Chứng từ của người sống sót

từ cuộc diệt chủng

 

Chứng từ của người sống sót từ cuộc diệt chủng.

Montreal (CNS 10-06-2016) - Leon Celemencki, một người sống sót từ cuộc diệt chủng của Ðức quốc xã đã chia sẻ với các bạn trẻ Canada ở Montreal, đang chuẩn bị đến Balan tham dự đại hội giới trẻ quốc tế vào cuối tháng 7 năm 2016.

Trong chương trình của ngày giới trẻ, các bạn trẻ cũng sẽ đến thăm trại tập trung Auschwitz ở Balan, nơi nhiều người Do thái đã bị giết. Nổi bật trong các người bị giam ở đây có thánh Maximilian Kolbe, vị thánh đã tình nguyện chết thay cho một người cha có gia đình và con cái.

Ông Celemencki năm nay 76 tuổi, là một người gốc Do thái. Vào năm 1942, khi ông mới chỉ được 2 tuổi, bà Faiga Tabacznick, mẹ của ông đã bị quân đội Pháp bắt và đưa đến Balan. Vào lúc đó các trẻ em chưa bị bắt và trục xuất. Do đó cha ông đã gửi ông và 2 người chị gái đến trại mồ côi, một nơi an toàn hơn. Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1945, một đôi vợ chồng Công giáo đã nuôi 3 chị em ông. Ông bà thương yêu 3 đứa trẻ này và các em gọi họ là "ông", "bà". Các người thân yêu của ông Celemenck: ông bà, 3 người chú bác, 7 cô dì, và nhiều anh em họ đã bị giết tại trại tập trung Auschwitz và Treblinka. Ông thường phối hợp với trung tâm tưởng niệm diệt chủng ở Montreal kể lại chuyện đời của mình cho cử tọa giới trẻ.

Ông Celemencki nói ông không bao giờ đến trại tập trung Auschwitz, vì đó là một nơi khủng khiếp. Ông cảnh cáo các bạn trẻ sẽ đến đó: "Ở đó có 1 phòng chứa đầy gò tóc, rồi 1 phòng khác đầy giày dép đàn ông, đàn bà và trẻ em. Các bạn sẽ thấy những điều kinh khiếp... Tại sao người ta có thể thực hiện những hành động khủng khiếp như vậy? Nó đã xảy ra và nó không bao giờ nên tái diễn".

Norman Levesque, người sẽ đồng hành với các bạn trẻ của phái đoàn giáo phận đi Balan nhận xét rằng cuộc gặp gỡ với các nhân chứng của nạn diệt chủng rất quan trọng cho việc chuẩn bị các thanh thiếu niên tham dự ngày giới trẻ quốc tế. Levesque đã hỏi ông Celemencki nếu ông muốn họ làm một cử chỉ đặc biệt gì ở Auschwitz, ông Celemencki trả lời là ông muốn là khi các người trẻ trở về họ sẽ nói cho mọi người những gì họ thấy ở đó và cam kết không bao giờ chấp nhận bất kỳ loại phân biệt chủng tộc hoặc chống Do Thái nào. Tất cả chúng ta đều bình đẳng, không kể tôn giáo, màu da và tất cả chúng ta mong chờ hạnh phúc. Mặt trời chiếu sáng cho tất cả. (CNS 10/6/2016)

 

Hồng Thủy, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page