo hội vẫn có các thực hành dân chủ rất cổ xưa, nhưng chủ yếu trong khuôn khổ của một số dòng tu khi thành lập một ban bầu cử - thường gồm các tu sĩ đã khấn trọng - đề bầu chọn vị bề trên.

Nói rộng hơn, sáng kiến của Ðức Thánh Cha về việc lựa chọn vị Giám quản Roma để đại diện cho ngài phải được xem xét theo "chương trình rất rõ ràng của ngài về việc đón nhận Công đồng Vatican II", vẫn theo nhận định của cha Forestier. "Người ta nhận thấy chiều kích của Thượng Hội đồng lại được nhấn mạnh", với mong muốn người tín hữu Công giáo có tiếng nói.

Trên thực tế, dưới con mắt của cha Forestier, những chống đối việc thực thi tính công nghị được Vatican II gợi hứng không nhất thiết là do các giáo sĩ, nhưng đôi khi do chính các giáo dân, và những chống đối ấy sẽ không mất đi nếu không có sự "canh tân con người từ bên trong".

( La Croix)

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page