Khóa học trừ quỷ

và cầu nguyện giải thoát

 

Khóa học trừ quỷ và cầu nguyện giải thoát.

Phỏng vấn Cha Benigno Palilla.

Roma (RG 11-04-2015; Vat. 22-04-2015) - Trong các ngày ngày 13 đến 18 tháng 4 năm 2015 khóa học lần thứ 10 về "Trừ qủy và cầu nguyện giải thoát " đã khai diễn tại Ðại học Nữ Vương Các thánh Tông Ðồ của dòng Ðạo Binh Chúa Kitô ở Roma. Năm 2015 có 160 tham dự viên gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Khóa học gồm nhiều bài thuyết trình và các cuộc thảo luận bàn tròn, liên quan tới các vấn đề như: Thuyết công truyền, ma thuật, thần bí, tôn thờ Satan và trừ qủy trong các tài liệu của vài Hội Ðồng Giám Mục; Trừ quỷ và việc tái rao giảng Tin Mừng; Các thiên thần và ma quỷ trong Thánh Kinh và trong huấn quyền của Giáo Hội; Ma quỷ và việc trừ quỷ trong các nền văn hóa và tôn giáo đông phương; Ma qủy và việc trừ qủy trong Hồi giáo; Việc phân định hoạt động ngoại thường của qủy; Các dấu hiệu thiết định của Sách Nghi thức Roma giúp nhận biết qủy nhập; Lời cầu nguyện giải thoát; Lời cầu nguyện giải thoát: việc tiếp cận thần học và mục vụ; Việc cử hành trừ quỷ: Thực hành phụng vụ và luật đức tin; Các vấn đề pháp lý của việc trừ quỷ; Vài khiá cạnh trên bình diện luật phụng vụ và giáo luật; Các bản chất tâm lý hoạt động trong các nhóm duy linh và các phụng tự tàn phá; Các khía cạnh tâm lý của việc lèo lái trí óc; Các rối loạn tâm lý và việc lượng định khác biệt; Các khía cạnh tâm thần: chẩn đoán khác biệt giữa các hiện tượng thuộc trật tự tự nhiên và một trật tự khác; Thuyết thần bí: giữa các giáo phái tôn thờ Satan và các biểu lộ ma quỷ; Các nghi lễ ma thuật-thần bí và ảnh hưởng của ma quỷ; Các khiá cạnh tội phạm của chủ thuyết tôn thờ Satan; Các khía cạnh tư pháp và luật lệ; Thần học về việc trừ quỷ như bí tích; Các khiá cạnh ma thuật và bói toán của vài liệu pháp thay thế; Các Thánh và các giáo phụ của sa mạc và hoạt động ngoại thường của ma quỷ; Các khía cạnh mục vụ và tu đức của việc trừ quỷ; Các tiêu chuẩn phân định liên quan tới các kỹ thuật đông phương và việc chữa lành; Các đóng góp khoa học và điều tra đối với thừa tác trừ quỷ; Hội luận bàn tròn với các chuyên viên trừ quỷ.

Mục đích khóa học do Bộ Giáo Sĩ bảo trợ là cống hiến cho các tham dự viên sự hiểu biết về mục vụ trừ quỷ trên bình diện thần học và khoa học, đồng thời cũng cảnh báo mọi người chống lại việc phổ biến khoa huyền bí, bí truyền và tôn thờ Satan. Ðức Thánh Cha Phanxicô hay đề cập tới ma qủy, nhưng trong Giáo Hội nói chung xem ra người ta càng ngày càng ít nói tới ma quỷ, như cha Benigno Palilla, một trong các thuyết trình viên tham dự khóa học khẳng định trong bài phỏng vấn dành cho phái viên Federico Piana của đài Vaticăng ngày 11 tháng 4 năm 2015.

Ma qủy không còn là một tưởng tượng của thời trung cổ nhưng là một đe dọa cụ thể và thời sự hơn bao giờ hết. Chính các thuyết trình viên các khóa học trừ quỷ khẳng định như thế. Bằng chứng là con số các lời xin can thiệp cho những người bị quỷ nhập gia tăng.

Khóa học chỉ có giá trị hàn lâm, để có thể thực hành việc trừ qủy các linh mục tu sĩ cần phải có phép của các Giám Mục liên hệ.

Linh Mục Cesar Truqui, thuộc dòng Ðạo Binh Chúa Kitô, cho biết không thể nói rằng số người bị qủy nhập gia tăng, nhưng trong mười năm qua số lần xin can thiệp đã gia tăng khá nhiều, đến độ trong giáo phận Roma chẳng hạn một trên ba ba cú điện thoại gọi tới là để xin trừ quỷ. Có nhiều dấu hiệu khác nhau cho biết việc qủy nhập, hay quỷ ám: từ sự im lặng khăng khăng cho tới các biểu lộ sức mạnh phi thường, cho tới khả năng nói thông thạo các thứ tiếng không biết và không học bao giờ, hay các thay đổi nhiệt độ trong người vv# Trong số những người bị ma quỷ cám dỗ nhiều nhất có người trẻ và rất trẻ. Cha Truqui nói nguy cơ đối với giới trẻ liên quan tới các hoạt động cực đoan. Trong các tổ chức tôn thờ Satan lưu hành rất nhiều chất ma tuý và tình dục vượt ngoài mọi kiểm soát là những thứ rất lôi cuốn giới trẻ. Người ta đề nghị với người trẻ thành công không công trạng gì, giầu có mà không phải làm việc, và thú vui vô hạn: đó là giấc mơ của mọi người trẻ, nhưng đó là những điều không hiện hữu.

Một vị khác có nhiệm vụ tổ chức khóa học cho biết Ma quỷ rất thông minh, nó thay đổi các chiến thuật. Khuynh hướng công truyền, thần bí, tôn thờ Satan và các hình thức ma thuật khác nhau rất hiện diện trong các phương tiện truyền thông và các mạng lưới xã hội lôi cuốn người trẻ và dẫn họ tới các lựa chọn nguy hiểm có thể làm hại họ. Các hiểm nguy cũng đến từ các mạng Internet và âm nhạc che dấu các sứ điệp mời gọi tôn thờ Satan và theo các nghi thức có thể trở thành bạo lực. Việc trừ quỷ có thể giúp các bạn trẻ này thoát khỏi các hiện diện ma quỷ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của cha Benigno Palilla.

Hỏi: Thưa cha, tại sao trong Giáo Hội nói chung chúng ta lại ít nói tới ma quỷ như vậy, trong khi ma qủy liên lỉ hoạt động và đánh phá Giáo Hội và cuộc sống con người?

Ðáp: Lý do có lẽ là vì chính chúng tôi là các linh mục tu sĩ mà chúng tôi cũng ít khi đề cập đến thực tại này, khi Phụng Vụ cho phép chúng tôi làm điều đó. Ma quỷ hiện hữu thực sự, như dậy trong sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo công bố dưới triều đại của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nghĩa là cả khi người bình luận về Kinh Lậy Cha "xin giải thoát chúng con khỏi kẻ dữ". Malum trong tiếng Latinh là kẻ dữ. Và Giáo Lý giải thích rằng nó là một bản vị: là kẻ dữ, là kẻ cám dỗ mà Chúa Giêsu nói tới. Tôi ý thức được rằng ai đã không tiếp xúc với thực tại này, thì đương nhiên là gặp khó khăn. Như là chuyên viên kinh thánh tôi cũng đã có kinh nghiệm vì đã tham dự ba vụ trừ qủy. Tôi đã không bao giờ trừ quỷ, nhưng tôi đứng chứng kiến và tôi tự nhủ thầm: "Coi đấy, một đàng là học trong sách vở, đàng khác là găp gỡ thực tại này". Vũ khí nguy hiểm nhất trong tay ma quỷ không phải là việc chiếm hữu, xúc phạm và làm ô nhiễm con người, vũ khí nguy hiểm nhất mà ma qủy cầm trong tay là cám dỗ con người phạm tội. Với tội lỗi ma quỷ thực sự chiếm hữu được chúng ta, và chúng ta bước vào trong quyền lực của nó.

Hỏi: Trừ qủy là gì? Rất thường khi người ta im lặng không nói tới đề tài này: có phải người ta chối bỏ ma qủy, rồi người ta cũng chối bỏ luôn việc trừ qủy và cầu nguyện giải thoát hay không thưa cha?

Ðáp: Trừ qủy là một lời cầu công khai của Giáo Hội và vì thế là lời cầu của Phụng Vụ. Trong lúc đó vị trừ qủy đại diện toàn thể Giáo Hội xua trừ qủy dữ, nhân danh Thiên Chúa, qua một lễ nghi rất chính xác. Trái lại, lời cầu nguyện giải thoát thì khác, bởi vì lời cầu nguyện giải thoát là một lời cầu nguyện tư, nghĩa là cá nhân cầu nguyện, nhưng không phải với lời cầu nguyện chính thức của Giáo Hội, nhưng có thể là một lời cầu nguyện tự phát hay có thể lấy vài thánh vịnh trong Thánh Kinh, một lời cầu nguyện riêng tư.

Hỏi: Vậy người ta chỉ trừ qủy trong những trường hợp đặc biệt thôi hay sao thưa cha?

Ðáp: Chắc chắn rồi, không thể bắt đầu tiến trình trừ qủy, nếu không chắc chắn là chúng ta đang đứng trước một vụ qủy nhập, một vụ qủy xúc phạm. Trừ qủy trong hình thức cầu khấn - tôi không nói tới hình thức ra lệnh - có thể cũng được dùng như là một dụng cụ chẩn đoán, có nghĩa là vài yếu tố, tiêu biểu của một sự chiếm hữu của qủy hay việc xúc phạm của nó, xuất hiện nhất là trong khi trừ qủy. Nghĩa là trong việc trừ quỷ, ma quỷ nếu có thì bị lột mặt nạ một cách dễ dàng.Thế rồi nhất là chúng tôi nhận ra sự kháng cự của người bị quỷ nhập hay quỷ ám đối với sự thánh thiêng. Thêm vào đó tôi còn có một yếu tố mà vị thầy của tôi là cha Matteo Ragrua đã dậy cho tôi: đó là các câu trả lời từ phiá người bị quỷ nhập , mà một bác sĩ sẽ nói rằng đó là hiện tượng nhân đôi nhân vật, nhưng các câu trả lời này đôi khi rất sâu sắc trên bình diện thần học.

Hỏi: Các câu trả lời cả trên bình diện thần học nữa, vì Ma Quỷ là một nhà thần học tinh tế, chúng ta phải nói như thế có đúng không thưa tu huynh?

Ðáp: Vâng, đúng vậy. Vì thế chúng ta hiểu ngay đó không phải là một bệnh hay hiện tượng nhân đôi nhân vật, nhưng chính là nhân vật mà Thánh Kinh nói tới, tức là ma quỷ. Chẳng hạn tôi nhớ có một trường hợp chuyên biệt, trong hoàn cảnh đó người này, như là nhân vật được nhân đôi, nói với tôi rằng: "Người này là của tao, tao không cho mày đâu". Tôi đã nói: "Coi này, nếu Chúa Giêsu đã nói thì tao sẽ hiểu, bởi vì Ngài đã trao ban sự sống. Mày đã làm gì cho người này để có thể nói họ là của mày?". Nó trả lời: "Tao thù ghét". "Nhưng mà khi thù ghét thì mày được lợi lộc gì?" "Chẳng được lợi lộc nào cả".

Trên bình diện thần học, một người có bệnh không thể đưa ra câu trả lời này. Bởi vì cũng như Thiên Chúa không thể làm gì khác hơn là yêu thương - và khi yêu thương thì Ngài không được cái gì hết, bởi vì Ngài hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng, Ngài không thể dùng tất cả điều này cho hạnh phúc của Ngài - cũng thế Quỷ không biết làm gì khác hơn là thù ghét và khi thù ghét nó không được lợi gì hết, vì nó là sự thù ghét tinh tuyền.

Hỏi: Làm thế nào để tự bảo vệ khỏi tất cả những điều này thưa cha?

Ðáp: Tôi nghĩ rằng, cũng như các Giám Mục đã nói với chúng tôi, cần phải rao truyền Tin Mừng, rao truyền Tin Mừng, rao truyền Tin Mừng. Bởi vì có biết bao nhiêu người đi theo chủ thuyết huyền bí cũng là những người lui tới nhà thờ. Ðiều đó có nghĩa là việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta không thích đáng, cần phải nhấn mạnh trên điều này.

(RG 11-4-2015)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page