Ðức Phanxicô xin mọi người cầu nguyện

cho chuyến tông du Lund vào ngày 31 tháng 10

 

Ðức Phanxicô xin mọi người cầu nguyện cho chuyến tông du Lund vào ngày 31 tháng 10.

Vatican (VietCatholic News 30-10-2016) - Theo tin Zenit, nhân khi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 30 tháng Mười năm 2016, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã xin các tín hữu cầu nguyện cho chuyến thăm Lund vào ngày hôm sau của ngài. Ðây sẽ là chuyến tông du ngoại quốc thứ 17 của ngài và Thụy Ðiển sẽ là quốc gia thứ 27 được ngài tới viếng thăm.

Ðức Phanxicô nói rằng "Trong hai ngày tới, tôi sẽ thực hiện chuyến tông du tới Thụy Ðiển, nhân dịp tưởng niệm Phong Trào Cải Cách, một dịp tưởng niệm sẽ chứng kiến người Công Giáo và người Luthêrô họp nhau để tưởng nhớ và cầu nguyện. Tôi xin anh chị em cầu nguyện để chuyến đi này thành một giai đoạn mới trong hành trình huynh đệ tiến tới hiệp thông trọn vẹn".

Nicole Winfield của A.P. thì cho rằng 5 thế kỷ trước đây, sau khi Phong Trào Cải Cách Thệ Phản thắng thế ở đây, Thụy Ðiển trở thành một nơi ảm đạm cho người Công Giáo Rôma: những ai bác bỏ đức tin Luthêrô mới du nhập sẽ bị trừng phạt bằng phát vãng hay tử vong.

Nhưng tình hình nay đã ra khác hẳn khi Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tới đây ngày 31 tháng Mười năm 2016 để tưởng niệm cuộc phân rẽ Kitô Giáo Phương Tây khởi đầu với cuộc nổi loạn của Martin Luther.

Giáo Hội Luthêrô, một thời hiện diện khắp nơi, nay đang mất dần các thành viên ở Thụy Ðiển, và được coi là thành lũy của khoan nhượng, trong khi cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của xứ sở thì đang gia tăng, phần lớn nhờ di dân.

Ðức Ông Furio Cesare, đại diện pháp lý của Giáo Phận Công Giáo Stockkholm, cho biết: "Hiện nay, chúng ta có tình trạng trong đó Giáo Hội Công Giáo cũng là thành phần quan trọng trong đời sống xã hội".

Vào ngàythứ Hai 31 tháng 10 năm 2016, Ðức Phanxicô sẽ cùng các nhà lãnh đạo Giáo Hội Luthêrô tham gia một buổi lễ đại kết tại thành phố Lund ở nam Thụy Ðiển để đánh dấu việc khai mạc năm thánh kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách. Ngài cũng sẽ tham dự một biến cố đại kết khác nữa tại Malmo, nơi, theo yêu cầu của người Công Giáo Thụy Ðiển, ngài cũng sẽ chủ tọa một Thánh Lễ tại một sân túc cầu trước khi trở lại Rôma.

Trong khi giới truyền thông và các viên chức chính phủ ít lưu ý tới chuyến viếng thăm, nhưng người Công Giáo ở đây tỏ ra rất phấn khởi. Vé tham dự biến cố ở Malmo đã bán sạch trong vòng một giờ. Hơn 15,000 người chắc chắn sẽ tham dự Thánh Lễ vào hôm thứ Ba 1 tháng 11 năm 2016.

Chuyến viếng thăm của Ðức Phanxicô đánh dấu lễ khai mạc các buổi tưởng niệm 500 năm kéo dài một năm, trong thế giới Thệ Phản, cuộc phản kháng nổi tiếng của Martin Luther chống các lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo.

Các giới chức Tòa Thánh nhấn mạnh rằng Ðức Phanxicô không cử hành 95 Luận Ðề của Luther nhằm phản đối việc mua bán ân xá, nhưng đúng hơn chỉ long trọng tưởng niệm biến cố này mà thôi. Thêm vào đó, cả người Công Giáo lẫn người Luthêrô đều nói rằng họ muốn xin tha thứ vì 5 thế kỷ chia rẽ và tạ ơn vì cuộc đối thoại Công Giáo - Luthêrô chính thức bắt đầu cách nay 50 năm.

Chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng diễn ra lúc Cộng Ðồng Công Giáo Thụy Ðiển gia tăng tới khoảng 113,000 thành viên, một thiểu số nhỏ so với khối dân 10 triệu người, tuy nhiên là cộng đồng lớn nhất kể từ ngày có Phong Trào Cải Cách.

Hồi Giáo và các tôn giáo khác cũng đang lớn mạnh ở đây nhờ các di dân, phát xuất từ Phi Châu và Trung Ðông, đã biến đổi cấu trúc sắc tộc và tôn giáo của xã hội Thụy Ðiển.

Trong khi đó, Giáo Hội Luthêrô của Thụy Ðiển đang chật vật duy trì tính liên hệ của mình giữa khối đa số thuộc sắc tộc Thụy Ðiển đang bị thế tục hóa một cách mạnh mẽ.

Tư cách thành viên trong Giáo Hội, một Giáo Hội vốn tách rời khỏi nhà nước từ năm 2000, trước đây quen là việc tự động đối với mọi người Thụy Ðiển, nay chỉ dành cho những người chịu phép rửa trong Giáo Hội. Hàng loạt người Thụy Ðiển từ bỏ tư cách thành viên để khỏi phả trả lệ phí Giáo Hội, trung bình khoảng 1 phần trăm tổng số thu nhập hàng năm.

Giáo Hội Luthêrô đã mất 740,000 hoặc 11 phần trăm số thành viên giữa các năm 2005 và 2015. Việc suy giảm này vẫn đang tiếp diễn bất chấp các cố gắng của Giáo Hội nhằm thích ứng các quan điểm cấp tiến của người Thụy Ðiển về phá thai, bình đẳng giới tính và quyền đồng tính. Các Giáo Hội chị em tại các lân bang Na Uy và Ðan Mạch cũng đang mất dần các thành viên, nhưng không nhanh chóng bằng.

Giám Mục Stockholm là Eva Brunne nói rằng "Chúng tôi vẫn còn 6.1 triệu thành viên. Ðây là một trong ba Giáo Hội Luthêrô lớn nhất thế giới".

Là một giám mục đầu tiên công khai đồng tính của Thụy Ðiển, Brunne, 62 tuổi, đại biểu cho khuôn mặt một Giáo Hội hiện đại chuyên thích ứng với thời thế. Nhưng thiểu số Kitô hữu bảo thủ của Thụy Ðiển nhận định rằng Giáo Hội đã đi quá trớn trong việc thích ứng này.

Sara Skyttedal, chủ tịch giới trẻ của Ðảng Dân Chủ Kitô Giáo, một đảng nhỏ và bảo thủ ở quốc hội, nói rằng "Về căn bản, nó đã đánh mất nội dung cốt lõi của nó".

Skyttedal, người đã làm chuyện họa hiếm ở Thụy Ðiển là trở lại Ðạo Công Giáo, nói rằng người Luthêrô Thụy Ðiển tha thiết muốn thích ứng với "zeitgeist" (hệ thống lý tưởng và niềm tin làm động lực cho các hành động xã hội của một thời kỳ) đến nỗi đã gây nguy hại cho các tín điều căn bản của Kitô Giáo. Bà cho rằng mấy năm trước đây, một giám mục Luthêrô, còn dám tuyên bố rằng tin vào vị Thiên Chúa toàn năng là điều "quá khích".

Skyttedal nói rằng "Dù chúng ta cần sự tiến bộ trong xã hội về nhiều phương diện, nhưng ta cũng cần có điều gì đó bất biến chứ. Ðó là điều làm tôi bị lôi cuốn về phía Giáo Hội Công Giáo".

Ðức Ông Cesare thì cho rằng các liên hệ của Giáo Hội Công Giáo với Giáo Hội Luthêrô khá phức tạp bởi các quan điểm về những vấn đề như phá thai và hôn nhân đồng tính. Ngài cho biết: "Giáo Hội Luthêrô Thụy Ðiển đang ở trong diễn trình đổi mới. Và bản thân tôi, tôi nghĩ họ thực sự cần phải tìm ra cách làm thế nào đổi mới căn tính của họ".

Giám mục Brunne bác bỏ ý niệm cho rằng Giáo Hội Luthêrô của Thụy Ðiển đã từ bỏ căn tính cốt lõi của mình; bà nói rằng Giáo Hội này vẫn bén rễ trong Thánh Kinh và "chúng tôi nói về Chúa Giêsu như chúng tôi vẫn nói xưa nay".

Tuy nhiên, Ðức Phanxicô đến Lund không hẳn theo lời mời của Giáo Hội Luthêrô Thụy Ðiển, mà là do kết quả các cuộc đối thoại lâu dài giữa Liên Minh Luthêrô Thế Giới và Hội Ðồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo. Liên Minh này đại diện cho khoảng 70 triệu người Luthêrô khắp thế giới và không phải những điều người Luthêrô Thụy Ðiển nghĩ đều được mọi người trong Liên Minh Luthêrô Thế Giới nhất trí. Ðúng như lời Ðức Cha William Kenney giám mục phụ tá của giáo phận Birmingham (Anh), người sẽ tham gia phái đoàn của Ðức Phanxicô tại Lund. Năm 2013, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm đồng chủ tọa cuộc đối thoại quốc tế giữa Liên Minh Luthêrô Thế Giới và Hội Ðồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo. Ðức Cha nói rằng "Ðiều quan trọng cần ghi nhớ là các giấy mời không phải là của Giáo Hội Thụy Ðiển, mà là của Liên Minh Luthêrô Thế Giới và của Tòa Thánh. Thư mời tôi được ký bởi Ðức Hồng Y Kurt Koch của Hội Ðồng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo và của Chủ Tịch Liên Minh Luthêrô Thế Giới, Giám Mục Munib Younan".

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page