Ðức Hồng Y Marx phát biểu về Ðức Phanxicô

Thượng Hội Ðồng và phụ nữ trong Giáo Hội

 

Ðức Hồng Y Marx phát biểu về Ðức Phanxicô, Thượng Hội Ðồng và phụ nữ trong Giáo Hội.

Hoa Kỳ (VietCatholic News 16-02-2015) - Ðức HồngY Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich và Freising, là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðức, thành viên Hội Ðồng Hồng Y cố vấn cho Ðức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội, phối trí viên của Hội Ðồng Tòa Thánh Về Kinh Tế và là tác giả cuốn Das Kapital: A Plea for Man (2008). Ngày 15 tháng Giêng năm 2015, nhân dịp đọc diễn văn tại Ðại Học Stanford ở California, ngài có dành cho linh mục Luke Hanse, S.J., của tạp chí America, một cuộc phỏng vấn mà chính ngài đã đọc lại nội dung và chấp thuận như sau.

- Trải nghiệm của Ðức Hồng Y tại Hội Ðồng Hồng Y có đem lại cho ngài một tầm nhìn khác về Giáo Hội hay không?

Tôi có một trách nhiệm mới. Khi tôi được phỏng vấn, giống như hôm nay, và được hỏi "Ngài làm gì ở Hội Ðồng?" và "làm việc với Ðức Giáo Hoàng có nghĩa gì?", tôi chỉ cảm thấy một trách nhiệm lớn hơn thôi. Dù không nhìn Giáo Hội một cách mới. Tôi từng là một giám mục từ 18 năm nay rồi, và làm Hồng Y được 5 năm và từng tham dự các Thượng Hội Ðồng. Nhưng tôi quả đang thấy trách nhiệm mới của mình và các cơ hội mới, và cả giây phút lịch sử phải tiến tới trong Giáo Hội và trở thành một phần của lịch sử Giáo Hội.

- Các cơ hội mới ấy là gì?

Trọn bộ triều giáo hoàng này đã mở ra nhiều ngả đường mới. Cha có thể cảm được điều đó. Ở Mỹ này, mọi người đều đang nói tới Ðức Phanxicô ngay cả những người không thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Tôi phải nói rằng: Ðức Giáo Hoàng không phải là Giáo Hội. Giáo Hội không phải chỉ là vị giáo hoàng. Nhưng quả có một bầu khí mới. Một giáo sĩ Do Thái bảo tôi: "Xin ngài hãy thưa với Ðức Giáo Hoàng rằng ngài đang giúp chúng tôi, vì ngài đang củng cố mọi tôn giáo, không riêng Giáo Hội Công Giáo". Bởi thế, đây là một phong trào mới.

Tại Hội Ðồng Hồng Y, chúng tôi có trách vụ mới là tạo ra một hiến chế mới cho Giáo Triều Rôma, cải tổ Ngân Hàng Vatican và thảo luận nhiều vấn đề khác với Ðức Giáo Hoàng. Nhưng chúng tôi không thể hiện diện hàng ngày ở Rôma được. Cha phải nhìn triều giáo hoàng này cách này, như một bước mới và mở rộng hơn. Cảm tưởng của tôi là chúng ta đang ở trên một con đường mới. Chúng ta không tạo ra một Giáo Hội mới, nó vẫn là Công Giáo, nhưng có một bầu không khí tươi mát, một bước tiến mới.

- Thách thức nào đang đi kèm với thời kỳ mới trong Giáo Hội?

Tốt nhất nên đọc "Niềm Vui Tin Mừng". Một số người cho rằng "chúng tôi không biết Ðức Giáo Hoàng thực sự muốn gì?". Tôi bảo: "Ðọc bản văn ấy đi". Nó không cung cấp những câu trả lời thần kỳ cho các vấn đề phức tạp, nhưng đúng hơn, chuyên chở nẻo đường của Thần Khí, con đường phúc âm hóa, trở thành gần gũi với người ta, gần gũi với người nghèo, gần gũi những người từng sai phạm, gần gũi những người tội lỗi, không phải là một Giáo Hội chỉ biết tự yêu mình (narcissistic), không phải một Giáo Hội sợ sệt. Có sự thúc đẩy mới, tự do, đẩy ta đi ra bên ngoài. Một số người lo âu không biết điều gì sẽ xẩy ra. Ðức Phanxicô sử dụng một hình ảnh mạnh: "tôi thích một Giáo Hội bị bầm tím, bị thương tích và lấm láp vì ra ngoài phố xá" hơn là một Giáo Hội sạch sẽ, có sự thật và mọi điều cần thiết. Giáo Hội vừa nói không giúp ích cho ai. Tin Mừng không mới lạ, nhưng Ðức Phanxicô đang phát biểu nó một cách mới mẻ và đang gây hứng cho nhiều người trên khắp thế giới; những người này cho rằng "đúng, đấy mới là Giáo Hội". Quả là một hồng phúc đối với chúng ta.Ta sẽ thấy ngài làm gì. Ngài chỉ mới là giáo hoàng có hai năm, chưa lâu la gì.

- Nhờ làm việc gần gũi với ngài, Ðức Hồng Y có thể cho chúng con biết điều gì về Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, về con người của ngài?

Ngài là người chân chính. Thoải mái, bình thản. Ở tuổi của ngài, ngài không cần phải đạt thêm điều gì nữa hay chứng minh mình là ai nữa. Ngài rất rõ ràng và cởi mở, không một chú tự đắc. Và mạnh mẽ. Không hề yếu đuối, rất mạnh mẽ. Tôi nghĩ phân tích cá tính của Ðức Giáo Hoàng không quan trọng bao nhiêu, nhưng tôi hiểu người ta lưu ý tới việc đó.

Ðiều rất đáng lưu ý là cùng với ngài, ta sẽ khai triển ra sao con đường tiến tới cho Giáo Hội. Thí dụ, ngài viết trong "Niềm Vui Tin Mừng" về mối tương quan giữa trung tâm Rôma và các hội đồng giám mục, và cả về công việc mục vụ tại các giáo xứ nữa, các Giáo Hội địa phương và đặc điểm của các Thượng Hội Ðồng. Những điểm này rất quan trọng đối với tương lai Giáo Hội. Ðiều cũng quan trọng là chúng ta có một vị giáo hoàng. Hiện nay, mọi người trên thế giới đều nói về Giáo Hội Công Giáo, không hoàn toàn tích cực, nhưng phần lớn tích cực.

Nên, quả Chúa Kitô rất tuyệt vời khi tạo ra tòa Phêrô. Ta thấy điều đó. Nhưng không có nghĩa là trung ương tập quyền. Tôi có thưa với Ðức Giáo Hoàng: "Một định chế tập quyền không phải là một định chế mạnh. Nó là một định chế yếu". Công Ðồng Vatican II bắt đầu thiết lập một thế quân bình mới giữa trung tâm và Giáo Hội địa phương, vì 50 năm trước đây, các ngài đã nhìn ra buổi khởi đầu của Giáo Hội hoàn vũ. Tuy nhiên Công Ðồng ấy đã không đạt tới Giáo Hội này. Chúng ta phải làm cho nó xẩy ra lần đầu tiên. Ngày nay, 50 năm sau, chúng ta thấy rõ Giáo Hội cần phải trở nên ra sao trong một thế giới hoàn cầu hóa, một Giáo Hội phổ quát, hoàn cầu hóa. Chúng ta chưa tổ chức được nó một cách đầy đủ. Ðây là trách vụ vĩ đại của thế kỷ này. Trung ương tập quyền là một cám dỗ, nhưng nó sẽ không vận hành được. Thách đố khác là tìm ra cách giải thích đức tin tại những nơi khác nhau trên thế giới. Các Thượng Hội Ðồng và các Giáo Hội địa phương có thể làm gì cùng với Rôma? Làm sao làm được điều này một cách tốt đẹp?

- Hai vấn đề tại Thượng Hội Ðồng hiện nay là các người Công Giáo ly dị và tái hôn, và người đồng tính, nhất là những người hiện sống trong các mối liên hệ. Ðức Hồng Y có cơ hội trực tiếp lắng nghe những người Công Giáo này trong thừa tác vụ hiện nay của Ðức Hồng Y hay không?

Tôi từng là linh mục 35 năm. Vấn đề này không mới mẻ gì. Tôi có cảm tưởng rằng chúng ta còn nhiều việc phải làm trong lãnh vực thần học, không những liên quan tới vấn đề ly dị mà còn liên hệ tới nền thần học hôn nhân nữa. Tôi rất ngạc nhiên khi một số người có thể cho rằng mọi sự đều rõ ràng trong chủ đề này. Sự việc chẳng có gì rõ ràng cả. Vấn đề không phải là việc tín lý của Giáo Hội cần được xác định bời thời hiện đại. Ðây là vấn đề aggiornamento, phải đề cập đến nó cách nào đó để người ta có thể hiểu, và luôn thích ứng tín lý của chúng ta vào Tin Mừng, vào thần học, ngõ hầu tìm được ý nghĩa mới của điều Chúa Giêsu ngỏ với ta, ý nghĩa của truyền thống Giáo Hội và truyền thống thần học v.v... Còn nhiều việc cần phải làm.

Tôi có nói chuyện với nhiều nhà chuyên môn, giáo luật gia và thần học gia; họ nhìn nhận nhiều câu hỏi liên quan tới tính bí tích và tính thành sự của các cuộc hôn nhân. Một câu hỏi là: ta có thể làm gì khi một người kết hôn, sau đó ly dị rồi tìm được người bạn đời mới? Có nhiều chủ trương khác nhau. Tại Thượng Hội Ðồng, một số giám mục nói rằng "họ sống trong tội lỗi". Cha thấy đó, có những câu hỏi ta phải bàn tới. Chúng tôi có mở một cuộc thảo luận tại Hội Ðồng Giám Mục Ðức. Văn bản của nó nay đã được công bố. Tôi nghĩ đây là một văn bản rất tốt và là một đóng góp tốt cho Thượng Hội Ðồng.

Ðiều rất quan trọng là Thượng Hội Ðồng không có não trạng "tất cả hay không gì cả". Cách này không hay. Thượng Hội Ðồng không thể có kẻ thắng người thua. Ðó không phải là tinh thần của Thượng Hội Ðồng. Tinh thần của Thượng Hội Ðồng là tìm đường với nhau, chứ không phải nói "Tôi phải tìm cách nào làm cho chủ trương của tôi thắng thế?" Mà đúng hơn: "Làm sao tôi hiểu được chủ trương của người khác và làm sao chúng tôi cùng nhau tìm được một chủ trương mới?". Ðó mới là tinh thần của Thượng Hội Ðồng.

Cho nên, điều rất quan trọng là ta phải làm việc dựa trên các câu hỏi trên. Tôi hy vọng Ðức Giáo Hoàng sẽ gợi hứng cho Thượng Hội Ðồng. Thượng Hội Ðồng không thể quyết định; chỉ có công đồng hay Ðức Giáo Hoàng mới có thể quyết định. Những câu hỏi trên cũng phải được hiểu trong một bối cảnh rộng rãi hơn. Trách vụ là giúp người ta sống. Theo "Niềm Vui Tin Mừng", đây không hẳn là vấn đề phải bảo vệ chân lý cách nào. Mà là vấn đề giúp người ta tìm thấy chân lý. Ðiều đó mới quan trọng.

Thánh Thể và hòa giải là điều cần thiết đối với người ta. Ta nói với ai đó: "bạn sẽ không bao giờ được hòa giải cho tới khi chết". Ðiều này không thể tin được nếu cha thấy rõ hoàn cảnh. Tôi xin đưa ra một thí dụ. Trong tinh thần "Niềm Vui Tin Mừng", ta phải nhìn ra Thánh Thể là thuốc chữa đối với người ta, để giúp người ta. Ta phải tìm cách để người ta được Rước Lễ. Chứ không phải tìm cách ngăn cấm họ! Ta phải tìm cách chào đón họ. Ta phải dùng óc tưởng tượng để đặt câu hỏi: "Ta có thể làm được điều gì chăng?". Trong một số tình huống, có thể ta không làm gì được. Ðó là vấn đề. Tập chú phải là: làm thế nào chào đón người ta.

- Tại Thượng Hội Ðồng, Ðức Hồng Y nhắc tới "trường hợp hai người đồng tính sống với nhau đã 35 năm và chăm sóc cho nhau, ngay cả lúc cuối đời" và hỏi "Làm sao tôi có thể bảo sự kiện này là vô giá trị được?" Ðức Hồng Y đã học được gì từ các liên hệ như thế và liệu cái học đó có một ảnh hưởng gì tới nền đạo đức học tính dục ngày nay không?

Khi nói tới đạo đức học tính dục, có lẽ ta không nên bắt đầu với việc ngủ chung, mà nên nói tới tình yêu, lòng chung thủy và việc mưu cầu một mối liên hệ suốt đời. Tôi ngạc nhiên khi thấy phần lớn người trẻ, kể cả các người Công Giáo thực hành đồng tính, muốn có một liên hệ kéo dài mãi mãi. Tín lý của Giáo Hội không xa lạ gì đối với người ta. Nó đúng. Ta phải bắt đầu với những điểm chính của tín lý, mới thấy được giấc mơ: giấc mơ là có một người nào đó, một người đàn ông và một người đàn bà chẳng hạn, để nói "con và con, mãi mãi. Vâng, con và con mãi mãi". Còn Giáo Hội chúng ta thì nói: "Ðúng, điều đó tuyệt đối đúng. Viễn kiến của các con đúng!". Nhưng rồi thất bại xẩy ra. Họ đã tìm được người, nhưng lại không thành công cho lắm. Nhưng lòng chung thủy trọn đời là điều đúng và tốt lành.

Giáo Hội dạy rằng mối liên hệ đồng tính không ở cùng một bình diện với mối liên hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Ðiều này rõ ràng. Nhưng khi họ trung thành với nhau, khi họ dấn thân cho người nghèo, khi họ cố gắng, thì ta không thể nói "mọi điều các con làm đều tiêu cực, vì các con là người đồng tính". Phải nói điều này ra, và tôi không thấy ai phản đối cả. Ta không thể nhìn một người từ một điểm nhìn duy nhất mà thôi, mà không nhìn toàn diện tình huống của họ. Ðây là điều rất quan trọng đối với đạo đức học tính dục.

Ðiều trên cũng đúng đối với những người sống chung với nhau nhưng sau này mới kết hôn, hay chỉ trung thành với nhau trong một cuộc hôn nhân phần đời. Ta không thể nói: mối liên hệ của họ là hoàn toàn tiêu cực nếu họ trung thành với nhau, và họ chờ đợi, đặt kế hoạch cho đời họ, và sau 10 năm tìm được cách để đến với bí tích. Khi có thể, ta phải giúp những cặp này tìm được sự thành toàn trong bí tích hôn nhân. Tại Thượng Hội Ðồng, khi thảo luận vấn đề này, nó đã được nhiều nghị phụ chia sẻ. Ý kiến này không đơn độc.

Mới tháng rồi, Ðức Cha Johan Bonny của Antwerp, Bỉ, nói rằng Giáo Hội nên nhìn nhận "tính đa dạng trong các hình thức (kết hôn)" và nên chúc lành cho một số liên hệ đồng tính dựa trên các giá trị yêu thương, trung thành và dấn thân này. Có phải là điều quan trọng để Giáo Hội thảo luận các khả thể này không?

Tại Thượng Hội Ðồng, tôi nói rằng Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI có một viễn kiến vĩ đại trong "Humanae Vitae" (Sự Sống Con Người). Mối liên hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà rất quan trọng. Liên hệ tính dục trong một mối liên hệ trung thành được đặt cơ sở trên mối liên kết với sinh sản, với việc hiến tặng yêu đương, tính dục và chào đón sự sống. Ðức Phaolô VI tin rằng mối liên kết này có thể bị tiêu hủy. Ngài rất đúng; cha hãy xét mọi vấn đề liên quan tới y khoa sinh sản v.v# Ta không thể loại bỏ mẫu thức vĩ đại về tính dục này, để cho rằng "ta có sự đa dạng" hay "mọi người đều có quyền#" Ý nghĩa lớn lao của tính dục là mối tương quan giữa một người đàn ông và một người đàn bà và việc chào đón sự hiến sinh. Trên đây tôi cũng đã nhắc đến vấn đề đồng hành với người ta, để thấy họ làm gì trong đời sống họ và trong tình huống bản thân họ.

- Các Giáo Hội Công Giáo và Thệ Phản mừng kỷ niệm 500 phong trào Cải Cách ra sao trong năm 2017? Ðâu là các khả thể cho một cuộc hợp tác lớn hơn giữa các Giáo Hội của chúng ta?

Tại Ðức và trên bình diện Tòa Thánh, chúng ta đang đi đúng đường với Liên Ðoàn Luthêrô Thế Giới, trong việc tham gia các cuộc kỷ niệm chung vào dịp này. Trong Giáo Hội Công Giáo, ta không thể "cử hành" việc kỷ niệm này được, vì việc Giáo Hội bị chia sẻ trong các thế kỷ này đâu phải là việc tốt đẹp gì. Nhưng ta phải hàn gắn các ký ức của chúng ta, một điều quan trọng và là một bước tiến tới tốt đẹp trong mối liên hệ của chúng ta. Ở Ðức, tôi rất vui khi các vị đứng đầu Giáo Hội Thệ Phản cho biết rõ các vị không muốn cử hành việc kỷ niệm này mà không có người Công Giáo. Cách nay 100 năm, ngay cả 50 trước đây, không một giám mục Thệ Phản nào dám nói "tôi chỉ cử hành khi có sự hiện diện của người Công Giáo". Thành thử, chúng tôi đang đặt kế hoạch cho dịp này. "Hàn gắn ký ức" sẽ là (lý do) để cử hành chung với nhau.

Ở Ðức, các vị đứng đầu các Giáo Hội Thệ Phản và Công Giáo cũng sẽ thực hiện cuộc hành hương qua Ðất Thánh, trở về nguồn cội của chúng ta. Chúng ta sẽ thực hiện một cuộc cử hành lớn hơn không phải vì Martin Luther mà vì Chúa Kitô, một cuộc cử hành Chúa Kitô biết nhìn về phía trước: Chứng tá của ta hiện nay là gì, hiện nay ta có thể làm gì, đâu là tương lai của đức tin Kitô Giáo, và ta có thể cùng nhau làm được gì. Ðó là các kế hoạch của chúng tôi để đánh dấu lễ kỷ niệm 500 năm.

- Ðức Giáo Hoàng Phanxicô từng kêu gọi phải dành vai trò lớn hơn cho phụ nữ trong Giáo Hội. Ðức Hồng Y nghĩ điều gì có thể xẩy ra? Ðiều gì giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh của mình cách trọn vẹn?

Tản quyền là điều rất quan trọng trong Giáo Triều Rôma và việc cai quản các giáo phận. Ta phải nhìn vào giáo luật và suy nghĩ về phương diện thần học xem ta đòi hỏi vai trò nào nơi các linh mục; và sau đó, mọi vai trò khác, theo nghĩa rộng rãi nhất, cần được mở rộng cho giáo dân, cả nam lẫn nữ, nhất là nữ. Trong việc cai quả Tòa Thánh, không cần các giáo sĩ phải hướng dẫn mọi bộ sở, hội đồng và phân ngành. Ðiều đáng tiếc là không có phụ nữ nào trong hàng ngũ giáo dân tại Hội Ðồng về Kinh Tế. Các chuyên viên đã được chọn trước khi tôi là phối trí viên, nhưng tôi sẽ tìm kiếm các phụ nữ để phục vụ trong vai trò này.

- Ở Vatican, lần đầu tiên từ trước tới nay, hội đồng của chúng tôi có tín hữu giáo dân với cùng trách nhiệm và quyền lợi như các Hồng Y. Xem ra không hẳn là chuyện lớn lao gì, nhưng những chuyện lớn lao thường bắt đầu bằng những bước nhỏ, không đúng sao?

Tại giáo phận tôi, tôi nói điều này và nhắc đi nhắc lại điều này rằng: xin anh chị em hãy xét xem anh chị em có thể làm gì để đưa người giáo dân, nhất là phụ nữ, vào những chức vụ có trách nhiệm trong việc cai quản giáo phận. Chúng tôi có đưa ra một kế hoạch để Giáo Hội Công Giáo tại Ðức dành nhiều chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở quản trị của giáo phận cho phụ nữ. Trong ba năm, chúng tôi sẽ duyệt lại xem mình đã làm được những gì.

Về vấn đề này, chúng ta phải đưa ra một cố gắng lớn cho tương lai, không những có tính hiện đại hay bắt chước thế gian nhưng vì hiểu ra rằng loại bỏ phụ nữ không phải là tinh thần của Tin Mừng. Ðôi khi, việc phát triển thế giới cho ta một gợi ý: vox temporis vox Dei (tiếng thời đại là tiếng Thiên Chúa). Việc phát triển thế giới đem lại cho ta các dấu chỉ, các dấu chỉ thời đại. Ðức Gioan XXIII và Công Ðồng Vatican II nói: ta phải giải thích các dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng Tin Mừng. Một trong các dấu chỉ này là quyền lợi phụ nữ, là giải phóng phụ nữ. Ðức Gioan XXIII nói điều này cách nay hơn 50 năm. Ta luôn trên đường thể hiện nó cách trọn vẹn.

Tiến bộ chưa có gì rõ rệt.

Ðôi khi còn tệ hơn trước!

- Ðâu là những trở ngại cần vượt qua?

Não trạng! Não trạng! Não trạng! Và các quyết định của các vị hữu trách. Ðiều rõ ràng là: các giám mục phải quyết định. Các giám mục và Ðức Giáo Hoàng phải bắt đầu thay đổi. Tôi thường dự các buổi hội thảo hay học hỏi dành cho các người đứng đầu các công ty, và điều này luôn rõ ràng: các cầu thang được lau sạch từ trên xuống, chứ không từ dưới lên, từ đỉnh xuống, chứ không từ đáy lên. Thành thử các nhà lãnh đạo phải bắt đầu trước; các xếp phải bắt đầu trước. Não trạng phải thay đổi. Giáo Hội không phải là cơ sở làm ăn, nhưng các phương pháp không có gì khác nhau lắm. Ta phải làm việc theo nhóm nhiều hơn, theo các dự án. Câu hỏi là: ai có tài nguyên đẩy những ý tưởng này lên phía trước? Chứ không phải: ai thuộc hàng giáo sĩ? Thiên Chúa ban cho ta tất cả những người này, vậy mà ta dám nói "không, anh ta đâu phải giáo sĩ, anh ta không thể làm công việc này". Hoặc: "ý tưởng của anh ta không quan trọng lắm". Ðiều này không thể chấp nhận được. Không, không, không.

- Ðức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại Hoa Kỳ vào tháng Chín. Ðức Hồng Y có hy vọng gì đối với cuộc viếng thăm này?

Tôi luôn ngạc nhiên trước khả năng của Ðức Giáo Hoàng trong việc đem người ta lại với nhau và gợi hứng cho họ. Tôi hy vọng dân chúng Hoa Kỳ cũng sẽ cảm nghiệm được điều đó. Một trong các trách vụ và thách đố chính đối với một giám mục, và đối với Ðức Giáo Hoàng, là đem người ta lại với nhau và thống nhất hóa thế giới. Giáo Hội là instrumentum unitatis, một dụng cụ và là bí tích của hợp nhất giữa người ta và giữa Thiên Chúa và người ta. Tôi hy vọng rằng khi Ðức Giáo Hoàng viếng thăm Hoa Kỳ, và có thể cả Liên Hiệp Quốc nữa, Giáo Hội có thể chứng minh cho thế giới thấy Giáo Hội sẽ luôn là dụng cụ không phải cho chính mình mà cho sự hợp nhất các quốc gia và thế giới.

 

Vũ Van An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page