Cuộc phỏng vấn trên không

đang tạo ra tranh luận sôi nổi

 

Cuộc phỏng vấn trên không đang tạo ra tranh luận sôi nổi.

Roma (VietCatholic News 23-02-2016) - Cuộc tranh luận về di dân tưởng là sôi nổi, mà thực ra không sôi nổi bằng cuộc tranh luận về ngừa thai khởi đi từ câu trả lời của Ðức Phanxicô cho câu hỏi của Nhà Báo Paloma García Ovejero, Cadena COPE (Tây Ban Nha).

Nhà báo trên hỏi Ðức Giáo Hoàng: "Thưa Ðức Thánh Cha... liên quan tới việc tránh có thai, liệu Giáo Hội có thể xem xét ý niệm chọn 'sự ác kém hơn' hay không?"

Ðức Phanxicô trả lời: "... Về 'sự ác kém hơn', tức tránh có thai, Ðức Phaolô VI, một người vĩ đại, trong một tình huống khó khăn ở Phi Châu, đã cho phép các nữ tu sử dụng thuốc ngừa thai trong trường hợp bị hiếp dâm... tránh có thai không phải là một sự ác tuyệt đối. Trong một số trường hợp, như trong trường hợp này (nhiễm vi khuẩn Zika) chẳng hạn, hay trong trường hợp của Chân Phúc Phaolô VI, vấn đề đã rõ".

Trước phát biểu trên, người Công Giáo đã có nhiều nhận định khác nhau đi từ giải thích, bênh vực, thông cảm, dè dặt tới phản đối thẳng thừng. Phần lớn những người cố gắng giải thích, bênh vực, thông cảm đều cho là Ðức Phaolô VI quả có cho phép, một cách mặc nhiên, các nữ tu Phi Châu được dùng thuốc ngừa thai trong trường hợp bị hiếp dâm. Người dè dặt và thẳng thừng phản đối thì cho rằng Ðức Phaolô VI đã bị trích dẫn sai, ngài không hề cho phép như thế.

Phe giải thích, bênh vực, thông cảm

Inés San Martín của Crux chẳng hạn, chỉ trình bầy nhận định của Ðức Phanxicô như một mẩu tin bình thường: "Ðức Giáo Hoàng trích dẫn quyết định của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI ở đầu thập niên 1960, cho phép các nữ tu Công Giáo ở Congo dùng thuốc ngừa thai để tránh thai vì bị hiếp dâm. Tránh thai trong các trường hợp như thế, Ðức Phanxicô cho hay 'không phải là sự xấu tuyệt đối". Nữ ký giả này cho rằng: "Ðức Giáo Hoàng Phanxicô dường như tỏ dấu hiệu cởi mở đối với việc kiểm soát sinh đẻ để tránh lây bệnh... Tuy nhiên, ngài không chuyên biệt nói rằng ngài chấp thuận ngừa thai để chống vi khuẩn Zika".

Edward N. Peters, một tiến sĩ giáo luật và thường luật, giáo sư luật tại Ðại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit, thì minh nhiên thừa nhận Ðức Phaolô VI có cho phép như trên. Ông viết "theo hiểu biết của tôi, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI quả có chấp thuận việc các nữ tu, bị đe doạ hiếp dâm, được dùng thuốc ngừa thai". Ông bào chữa việc chấp thuận này như sau: "Ðiều hiển nhiên là các biện pháp này được sử dụng trong trường hợp tự vệ chống lại các hành vi tội ác và, điều quan trọng hơn nữa là, chúng xẩy ra bên ngoài bối cảnh liên hệ vợ chồng. Tránh thai trong các hoàn cảnh ngoại luật không những "không phải là một sự xấu tuyệt đối" mà còn không hề là một hành vi xấu chút nào. Tôi hy vọng rằng nhắc đến giai đoạn bất thường này trong một cuộc chuyện trò với báo chí sẽ không góp phần một cách không thích đáng vào việc thế giới hiểu lầm các giới hạn trong lập trường của Ðức Phaolô VI trong trường hợp này và của việc giai đoạn ấy không thể áp dụng giáo huấn vững chắc của Giáo Hội về việc ngừa thai trong hôn nhân".

Ông Edwards còn nhấn mạnh thêm rằng "không hề có 'nguyên tắc' hợp pháp nào theo đó một 'sự kém xấu hơn trong hai sự xấu' có thể được phép can dự vào một cách hợp thức. Nền thần học luân lý căn bản dạy rằng ngay một hành động xấu nhỏ cũng không bao giờ được can dự vào một cách hợp thức, bất kể có chút gì tốt xem ra có thể phát xuất từ đó và bất kể có chút gì xấu xem ra nhờ đó mà tránh được. Chắc chắn có nguyên tắc theo đó hành động tốt hay trung lập nào có hai hậu quả, một tốt một xấu, thì có thể được can dự vào trong một vài hoàn cảnh nào đó bất chấp các hậu quả xấu; và có nguyên tắc theo đó, 'sự kém xấu hơn' có thể được khoan dung (không được chọn). Nhưng việc phân tích chính xác và có trách nhiệm các vấn đề này đòi nhiều thì giờ hơn là thì giờ dành cho chúng trong một cuộc họp báo".

Tiến sĩ Christopher Kaczor, Giáo Sư triết tại Loyola Marymout University, cũng mặc nhiên nhìn nhận việc Ðức Phaolô VI cho phép như trên. Ông viết: "Khi được hỏi về việc tránh có thai vì vi khuẩn Zika, Ðức Thánh Cha đã trích dẫn một luật trừ của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI".

Kaczor giải thích như sau: theo số 14 trong Thông điệp Humanae Vitae của Ðức Phaolô VI, ngừa thai không có nghĩa chỉ đơn giản làm một điều gì đó để ngăn ngừa việc sinh đẻ. Người chọn không bao giờ làm tình để tránh sinh đẻ không hề ngừa thai. Ngừa thai là bất cứ hành động nào chuyên nhằm tránh việc sinh đẻ từ việc giao hợp tính dục.

Do đó, có thể sử dụng một dụng cụ ngừa thai một cách không ngừa thai. Nếu tôi dùng bao cao xu làm một trái banh nước và ném vào bạn, tôi đâu có sử dụng ngừa thai với bạn, cho dù tôi đã sử dụng một dụng cụ ngừa thai. Ngừa thai liên hệ tới việc có ý định làm cho các hành vi giao hợp tính dục thành không sinh đẻ, bởi thế, nếu không có giao hợp tính dục, sẽ không có sử dụng ngừa thai.

Khi một người đàn bà bị hiếp dâm, nàng không chọn được giao hợp tính dục. Vì ngừa thai bao hàm việc chọn biến hành vi tính dục thành không sinh đẻ, và vì người bị hiếp dâm không chọn được giao hợp tính dục, nên người bị hiếp dâm này không vi phạm nguyên tắc Ðức Phaolô VI đã đưa ra trên đây cho dù dụng cụ ngừa thai đã được sử dụng. Thành thử, việc sử dụng dụng cụ ngừa thai trong trường hợp bị hiếp dâm không phài là một hành động ngược với Humanae vitae.

Nữ Tiến Sĩ Janet E. Smith, Giáo Sư môn Ðạo Ðức Học Sự Sống tại Ðại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit cũng có những nhận định tương tự như Tiến Sĩ Chris Kaczor. Nhưng khác với Ðức Phanxicô, bà coi "cả ngừa thai lẫn phá thai đều là những sự xấu tuyệt đối".

Nhưng vị nữ Tiến Sĩ này cho rằng câu nói của Ðức Phanxicô khiến nhiều người bối rối là vì Giáo Hội vốn cho phép sử dụng các "hormones" có trong thuốc viên ngừa thai để chữa một số điều kiện thể lý. Như một phụ nữ bị chứng nang buồng trứng (ovarian cyst) hay chứng lạc nội mạc tử cung (endometriosis) có thể dùng các "hormones" có trong thuốc viên ngừa thai để đỡ đau đớn do các bệnh này gây ra, chứ không nhằm tránh việc sinh đẻ, cho dù vì thế mà khả năng sinh đẻ bị ảnh hưởng.

Việc Giáo Hội cho phép các nữ tu ở Congo có nguy cơ bị hiếp dâm được dùng "hormones" để ngăn ngừa việc trứng rụng (là công dụng của thuốc viên ngừa thai) cũng giống như thế. Trong trường hợp này, "hormones" được dùng với ý định tránh có thai, nhưng không phải là cái thai do kết quả giao hợp tính dục giữa vợ chồng. Ðúng hơn, các nữ tu tự vệ chống lại các hậu quả có thể có của một hành vi hiếp dâm. Cũng nên nhớ rằng: người đàn bà được phép gây hại thể lý nặng, ngay cả cái chết, cho người đe dọa hiếp dâm mình. Hành động giết kẻ hiếp mình không được biện minh như là "sự kém xấu hơn" vì giết người không hề kém xấu hơn việc chịu hiếp dâm. Ðúng hơn, hành vi của nàng là một hành vi tự vệ chính đáng và hợp luân.

Thành thử, việc người đàn bà làm một điều gì đó để ngăn ngừa tinh trùng của kẻ hiếp dâm không kết hợp với trứng của mình là một hành vi tự vệ chính đáng. Hành vi của nàng không liên hệ gì tới việc vi phạm kế hoạch của Thiên Chúa đối với tính dục.

Phe dè dặt và phản đối thẳng thừng

Tim Townsend, chủ biên tin tức của timeline.com, thuộc phe dè dặt: tuy cho rằng "có lẽ Ðức Giáo Hoàng Phanxicô trích sai lịch sử khi nói tới ngừa thai và Zika" vì "Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI chưa bao giờ nhắc tới Congo thuộc Bỉ và việc bề hội đồng các nữ tu", nhưng dựa vào một phúc trình sau này, ông cho rằng rất có thể Ðức Phanxicô dựa vào một hồ sơ mật nào đó để quả quyết như thế.

Townsend cho rằng đầu thập niên 1960, ở Congo thuộc Bỉ, quả có chuyện hiếp dâm bừa bãi nhưng liệu Vatican có thực sự "miễn chuẩn" cho các nữ tu gặp nguy cơ bị hiếp dâm hay không?

Ông trích dẫn bài viết năm 1975, tựa là Against Our Will: Men, Women and Rape (Ngược Với Ý Chí Ta: Ðàn Ông, Ðàn Bà và Hiếp Dâm) của Susan Brownmiller. Tác giả này viết rằng những câu truyện bề hội đồng các nữ tu ở Congo thuộc Bỉ là do lãnh tụ giành độc lập cho Congo là Patrice Lumumba nêu lên. Trước các câu truyện này, Vua Bỉ là Baudouin đã ủy nhiệm soạn một bạch thư tựa là "Congo Tháng Bẩy 1960: Bằng Chứng". Kết quả: 794 vụ hiếp dâm của người Âu Châu trong 10 ngày Tháng Bẩy đã được lên tài liệu, trong đó, có vụ bề hội đồng 2 nữ tu ngay trong phòng nhà tù. Một phúc trình viên của các Ðại Học Mỹ sau đó còn nói tới những vị linh mục bị sốc đến độ nói với anh rằng "phải phá thai thôi" cho bốn nữ tu bị đánh đập và bị hiếp dâm.

Linh mục James Keenan, một giáo sư thần học tại Boston College, đã nghiên cứu các cuộc tranh luận về các nữ tu Congo trong các giới thần học thời ấy, phần lớn diễn ra dưới triều giáo hoàng của Ðức Gioan XXIII (Ðức Phaolô VI chỉ được bầu vào tháng Sáu năm 1963).

Cha cho hay: "nhiều thần học gia chính ủng hộ việc các nữ tu có quyền ngăn ngừa việc thụ thai khi có nguy cơ bị hiếp dâm".

Thực ra, có sự thiếu truyền thông rất rõ ràng ngay từ Ðức Giáo Hoàng về các nữ tu Congo. Sự im lặng của Ðức Gioan XXIII chắc chắn phải có ý nghĩa nào đó. Ngài không hề chế tài bất cứ thần học gia Công Giáo nào ủng hộ ý kiến trên, nên ta có thể coi như ngài mặc nhiên chấp nhận nó.

Cha Keenan cũng cho rằng: Ðức Hồng Y Giovanni Montini, tức Ðức Phaolô VI trong tương lai, năm 1962, có qua thăm Congo thuộc Bỉ. Ngài cũng không viết hay nói bất cứ điều gì lúc ấy và cả sau khi đã lên ngôi giáo hoàng về các nữ tu và việc ngừa thai cả.

Aline Kalbian, Giáo Sư môn tôn giáo tại Ðại Học Tiểu Bang Florida và là tác giả cuốn Sex, Violence & Justice: Contraception and the Catholic Church cũng xem xét câu truyện các nữ tu Congo và cũng không tìm ra manh mối nào: "Tôi không tìm được bằng chứng nào cho thấy Ðức Phaolô VI nói bất cứ điều gì về Congo và các nữ tu. Cả Ðức Gioan XXIII cũng không nói gì hết".

Kalbian cũng nhấn mạnh rằng thuốc viên ngừa thai mới được chấp thuận cho công chúng sử dụng vào năm 1960 nên chưa phổ biến lắm lúc xẩy ra cuộc khủng hoảng Congo. Thành thử cô nghĩ rằng cuộc tranh luận chỉ có tính giả thiết (hypothetical) mà thôi.

Cô nhận định: "đây là một nhóm các thần học gia tranh luận với nhau về khả năng [cung cấp thuốc ngừa thai cho các nữ tu]. Và tất cả những cuộc tranh luận này diễn ra thời Ðức Gioan XXIII, nên lạ một điều là Ðức Phanxicô trích dẫn Ðức Phaolô VI".

Kalbian, vì thế, dè dặt: "như thế, liệu Ðức Phaolô VI có điều gì liên quan tới việc cho phép các nữ tu ở Congo sử dụng thuốc ngừa thai, như Ðức Phanxicô gợi ý không? Không phải điều gì Vatican biết đều được nói ra công khai. Hồ sơ mật của nó hết sức dầy. Rất có thể Ðức Giáo Hoàng sử dụng được văn khố của Vatican và biết được một điều gì đó về Ðức Phaolô VI và Congo thuộc Bỉ mà ta không biết".

Cha John Zuhlsdorf, trái lại, cho rằng "đây không hẳn là một dã sử ở tỉnh lẻ mà đây là một dối trá: Ðức Phaolô VI không hề cho phép các nữ tu dùng thuốc ngừa thai# một chiến dịch dối trá đưa tin sai độc nhằm gây hoang mang tín hữu và phá hoại Giáo Hội".

Cha cho rằng chiến dịch dối trá ấy đã được phát động từ lâu bởi các tác giả phò phá thai và sau đó, được nhiều người nhắc lại không cần chứng cớ...

Ðối với người Công Giáo, Cha cho rằng chỉ có một bài báo đăng trên tờ Studi Cattolici ở Rôma năm 1961, số 27 là nói đến khả thể này. Tựa của bài báo "Una donna domanda: come negarsi alla violenza? Morale esemplificata. Un dibattito" (một phụ nữ hỏi, làm thế nào để thoát khỏi bạo lực? Ðiển hình luân lý. Một cuộc tranh luận).

Các tác giả là Ðức Ông Pietro Palazzini, sau này được tấn phong giám mục và Hồng Y, nhưng lúc ấy là một thần học gia luân lý được kính trọng và là thư ký Bộ Công Ðồng, Giáo Sư Francis Xavier Hurth, S.J., của Ðại Học Gregorian và Ðức Ông Ferdinando Lambruschini của Giáo Hoàng Ðại Học Lateran, sau làm Tổng Giám Mục Perugia.

Trong bài báo trên, các tác giả thăm dò việc có thể áp dụng "nguyên tắc hiệu quả kép" vào trường hợp bị hiếp dâm, trong đó, mục đích hợp pháp được theo đuổi và không nhằm hậu quả có lẽ xấu. Chỉ có thế. Các vị cố gắng đưa ra ý kiến về một vấn đề phức tạp. Sau đó, bài báo được trích dẫn thả dàn bởi các nhà luân lý học và các nhà báo rồi trở thành "Rome" và sau đó trở thành "Ðức Phaolô VI".

Ðiều ít người bên ngoài Ý biết là: theo tờ La Repubblica, khi xẩy ra các vụ hãm hiếp các nữ tu ở Bosnia trong thập niên 1990, được hỏi về vấn đề trên, Ðức Hồng Y Palazzini cho hay: các ngài chỉ muốn thăm dò khả thể tránh thai sau một cuộc hiếp dâm và trước lúc thụ thai, với giả thiết rằng khả thể này hiện có, theo cách không liên hệ gì tới việc sử dụng thuốc viên cả hàng tuần lễ vì sợ có thể bị hãm hiếp.

Cũng theo tờ báo trên, vào dịp này, vì có tin Ðức Gioan Phaolô II cho phép các nữ tu Bosnia sử dụng thuốc ngừa thai để tránh thai, nên vị phó giám đốc Phòng Báo Chí của Tòa Thánh là Cha Piero Pennacchini đã tuyên bố:

"Tòa Thánh không bao giờ công bố bản văn nào cho phép các nữ tu sử dụng thuốc ngừa thai, cho dù các chị có nguy cơ bị hãm hiếp". "Tôi không biết một văn kiện chính thức nào của Tòa Thánh về việc này".

Một tác giả ký tên Marcel trên www.aggiecatholicblog.org, thì cho rằng câu trả lời của Ðức Phanxicô về tránh có thai đã "gây lẫn lộn" và cả "thiệt hại" nữa.

Lẫn lộn vì thực ra việc Ðức Phaolô VI cho phép các nữ tu sử dụng thuốc ngừa thai để tránh thai không phải là một luật trừ. Tại sao? Vì hiếp dâm không phải là một hành vi tính dục mà là một hành vi bạo lực. Tính dục được tạo ra với hai mục đích: gắn bó vợ chồng với nhau trong tình yêu và mở cửa đón nhận sự sống. Cả hai mục đích này đều không phải là của hiếp dâm và do đó, hiếp dâm không phải là hành vi tính dục. Bởi thế, cho phép các nữ tu ngừa thai trong trường hợp nói trên là một hành vi tự vệ chống lại hành vi hiếp dâm. Việc này khác với trường hợp Zika, trong đó vợ chồng hành động tính dục sử dụng thuốc ngừa thai để tránh có thai. Ðây quả là ngừa thai đúng nghĩa, một hành vi phá hủy ý nghĩa của tính dục.

Marcel cũng cho rằng sử dụng kiểu nói tránh thai trong trường hợp Zika cũng không đúng. Tránh thai khác với ngừa thai: các vợ chồng sử dụng phương pháp kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên là để hoãn hay tránh thai.

Marcel còn cho rằng Ðức Phanxicô đã dùng một nhận định ứng khẩu để "thay đổi giáo huấn của Giáo Hội". Ngài không có thẩm quyền ấy. Ngài là người gìn giữ và bảo vệ giáo huấn của Giáo Hội, chứ không phải một tiên tri có thể thay đổi giáo huấn này tùy ý.

Cho nên, ông tin chắc sẽ không có chuyện thay đổi giáo huấn như truyền thông mong muốn. Ông cũng tin Tòa Thánh sẽ ra lời giải thích nay mai, "dù thiệt hại đã xẩy ra rồi".

Không có giá trị trói buộc

Không rõ Marcel hiểu chữ Tòa Thánh là ai, nhưng phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Lombardi đã lên tiếng rồi. Ngày 19 tháng Hai năm 2016, Cha Lombardi cho Ðài Phát Thanh Vatican hay: Ðức Giáo Hoàng nói tới "việc có thể sử dụng thuốc ngừa thai hay áo mưa trong các trường hợp khẩn cấp hay các hoàn cảnh đặc biệt" nhưng ngài không nói "đây là điều đã được chấp nhận và hành động này có thể thực hành không cần biện phân".

Cha nhấn mạnh: "Quả thực, ngài nói rõ ràng rằng nó có thể được xem xét trong các trường hợp đặc biệt khẩn cấp". Cha nói thêm: điển hình được Ðức Phanxicô nêu ra tức việc Ðức Phaolô VI cho phép các nữ tu ở Congo thuộc Bỉ có nguy cơ bị hãm hiếp được sử dụng thuốc ngừa thai "cho thấy đây không phải là hoàn cảnh bình thường trong đó có thể xem xét việc này".

Sau đó, Cha Lombardi nhắc tới các nhận định của Ðức Bênêđíctô XVI trong cuốn "Ánh Sáng Thế Gian" trong đó ngài nói tới việc dùng áo mưa trong những hoàn cảnh có nguy cơ lây bệnh, như AIDS, chẳng hạn. Cha nói: "Như thế, thuốc ngừa thai hay áo mưa cũng có thể là đối tượng để lương tâm nghiêm túc biện phân, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp và nghiêm trọng".

Lời phát biểu của Cha Lombardi, đối với nhiều người, vẫn không đánh tan được mối nghi ngại. Tuy nhiên, ở đây, E. Christian Brugger, Giáo Sư Thần Học Luân Lý tại Chủng Viện Thần Học St John Vianey ở Denver, dù cho rằng lời phát biểu của Ðức Phanxicô "gây trở ngại và bối rối", đã có hai nhận định:

a) "Các nhận định ứng khẩu của một vị giáo hoàng trong một cuộc phỏng vấn và lời bình luận của phát ngôn viên của ngài không tạo thành giáo huấn của Giáo Hội. Nên các quả quyết này không được Chúa Thánh Thần gìn giữ và không có thẩm quyền Giáo Hội. Người Công Giáo không hề có bất cứ nghĩa vụ nào phải tùng phục bằng cả tâm trí lẫn ý chí các quả quyết này" (xem Lumen Gentium, 25).

b) "Ðức Giáo Hoàng Phanxicô là người cha thân yêu của chúng ta. Chúng ta qúy mến ngài vì chức vụ của ngài và sẽ đứng bên ngài bất cứ khi nào ngài bị tấn công một cách sai lạc. Chúng ta muốn điều tốt cho ngài và điều tốt cho toàn thể Giáo Hội. Và chắc chắn chúng ta sẽ không đi theo con đường của Martin Luther đến chỗ bác bỏ tính tối thượng của Ðức Giáo Hoàng và việc kế thừa các tông đồ. Nhưng Giáo Hội là của Chúa Giêsu, không phải của Ðức Giáo Hoàng hay của các giám mục...

"Nên tôi muốn thưa cùng Ðức Giáo Hoàng Phanxicô qúy yêu, người cha của tôi rằng:

"Xin Ðức Thánh Cha vui lòng xác nhận lại ngay với toàn thể Giáo Hội sự thật và các hệ luận luân lý của sự thiện hai mặt trong hành vi vợ chồng, là hành vi, tự bản chất của nó, vốn được sắp đặt cho sự thiện của các người phối ngẫu và việc sinh sản cùng giáo dục con cái (Giáo Luật Ðiều 1055, §1); do đó, nếu ai cố ý hành động ngược lại hoặc sự thiện hợp nhất hoặc sự thiện sinh sản, người ấy tự động làm cho việc giao hợp của họ thành phi hôn nhân".

Thực ra, không cần phải yêu cầu như trên, trong các bài giáo lý của ngài và trong rất nhiều bài nói của ngài về hôn nhân và gia đình, Ðức Phanxicô vẫn đã đề cập tới sự thiện hai mặt đó rồi. Ngài vẫn tự hào là "người con của Giáo Hội".

Vả lại trong vấn đề này, nhiều luận điểm chống lại Ðức Phanxicô đã không có cơ sở vững chãi. Luận điểm cho rằng ngài sai về lịch sử khi kéo Ðức Phaolô VI vào là một. Trước nhất, Ðức Phaolô VI lên ngôi Giáo Hoàng tháng Sáu, năm 1963. Cuộc khủng hoảng ở Congo thuộc Bỉ không chỉ kéo dài 1 năm là năm 1961 dưới thời Ðức Gioan XXIII mà thôi, mà theo Jimmy Akin và E. Christian Brugger, nó kéo dài từ năm 1960 tới năm 1965, đủ để Ðức Phaolô VI can dự vào, nếu ngài muốn. Mà chắc chắn là ngài muốn, vì ngài từng qua quan sát tình thế ở đấy năm 1962. Thứ hai, theo John Allen, Ðức Phaolô VI, khi còn là Tổng Giám Mục Milan, rất gần gũi với các trào lưu từng tạo ra Tờ Studi Cattolici, tức tờ chủ trương nên cung cấp thuốc ngừa thai cho các nữ tu Congo để tránh có thể có thai khi bị hiếp. Có người còn cho rằng chủ trương này phản ảnh suy nghĩ của ngài. Ðiều này càng được củng cố khi ngài phong Hồng Y cho một trong các tác giả của bài báo, tức Ðức Hồng Y Pietro Palazzini.

Việc không có một văn bản chính thức nào của Ðức Gioan XXIII hay của Ðức Phaolô VI về vấn đề này được John Allen giải thích như sau: Trước nhất, tuy các ngài không ban hành một văn kiện ủng hộ nào, nhưng cũng không có văn kiện nào của các ngài hay của Tòa Thánh nói chung, phản bác ý kiến kia. Nên ý kiến này là một trong các phương thức hợp pháp. Ðối với người Ý, mà Ðức Phanxicô vốn thuộc dòng dõi Ý và rất lưu tâm tới sinh hoạt của Giáo Hội Ý, điều này có nghĩa là Ðức Phaolô VI đã chấp thuận một cách mặc nhiên. Ðây cũng là nhận định của Cha Keenan như đã nhắc trên đây. Vả lại, như Aline Kalbian trên đây đã viết, rất có thể có những hồ sơ mật mà chỉ Ðức Phanxicô mới đọc được. Vatican có rất nhiều những hồ sơ mật như thế.

Hơn nữa, theo John Allen, việc này không khác bao nhiêu so với cách Vatican tiếp cận vấn đề áo mưa trong bối cảnh một người phối ngẫu mang HIV và người kia không mang, và mục đích là ngăn ngừa người không mang HIV khỏi lây nhiễm.

Năm 2006, Ðức Bênêđíctô XVI yêu cầu Hội Ðồng Giáo Hoàng về Chăm Sóc Sức Khỏe dưới quyền Ðức Hồng Y Javier Lozano Barragán, người Mễ Tây Cơ, khảo sát vấn đề. Các kết luận của Hội Ðồng này cũng chưa bao giờ được chính thức hoá nhưng cũng chưa bao giờ bị bác bỏ. Nhưng như trên đã nói, năm 2010, Ðức Bênêđíctô XVI cho hay dù Giáo Hội không coi áo mưa là giải pháp cho cuộc khủng hoảng AIDS, nhưng có những trường hợp nó có thể là "bước đầu" tiến tới một tác phong có trách nhiệm.

John Allen trích dẫn John Grabowski, một thần học gia luân lý tại Ðại Học Công Giáo America, để nói rằng: Vatican đã biến nhiều lập trường thành thực hành. Tòa Thánh thích bỏ ngỏ nhiều vấn đề tế nhị, không đưa ra các tuyên bố có ảnh hưởng sâu rộng có thể bị lầm tưởng là thay đổi giáo huấn của Giáo Hội một cách đáng kể nhưng cũng không bác bỏ việc các mục tử mềm dẻo trong việc giúp người ta quyết định chọn các lựa chọn khó khăn.

Về chính nội dung lời phát biểu của Ðức Phanxicô, Linh Mục Robert Gahl, thuộc hội Opus Dei, Giáo Sư Triết Học Luân Lý tại Giáo Hoàng Ðại Học Thánh Giá ở Rôma, cho hay: lời phát biểu của Ðức Phanxicô hoàn toàn phù hợp với Huấn Quyền Giáo Hội. Việc cho phép các nữ tu sử dụng thuốc ngừa thai để tránh có thai khi bị cưỡng hiếp, như trên đã nói, thực ra không phải là một luật trừ trong đạo đức tính dục, mà là phương cách hợp pháp để tự vệ chống lại một hành vi bạo lực.

Trường hợp Zika tuy có khác ở điểm giao hợp tính dục ở đây là giữa vợ chồng, chứ không phải cưỡng hiếp, nhưng có ai loại bỏ được khả năng vì một lý do nào đó, người vợ vẫn bị cưỡng bức phải thuận theo ý muốn của người chồng? Thành thử, theo Cha Gahl, Ðức Phanxicô cân nhắc "viễn cảnh cực đoan" trong đó, người đàn bà bị đe dọa bởi người chồng vũ phu bị nhiễm vi khuẩn Zika muốn giao hợp tính dục với nàng.

Trong trường hợp này, lẽ dĩ nhiên người đàn bà này được phép sử dụng thuốc ngừa thai. Lẽ dĩ nhiên, với nhiều xem xét khác như cố gắng thuyết phục chồng tiết dục, ít nhất, trong một thời gian (không có trứng rụng). Nếu người chồng không nghe, thì "đây là vấn đề lương tâm nàng nên thực hiện, và nó tùy ở mức độ bạo lực".

Nhận định trên cũng là nhận định của E. Christian Brugger, dù tác giả này có nhiều e ngại đối với lập trường của Ðức Phanxicô. Ông viết: "Trường hợp Congo và trường hợp vi khuẩn Zika chỉ có thể tương tự nhau (về phương diện luân lý) nếu phụ nữ bị Zika đe dọa không có ý định giao hợp tính dục; nếu họ sợ bị hiếp bởi tay những kẻ gây hấn và muốn tránh các hậu quả cho chính họ và bất cứ bé thơ nào có thể được thụ thai, họ có thể sử dụng bất cứ 'thuẫn che tử cung' nào để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công của kẻ gây hấn".

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page