Lịch sử tượng và Ðền thánh Ðức Mẹ Bác Ái

ở Mỏ Ðồng, Cuba

 

Lịch sử tượng và Ðền thánh Ðức Mẹ Bác Ái ở Mỏ Ðồng, Cuba.

Santiago De Cuba (Vat. 21-09-2015) - Chiều thứ hai, 21 tháng 9 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã từ thành phố Holguín bay đến Santiago ở mạn cực nam Cuba, chặng thứ 3 và cũng là chặng chót trong chuyến viếng thăm 3 ngày của ngài tại Cuba.

Tại Santigio, thành phố 400 ngàn dân cư, vào lúc 7 giờ tối Ðức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Cuba tại đại chủng viện thánh Basil Cả, rồi cùng với các vị cầu nguyện tại Ðền thánh Ðức Mẹ Bác Ái Mỏ Ðồng, Bổn mạng của Cuba. Sáng thứ ba, 22 tháng 9 năm 2015, vào lúc 8 giờ, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Vương cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Bác Ái, trước khi gặp gỡ các gia đình tại Nhà thờ chính tòa Ðức Mẹ Mông Triệu của tổng giáo phận Santiago, rồi ra phi trường để bay sang Mỹ.

Trong cuộc viếng thăm của 3 vị Giáo Hoàng tại Cuba, từ Ðức Gioan Phaolô 2, đến Ðức Biển Ðức 16, rồi tới Ðức đương kim Giáo Hoàng, đều có cuộc kính viếng Ðền Thánh Ðức Mẹ Bác Ái Mỏ Ðồng ở Santiago.

Vài nét lịch sử của tượng Ðức Mẹ và Ðền Thánh Ðức Mẹ Bác Ái

Cách đây 403 năm, tức là vào năm 1612, Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã muốn biểu lộ tình thương của Người cho con cái ở lãnh thổ Cuba. Tài liệu về sự tích này có từ năm 1687, dựa theo lời kể của ông Juan Moreno, một người nô lệ da đen. Khi lên 10 tuổi, Juan cùng hai anh em thổ dân bản xứ là Juan và Rodrigo de Hoyos, ở làng Nipe, đi tìm muối, và họ đã vớt một tượng Ðức Mẹ ở khu vực Vịnh Nipe thuộc mạn đông bắc quần đảo Cuba.

Khi kể lại chuyện này thì Ông Juan Moreno bấy giờ đã 85 tuổi và là người duy nhất còn sống sót sau biến cố ấy. Ông thuật lại những ký ức thời thơ ấu với một giọng đơn sơ của những người khiêm hạ, và nói:

"Một buổi sáng, biển lặng, họ ra khỏi một đảo nhỏ của Pháp để tìm muối, trước khi mặt trời mọc, hai anh Juan và Rodrigo de Hoyos cùng với người kể lại đây. Khi cả ba lên một xuồng và rời đảo Pháp, thì thấy một vật gì màu trắng cạnh những bọt biển và họ không phân biệt vật ấy là gì. Khi đến gần hơn, họ có cảm tưởng đó là một con chim và những cành cây. Những người thổ dân ấy nói: "Hình như là một bé gái", nhưng khi đến nơi, họ thấy đó là một tượng Ðức Mẹ rất thánh tay bồng Chúa Hài Ðồng Giêsu, bên dưới có một bảng nhỏ có những chữ lớn mà Rodrigo de Hoyos đọc lên: "Ta là Ðức Trinh Nữ Bác Ái". Và mặc dù áo của pho tượng bằng vải, cả ba đều ngạc nhiên vì áo ấy không bị ướt, và đầy vui mừng, họ trở về và họ chỉ lấy 1 phần 3 số lượng muối mà thôi".

Ít lâu sau, pho tượng Ðức Mẹ cao 60 centimét ấy được đưa về làng El Cobre, là nơi có mỏ đồng lộ thiên đầu tiên tại Mỹ châu. Từ sau vụ tìm được tượng Ðức Mẹ, lòng sùng mộ đối với Ðức Mẹ Bác Ái lan rộng mau lẹ trên toàn đảo, mặc dù việc thông tin và giao thông khó khăn.

Thoạt đầu các thổ dân khám phá pho tượng đã dựng một chòi đầu tiên tại "Hato de Bajaragua" để đặt "Bà thánh" ở trong đó. Năm 1648, một chiếc am nhỏ được dựng lên và 32 năm sau đó, 1680, một nhà thờ nhỏ được kiến thiết.

Thiết lập đền thánh

Qua dòng thời gian, nhiều nhà nguyện khác nhau và nhà thờ nhỏ đã được dựng lên tại đây, nhưng do điều kiện khí hậu, các nơi thờ phượng này dễ bị hư hỏng, nên các tín hữu đã quyết định xây thánh đường mới cho tượng Ðức Mẹ mà họ gọi bằng danh từ thân mật là "Cachita". Nhiều lần, tượng Ðức Mẹ được giữ trong các ngôi nhà nghèo nàn của các nông dân và những người thợ mỏ.

Người ta phải đợi gần 2 thế kỷ mới có được một đền thánh đầu tiên được kiến thiết vào cuối năm 1800. Năm sau đó, tại Ðền thánh này có tuyên đọc "Hiến chương tự do cho những người nô lệ ở Mỏ Ðồng", nhờ sự vận động và can thiệp của Linh Mục tuyên úy Alejando Escanio.

106 năm sau đó, tức là 1906, Ðền thánh ấy hoàn toàn bị phá hủy vì những vụ nổ và lở đất ở mỏ đồng. Với thời gian, người ta kiếm được một khu đất vộng lớn hơn để xây Ðền thánh trên núi "La Cantera", đúng hơn là một ngọn đồi nhỏ gọi là "Maboa" có thể tiếp đón số tín hữu hành hương ngày càng gia tăng.

Những nhân vật nổi bật trong lịch sử Cuba, trong đó có các vị lập quốc và những người giữ vai chính trong việc dành độc lập cho Cuba, như ông Carlos Manuel de Céspedes, và tượng Calixto García, là những người rất gắn bó với Ðức Mẹ Bác Ái. Ông Manuel de Céspedes là người đã giải phóng và dành độc lập cho Cuba, đồng thời cũng là người cổ võ bãi bỏ chế độ nô lệ. Ông đến hành hương tại Ðền thánh để cầu nguyện trước tượng Ðức Mẹ cho nền tự do của Cuba. Sau khi chiến thắng, ông lại đến Ðền thánh Ðức Mẹ Bác Ái để cảm tạ vì ơn tự do cho Cuba.

Vào cuối năm 1895, tướng Calixto García đã cử tướng Agustin Cebreco và bộ tham mưu của ông đến Ðền thánh để cử hành lần đầu tiên "Lễ Ðức Trinh Nữ Bác ái của Cuba tự do". Biến cố này được coi là cử chỉ chính thức đầu tiên của nước Cuba độc lập.

Ngày 12 tháng 7 năm 1898, tại Ðền thánh đã cử hành thánh lễ tạ ơn vì cuộc giải phóng Cuba, trước sự hiện diện của các vị sĩ quan Quân đội giải phóng.

Trong thời chiến tranh dành độc lập, các đoàn quân phó thác cho Ðức Mẹ Bác Ái. Năm 1915, sau chiến tranh độc lập, các cựu chiến binh xin Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức 15 tuyên bố Ðức Mẹ Bác Ái ở làng El Cobre là Bổn mạng của Cuba. Trong một văn kiện ngày 10 tháng 5 năm 1916, Ðức Hồng Y Giám Mục giáo phận Ostia, thông báo rằng Ðức Giáo Hoàng đã chấp thuận lời thỉnh cầu và tuyên bố Ðức Mẹ Bác Ái Mỏ Ðồng là Bổn Mạng chính của Cộng hòa Cuba, và ấn định ngày lễ là 8 tháng 9 hằng năm.

Ngày 8 tháng 9 năm 1927, Ðền thánh mới dâng kính Ðức Mẹ Bác Ái được thánh hiến và tượng Ðức Mẹ Bác Ái được rước đến đây.

Tượng Ðức Mẹ này được Ðức Cha Valentín Zubizarreta, Tổng Giám Mục giáo phận Santiago de Cuba sở tại, đội triều thiên ngày 20 tháng 12 năm 1936.

Vương cung thánh đường quốc gia

Ngày nay, Vương cung thánh đường Ðền thánh quốc gia Ðức Mẹ Bác Ái Mỏ Ðồng là một nhà thờ có hình thánh giá latinh, với 3 gian, mặt tiền cân đối và có một mái vòm. Cả hai gian bên hông cũng có mái vòm, nhưng nhỏ hơn, và tại đây có các quả chuông. Ðền thánh có 8 cửa và một tiền đường phía trước dài 240 mét và rộng 15 mét. Có nhiều bậc thang dẫn lên tiền đường này. Bàn thờ chính của thánh đường được làm bằng nhiều loại cẩm thạch và phía trên bàn thờ có giữ tượng Ðức Mẹ.

Dưới bàn thờ Ðức Mẹ trong Ðền Thánh, có một nhà nguyện phép lạ, là nơi giữ các đồ dâng cúng Ðức Mẹ và nhiều vật dụng khác do các tín hữu mang đến để tạ ơn Ðức Mẹ.

Ngày 24 tháng 1 năm 1998, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 cũng đã đến viếng thăm tại tổng giáo phận Santiago de Cuba này, một thành phố lớn thứ hai của Cuba với 400 ngàn dân cư, cách thủ đô La Habana 750 cây số về mạn đông nam.

Hồi đó, Ðức Cố Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ tại Santiago de Cuba trước sự tham dự của hơn 200 ngàn tín hữu. Thánh lễ được cử hành với chủ đề "Sự hiện diện của Mẹ Maria trong lịch sử quốc gia Cuba. Tượng Ðức Mẹ Bác Ái đã được rước từ Ðền thánh và đặt trên lễ đài gần bàn thờ. Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có 14 Giám Mục Cuba, và hàng trăm Hồng Y, Giám Mục khách, đến thăm Cuba trong dịp trọng đại này, cùng với đông đảo các linh mục.

Ngày 26 tháng 3 năm 2012, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã đến kính viếng Ðức Mẹ Bác Ái mỏ đồng và cử hành thánh lễ trước 200 ngàn tín hữu trước tượng Ðức Mẹ. Trong số những người hiện diện cũng có Chủ tịch Raúl Castro 80 tuổi và một số quan chức chính quyền Cuba.

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha Biển Ðức nói: "Tôi rất vui mừng chia vui với anh chị em về việc mừng 400 năm tìm thấy tượng Ðức Mẹ Bác Ái "Mỏ Ðồng". Ngay từ đầu, Ðức Mẹ đã hiện diện sâu rộng trong đời sống bản thân của người dân Cuba, trong các biến cố lớn của đất nước, đặc biệt là trong nền độc lập, được mọi người tôn kính như người Mẹ đích thực của dân tộc Cuba. Lòng sùng kính đối với Ðức Mẹ "Mambisa" đã nâng đỡ đức tin và khuyến khích bảo vệ cũng như thăng tiến những gì làm cho thân phận con người được xứng đáng hơn và các quyền căn bản của con người, và còn mạnh mẽ tiếp tục ngày nay, chứng tỏ một cách cụ thể về sự rao giảng Tin Mừng một cách phong phú tại lãnh thổ này, cũng như những căn cội Kitô sâu xa, tạo nên căn tính sâu đậm hơn của tâm hồn người Cuba. Theo vết bao nhiêu tín hữu hành hương qua dòng lịch sử, tôi cũng muốn đến Mỏ Ðồng để phủ phục dưới chân Mẹ Thiên Chúa, để cảm tạ Mẹ vì Mẹ đã can thiệp bênh đỡ mọi người con Cuba của Mẹ và xin Mẹ chuyển cầu, hướng dẫn hành trình của đất nước yêu quí này trên con đường công lý, hòa bình, tự do và hòa giải."

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page