Ðức Thánh Cha Phanxicô

nhà truyền thông xuất sắc

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô, nhà truyền thông xuất sắc. Một số nhận xét của hai nhà báo Mỹ.

Roma (RG 7.8-12-2014; Vat. 18-12-2014) - Ngày mùng 6 tháng 12 năm 2014 Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ tại Roma đã tổ chức ngày hội học về đề tài "Tình trạng của các phương tiện truyền thông". Tham dự ngày hội học này có nhiều nhà báo quốc tế trong đó có ông Jeff Fager, giám đốc đài phát thanh truyền hình CBS và ông Ed O'Keefe, phó giám đốc đài phát thanh truyền hình CNN.

Sau đây là một số nhận định của hai nhà báo này đối với khả năng truyền thông của Ðức Thánh Cha Phanxicô, qua bài phỏng vấn dành cho phái viên Alessandro Gisotti của đài Vaticăng. Ðối với họ Ðức Thánh Cha Phanxicô là một nhà truyền thông xuất sắc, vì với các lời nói, cử chỉ và cung cách sống và hành xử của mình ngài đã lôi cuốn được tín hữu và các đám đông dân chúng. Chỉ cần theo dõi các buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần và buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với số người tham dự tới năm, sáu, bẩy chục ngàn hay đôi khi dông hơn, thì đủ hiểu sức thu hút của Ðức Phanxicô. Ðặc biệt là các buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần đã biến thành lễ hội, trong đó người già, ngưòi lớn, và nhất là trẻ em và giới trẻ không ngừng gân cổ lên gọi tên ngài, và tặng ngài đủ thứ, mũ calốt, áo thể thao, kể cả nước ngọt nữa. Và Ðức Phanxicô vui vẻ uống ngay trước mặt mọi người. Niềm vui của các bà mẹ là đưa con cho các cận vệ bế chúng lên để cho Ðức Giáo Hoàng hôn, chúc lành, xoa đầu và vuốt ve chúng. Khi có đông người đau yếu tàn tật ngồi trên xe lăn, Ðức Thánh Cha dành cả giờ đồng hồ để bắt tay, ôm hôn, an ủi và nói chuyện với từng người. Ðức Phanxicô cũng chân thành trả lời mọi câu hỏi của giới báo chí về mọi vấn đề, một cách rất thành thật, tự nhiên, mà không hề tránh né.

Sau đây là một số nhận xét của ông Jeff Fager.

Hỏi : Thưa ông Fager ông nhận thấy khả năng truyền thông của Ðức Thánh Cha Phanxicô như thế nào ?

Ðáp : Ðức Thánh Cha là một nhà truyền thông xuất sắc, một trong những nhà truyền thông xuất sắc nhất thế giới. Tôi tin rằng khi bạn có thể nói với các đám đông rộng rãi như thế - và cả khi bạn nói chuyện với các nhóm nhỏ đi nữa - thì là một cơ may phải được đánh giá cao và được sử dụng tốt nhất có thể. Tôi không nhớ đã có bình luận gia nào hay như vị Giáo Hoàng này: ngài đã thu hút thế giới một cách nhanh chóng như vậy, đến độ thay đổi các ý kiến về Giáo Hội. Chỉ một mình thôi mà ngài đã gây ra một va chạm rất mạnh trên cảm quan của người Mỹ đối với Giáo Hội công giáo trong vòng một thời gian thật rất là ngắn, và điều này có nghĩa ngài là một nhà truyền thông xuất sắc !

Hỏi : Ngài là một nhà truyền thông lớn mà người ta nhận thức được rằng ngài chân thành, đáng tin cậy, có đúng thế không thưa ông ?

Ðáp : Vâng, đúng như vậy. Ngài đáng tin cậy, bạn tin tưởng nơi ngài, bạn tin ngài# và ngài mang tới một sứ điệp rất đơn sơ : ngài nói về loài người, về việc Giáo Hội đáng lẽ ra phải hành xử như thế nào trong thế giới, và điều đó được loan truyền. Tôi tin rằng Giáo Hội cần có một sự thay đổi lớn, và ngài là người có cung cách quản lý các biểu tượng bao quanh mình đã tạo được các thay đổi lớn : kiểu sống của Ðức Phanxicô, kiểu ngài du hành, sự kiện ngài ở trong một ngôi nhà rất đơn sơ đã là điều đó# Qúy vị thấy không, tất cả những gì bao quanh con người nói lên rất nhiều về con người ấy và về sứ điệp ở đây là của Ðức Phanxicô, và tôi tin rằng điều này vẽ nên một bức tranh rất tích cực về Giáo Hội.

Hỏi : Thưa ông, đề tài của ngày học hỏi là " Tình trạng của các phương tiện truyền thông xã hội " có cho chúng ta một ý tưởng liên quan tới các khuynh hướng quan trọng nhất ngày nay không, mặc dù điều này khó có thể truy lùng ra ?

Ðáp : Ô, tất cả đều đang thay đổi rất là nhanh chóng và trên mức thang rộng rãi. Có các phương tiện truyền thông mới đang xâm lấn : đó là các phương tiện truyền thông số hay truyền thông vi tính. Chúng lớn mạnh và lớn lên với cả sự hứng khởi nữa. Tuy nhiên, trong chương trình của đài CBS dài 60 phút, điều thôi thúc chúng tôi đó là duy trì phẩm chất của nó. Chúng tôi theo sát nguyên tắc đó là cần phải tường thuật sự kiện một cách đúng đắn và để mọi người có thể hiểu được. Ðó là điều mà các khán thính giả của đài mong chờ nơi chúng tôi. Người ta có thói quen thông tin một cách nhanh chóng, trong bầu không khí ngày nay với tất cả các sân chơi mới của truyền thông, và tất cả các phương tiện truyền thông xã hội người ta có ngày nay. Nhưng chúng tôi muốn chắc chắn luôn luôn cống hiến cho khán thính giả của chúng tôi việc hiểu biết tốt nhất về một sự kiện.

* * * *

 Tiếp theo đây là một số nhận định của ông Ed O'Keele, phó giám đốc đài phát thanh truyền hình CNN của Hoa Kỳ.

Hỏi : Thưa ông O'Keele, ông nghĩ gì về gương mặt của Ðức Thánh Cha Phanxicô ?

Ðáp : Thật là hay, Ðức Thánh Cha Phanxicô là một "nhân vật-hiện tượng toàn cầu", bình dân kinh khủng, tới nỗi không cần phải có các phương tiện truyền thông lớn. Ngài có thể gọi một hãng thông tin Argentina, ít được biết tới, phỏng vấn hơn là để cho một mạng lưới lớn phỏng vấn ngài. Ngài không cần một cuộc phỏng vấn lớn toàn cầu. Dù sứ điệp của ngài có bất cứ là gì đi nữa, mà ngài diễn tả qua điện thoại cho bất cứ người nào trên thế giới, hay nói với một nhật báo nhỏ đi nữa, cũng vẫn nhận được sự chú ý trên bình diện quốc tế. Ngài là một "người truyền thông hiện tượng". Tôi tin rằng quyền năng to lớn của ngài là nơi sự kiện ngài là "một người có thể đạt tới được", nó cho thấy khiá cạnh cá nhân nhất của ngài, là "chường mình ra" một cách chưa từng thấy.

Hỏi : Có lẽ chúng ta đã trông thấy với Ðức Gioan Phaolô II, chứ thưa ông...

Ðáp : Có thể, vâng, tôi muốn nói. Tôi đã biết một số các nhà báo đã theo dõi các sinh hoạt của Ðức Gioan Phaolô II, và họ đã có các cuộc nói chuyện lâu với Ðức Giáo Hoàng. Họ đã du hành ra nước ngoài với ngài, và đã nói chuyện với ngài, vì trên máy chính ngài đã đi tìm các nhà báo và nói chuyện với họ, đó đã là các cuộc nói chuyện dài... Ngài là người có thể tiếp xúc và không sợ hãi phải đôi diện với giới báo chí và thông truyền tư tưởng, có khi trước cả khi các tư tưởng ấy thành hình nữa: không phải vì sự kiện đơn sơ Ðức Giáo Hoàng đã nói mà nó phải trở thành giáo lý của Giáo Hội. Nhưng nếu bạn sợ phải nói bất cứ điều gì đó, thì bạn sẽ không bao giờ thành công trong việc làm một cuộc đối thoại. Và rõ ràng là ngài không sợ trao đổi các câu chuyện và linh hoạt một cuộc đối thoại.

Hỏi : Theo ý ông và theo kinh nghiệm của đài CNN, các phương tiện truyền thông đang nhào nắn lại kiểu thông tin của ngưởi ta như thế nào ?

Ðáp : Các phương tiện truyền thông đã biến đổi hoàn toàn kiểu đạt tới khán thính giả của chúng tôi. Tương lai của các phương tiện truyền thông là "di động" và "xã hội". Giờ đây chúng tôi đang tạo ra các nội dung chuyên nhất và ngay từ nguồn gốc chúng đã được nghĩ cho một đối tượng xã hội, bởi vì chúng tôi biết rằng ở đó có công chúng của mình. Chúng tôi sẽ tạo ra một chương trình khác cho truyền hình, cho trang Web, cho điện thoại di động, cho Facebook và cho Twitter...

Hỏi : Kiểu này thật là khó đối với các phương tiện truyền thông cổ điển, nó là một thách đố# Ðài CNN là một đài truyền hình dùng dây cáp, hay ngày nay khó mà cho rằng đài CNN chỉ là một đài dây cáp ?

Ðáp : Vâng, thật đúng như thế. Các phương tiện truyền thông cổ điển cần phải tự phá vỡ hay sẽ bị phá vỡ. Nếu một phương tiện truyền thông cổ điển chỉ tự coi mình là một mà thôi - chỉ là nhật báo, chỉ là truyền hình, chỉ là nguyệt san - thì sẽ đánh mất đi "thời vàng son" của nghành báo chí, bởi vì các người tiêu thụ đã quyết định rồi. Các người tiêu thụ, công chúng đang hướng tới sự "di động", và "xã hội" Họ nhận các tin tức chắc chắn là từ nhiều nguồn khác nhau, như chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

(RG 7.8-12-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page