Ngày đầu đầy đủ

trên đất Phi của Ðức Phanxicô

 

Ngày đầu đầy đủ trên đất Phi của Ðức Phanxicô.

Manila (VietCatholic News 16-01-2015) - Ngày đầu tiên Ðức Phanxicô sống trọn trên đất Phi tuy không tạo nên một chủ đề gì có tính bao trùm, nhưng quả không thiếu những khúc rẽ và truyện bên lề đáng lưu ý.

Cuồng nhiệt đối với Ðức Giáo Hoàng

Người Phi vốn nổi tiếng mộ mến Ðức Giáo Hoàng, bất cứ vị giáo hoàng nào. Thực vậy, năm 1970, họ kéo nhau từng đoàn ra nghinh đón Ðức Phaolô VI. Và mặc dù ngải chỉ lưu lại chưa đầy 48 tiếng đồng hồ, chuyến viếng thăm của ngài vẫn được các nhà báo Phi coi là biến cố tin tức hàng đầu trong năm. Ðức Gioan Phaolô II tới đây hai lần: năm 1981 và năm 1995. Và ở lần thứ hai, ngài lôi cuốn đến 5 triệu người tham dự thánh lễ, cho tới nay, vẫn là một kỷ lục.

Lần này, có người tiên đoán còn hơn thế nữa. Từng đoàn lũ người say sưa kéo nhau qua các phố mong được thoáng thấy Ðức Phanxicô, vị giáo hoàng được tờ Philippine Star chạy hàng tít gọi là "Giáo Hoàng Của Dân".

Một người chủ một mục báo đã tóm tắt tâm tư người dân trong một bài tựa là "Làm thế nào bạn lại không có cảm tình với vị giáo hoàng này được?"

Có lúc, chính Ðức Phanxicô cảm thấy buộc phải hãm cái đà phấn khích của người dân Phi. Vì trước khi ngài tới đây, lộ trình dự trù của ngài ngập các hình ảnh đủ loại về ngài: treo trên cột đèn, cửa tiệm, mái nhà, bất cứ chỗ nào có thể treo được.

Vatican âm thầm cho Manila hay Ðức Phanxicô thích người ta tập chú vào Thiên Chúa hơn là vào ngài, nên phần lớn các hình ảnh về ngài đã được gỡ xuống và lộ trình ngài đi được trang trí bằng cờ Tòa Thánh và cờ Phi Luật Tân.

Nỗi sợ cho rằng lòng mộ mến cuồng nhiệt đối với Ðức Phanxicô có thể chuyển xoay thành nguy hiểm đã được biểu lộ rõ rệt trong các biện pháp an ninh chặt chẽ, trong đó có việc sử dụng các máy nhiễu loạn điện tử khiến người ta không sử dụng được điện thoại di động để khởi động bom.

Ngay buổi chiều thứ Năm 15 tháng 1 năm 2015, các điện thoại di động đã không sử dụng được tại các khu vực Ðức Giáo Hoàng sẽ đi qua, nghĩa là nhiều khu vực rộng lớn của trung tâm Manila. Cả các nhà báo đi theo Ðức Phanxicô cũng không sử dụng được điện thoại di động cả một tiếng đồng hồ sau khi máy bay đáp xuống để thông báo nội dung cuộc phỏng vấn Ðức Phanxicô trên chuyến bay.

Dù vẫn còn ba ngày nữa, nhiều người Phi đã chuẩn bị để tham dự thánh lễ ngoài trời của ngài tại Quảng Trường Rizal ở Manila vào hôm Chúa Nhật 18 tháng 1 năm 2015. Người ta nghĩ rằng thánh lễ này sẽ có tới 6 triệu người tham dự, vượt con số kỷ lục của Ðức Gioan Phaolô II.

Joan Fernandez, 45 tuổi, cho hay bà và cô con gái 16 tuổi đã chuẩn bị sẵn sàng để cuốc bộ xa bằng cách suốt tuần đi ngủ sớm lấy sức. Bà nói: "ngắm ngài trên TV có lẽ thoải mái hơn, nhưng mẹ con tôi muốn thấy ngài bằng xương bằng thịt. Có thể phải 20 năm nữa mới lại có chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng. Tôi không biết lúc ấy mình còn hay không, nên không muốn lỡ dịp".

Thối nát

Dù Ðức Phanxicô tới Phi Luật Tân trước nhất để bày tỏ cảm thương đối với các nạn nhân của trận bão Yolanda năm 2013, từng sát hại 6,000 người và làm hơn 1 triệu người khác màn trời chiếu đất, nhưng điều này không có nghĩa Ðức Giáo Hoàng không can dự vào các vấn đề xã hội và chính trị khác.

Phi Luật Tân là môi trường thuận lợi đối với nghị trình xã hội của Ðức Giáo Hoàng. Các vị giám mục ở đây đã công bố năm 2015 là "Năm Người Nghèo" nhằm thúc đẩy cả chính phủ lẫn Giáo Hội tăng cường các cố gắng vươn tới người nghèo, người bị hất hủi, nạn nhân của áp bức.

Buổi sáng thứ Sáu 16 tháng 1 năm 2015, Ðức Phanxicô gặp gỡ Tổng Thống Benigno "Noynoy" Aquino, rồi đọc diễn văn trước các viên chức chính phủ và ngoại giao đoàn. Ðối với lỗ tai người Phi, câu quan trọng nhất trong bài diễn văn này hiển nhiên là câu ngài kêu gọi các viên chức công từ bỏ "mọi hình thức thối nát từng làm chệch hướng các tài nguyên, không đến được với người dân".

Có người cho đây chỉ là văn hoa cho có mẽ, nhưng quả là một văn hoa can đảm khi dám chỉ tay vào con voi trong phòng, vì quả tình Phi Luật Tân vốn được xếp hàng cao trên bậc thang thối nát của Á Châu, đôi khi dưới những hình thức hết sức lộ liễu.

Dù sao, đây cũng là một đất nước có tới 2 tổng thống liên tiếp, Gloria Macapagal Arroyo và Joseph Estrada, ra tòa về tội tham nhũng. Estrada bị kết án biển thủ 80 triệu dollars công quĩ và bị tù chung thân, chỉ được ân xá bởi chính Macapagal Arroyo.

Dù Giáo Hội Phi lên tiếng thường xuyên chống tham nhũng, nhưng không luôn luôn được lắng nghe.

Trong lời nhận xét của ông về bài diễn văn của Ðức Phanxicô, Tổng Thống Aquino nhắc lại vai trò lãnh đạo của Giáo Hội thời phong trào Sức Mạnh Nhân Dân thập niên 1980, từng lật nhào Ferdinand Marcos, nhưng rồi bị tố cáo là "im lặng trước các vi phạm của chính phủ trước" tức chính phủ Arroyo.

Ngày nay, Giáo Hội Phi đã trở lại với vai trò lãnh đạo của mình. Ðức Hồng Y Luis Antonio Tagle, mà người bình dân gọi là "Chito", vào năm ngoái đã phát động chiến dịch chống tham nhũng với các áo thung mang hàng chữ "Chớ lấy của người!".

Trong chiều hướng ấy, việc Ðức Phanxicô thẳng thừng răn đe tham nhũng chắc chắn được người ta nghe như một thách thức trực tiếp đối với giai cấp cầm quyền Phi và là một nhắc nhở để các giám mục tiếp tục lớn tiếng chống tham nhũng, và cũng là một khích lệ lớn đối với Ðức Hồng Y Tagle. Người ta thấy rõ giữa Ðức Phanxicô và Ðức Hồng Y Tagle, có một mối thâm tình nếu không bạn bè thì cũng là cha con, qua những cái ôm tha thiết, và những nụ cười thật thoải mái, mỗi lần gặp nhau.

Tổng Thống Phi không thân thiện lắm đối với Giáo Hội

Gia đình Aquino cũng tương tự như gia đình Kennedy ở Mỹ, một thứ thị tộc chính trị nổi tiếng của đất nước. Thượng nghị sĩ Benigno Aquino Jr. vốn là người mạnh mẽ chỉ trích chế độ Marcos trước khi bị ám sát tại phi trường Manila trên đường biệt xứ hồi hương năm 1983. Qủa phụ của ông, Corazon Aquino, sau đó trở thành tổng thống và đương kim tổng thống chính là con trai của họ.

Cũng như gia đình Kennedy, gia đình Aquino theo Công Giáo lâu đời, nhưng đôi lúc tạo vấn đề cho hàng giáo phẩm. Hôm thứ Sáu, 16 tháng 1 năm 2015 chúng ta nghe được các vang vọng của những căng thẳng này trong bài diễn văn chào đón Ðức Phanxicô của đương kim tổng thống.

Ông bắt đầu nhắc lại rằng Giáo Hội vốn ủng hộ việc người Tây Ban Nha đô hộ xứ sở. Ông bảo: mỗi lần người dân ta thán về bất công, Giáo Hội thường chỉ nói "Nước Thiên Chúa không thuộc thế gian này".

Ông cho hay phần lớn các thái độ ấy đã thay đổi kể từ Công Ðồng Vatican II và ông ca ngợi vai trò được nhiều giáo sĩ đảm nhiệm thời nổi dậy chống Marcos. Ông bảo: "Nhất là trong các năm Thiết Quân Luật, Giáo Hội của người nghèo và người bị áp bức đã tỏa sáng một cách sống động".

Như đã ghi trên đây, Tổng Thống Aquino phàn nàn rằng tiếng nói có tính tiên tri đã bị lu mờ dưới thời Arroyo và cho hay các nhà lãnh đạo Giáo Hội hiện nay xem ra chỉ biết khiếu nại... "thậm chí một vị giáo phẩm còn quở trách tôi về chuyện tóc tai, như thể đó là một tội trọng".

Tổng Thống Aquino ca ngợi bài diễn văn mới đây của Ðức Phanxicô với Giáo Triều, gọi ngài là "cùng tông tinh thần" (kindred spirit) và rồi trích dẫn câu nói của George Bernard Shaw, câu nói vốn được gia đình Kennedy ưa thích: "nhiều người nhìn sự việc hiện có, và nói tại sao; tôi mơ những sự việc chưa bao giờ có, và nói tại sao không?"

Dù không phải là bất thường khi các chính trị gia cấp tiến Công Giáo thỉnh thoảng chống lại một số bộ phận trong Giáo Hội, nhưng sử dụng chuyến viếng thăm của một vị giáo hoàng để nói lên các ý nghĩ trái ngược là điều họa hiếm. Chắc chắn bài diễn văn này sẽ được các giới Công Giáo Phi phân tích cặn kẽ.

Tòa Thánh minh xác nhận định của Ðức Phanxicô về các cuộc tấn công tại Paris

Ðức Phanxicô gây ra tranh cãi trước khi đặt chân lên Phi Luật Tân. Vì trong cuộc họp báo trên không, ngài có nhận định về các vụ tấn công của khủng bố tại Paris nhắm vào tờ Charlie Hebdo, mà có người coi như một bán biện hộ đối với chúng.

Mười hai người bị giết bởi những người mang súng miệng hô các khẩu hiệu duy Hồi Giáo để trả đũa việc tờ báo này vẽ hí họa xâm phạm tới vị tiên tri sáng lập đạo của họ.

Trong cuộc họp báo trên, Ðức Phanxicô được một nhà báo Pháp hỏi ngài nghĩ gì về mối liên hệ giữa tự do tôn giáo và tự do ngôn luận. Thấy nhà báo này là người Pháp, Ðức Phanxicô bảo: "ông là người Pháp, vậy ta nói tới Paris đi, nói cho rõ ràng".

Sau đó, ngài cho hay: giết người nhân danh Thiên Chúa luôn là điều xấu, nhưng tự do ngôn luận cũng có các giới hạn của nó. Cách riêng, theo ngài, ta không nên "khiêu khích", "xúc phạm" hay "đùa bỡn với" các tình cảm tôn giáo của người khác.

Chỉ vào Alberto Gasparri, người giáo dân có nhiệm vụ sắp xếp chuyến đi của ngài, Ðức Phanxicô nói rằng ngay ông bạn thân mà dám nhục mạ mẹ anh ta, chắc chắn anh ta sẽ cho cú đấm vào mặt.

Một số báo chí sau đó đã bóp méo câu truyện với tựa đề "Ðức Giáo Hoàng ủng hộ bạo lực" buộc Tòa Thánh phải minh xác. Một thông cáo báo chí vào sáng sớm cho hay "lời phát biểu của Ðức Giáo Hoàng không hề có ý định được giải thích như là một biện minh cho bạo lực và khủng bố đã diễn ra tại Paris tuần rồi. Lời của ngài có nghĩa: có những giới hạn cho hài hước và châm biếm nhất là trong cung cách ta đề cập tới các vấn đề đức tin và tín ngưỡng".

Thông cáo viết thêm: "phong thái phát biểu tự do của Ðức Giáo Hoàng, nhất là trong các hoàn cảnh như họp báo chẳng hạn, cần được xem sét trong bối cảnh của nó, không nên bóp méo hay thao túng".

Bình tâm mà xét, lời nhận định của ngài không thể có nghĩa ủng hộ bạo lực, mà là lên án việc nhục mạ xác tín tôn giáo của người ta.

Trái bom xì

Vào hôm thứ Năm 15 tháng 1 năm 2015, trong một lúc ngắn ngủi, xem ra chuyến viếng thăm của Ðức Phanxicô có nguy cơ bị hoen ố vì một tường trình nóng hổi của tờ Daily Mail ở Anh cho hay: các trẻ em bụi đời tại Manila bị nhốt và chịu nhiều đối xử tàn tệ ngõ hầu làm cho Manila dễ coi hơn.

Ðây quả là câu truyện giật gân với cả hình ảnh trẻ em bị nhốt và bị hành hạ. Rất may, theo nguồn tin chính phủ và tường trình báo chí địa phương, câu truyện này chỉ là phóng đại.

Tổng thư ký bộ an sinh và phát triển xã hội, Corazón Soliman, nói với các phóng viên rằng một trong các trẻ em có hình trong tường trình tên là Federico, nay đã lên kí và không còn bị giam nữa. Hiện em đang được một cơ quan phi chính phủ chăm sóc.

Dù không chối cãi việc một số trẻ em được di chuyển khỏi đường phố bởi nhân viên của chính quyền địa phương, bà nhấn mạnh rằng mục đích là để bảo vệ chứ không dấu diếm các em.

Hơn nữa, chính Ðức Phanxicô đã gặp gỡ nhiều trẻ em đường phố trong ngày 16 tháng Giêng năm 2015.

Soliman kết luận: "chúng tôi đâu có dấu diếm các em. Thực vậy, hơn 400 trẻ em đường phố sẽ ca hát khi tiễn chân Ðức Giáo Hoàng vào hôm thứ Hai 19 tháng 1 năm 2015".

 

Vũ Van An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page