Thượng hội đồng

phúc trình các Nhóm Nhỏ nói tiếng Pháp

 

Thượng hội đồng, phúc trình các Nhóm Nhỏ nói tiếng Pháp.

Roma (VietCatholic News 14-10-2015) - Ngày 9 tháng Mười năm 2015, Tòa Thánh đã cho công bố 13 bản tường trình của các Nhóm Nhỏ của Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình năm 2015. Ðây là kết quả cuộc thảo luận của các nhóm về phần thứ nhất của Tài Liệu Làm Việc. Chúng tôi sẽ lần lượt cho phổ biến các bản tường trình theo các nguyên bản tiếng Pháp và tiếng Anh của Tòa Thánh.

I. Nhóm A nói tiếng Pháp

Ðiều hợp viên: Ðức Hồng Y Gérald Cyprien LACROIX

Tường trình viên: Ðức Cha Laurent ULRICH

1. Vòng bàn luận về phần nhập đề và phần thứ nhất của Tài Liệu Làm Việc đã giúp chúng tôi rút ra một số chủ đề chung, nhưng không bỏ qua các dị biệt trong cách tiếp cận.

Một phần, chúng tôi rất vui khi phần nhập đề đã đề cao vẻ đẹp và tính bí tích sâu sắc của hôn nhân. Chúng tôi nhắc đến nhu cầu phải đề cao lối sống tốt đẹp này ; chúng tôi được nghe nhắc đến các tình huống đau đớn, các vấn đề trong đời sống gia đình; chúng tôi cũng muốn nói tới các thách đố và ơn Chúa giúp đương đầu với các thách đố này.

Một số vị nhận định rằng phần thứ nhất đề cập tới đời sống gia đình nói chung, chứ không chỉ riêng hôn nhân: cách nhìn này cởi mở hơn.

Tuy nhiên, một số vị khác muốn trở lại với các vấn đề do hôn nhân trong sinh hoạt thế giới hiện nay đặt ra. Trong khi đó, một trong các tham dự viên, được sự đồng ý của các vị khác, đã nhấn mạnh sự kiện này: nếu Thượng Hội Ðồng chỉ xoay quanh các vấn đề và các cuộc khủng hoảng của các gia đình ở Tây Phương mà thôi, thì điều này không tốt.

Xem ra chúng tôi đã có thể đồng ý với nhau về những điểm sau đây, những điểm đáng được đào sâu và khai triển trong diễn trình nhận xét và sửa đổi bản văn của Tài Liệu Làm Việc.

Một đàng, chúng ta phải khởi đi từ những điều gia đình ngày nay đã từng sống và đã từng tạo nên điểm tựa cho việc công bố Tin Mừng: chúng tôi biết mình có thể biện phân được các semina Verbi (hạt giống Lời Chúa) trong các kinh nghiệm của các gia đình ngày nay. Nơi nào cũng có các vấn đề và các khó khăn, các đau đớn, nhưng ở khắp mọi nơi trên thế giới, cũng vẫn có các gia đình sống hạnh phúc việc họ bám rễ vào Chúa Kitô và đức tin.

Bản văn của chúng ta cần phải tiếp nhận một âm sắc cơi mở, thuận lợi cho cuộc đối thoại với người cùng thời của ta.

Ðàng khác, chúng tôi muốn rằng bản văn này nên đưa ra quan điểm về đời sống gia đình, chứ đừng tự giới hạn vào đời sống lứa đôi và vào hôn nhân mà thôi, dù ta vẫn phải chủ yếu đề cập tới đời sống này. Ðiều chắc chắn sinh ích là đặt lại ơn gọi và sứ mệnh của gia đình, dưới sự soi sáng của Tin Mừng, vào ơn gọi và sứ mệnh của toàn thể nhân loại phải trở nên huynh đệ hơn. Trở thành anh chị em của mọi người chắc chăn là kinh nghiệm phổ quát nhất: người ta đau đớn nhận thấy rằng con người khó tìm được chỗ đứng trong gia đình máu mủ của họ, trong cộng đồng nhân bản và Kitô Giáo. Nhưng mọi người đều có thể trở nên và được mời gọi trở nên anh chị em của những ai vốn là người đàn ông và người đàn bà với mình. Ðời sống gia đình chuẩn bị cho việc này. Ðời sống Giáo Hội cũng kêu gọi việc này.

2. Khi chúng tôi bắt tay làm việc, từ chương này qua chương nọ, từ số này qua số nọ, chúng tôi thấy chất liệu quả là đáng kể. Chúng tôi biết rằng vấn đề gia đình không thể tóm tắt vào một hay hai vấn đề nhằm lay động dư luận; nhưng chúng tôi quan niệm rằng có rất nhiều cuộc cờ ở đây, nên tất cả những gì có trong Tài Liệu Làm Việc đều đáng được chúng ta lưu ý.

Chúng tôi muốn nhận định rằng đã có những giờ phút lâu dài dành cho việc trao đổi trong nhóm đồng ngôn ngữ để bàn tới chất liệu này một cách trọn vẹn, và sâu sắc, nhưng đồng thời chúng tôi cũng ý thức rằng 15 ngày sắp tới sẽ không đủ để hoàn thành chương trình này!

Dù sao, một số vị có kinh nghiệm tỏ ra không an tâm, sợ rằng tất cả các sửa đổi (modi) được chúng tôi đề nghị, soạn thảo và chấp nhận sau rất nhiều bàn cãi sẽ không được giữ lại hết! Tất nhiên, không cá nhân nào có ảo tưởng đối với tương lai các ý kiến riêng của mình và nói chung ai nấy đều sẵn sàng từ bỏ chúng, ít nhất là từng phần# Nhưng mỗi nhóm chắc chắn muốn rằng điều này đừng xẩy ra cho các sửa đổi tha thiết của mình, những sửa đổi chỉ có được sau bao lưu tâm, bao cuộc thảo luận đòi hỏi không những nghị lực mà còn không biết bao hy sinh để soạn ra chúng sao cho bao gồm được hết các ý kiến hay nhất của mọi người.

Trên hết, chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi rất cảm kích trước cuộc gặp gỡ của nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng vẫn có thể thể hiện được nơi hai chục con người dù là nói cùng một ngôn ngữ. Các tình huống tại Phi Châu nói tiếng Pháp, tại Trung và Cận Ðông, tại Pháp, tại cả Thụy Sĩ và Gia Nã Ðại thật hết sức khác nhau. Các từ ngữ trong tiếng Pháp không luôn luôn mặc lấy một ý nghĩa y hệt như nhau từ bờ này tới bờ kia của Ðại Tây Dương hay của Ðịa Trung Hải.

3. Nhưng trên hết, các bối cảnh lịch sử và văn hóa không y hệt như nhau. Người ta không thể nói rằng tại khắp nơi, con số các cuộc hôn nhân (và rửa tội) đều đang giảm dần. Người ta không thể nói cùng một cách về sự hiện diện của Giáo Hội trong các xã hội liên hệ. Các khả thể chia sẻ đức tin tại các xứ sở của chúng tôi không hoàn toàn đồng nhất, việc làm chứng nơi công cộng có thể thực hiện ở những nơi này không dễ dàng như nhau. Và cũng không khó khăn vì những lý do như nhau: quyền tự do thực hiện nó tại các nước "tự do" không hề có nghĩa quyền này thực sự được thừa nhận, ví nó có thể dẫn tới các thái độ mâu thuẫn nhau: nước thì chọn chủ trương phải nhấn mạnh tới bản sắc, trong khi nhiều nước khác muốn thực thi một cuộc đối thoại kiên nhẫn dù không được thấu hiểu. Tại nhiều nước khác, áp lực tôn giáo hay văn hóa đối với cuộc gặp gỡ các Kitô hữu không có nghĩa là làm họ im lặng, nhưng chỉ có nghĩa từ nhiều thế kỷ nay, họ vẫn phải theo con đường đau khổ.

Trên nguyên tắc, chúng tôi biết rõ điều trên. Nhưng trong một cuộc tranh luận liên quan tới các khía cạnh hết sức cụ thể và hết sức đa dạng về đời sống các gia đình, chúng tôi cảm thấy: chúng tôi đang thực hiện ở đây một trải nghiệm độc đáo về tính Công Giáo, mà ta không bao giờ đạt được một cách dứt khoát: đây là một ơn phúc Chúa Ban cho chúng tôi qua trải nghiệm này về Giáo Hội, nhưng chúng tôi phải tiếp nhận ơn phúc này, sống nó một cách trung tín, thâm hậu hóa nó trong sự thật. Chúng tôi đã dành thì giờ để nghe nhau, để đi vào thẳm sâu các suy tư chung của chúng tôi; chúng tôi thực sự cố gắng giải thích cho nhau hiểu tại sao chúng tôi đã đề xuất ý niệm này ý niệm nọ, dựa vào kinh nghiệm nào chúng tôi đã phát biểu. Với sự thận trọng, chúng tôi đã tiến bước, chúng tôi đã gặp một thách đố hết sức thích thú là được chào đón và lắng nghe nhau.

II. Nhóm B nói tiếng Pháp

Ðiều hợp viên: Ðức Hồng Y Robert SARAH

Tường trình viên: Cha Francois- Xavier DUMORTIER, Dòng Tên

Bản tường trình này sẽ có hai phần: 1) kinh nghiệm sống; 2) một số điểm nhấn mạnh

1. Kinh nghiệm sống.

1.1 Chúng con bắt đầu cuộc suy tư của chúng con về Tài Liệu Làm Việc với những gì đoàn kết chúng con, vì "Giáo Hội đồng hành với nhau để đọc các thực tại bằng con mắt đức tin và trái tim Thiên Chúa", con xin nhắc lại ở đây các lời lẽ mà Ðức Thánh Cha, thưa Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha đã nói vào sáng thứ hai, và cả những gì làm chúng con khác nhau: tính đa dạng về nguồn gốc quốc gia của chúng con; hầu như có bao nhiêu thành viên của nhóm là có bấy nhiêu quốc tịch được đại diện trong nhóm của chúng con; tính đa dạng trong các hành trình bản thân và tính đa dạng trong các trách nhiệm hiện được ủy thác cho người này người nọ. Chính trong lúc nghe nhau cách chăm chú, đầy khoan dung và nhẫn nại tươi cười mà chúng con cho phép mình giáo huấn lẫn nhau. Các số và các chương khác nhau của phần thứ nhất này đương nhiên gây ra nhiều phản ứng, nhận xét, suy tư, cần tìm đường để các "sửa chữa" được đệ trình cho mọi người phán quyết; chúng con đã làm việc rất nhiều khởi đi từ bản văn và trên bản văn và chúng con đã bỏ phiếu cho 20 "sửa chữa". Có lúc, chúng con đã phải cưỡng lại cơn cám dỗ muốn viết lại một số phần của bản văn; nếu con được phép nói, thì cơn cám dỗ này rất tự nhiên đối với một nhóm người đang đọc một bản văn mà họ rất biết sự quan trọng của nó, sự quan trọng đối với Giáo Hội, đối với thế giới, đối với mỗi người nam nữ trong chúng con. Do đó, chúng con đã học hỏi được nhiều: chúng con đã học được cách làm việc chung với nhau hết buổi này qua buổi nọ; chúng con đã học để biết nhau; chúng con đã học cách đọc và nghe bản văn hơi khác với những điều người này người nọ nói về nó.

1.2 Từ phiên họp đầu tiên của Nhóm, theo lời yêu cầu của vị điều hợp viên của chúng con, là Ðức Hồng Y Sarah, chúng con đã chia sẻ điều vốn được chúng con ấp ủ ngay từ đầu Thượng Hội Ðồng này. Con xin được phép tóm tắt nó dưới ba điểm sau đây:

1) Cần phải xem xét tính đa dạng trong các bối cảnh văn hóa xã hội và các tình huống mục vụ: điều này đòi hỏi và sẽ đòi hỏi khả năng nói rõ được điều gì thuộc trật tự phổ quát và điều gì thuộc trật tự đặc thù, một lời lẽ chung mạnh mẽ và các giải đáp cho các tình huống cụ thể gặp phải. Về phương diện này, một vị trong chúng con đã đề nghị và không bị mọi người tranh luận rằng các hội đồng giám mục địa phương có thể sử dụng một số quyền nào đó để cho phép các mục tử của các ngài trở thành "các ông Samaritanô nhân hậu" trong việc họ phục vụ Giáo Hội.

2) Nhiều trông đợi đã được phát biểu:

- rằng Thượng Hội Ðồng, khi ý thức được việc người đương thời của ta đang trông đợi rất nhiều, hãy gợi hứng và mọi người hiểu được rằng Giáo Hội tin tưởng nơi họ và nơi gia đình họ;

-rằng Thượng Hội Ðồng đưa ra cái định mốc làm đường để mọi người giúp đỡ lẫn nhau; rằng Thượng Hội Ðồng giúp các gia đình sống ơn gọi và sứ mệnh của họ phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo Hội,

-rằng Thượng Hội Ðồng biết biểu lộ sự nâng đỡ của mình cho các gia đình tại Cận và Trung Ðông, thường bị phân tán và cám dỗ di dân;

-rằng Thượng Hội Ðồng nên có cái nhìn tích cực đối với gia đình ngày nay, một "dây nối kết" trong đó, mọi sự không diễn tiến xấu trái lại luôn mãi là "trường học của nhân loại";

-rằng khi đã chỉ ra được các nguyên nhân sâu xa của một số xáo trộn hiện đang tác động lên gia đình, Thượng Hội Ðồng giúp một số gia đình trở lại cuộc hành trình của họ với sức mạnh của lòng hy vọng, giúp họ sống như những gia đình.

3) nhiều con đường đã được đề xuất:

- lưu tâm khảo sát các nguyên nhân gây bất ổn ảnh hưởng tới gia đình và, qua gia đình, ảnh hưởng tới xã hội: khi gia đình chịu đau khổ thì cả xã hội cũng chịu đau khổ;

- trong các suy tư của ta, luôn bám chặt lấy Chúa Kitô để Người dạy dỗ ta, để nhìn bằng cái nhìn của Người, để có được các tâm tư của Người;

- huấn quyền phải can thiệp để đem lại nhiều gắn bó chặt chẽ hơn cho toàn bộ bản văn mà hiện nay, cả về phương diện thần học lẫn giáo luật, xem ra như chồng đống lên nhau nhiều hơn là liên kết mạch lạc với nhau và, nhờ làm thế, sẽ đơn giản hóa cách diễn tả.

2. Một số điểm nhấn mạnh theo dòng bản văn

Về phần thứ nhất của bản văn, hai nhận xét tổng quát đã được các thành viên của nhóm chúng con đưa ra: nhận xét thứ nhất khiến chúng con lưu ý tới sự kiện này: việc phân tích về gia đình thường trình bầy đặc tính tiêu cực với những hạn từ mạnh mẽ nhưng nhiều người khác cho rằng giọng điệu lại đặt nặng ở các thách đố; nhận xét thứ hai khiến chúng con lưu ý tới sự kiện này: bản văn được đánh dấu bằng một vấn đề có tính rất "Âu Châu", thậm chí quá Âu Châu có nguy cơ nhìn sự vật qua một lăng kính nào đó, nhưng nhiều khác còn nói rằng một "mô thức" nào đó về gia đình đã được phổ biến và tổng quát hóa.

Con muốn xác định một số điểm nhấn mạnh được các "sửa chữa" của chíng con phát biểu:

- Ðối với chúng con điều quan trọng xem ra là yêu cầu bản văn nên bắt đầu bằng việc nhắc nhở điều này: "Gia đình là cột trụ không thể nào lẩn tránh và thay thế được của đời sống trong xã hội", nó là "nền tảng của xã hội" (GS,52) và điều này, một cách nào đó, buộc Giáo Hội, vốn là "chuyên viên của nhân loại", phải đương đầu với vấn đề gia đình ngày nay trong ơn gọi và sứ mệnh riêng của nó.

- "Lý thuyết phái tính" đã là đối tượng cho một cuộc thảo luận sâu rộng trong nhóm chúng con: đặc tính "ý thức hệ" của nó đã được ghi nhận, nhất là khi nó được phổ biến, thậm chí áp đặt, bởi một số cơ quan quốc tế;

- một điểm quan trọng nữa là nhắc nhớ điều này: những người chịu trách nhiệm ích chung, và nhất là các nhà cầm quyền công cộng và các chính khách, không thể tránh né trách nhiệm vốn là của họ đối với thiện ích hàng đầu là gia đình trong các chính sách gia đình, xã hội và giáo dục nhằm nâng đỡ và khuyến khích gia đình và ưu tiên là các phần tử kém ưu đãi hơn;

- chúng con nhấn mạnh rằng nhiều gia đình, nhất là trong một số xã hội, đã dành hết chỗ của họ cho người cao niên, coi họ như một "chúc phúc";

- chúng con đánh giá rất cao cách Tài Liệu Làm Việc nhấn mạnh tới phẩm giá phụ nữ, tới vai trò chính đáng của họ và tới các trách nhiệm của họ; đối với chúng con, dường như việc nhấn mạnh chính đáng này cũng kêu gọi phải xem xét "ơn gọi và sứ mệnh" riêng của người đàn ông trong gia đình trong tư cách người chồng và người cha, những ơn gọi và sứ mệnh đôi khi bị coi thường hay bị lãng quên.

- nhiều thách đố đã thu hút hết các chú ý và suy nghĩ của chúng con, nhất là thách đố khuyết tật, thách đố kinh tế và đặc biệt thách đố di dân với tình huống bi thảm của những người nam nữ ra đi hay chạy trốn và cần được đón nhận ở nơi họ đến. Chúng con cũng đã xem xét các gia đình thuộc các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương và đối với chúng con hình như điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng việc chọn di cư hay buộc phải di cư có và sẽ có những hậu quả mạnh mẽ đối với sự hiện diện của Kitô Giáo tại Trung Ðông.

III. Nhóm C nói tiếng Pháp

Ðiều hợp viên: Ðức Cha Maurice PIAT, C.S.Sp (Dòng Xuân Bích)

Tường trình viên: Ðức Cha Paul-André DUROCHER

Phương pháp cổ điển nhìn xem - phán đoán - hành động mà các soạn giả Bản Tường Trình Của Thượng Hội Ðồng năm ngoái đã chọn và được các nghị phụ Thượng Hội Ðồng chứng duyệt đã được thích ứng rất tốt vào chủ đề của chúng tôi: nó giúp chúng tôi tổ chức chất liệu phong phú một cách hợp luận lý và có hiệu quả. Nhưng chú ý tới đối tượng suy nghĩ của chúng tôi tức gia đình trong bối cảnh hiện đại của ta, nhất là gia đình Kitô Giáo, Công Giáo là điều chưa đủ. Chúng ta còn phải nhắc nhớ chúng ta là ai, chúng ta những người đang thực hiện cuộc suy nghĩ này.

Chúng ta trước hết là người của gia đình. Chúng ta có cha mẹ, anh chị em, anh chị em dâu rể, anh chị em họ, cháu trai cháu gái. Các gia đình được ta nói tới không phải là những gia đình xa lạ, họ là thành phần trong đời sống ta, họ sống trong ta. Ðiều này phải hiện diện trong ngôn từ của ta, trong âm sắc của bản văn ta, trong lo âu và cảm thương của ta đối với các gia đình trên thế giới. Có sự nguy hiểm khi nói tới 'gia đình' một cách trừu tượng, như một thực tại ở bên ngoài ta. Cần phải cố gắng nói tới 'các gia đình', tới 'các gia đình của chúng ta' trong thực tại cụ thể và cá thể của chúng. Ðặc biệt, cần phải làm dễ tình liên đới quốc tế giữa mọi gia đình Kitô hữu, ưu tiên cho các gia đình hiện đang bị bách hại, chiến tranh và bấp bênh.

Chúng ta cũng là người của đức tin. Cái nhìn của chúng ta được biến đổi bởi Tin Mừng đã chạm đến đời ta, bởi Con Thiên Chúa đã trở thành xác thịt vì ta, đã chết vì ta, hiện sống trong ta. Niềm tin này phải đào luyện cái nhìn của ta và giáo dục sự suy nghĩ của ta. Chúng ta không giả đò làm những nhà tâm lý học hay xã hội học hoặc kinh tế học, cho dù một số trong chúng ta được đào tạo cao trong các lãnh vực này. Chúng ta, trước nhất, phải như những người của đức tin, và điều này phải được nhìn thấy ngay trong phần thứ nhất của bản văn có tính phân tích của ta.

Cuối cùng, chúng ta là những mục tử. Nỗi lo lắng của chúng ta là sứ mệnh mà Chúa Kitô ủy thác cho Giáo Hội của Người, một sứ mệnh là chính Giáo Hội, phải càng ngày càng được thể hiện trong chính thế giới của chúng ta hôm nay. Mọi cố gắng của Thượng Hội Ðồng phải hướng về cố gắng này. Mọi bản văn được ta khai triển phải được thúc đẩy bởi quan tâm nền tảng này. Cách riêng, chúng tôi muốn giúp các gia đình của chúng ta trả lời được hai câu hỏi. Một câu hỏi về ơn gọi: 'Gia đình, ngươi là ai?' Và câu hỏi kia là về sứ mệnh: 'gia đình, ngươi làm gì?' Mọi việc khác, dù đáng lưu ý bao nhiêu, chỉ là thứ yếu. Bản văn của ta phải được thanh lọc theo tiêu chuẩn này. Nhất là, ta hãy nhớ rằng mục vụ gia đình không phải chỉ là hành động của Giáo Hội định chế thực hiện cho các gia đình, mà là hành động của Giáo Hội thể hiện trong gia đình và do gia đình. Ðó mới là điều mới mẻ thực sự của nền mục vụ gia đình mà chúng ta được kêu gọi khai triển tại Thượng Hội Ðồng này.

Bản văn sau cùng của chúng ta phải "đem cái tâm" đến cho các gia đình của chúng ta, phải biểu lộ lòng tin tưởng chúng ta hằng ấp ủ cho họ, phải làm sống dậy niềm tin tưởng của họ đối với chúng ta. Cần phải tránh, đừng để một số người cảm thấy bị "loại bỏ" khỏi các lo lắng quan tâm của ta, vì mọi gia đình đều tham dự vào sứ mệnh của Giáo Hội! Chúng ta hãy nhớ rằng các gia đình trong Thánh Kinh cũng thường gặp trục trặc (dysfonctionnelles); tuy nhiên, Lời Thiên Chúa vẫn đã thể hiện nơi họ và do họ. Thiên Chúa có thể thực hiện cùng một kỳ công như thế một lần nữa trong thời đại ta.

Việc phân tích của chúng ta phải sáng suốt, vì chúng ta muốn rằng nền mục vụ của chúng ta được bám rễ sâu trong thực tại. Cách riêng, ta cần thừa nhận rằng nhân học tiềm ẩn trong nền văn hóa của chúng ta không hề gần gũi với viễn kiến Kitô Giáo. Việc nó nhấn mạnh tới cá nhân, được phú bẩm thứ tự do vô giới hạn, thường được liên kết với chủ nghĩa duy tương đối luân lý, hoàn toàn trái ngược với xác tín của ta là con người nhân bản được tạo nên để hiện hữu trong tương quan, phù hợp với hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Gia đình còn hơn một đơn vị căn bản của xã hội: nó là tử cung của con người nhân bản đang thành hình. Phải làm tất cả để khuyến khích các mối tương quan nhân bản và các cộng đồng.

Việc phân tích của chúng ta sẽ có lợi nếu biết nhận ra các thúc đẩy thực sự có tính nhân bản và nhân bản hóa đang nâng đỡ các đặc điểm của nền văn hóa đương thời nhưng đã bị tội lỗi xoay hướng hay làm thành đồi bại (trong Thánh Kinh, 'phạm tội' có nghĩa là 'lỡ mục đích của mình'). Thành thử, đối với chủ nghĩa duy cá nhân, ta hãy nhận ra điều này: nó phát xuất từ cuộc tìm kiếm tính chân chính đầy cao thượng (Thiên Chúa há chẳng muốn mỗi ngưởi chúng ta trở nên chân chính trọn vẹn đó sao, Người há không dành cho mỗi người một ơn gọi đặc thù đó sao?) Nhưng sự tìm kiếm này, khi quên mất bản chất cực kỳ có tính tương quan của con người nhân bản, khi quên mất chân trời siêu việt bao quanh thế giới của mình, sẽ rơi vào thứ chủ nghia duy cá nhân dẫn tới một niềm cô quạnh gia trọng và đau đớn. Chính trong thế giới khao khát các tương quan đích thực này mà gia đình có thể tự xác nhận mình là một Tin Mừng.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh hai khía cạnh của nền văn hóa mới này, nền văn hóa làm chúng tôi bận tâm sâu xa. Khía cạnh thứ nhất là việc xuất hiện của điều xem ra là một ý thức hệ mới mà người ta thường gọi là ý thức hệ phái tính. Các lý thuyết khác nhau về phái tính này đã được khai triển trong xã hội học và trong triết học, tìm cách phân tích một số hiện tượng nhân bản và xã hội có thể làm giầu cái hiểu của ta về thế giới. Nhưng khi các lý thuyết này trở thành tuyệt đối, chúng có khuynh hướng sản sinh ra một hệ thống tư tưởng độc đáo muốn xóa bỏ mọi điều có trước nó. Khi tìm cách áp đặt một quan điểm chuyên bác bỏ mối tương quan giữa bản sắc tính dục và hữu thể tính dục là chính chúng ta trong thân xác mình, nó đã làm gia đình, tư cách làm cha mẹ, tình yêu nhân bản tan rã khỏi điều cao thượng và nhân bản hóa bậc nhất của nó.

Khía cạnh thứ hai cũng làm chúng tôi bận tâm rất nhiều là việc khai triển các kỹ thuật đạo đức sinh học, cho phép người ta tháo gỡ và ráp lại chính sinh vật. Cả ở đây nữa, chúng ta cũng ca ngợi thiên tài của con người đã giúp ta hiểu được cơ cấu vật lý và sinh học của thế giới này đến những chi tiết cực vi nhất. Nhưng các khả năng thao túng của chúng ta đã vượt quá sự khôn ngoan của chúng ta. Việc sinh vô tính, những người đẻ giùm, việc thao túng di truyền học đối với cả các tế bào sinh sản, tất cả những điều này có nguy cơ tạo ra một thế giới trong đó, ta không còn có thể nói điều gì là nhân bản nữa. Ðứng trước hai thực tại này, chúng ta phải hết sức cảnh giác và tỏ thái độ rõ rệt. Chúng tôi muốn nói điều đó.

Chúng ta hãy trở lại với bản văn của chúng ta. Chúng tôi yêu cầu ban soạn thảo chuẩn bị phần nhập đề mới cho bản văn sau cùng, là bản văn không còn dùng để làm việc nữa. Phần nhập đề này phải nhanh chóng phác thảo phương pháp luận 'nhìn xem - phán đoán - hành động' sẽ được khai triển sau đó trong bản văn. Nó phải vạch rõ sợi dây nối kết giữa Thượng Hội Ðồng về tân phúc âm hóa, Evangelii Gaudium và Thượng Hội Ðồng này về gia đình.

Xin được nói ít lời về phương pháp mà chúng ta đang theo. Chúng tôi đánh giá cao các góp ý ngắn hơn và có tập chú hơn tại các buổi họp toàn thể. Chúng tôi cũng đánh giá cao không kém thì giờ dành cho các nhóm nhỏ. Chúng tôi khuyến khích ban phối hợp trong việc bảo đảm việc tương tác đi về giữa các nhóm nhỏ, các nhóm lớn và ủy ban soạn thảo: đây chính là thách đố của tính công đồng và sự hiệp thông.

Việc trao đổi của chúng tôi được phong phú hóa nhờ sự đa dạng rất lớn về văn hóa và nghi lễ của nhóm chúng tôi, nó giúp chúng tôi ý thức được sự cần thiết phải duy trì sự phụ đới lành mạnh trong Giáo Hội, biết thừa nhận sự đóng góp quan trọng của các hội đồng giám mục quốc gia.

Sau cùng, chúng tôi tin tưởng vào Chúa Thánh Thần. Chính từ sự trao đổi quan điểm và sự ngỡ ngàng vì kình chống đã nẩy sinh ra ánh sáng, đã mạc khải cho chúng tôi 'các điều ngạc nhiên của Thiên Chúa' mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô rất thích nói với chúng ta. Vâng, chúng ta hãy tin tưởng vào Thần Khí.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page