Người dân Nhật bàn luận về dịch vụ cho thuê

các nhà sư đến tại gia để cầu siêu

 

Người dân Nhật bàn luận về dịch vụ cho thuê các nhà sư đến tại gia để cầu siêu.

Tokyo (AFP 01-01-2017; Vat. 8-02-2017) - Tại Nhật Bản, dư luận dân chúng trong nước đang chú ý đến một hiện tượng mới xảy ra trong thời gian gần đây. Ðó là các nhà sư hay ni cô phật giáo sẵn sàng nhận đến làm lễ cầu siêu hay tụng kinh tại gia, thông qua dịch vụ trên Internet.

Một khách hàng dấu tên cho phái viên hãng thông tấn Pháp AFP biết là nhân lễ giỗ lần đầu cho người mẹ của ông, ông không biết phải làm sao để làm lễ cầu siêu cho mẹ, nên lên mạng Internet tìm tòi. Nhờ thế, ông biết được một trang mạng tên là MINREVI, chuyên cho thuê các sư sãi phật giáo với giá 35 ngàn yen, tức khoảng 286 euro để đảm trách một buổi cầu siêu dài 30 phút. Ông đã gọi điện thoại và chỉ một lúc sau, một nhà sư tên Kaichi Watanabe đến ngay tận nhà ông, mặc áo cà sa, mang chuông mõ đầy đủ. Buổi tụng kinh cầu siêu với đầy đủ nghi thức theo Phật giáo đã diễn ra tại tư gia người khách hàng nói trên, do nhà sư Kaichi Watanabe thực hiện.

Nhà sư năm nay 41 tuổi đã cho phóng viên của AFP biết là "một tu sĩ phật giáo có nhiệm vụ giúp con người ngày nay khám phá ra sứ điệp của Ðức Phật. Nhưng hiện nay, càng ngày càng có ít người đến gõ cửa chùa để học đạo, nên các tu sĩ phật giáo phải tìm cách đi đến với tín hữu.

Mạng MINREVI bắt đầu hoạt động từ tháng 5 năm 2013 theo vết chân của nhóm phân phối AEON, là nhóm đầu tiên phát động dịch vụ này từ năm 2010 và đã gây xì căng đan lớn lúc đó. Càng ngày các dịch vụ cầu nguyện này càng phát triển mạnh, trong khi các liên hệ thăm viếng chùa chiền của cộng đoàn tín hữu càng thưa thớt đi.

Những người dùng đến mạng thuê cầu nguyện này cho rằng sự kiện giá cả rõ ràng như thế, thay vì theo kiểu mẫu cúng dường một khoản tiền trong một thời gian dài, có khi hàng chục năm như trước đây, thật là dễ chịu. Nhờ những khoản tiền cúng dường đó, các chùa chiền có thể tiến hành việc trùng tu nhiều khi rất đắt đỏ, nhưng các phật tử thường than phiền vì nhà chùa đặt ưu tiên cho việc kiếm ngân quỹ hơn là tháp tùng thiêng liêng người quá cố.

Ông Chiko Iwagami, một nhân vật cao cấp trong giới lãnh đạo Liên hiệp phật giáo Nhật Bản, nhìn nhận rằng có vài trường hợp các tu sĩ Phật giáo, nhất là những người thuộc các chùa lớn nổi tiếng, đòi hỏi tiền cúng dường cao, chà đạp tinh thần cúng dường. Nhưng mặt khác, ông cũng mạnh mẽ phê bình việc thuê các nhà sư đến tụng kinh cầu siêu như thế, vì đây là một hành động ngã giá dịch vụ chứ không còn là cúng dường nữa. Và đó là một điều thật đáng tiếc.

Nhưng phó giám đốc mạng MINREVI bác bỏ hoàn toàn lời phê bình này. Ông nói: Tín ngưỡng và kinh doanh không hề trái ngược nhau. Chúng tôi chỉ đáp lại một nhu cầu cấp bách thời nay bằng cách nối mạng các nhà sư và các phật tử. Ông cho biết công ty của ông đang thành công lớn, với 700 nhà sư đáp ứng hơn 12 ngàn cuộc gọi trong năm 2016, gia tăng 20% so với năm trước đó.

Ông cũng nói thêm là dịch vụ này phát xuất từ một lần, ông bị khích động mạnh khi biết có nhiều người không thể tiếp xúc trực tiếp với một nhà sư khi cần. Và ông đã muốn bắc một nhịp cầu liên hệ.

Còn giáo sư Kenji Ishii, thuộc đại học Kokugakuin thì nhận định "giới lãnh đạo Phật giáo Nhật Bản hãy tự hỏi mình phải làm sao để quản lý tốt các cơ sở chùa chiền với ngân khoản thu nhập giảm sút hiện nay, thay vì phê bình chỉ trích.

Cho đến nay, chính quyền Nhật không có những con số thống kê về hiện tượng này theo các tôn giáo khác nhau. Ðối với người Nhật, các tín ngưỡng như thần đạo, Phật giáo chỉ là một hình thức tùy mùa, đưa họ đến chùa chiền hay các nơi thờ phượng trong những thời điểm nhất định trong đời hay là những kỳ lễ hội truyền thống mà thôi.

Thực tế là các chùa chiền hay đền thờ Nhật Bản càng ngày càng vắng khách thập phương đến viếng, vì một phần tín hữu Nhật ngày càng già nua tuổi tác, mặt khác các vùng đồng quê ngày càng thưa thớt dân cư hơn. Giáo sư Ishii nói: Có khoảng 1/3 trên tổng số 75 ngàn đền chùa hiện nay đang đối diện với nguy cơ phải đóng cửa từ nay cho tới năm 2040 vì lý do thiếu tín hữu.

(AFP 01.01.2017)

 

Mai Anh

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page