Ðức Phanxicô thẳng thừng gọi

cuộc bách hại người Ácmêni là tội diệt chủng

 

Ðức Phanxicô thẳng thừng gọi cuộc bách hại người Ácmêni là tội diệt chủng.

Roma (VietCatholic News 13-04-2015) - Cách nay 100 năm, Ðế Quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) đã sát hại khoảng 1.5 triệu người Ácmêni, một việc được Tòa Thánh coi là "tội diệt chủng đầu tiên của thời hiện đại".

Phụng vụ giáo hoàng ngày 12 tháng Tư năm 2015 là một phần trong chiến dịch bao quát hơn của người Ácmêni nhằm giữ cho các kỷ niệm đau thương của họ sống động. Chiến dịch này bao gồm việc kéo chuông tại các nhà thờ Ácmêni khắp thế giới vào ngày 23 tháng Tư năm 2015 lúc 19 giờ 15. Giờ này được chọn để tưởng niệm năm 1915 một cách biểu tượng. Các chuông khắp thế giới sẽ được vang lên, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi một số nhỏ các nhà thờ vẫn còn hoạt động, là sẽ ở yên lặng.

Ðức Phanxicô, từ lâu, vốn hiểu rõ nỗi thống khổ giáng xuống thiểu số Ácmêni tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài từng tổ chức một buổi phụng vụ đại kết để tưởng nhớ biến cố trên tại Buenos Aires năm 2006.

Dịp trên, Ðức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio tuyên bố rằng "Hôm nay chúng ta tới đây để cầu nguyện cho dân tộc này, một dân tộc vẫn chưa được thụ hưởng nhân quyền". Ngài kêu gọi "chấm dứt sự im lặng của đế quốc", có ý ám chỉ Ðế Quốc Ottoman và những người kế vị họ ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ngài cho hay: nhìn nhận những gì đã xẩy ra "sẽ đem lại bình an cho dân tộc Ácmêni".

Một triệu rưỡi người Ácmêni bị thảm sát

Các học giả tin rằng khoảng 1.5 triệu người Ácmêni đã chết vì các cố gắng nhằm xua đuổi họ và các nhóm thiểu số khác khỏi quê hương của họ tại Thổ Nhĩ Lỳ ngày nay sau Thế Chiến I. Biến cố này vốn được coi là tội diệt chủng đầu tiên của Thế Kỷ 20, và là tiền thân của những thảm khốc sau này như cuộc thảm sát của Quốc Xã Ðức và Khờme Ðỏ Cambodia.

Nhiều quan sát viên cũng thấy điển hình diệt chủng Ácmêni trong chiến dịch hiện nay của ISIS, một tổ chức tự xưng mình là "một chế độ vương giáo trị" (caliphate) mục đích là xua đuổi các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác khỏi các lãnh thổ nơi chúng hiện kiểm soát.

Lễ tưởng niệm của Ðức Giáo Hoàng vào ngày 12 tháng Tư năm 2015 chắc chắn sẽ gây tranh cãi ngoại giao vì Thổ Nhĩ Kỳ vốn chính thức nhấn mạnh rằng điều xẩy ra cách nay một thế kỷ chỉ là kết quả của nội chiến và bất ổn. Họ cho rằng con số tử vong của người Ácmêni đã bị thổi phồng. Vả lại, một số rất lớn người Thổ, người Kurds và người Ả Rập cũng đã chết trong dịp này.

Người ta có thể thoáng nhận ra tính nhậy cảm của vụ việc khi, trong cuộc viếng Thổ Nhĩ Kỳ 3 ngày vào năm 2014, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã không nhắc chi tới tội diệt chủng này. Khi được một phóng viên hỏi, ngài chỉ cho hay ngài hy vọng có được "những cử chỉ hòa giải nhỏ" như việc mở cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ/Ácmêni.

Khoảng 22 quốc gia, trong đó có Uruguay, Sýp, Nga, Ðức, Á Căn Ðình, Pháp, Ý, Venezuela và Vatican, chính thức nhìn nhận cuộc thảm sát này là diệt chủng. Ở Hoa Kỳ, hiện đang có một nghị quyết về vấn đề này tại Hạ Nghị Viện, dù 43 tiểu bang đã thông qua nghị quyết thừa nhận tội diệt chủng này. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn cực lực phản đối khi có một quốc gia nào sử dụng hạn từ này, trong đó, có việc họ gửi công hàm chính thức phản đối Ðức Phanxicô khi ngài sử dụng hạn từ này cách nay hai năm.

Nhà báo Ý, ông Marco Tosatti, người từng viết rộng dài về việc người Ácmêni bị bách hại dưới tay người Thổ, cho hay: đây không hẳn chỉ là cuộc tranh luận của các nhà sử học, mà là một vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ "phải chịu trách nhiệm về quá khứ của họ".

Tosatti nói rằng phần lớn lịch sử 600 năm của họ, Ðế Quốc Ottoman vốn tự hào về tính đa sắc tộc và đa tôn giáo của mình. Tuy nhiên, khi đế quốc này bắt đầu tan rã vào đầu thế kỷ 20, các kiến trúc sư của tân Thổ Nhĩ Kỳ, vốn theo chủ nghĩa duy quốc gia, quyết định rằng các nhóm thiểu số "cần phải ra đi... vì họ gây nan đề cho ý niệm về một quốc gia với một sắc tộc và một tôn giáo duy nhất".

Người Hy Lạp, người Bảo Gia Lợi và người Ácmêni ở Thổ Nhĩ Kỳ đều bị đặt dưới áp lực mạnh. Ðêm ngày 24 tháng Tư năm 1915, hơn 200 nhà lãnh đạo của cộng đồng Ácmêni tại nơi ngày nay có tên là Istanbul đã bị bắt và phần lớn bị hành quyết, khởi đầu cho một cuộc tàn sát có hệ thống và cưỡng bức rời cư kéo dài cho tới tận năm 1923.

Tạp chí của Dòng Tên, Civiltà Cattolica, gần đây có cho đăng các con số thống kê cho thấy: khi các vụ thảm sát trên bắt đầu, có 98,800 người Công Giáo Ácmêni sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ 33,900 người sống thoát. Trong số 156 nhà thờ và nhà nguyện, cuối cùng chỉ còn lại 20, và trong số 110 cơ sở truyền giáo, năm 1923, chỉ còn lại 10.

Theo Tossati, một trong các lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó thừa nhận tội diệt chủng là sự kiện: Nhà nước mới của Thổ Nhĩ Kỳ, thành lập năm 1923, đã vấy máu Ácmêni ngay trong các viên đá xây nền của họ.

Một nhân tố khác, theo ông, là sự kiện: ở Trung Ðông, một quốc gia chịu xin lỗi là một quốc gia tự đặt mình vào thế yếu. Tuy nhiên, ông bảo, ngay đối với nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ, không thể dấu mãi điều vốn đã hiển nhiên. Có nhiều tài liệu, kể cả cuốn nhật ký của một trong các cha đẻ của tân Thổ Nhĩ Kỳ, chi tiết hóa con số tử vong.

Lễ tưởng niệm ở Vatican diễn ra 12 ngày trước ngày thực sự kỷ niệm 100 năm. Tổ chức trước lễ này giúp mọi cộng đồng Ácmêni tham dự được Thánh Lễ do Ðức Phanxicô cử hành vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót.

Thượng Phụ Công Giáo Ácmêni là Nerses Bedros XIX, cùng với các giám mục Ácmêni, đều đã tham dự. Thượng Phụ Patriarch Karekin II của Giáo Hội Tông Truyền Ácmêni và Catholicos Aram I, đứng đầu Giáo Hội Catholicosate của Cilicia cũng đã tham dự.

Các vị giáo hoàng và cuộc thảm sát người Ácmêni

Trước khi được bầu làm giáo hoàng, Ðức Phanxicô đã nhắc tới tội diệt chủng người Ácmêni rồi, trong một loạt đàm thoại với người bạn Á Căn Ðình của ngài là Giáo Sĩ Do Thái Abraham Skorka, thu thập thành cuốn "Nói Về Trời và Ðất" xuất bản năm 2010. Vị giáo hoàng tương lai này nói rằng thế giới "rửa tay" trong khi vụ thảm sát hàng loạt này diễn ra.

Ngài vẫn duy trì lập trường trên khi lên ngôi giáo hoàng. Tháng Sáu năm 213, ngài chào mừng Nerses Bedros XIX Tarmouni, Thượng Phụ Công Giáo Ácmêni, tới Vatican trong một buổi yết kiến riêng, cùng đi có người con gái của một nạn nhân diệt chủng. Ðức Phanxicô cầm tay cô và nói với cô: "Cuộc diệt chủng của chúng con là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20".

Ngay sau đó, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ mô tả lời tuyên bố của Ðức Giáo Hoàng là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", khiến phát ngôn viên Tòa Thánh phải nói rằng nhận định này không hề là một tuyên ngôn chính thức hay công khai, và do đó, không tạo nên lời quả quyết công khai nào về việc thừa nhận tội diệt chủng.

Tuy nhiên, lời lẽ của Ðức Phanxicô hoàn toàn phù hợp với lời lẽ của các vị tiền nhiệm. Các vị này cũng từng lên tiếng đề cập tới việc tận diệt người Ácmêni có hệ thống.

Tháng 11 năm 2000, Ðức Gioan Phaolô II và Thượng Phụ Ácmêni Karekin II ký một tuyên bố chung nói rằng "cuộc diệt chủng Ácmêni, khởi đầu cho thế kỷ, là phần mở đầu cho những khủng khiếp tiếp theo".

Khi Ðức Gioan Phaolô II tới Ácmêni vào một năm sau, ngài tránh không dùng chữ "diệt chủng", mà chỉ dùng kiểu nói "Metz Yeghèrn" (Tội Ác Lớn Lao), vốn là từ được người Ácmêni dùng như đồng nghĩa với "diệt chủng".

Tuy thế, vào lúc kết thúc cuộc viếng thăm, Ðức Gioan Phaolô II và Karekin II đã ký một tuyên bố mới trong đó, các ngài lên án việc tận diệt 1.5 triệu Kitô hữu Ácmêni "trong điều thường được gọi là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20".

Tháng Ba năm 2006, khi Ðức Bênêđíctô XVI tiếp Thượng Phụ Ácmêni của Cilicia, ngài nói tới "cuộc bách hại kinh hoàng đã được lịch sử ghi lại dưới danh xưng đáng buồn là Metz Yeghèrn, tội ác vĩ đại".

80 năm trước đó, vào tháng Chín năm 1915, Ðức Bênêđíctô XV là vị quốc trưởng duy nhất công khai can thiệp cho người Ácmêni. Ngài gửi thư cho Vua Hồi Mohammed V trong đó, ngài làm nổi bật tính nghiêm trọng của các vụ thảm sát và yêu cầu chấm dứt chúng. Theo hồ sơ của Vatican, sau đó còn nhiều lá thư khác, nhưng không có kết quả gì.

Lá thư năm 1915 có đoạn viết: "chúng tôi được nghe biết trọn bộ dân số của nhiều làng mạc và thành phố đã bị buộc phải bỏ nhà cửa và đi tới những trại tập trung xa xôi một cách khổ cực và đau khổ không diễn tả nổi. Chúng tôi xin ngài vì lòng đại độ lớn lao xót thương và can thiệp cho dân tộc này".

Chưa có sự nhất trí hữu lý trong việc giải thích các biến cố

Theo Catholic World News, ngày 9 tháng Tư năm 2015, khi gặp các giám mục Ácmêni tới Rôma tham dự lễ tưởng niệm ngày 12 tháng Tư năm 2015, trong đó, Ðức Phanxicô tôn phong Thánh Grêgôriô thành Narek, người Ácmêni, lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh, Ðức Giáo Hoàng cho hay: cuộc diệt chủng người Ácmêni năm 1915 "đặt trước chúng ta bóng tối mysterium iniquitatis (mầu nhiệm tội ác). Ngài cầu xin để buổi lễ tưởng niệm này sẽ "hàn gắn mọi vết thương và đẩy nhanh các cử chỉ cụ thể của hoà giải và bình an giữa các quốc gia vẫn chưa lo liệu để đạt tới sự nhất trí hữu lý trong việc giải thích các biến cố đau buồn này".

Ðức Phanxicô ca ngợi người Ácmêni, vì việc họ trở lại Kitô Giáo năm 301 đã đánh dấu buổi đầu của một lịch sử lâu dài và đáng tự hào đem đến cho các Kitô hữu ngày nay "một gia tài linh đạo và văn hóa diệu kỳ". Nhưng ngài nhận định rằng ngày nay một số Kitô hữu Ácmêni sống ở nước ngoài, một lần nữa, đang gặp nguy hiểm, nhất là tại những nơi như Aleppo, Syria, "nơi 100 năm trước đây vốn là nơi nương thân an toàn của một số ít người sống sót" cuộc diệt chủng của các nhà cai trị Thổ Nhĩ Kỳ.

Ði dây

Viết về cuộc gặp gỡ với các giám mục Ácmêni ngày 9 tháng Tư, Inés San Martín cho rằng: Ðức Phanxicô vẫn muốn tránh không sử dụng chữ "diệt chủng", chỉ nói tới "tử đạo và bách hại" mà thôi.

Theo cô, Ðức Phanxicô bị dính cứng giữa hai thực tại: muốn thừa nhận tai họa từng giáng xuống thiểu số Ácmêni của Thổ Nhĩ Kỳ cách nay 100 năm như là một báo trước cuộc bách hại các Kitô hữu hiện nay ở Trung Ðông, nhưng đồng thời không muốn làm phật lòng một quốc gia vốn có triển vọng hơn cả trong chính sách ôn hoà giữa lòng thế giới Duy Hồi Giáo.

Cô cũng tiên đoán rằng Ðức Phanxicô sẽ không sử dụng từ diệt chủng trong nghi thức Chúa Nhật khi ngài chính thức cử hành việc tưởng niệm biến cố đau thương này. Tuy nhiên, một thành viên trong cộng đồng Ácmêni tại Rôma cho hay nguyên sự kiện cử hành thánh lễ để tưởng niệm biến cố đã là một lập trường chính trị rồi. "Bất kể ngài có dùng từ diệt chủng hay không, chắc chắn sẽ có phản ứng". Mà dù ngài có sử dụng từ diệt chủng vào Chúa Nhật chăng nữa, thì cũng vẫn không phải là lần đầu tiên.

Gọi đích danh

Bản tin Zenit ngày 12 tháng Tư năm 2015, tường thuật Thánh Lễ Tưởng Niệm tại Vatican cùng ngày, quả quyết "Ðức Giáo Hoàng Gọi Vụ Thảm Sát Người Ácmêni Là Diệt Chủng".

Trong Thánh Lễ trên, Ðức Phanxicô nói rằng "che dấu hay bác bỏ tội ác giống việc để vết thương tiếp tục chẩy máu mà không chịu băng bó nó!". Và trong sứ điệp gửi Người Ácmêni, ngài gọi vụ thảm sát 1.5 triệu người Ácmêni là diệt chủng. Ngài nói: "Trong thế kỷ trước, gia đình nhân loại chúng ta đã sống qua ba thảm kịch lớn lao và chưa có tiền lệ. Thảm kịch thứ nhất, vốn được nhiều người coi là 'cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20', giáng xuống dân tộc Ácmêni, quốc gia Kitô Giáo đầu tiên". Tuy được trích từ bản tuyên ngôn chung do Ðức Gioan Phaolô II và Thượng Phụ Tối Cao Ácmêni Karekin II ký năm 2001, các lời lẽ mạnh mẽ này đã làm Thổ Nhĩ Kỳ phẫn nộ đến phải cho mời đại diện của Tòa Thánh tới Ankara để phản đối.

Thực vậy, các tường trình cho hay: chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cho mời Ðức Tổng Giám Mục Antonio Lucibello, Ðại Diện Tòa Thánh, tới để hạch hỏi sau khi nghe Ðức Phanxicô gọi cuộc thảm sát là diệt chủng, một điều chính phủ này luôn luôn tìm đủ mọi cách để bác bỏ.

Khi CNA gọi điện thoại tới Tòa Ðại Sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Vatican, thì họ từ chối không bình luận gì, nhưng tòa sứ thần Tòa Thánh tại Ankara thì xác nhận: Ðức Sứ Thần có bị chính phủ Thổ mời tới.

Trong khi đó, Bộ Ngoại Giáo Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố bày tỏ "sự thất vọng và buồn sầu" của họ trước lời nhận xét của Ðức Giáo Hoàng. Họ cho rằng các lời lẽ của ngài chứng tỏ sự mất tín nhiệm lẫn nhau và đi ngược lại sứ điệp hòa bình của chính ngài.

Bộ trên cũng cho rằng lời lẽ Ðức Phanxicô có tính kỳ thị, vì ngài chỉ nói tới các đau khổ của Kitô hữu, chứ không nói tới các đau khổ của người Hồi Giáo và bất cứ nhóm tôn giáo nào khác.

Trong các chiến thuật ngoại giao của Tòa Thánh, ngoại giao sự thật, trong trường hợp này, đã thắng thế. Ðiều này cho thấy số phận đau thương của các Kitô hữu trong lịch sử và hiện nay là ưu tiên hàng đầu như thế nào trong tim óc Ðức Phanxicô.

 

Vũ Van An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page