Ðức Thánh Cha lên án vụ khủng bố

tấn công tòa báo Charlie Hebdo

 

Ðức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tấn công tòa báo Charlie Hebdo.

Roma (SD 8-1-2015) - Ðức Thánh Cha Phanxicô nghiêm khắc lên án vụ khủng bố chống tuần báo Charlie Hebdo ở Paris, thủ đô Pháp hôm 7 tháng 1 năm 2015 làm cho 12 người chết và 11 người bị thương, trong đó có 4 nạn nhân bị nặng.

Tối ngày 7 tháng 1 năm 2015, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: "Ðức Thánh Cha lên án một cách quyết liệt nhất đối với vụ khủng bố đáng kinh tớm làm cho thành phố Paris trở nên thê lương với con số nhiều nạn nhân, gieo rắc chết chóc, làm cho toàn thể xã hội Pháp kinh hoàng, gây xáo trộn sâu xa cho những người yêu chuộng hòa bình, vượt ra ngoài các biên giới của Pháp.

"Ðức Thánh Cha cầu nguyện và chia sẻ đau khổ của những người bị thương và gia đình những người qua đời, đồng thời ngài khuyên tất cả hãy chống lại bằng mọi phương thế sự lan tràn oán ghét và mọi hình thức bạo lực, thể lý và tinh thần, hủy hoại sự sống con người, vi phạm nhân phẩm giá, làm thương tổn tận gốc lễ thiện ích căn bản là sự sống chung hòa bình giữa mọi người và các dân tộc, dù có những khác biệt về quốc tịch, tôn giáo và văn hóa".

Thông cáo của cha Lombardi cũng nói rằng: "Dù do động lực nào đi nữa, bạo lực giết người luôn luôn là điều đáng kinh tởm, và không bao giờ có thể biện minh được, sự sống và phẩm giá của tất cả mọi người cần được bảo đảm và bảo vệ một cách quyết liệt, cần phải loại bỏ mọi sự xúi dục oán thù, và cổ võ sự tôn trọng người khác. Ðức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi, liên đới tinh thần và hỗ trợ tất cả những người, theo các trách nhiệm khác nhau, tiếp tục liên lỷ dấn thân cho hòa bình, công lý và công pháp, để chữa trị sâu xa những nguồn mạch và nguyên nhân gây ra oán thù, trong thời giảm đau thương và thê thảm hiện nay, tại Pháp cũng như mọi nơi khác trên thế giới bị căng thẳng và bạo lực".

Trong thánh lễ lúc 7 giờ sáng ngày 8 tháng 1 năm 2014, tại nguyện đường Nhà Trọ thánh Marta, Ðức Thánh Cha đã cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân vụ khủng bố ở Paris. Vào đầu thánh lễ, ngài nói: "Vụ khủng bố hôm qua tại Paris làm cho chúng ta nghĩ đến bao nhiêu sự tàn ác của con người, bao nhiêu thứ khủng bố riêng rẽ hay khủng bố của Nhà Nước. Con người có khả năng tàn ác như thế. Trong thánh lễ này chúng hãy cầu nguyện cho cac nạn nhân sự tàn ác này, Chúng ta cũng cầu cho kẻ tàn ác, xin Chúa hoán cải tâm hồn họ".

Tại Paris, trong thông cáo công bố vài giờ sau vụ khủng bố, Hội Ðồng Giám Mục Pháp bày tỏ sự xúc động và kinh hoàng trước vụ khủng bố này: "Giáo Hội Công Giáo Pháp cũng nghĩ đến các gia đình và người thân của các nạn nhân đứng trước sự kinh hoàng và không thể hiểu nổi. Giáo Hội cũng chia buồn với ban quản nhiệm và các ký giả và nhân viên của báo Charlie Hebdo."

Các Giám Mục Pháp khẳng định rằng "Một sự khủng bố như vậy thật là khôn tả. Không gì có thể biện minh cho bạo lực như thế. Nó làm thương tổn đặc biệt là tự do ngôn luận là yếu tố cơ bản của xã hội chúng ta.. Xã hội này gồm những khác biệt đủ loại, và không ngừng phải làm việc để kiến tạo hòa bình và tình huynh đệ. Sự dã man trong vụ thảm sát này làm thương tổn cho tất cả chúng ta.. Nhưng cả trong tình trạng này, khi sự thịnh nộ của thể xâm chiếm chúng ta, chúng ta càng phải gia tăng tấp đôi sự chú ý đến tình huynh đệ trở nên mong manh và đến nền hòa bình ngày càng phải củng cố".

Liên hiệp các Giáo Hội Tin Lành Pháp cũng lên tiếng mạnh mẽ lên án vụ tấn công: "Nhân danh Tin Lành giáo tại Pháp, chúng tôi bày tỏ sự phẫn nộ và lên án hành động đáng kinh tởm, xúc phạm đến tâm hồn và lương tâm chúng ta".

Ðêm ngày 7 tháng 1 năm 2015, các giới chức an ninh Pháp đã phổ biến hình hai anh em người Pháp gốc Algérie 33 và 34 tuổi, bị tố là thủ phạm vụ khủng bố này và đang hết sức truy tầm.

Tuần báo Charlie Hebdo đã nhiều lần bị những thành phần cực đoan chiếu cố sau những lần đăng tải những hí họa mà họ cho là xúc phạm đến ngôn sứ Mohammed của Hồi giáo. Chẳng hạn hồi năm 2011, tòa soạn báo này ở Paris đã bị ném bom xăng sau khi đăng hí họa ngôn sứ Mohammed. (SD 8-1-2015)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page