Thượng Hội Ðồng ngày thứ chín

14 tháng Mười năm 2015

 

Thượng Hội Ðồng, ngày thứ chín, 14 tháng Mười năm 2015.

Roma (VIetCatholic News 14-10-2015) - Ðài Phát Thanh Vatican hôm 14 tháng 10 năm 2015 loan tin: các Nhóm Nhỏ thảo luận phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc, tập chú vào sự quan trọng của khoa sư phạm Thiên Chúa. Hôm 14 tháng 10 năm 2015, tại phiên họp khoáng đại lần thứ tám, các nhóm cũng đã nộp bản tường trình các cuộc thảo luận của họ về phần thứ hai này.

Hầu hết các nhóm đều đồng ý về việc bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Ðồng phải sử dụng ngôn ngữ của thần học Thánh Kinh và, như nhóm B nói tiếng Pháp đã nhấn mạnh, phải rõ ràng và đơn giản, tránh hàm hồ và hiểu lầm rất có hại cho việc hiểu ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới. Ðiều cần là phải xét tới tính mỏng dòn và đau khổ của gia đình, không nói quá đáng về tình huống hiện nay, vì các vấn nạn này luôn hiện hữu. Nhấn mạnh về chiều kích này đã dẫn các nhóm tới việc làm nổi bật điều sau: Giáo Hội đồng hành với mọi con cái của mình, và phải công bố Tin Mừng và lời kêu gọi hoán cải của nó.

Nhóm B nói tiếng Anh nhận định rằng bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Ðồng phải minh tả việc sư phạm Thiên Chúa đối với hôn nhân và gia đình đã đồng hành ra sao suốt lịch sử cứu rỗi và tiếp tục cho tới tận ngày nay. "Chúng tôi đề nghị [khởi đầu] với Sách Sáng Thế, sách đã từng cung cấp câu định nghĩa về hôn nhân như là một cuộc phối hợp độc đáo giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một cuộc phối hợp toàn diện và thân mật đến độ vì nó người đàn ông sẽ lìa cha lìa mẹ để hợp nhất với vợ mình. Trình thuật về việc sáng tạo ra hôn nhân này cũng trình bầy với ta ba đặc tính nền tảng của hôn nhân, như đã có từ nguyên thủy, là đơn hôn, vĩnh viễn và bình đẳng giữa các giới tính# Nhưng sư phạm Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi liên quan tới hôn nhân và gia đình đã đạt tới đỉnh cao của nó với việc Con Thiên Chúa bước vào lịch sử con người". Nhóm này nhìn nhận rằng "Chỉ nhờ suy tư về sư phạm Thiên Chúa, chúng ta mới hiểu được thừa tác vụ của ta là phản chiếu đức nhẫn nại và lòng thương xót của Thiên Chúa. Kế hoạch Thiên Chúa tiếp diễn ngay trong thời ta. Chính sư phạm Thiên Chúa đã cung cấp nội dung và cung giọng cho giáo huấn của Giáo Hội". Liên quan tới các tình huống khó khăn sẽ được khảo sát ở phần thứ ba, nhóm này nhấn mạnh rằng "chúng ta nên luôn nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ lòng thương xót của Người cả. Chính lòng thương xót mạc khải gương mặt thực sự của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa vươn tới mọi người chúng ta, nhất là những người đau khổ, yếu đuối và thất bại".

Nhóm nói tiếng Pháp do Ðức Tổng Giám Mục Laurent Ulrich của Lille, Pháp, làm tường trình viên, cũng nói về sư phạm Thiên Chúa, và đề nghị "nhấn mạnh đến nhiều cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các gia đình" suốt trong các Sách Tin Mừng, tái khẳng định rằng "sư phạm Thiên Chúa hành động trong mọi cuộc mạc khải của Thánh Kinh và phải được Giáo Hội cảm nghiệm bằng việc bước theo các gia đình trong các vui buồn của họ". Một nhận xét khác của nhóm là bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Ðồng nên trình bầy một sự thống nhất rộng rãi hơn về ý niệm, chứ không chỉ nói tới tính bất khả tiêu như thể đây là quan tâm duy nhất. " Sự trung thành và bất khả tiêu phải được nhắc tới như là một ơn phúc và như một lời kêu gọi, hơn là như những hạn từ luật lệ chỉ bổn phận; không nên quan niệm chúng như những điều chồng lên trên cam kết, mà đúng hơn như những điều được hội nhập sâu xa vào ngôn ngữ yêu thương và bên trong chiều kích thần học của nó. Nên quan niệm hôn nhân như một lời mời gọi yêu thương và hiệp thông".

Nhóm nói tiếng Tây Ban Nha khuyến cáo rằng phải nhấn mạnh tới tính tiệm tiến và tính diễn trình (processuality) trong việc thấu hiểu diễn trình qua đó, Thiên Chúa thông truyền ơn thánh của Giao Ước bằng cách giáo dục mỗi người, từ từ, trong chính cộng đồng của họ, sửa trị, đồng hành và tha thứ. Tường trình viên là Ðức Hồng Y Jose Luis Lacunza Maestrojuan nhận định rằng: là thành phần của khoa sư phạm Thiên Chúa, tính diễn trình cũng hiện diện trong Thánh Truyền và trong Văn Kiện Aparecida. "Có nhiều kiểu nói biến hôn nhân và gia đình thành tuyệt đối, trong klhi Chúa Giêsu tương đối hóa chúng trong Nước Thiên Chúa. Có nhiều cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và những người chuyên biệt trong những bối cảnh cũng chuyên biệt, nhưng ta nên nhấn mạnh tới những cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh gia đình: Ladarô và gia đình ông, Thánh Phêrô và gia đình ngài... Chúa Giêsu luôn mở rộng cửa. Lòng trung thành của Thiên Chúa được diễn tả trong bí tích hôn phối, nhưng một cách đầy nhân bản: 'bất cứ điều gì được nhận, đều được nhận theo cách của người nhận' ('quidquid recipitur, ad modum recipientis recipitur'). Lòng trung thành bất khả tiêu của hôn nhân là một mầu nhiệm có bao hàm tính mỏng dòn. Ta có một nền thần học gia đình và hôn nhân, nhưng nó liên kết chặt chẽ hơn với tính luân lý. Huấn Quyền nên trình bầy Tin Mừng gia đình dưới hình thức hữu cơ và hội nhập. Theo kiểu nói 'hạt giống Lời Chúa' ('semina Verbi'), ta không nên quá coi thường các giá trị tích cực nơi các loại gia đình khác nhau.

Một số nhóm gán một tầm quan trọng lớn lao cho việc chuẩn bị hôn nhân cho các cặp trẻ tuổi và việc cần phải hỗ trợ họ trong cuộc hành trình của họ. Trong khi Nhóm B nói tiếng Pháp ghi nhận có sự suy giảm đáng kể về con số các cuộc hôn nhân tại các thủ phủ Âu Châu, thì Ðức Hồng Y Lacunza, người Mỹ Châu La Tinh, minh xác rằng "khi nói tới người trẻ và hôn nhân, thường là nói theo viễn tượng sợ sệt, điều này không đủ, đây là một vấn đề nhân học: họ sống nhất thời, 'mãi mãi' không ăn nhập gì đối với lối suy nghĩ của họ. Có lẽ ta nên nói tới sự bất cần nghi thức (informality): có lẽ ta đang quây chặt hôn nhân trong quá nhiều nghi thức không còn ăn nhập gì với tâm trí người trẻ nữa; họ thường đồng hóa nghi thức với giả hình. Hơn nữa, nói rằng họ sợ sệt hay không dám là mâu thuẫn với kinh nghiệm của nhiều người trẻ, những người này sẵn sàng chấp nhận rủi ro của việc làm thiện nguyện hay rủi ro của các cuộc tranh đấu chính trị và các lãnh vực khác".

Nhóm B nói tiếng Pháp cũng tường trình rằng các thành viên của nhóm đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ đề nghị cho rằng "Việc công bố Tin Mừng gia đình ngày nay đòi Huấn Quyền phải can thiệp để đơn giản hóa và làm cho gắn bó hơn học lý thần học và giáo luật hiện hành về hôn nhân", và Huấn Quyền phải hỗ trợ câu định nghĩa gia đình là "chủ thể của hành động mục vụ".

Về phương diện trên, nhóm nói tiếng Pháp mà tường trình viên là Ðức Tổng Giám Mục Paul-Andre Durocher của Gatineau, Gia Nã Ðại, thì nhận định rằng "các kinh nghiệm chung về mục vụ dẫn chúng tôi tới chỗ thấy rằng trong Giáo Hội, nói tới các gia đình là nói tới một thực tại nhân bản vốn được ghi khắc vào thời gian và không gian# Mọi gia đình đều có gia phả của họ, một gia phả cố thủ họ trong một lịch sử và trong một nền văn hóa... Sự phức tạp này là nơi và là dịp để biểu lộ mầu nhiệm và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng tôi muốn tỏ bầy niềm hy vọng của chúng tôi rằng Thượng Hội Ðồng sẽ mở ra một thời kỳ để các nhà thần học và các mục tử kiên nhẫn tìm tòi với ý định thiết lập được những hướng đi đúng cho thừa tác mục vụ gia đình, diễn dịch chân trời gia đình thành chân trời hiệp thông. Chúng ta ít cần các thích ứng đối với kỷ luật phổ quát cho bằng cần một căn bản vững chắc để suy nghĩ và dấn thân mục vụ".

Ý niệm gia đình như một sứ mệnh cũng được lặp đi lặp lại. Nhóm C nói tiếng Ý đề cập tới việc "phúc âm hóa giá trị hôn nhân và gia đình" và kêu gọi cho có một "phong thái gần gũi mới về phía Giáo Hội đối với các gia đình, một sự gần gũi dễ lây, một sự dịu dàng âu yếm mạnh mẽ và đòi nhiều cố gắng". Các thành viên trong nhóm nhấn mạnh rằng "cộng đồng Kitô Giáo phải là một gia đình của các gia đình, đo lường hành động mục vụ của mình theo phong thái của gia đình và bằng cách này thông truyền một sức mạnh có tính nhân bản hóa vào đời sống thế giới, để thắng vượt khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa".

Nhóm A nói tiếng Ý viết rằng "các nghị phụ Thượng Hội Ðồng thấy rất hữu ích khi nhắc tới bài giáo lý của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô về điều cần phải hoà hợp việc đề cao tính bí tích của hôn nhân với việc lưu tâm tới chiều kích tạo vật của nó". Nhóm cũng kêu gọi: phải bổ túc bản văn của Tài Liệu Làm Việc bằng cách thêm vào đó chiều kích thiêng liêng và thần khí học, cởi mở đối với tính mẫn cảm của truyền thống Ðông Phương. Diễn dịch thành đề nghị cụ thể hơn, điều này có nghĩa ta phải làm rõ hơn tính ưu việt của ơn thánh, phải nhìn nhận tội lỗi và cần gợi hứng để người ta hoán cải. Ơn thánh không chỉ hành động trong lúc cử hành bí tích mà đúng hơn suốt đời, vì đây là một bí tích vĩnh viễn giống như Thánh Thể".

Ðức Tổng Giám Mục Coleridge, thuộc nhóm C nói tiếng Anh, nhận định về "việc cần phải khám phá hơn nữa khả thể các cặp lấy nhau theo dân luật hoặc chỉ sống chung với nhau sắp khởi sự cuộc hành trình tiến tới hôn nhân bí tích và họ cần được khuyến khích và đồng hành trên cuộc hành trình này". Còn trong nhóm D nói tiếng Anh, một số giám mục nhấn mạnh rằng tài liệu nên thăm dò hơn nữa vai trò của phụ nữ; các ngài nhắc nhở: nhiều phụ nữ vẫn bị chồng bạo hành. "Chúng ta cần phải thực tiễn đối với các vấn đề hôn nhân hơn là chỉ khuyến khích người ta tiếp tục ở lại với nhau", bản tường trình của các ngài viết vậy. Trong cùng nhóm này, một vị giáo phẩm khác nhận định: "đối với những người đang gặp tình huống đau khổ, thì đôi khi rất khó để họ nhìn các gia đình gương mẫu như là một điều tích cực". Một số vị giám mục gợi ý rằng bản văn nên trình bầy các lý do giáo luật để các người phối ngẫy ly thân và các lý do để họ xin tuyên bố vô hiệu.

Một ý niệm chung khác là ơn gọi bước vào cuộc sống gia đình và linh đạo gia đình, và do đó, Nhóm A nói tiếng Anh, mà Ðức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz làm tường trình viên, đề nghị nên xem xét các thực hành tốt nhất, tức các thực hành "có thể chỉ cho các gia đình phải sống ơn gọi của họ cách trọn vẹn hơn và trung thành hơn ra sao". Các thực hành này rất có thể bao gồm việc lãnh nhận Lời Chúa trong gia đình, việc học giáo lý gia đình và minh nhiên khuyến khích việc sử dụng các lời cầu nguyện và nghi thức có tính cách á phụng vụ trong khung cảnh gia đình.

Nhóm của Ðức Tổng Giám Mục Coleridge cũng gợi ý điều này: bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Ðồng phải trình bầy một loạt các sáng kiến hay chiến thuật rõ ràng để giúp đỡ các gia đình và nâng đỡ các gia đình đang gặp khó khăn, phù hợp với bản chất chủ yếu thực tế của Thượng Hội Ðồng thứ hai về gia đình này.

Nhóm A nói tiếng Anh nhận xét rằng "trong quá khứ, Ðức Thánh Cha thường sử dụng bản văn đã được chấp thuận sau cùng làm căn bản cho một Tông Huấn và chúng tôi đã nói tới tính hữu hiệu của phương thức này. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận các hạn chế của một bản văn sẽ được chấp thuận vào lúc kết thúc Thượng Hội Ðồng này. Dù mọi cố gắng nên được đưa ra để cung cấp được một ngôn ngữ hợp lý hóa và lôi cuốn, lo ngại hàng đầu vẫn là sự minh bạch của những lời giải thích có cơ sở vững vàng đối với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình".

Một lần nữa, liên quan tới bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Ðồng, Nhóm B nói tiếng Tây Ban Nha đã cân nhắc phương thức của Thượng Hội Ðồng . Các thành viên của nhóm viết rằng "Ai cũng đã biết tín lý, nhưng các nhu cầu thực tại và các nhấn mạnh mới mẻ trong suy tư thần học phải được xem xét để thực sự có được các đóng góp có ý nghĩa. Có gợi ý cho rằng bản văn phải tham chiếu minh nhiên hơn cả Cựu Ước lẫn Tân Ước (tình yêu phu phụ của Thiên Chúa dành cho dân của Người), cũng như Huấn Quyền hậu công đồng rất phong phú về gia đình".

Nhóm B nói tiếng Ý nhận định về việc cần phải có một văn kiện có tính huấn quyền: "xét vì Thượng Hội Ðồng không có khả năng đáp ứng nhu cầu phải sắp xếp lại, bằng một văn kiện đầy đủ và thấu đáo, cả một học lý phức tạp và đa dạng về hôn nhân và gia đình, nên, một đàng, nhất thiết đòi phải có một văn kiện có tính huấn quyền để đáp ứng nhu cầu này, và đàng khác, phải xem xét các khía cạnh mục vụ liên quan tới vấn đề. Về phương diện này, các nghị phụ nói lên nhu cầu sau: trong việc thông truyền học lý, phải xem xét sứ vụ chuyên biệt của trung gian mục vụ.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page