Nạn nghiện ngập ma túy một thách đố

đối với gia đình, xã hội và Giáo Hội

 

Nạn nghiện ngập ma túy một thách đố đối với gia đình, xã hội và Giáo Hội.

Argentina (Vat. 6-08-2016) - Ngày 26 tháng 6 hằng năm là "Ngày quốc tế chống nạn nghiện ngập ma túy". Ngày này đã do Liên Hiệp Quốc Thành lập hồi năm 1987 nhằm gây ý thức cho mọi thành phần xã hội đối với hiện tượng nghiện ngập ma tuý ngày càng trầm trọng trên thế giới hiện nay. Nhân dịp này Ðức Cha Vicente Bokalic, Giám Mục Santiago del Estero, và Ðức Cha Melitón Chavez, Giám Mục Anhatuya, bên Argentina, đã công bố thư mục vụ chung báo động hiện tượng trầm trọng này. Các Giám Mục viết trong thư: "Hiện tượng nghiện ngập ma tuý là một cấp bách mục vụ, bởi vì nó đả thương tất cả mọi thành phần của gia đình nhân loại: người giầu và người nghèo, người trẻ, người lớn và người già, nam giới và nữ giới. Ma tuý là hậu quả và đồng thời là lý do của một sự suy đồi luân lý đạo đức lớn và của tình trạng thối nát gia tăng trong cuộc sống xã hội. Nó soi mòn chính tế bào của cuộc sống luân lý, của các tương quan liên bản vị và của sự chung sống dân sự. Hiện tượng này có thể gõ cửa nhà của chúng ta bất cứ lúc nào, và đả thương bất cứ thành phần nào trong gia đình của chúng ta. Việc dùng ma tuý không chỉ giản lược vào một cung cách hành xử cá nhân, mà còn phát triển trong tình trạng không bị trừng phạt hoàn toàn, một nền kinh tế lén lút, và một tội phạm có mục đích sản xuất, buôn bán ma tuý trên bình diện rộng rãi. Nạn nhân tiềm năng là giới trẻ, mà xã hội chúng ta thường tôn làm thần tượng, nhưng cũng khinh rẻ họ, vì không giúp họ trưởng thành, tìm ra chỗ đứng của họ trong xã hội, và khám phá ra ý nghĩa cuộc sống và hy vọng nơi tương lai."

Các Giám Mục viết tiếp trong thư mục vụ: "Con cái chúng ta, anh em và ban bè của chúng ta kêu xin chúng ta hãy làm một cái gì đó. Rất thường khi đó là tiếng thét thầm lặng... Vấn đề ma tuý là một trong các vấn đề trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Giới phụ huynh, các linh mục, tu sĩ, giáo dân là các chứng nhân và các tác nhân tìm hiểu, can thiệp và cống hiến các cơ cấu tập thể giúp cai nghiện và thăng tiến phẩm giá con người. Như bà mẹ hiền tràn đầy yêu thương Giáo Hội lo lắng cho cuộc sống của con cái mình. Các anh chị em bị tàn phá này phải được coi là các bản vị con người, chứ không phải là một vấn đề, không phải là một trường hợp cần phân tích, nhưng như là một người cần yêu thương; không phải là một cá nhân cần nhồi sọ và điều kiện hóa, nhưng cần được giúp đỡ để khám phá ra các phong phú riêng của họ. Vì thế chúng ta cần gặp gỡ nhau để thực hiện dấn thân này. Chúng ta tất cả hãy cùng nhau làm việc: Giáo Hội, Nhà Nước, các tổ chức xã hội, người lớn và giới trẻ, học đường và gia đình. Chúng ta hãy tái chiếm lại ý nghĩa đích thật của cuộc sống".

Thật thế, hiện tượng nghiện ngập ma tuý trên thế giới ngày nay là một thách đố rất lớn đối với gia đình, xã hội và Giáo Hội. Thống kê cho biết có khoảng 200 triệu người dùng ma tuý ít nhất một lần trong năm, và có 25 triệu người nghiện ngập ma tuý. Mỗi năm có 200,000 người chết vì các bệnh tật liên quan tới việc dùng ma tuý. Ða số các nạn nhân là giới trẻ, nhưng số người trưởng thành cũng không phải là ít. Số người trẻ nghiện ma tuý đã gia tăng gấp đôi trong các năm qua. Và số người trẻ dùng cây cannabis đã gia tăng gấp ba. Ma tuý có hại cho sức khỏe, vì nó tạo ra các phản ứng tiêu cực tuỳ theo loại, liều lượng và số lần sử dụng. Nhưng tất cả mọi loại ma tuý đều có các hậu quả tức khắc trên cơ thể con người, và chúng cũng thường có hậu quả tiêu cực trên sự phát triển tâm lý và cảm xúc của con người, vì chúng tác động mạnh trên não bộ và khiến cho con nguời không tự chủ được nữa. Trong số các chất ma tuý thông dụng nhất có: thuốc phiện, heroine, cocaine, anfetamine, cannabis và các loại ma túy hoá học đủ loại gây ảo tưởng, thôi miên và giảm đau.

Thật ra, người ta không có con số chính xác liên quan tới những người dùng ma tuý hay nghiện ma tuý, nhất là tại các nước nghèo Á châu, Phi châu và châu Mỹ La tinh, nơi các chính quyền thường không kiểm soát được nhiều tỉnh trạng xã hội trong nước. Pakistan là nước có nhiều người dùng heroine nhất, trong khi Hoa Kỳ chiếm kỷ lục trong việc sử dụng cocaine, và loại ma tuý này đang hướng tới chỗ chinh phục thị trường Âu châu và các vùng còn lại trên thế giới.

Có 5 vùng địa lý sản xuất nhiều ma tuý nhất thế giới. Bên Trung Ðông "vùng nửa vành trăng vàng" gồm Iran, Afghanistan, Pakistan Ấn Ðộ và Nepal hằng năm sản xuất 1,500 tấn thuốc phiện, trong đó một phần ba được biến chế thành heroine. Afghanistan là nước sản xuất thuốc phiện đứng hàng thứ hai sau Myanmar. Thứ hai là vùng Ðông Nam Á có "Tam giác vàng" bao gồm Myanmar, Lào và Thái Lan sản xuất mỗi năm từ 3,000 tới 3,500 tấn thuốc phiện. Từ vài năm nay vùng Vân Nam bên Trung Quốc giáp giới với Myanmar và Lào, cũng gia tăng sản xuất thuốc phiện. Vùng thứ ba là Châu Mỹ Latinh hầu như độc quyền trong việc sản xuất cây Coca được trồng tại Perù, Bolivia, Colombia, Ecuador và Guatemala. Perù đứng đầu thế giới trong việc sản xuất Cocaine, nhưng Colombia mới là nước độc quyền biến chế và buôn bán Cocaine. Vùng thứ bốn là các cựu cộng hoà Liên Xô thuộc Trung Á như Uzbekistan và Azerbaijan. Vùng thứ năm là Phi châu nam sa mạc Sahara đặc biệt là vùng tây như Nigeria và Kenya.

Nói chung, việc trồng cây ma tuý là con đẻ của nạn nghèo túng và kém phát triển. Việc trồng cây ma tuý khiến cho đất đai bị soi mòn. Sinh hoạt sản xuất và buôn bán ma tuý góp phần vào việc tạo ra tình trạng gian tham hối hộ của các giới chức chính trị. Tại nhiều nơi nếu không phải là chính quyền trực tiếp điều hành, thì có các nhóm và các tổ chức việc trồng, chế biến và buôn bán ma tuý, với các lực lượng vũ trang riêng, tạo thành tình trạng một nước trong một nước. Trong nhiều trường hợp khác ma tuý được dùng để vũ trang các nhóm khác nhau như các phong trào đòi độc lập, hay các phiến quân, các nhóm hồi giáo Afghan, các nhóm Kashmiri và Sikh bên Ấn Ðộ, các nhóm phiến quân tại Mindanao bên Philippines, các nhóm Somali và Kurdes.

Rất thường khi việc buôn bán ma tuý đi đôi với việc buôn bán khí giới, như trường hợp các nước vùng Balcan. Ðôi khi và đây là trường hơp của Mayanmar, Afghanistan, Colombia và Sicilia, việc buôn bán ma tuý làm nảy sinh ra nạn khủng bố, tàn sát và chiến tranh giữa các nhóm buôn bán ma tuý khác nhau, khiến cho hàng ngàn người thiệt mạng. Các tổ chức bất hợp pháp khổng lồ này cần có các căn cứ được che chở và có sự đồng loã của các giới chức chính quyền, các nhà băng và các cơ cấu tài chánh sẵn sàng giúp rửa tiền bẩn thỉu và đầu tư vào các bất động sản, hay trương mục ngân hàng và các cổ phần, các sinh hoạt kỹ nghệ, thương mại hay mua vũ khí tối tân gieo kinh hoàng cho xã hội. Chuyện những người nghiện ma tuý cuớp của giết người, đôi khi giết chính cha mẹ bạn bè, người thân của mình, khi họ lên cơn muốn có tiền mua ma túy mà xin không đuợc, là những thảm cảnh xảy ra đó đây hằng ngày trên thế giới.

Quả thật, ma tuý đã trở thành một thách đố lớn mà gia đình, toàn xã hội và Giáo Hội phải đương đầu. Cần phải có sự cộng tác quốc tế sâu rộng bao gồm mọi cơ cấu và lực lượng xã hội mới mong chiến thắng được tệ nạn trầm trọng này.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page