Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình

Các phát biểu của giáo dân

 

Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình: Các phát biểu của giáo dân.

Roma (VietCatholic News 12-10-2014) - Ðiều đáng chú ý trong Thượng Hội Ðồng lần này là hầu hết các phát biểu của các Nghị Phụ không được chính thức công bố mà chỉ được tóm lược một cách ẩn danh bởi các nhân viên trong văn phòng Tổng Thư Ký của Thượng Hội Ðồng. Nhưng các phát biểu của các dự thính viên giáo dân thì lại được công bố nguyên văn với lời giới thiệu rất trang trọng của các Chủ Tịch Thừa Nhiệm luân phiên. Thứ tự các bài phát biểu đã trình trước cho văn phòng tổng thư ký trước này cũng có nhiều ý nghĩa, với "phát súng khá điếc tai" mở màn của ông bà Pirola, Úc Ðại Lợi. Trong hai bài trước (Vietcatholic ngày 7 và 8 tháng Mười năm 2014), chúng tôi đã tường trình các phát biểu của ông bà Pirola, và của ông bà Campos, Phi Luật Tân, nay xin tiếp tục phiên dịch và đăng tải các bài phát biểu còn lại (đánh số từ 3)

3. Chứng từ của Ông Bà Jeffrey Heinzen, Giáo Phận La Crosse, Hoa Kỳ

Phiên họp chung thứ tư của Thượng Hội Ðồng đã diễn ra với sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 8 tháng Mười năm 2014 và dưới sự chủ tọa luân phiên của Ðức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Tổng Giáo Phận Manila, Phi Luât Tân. Trong phiên họp này, Thượng Hội Ðồng đã nghe bài trình bày của Ông Bà Jeff và Alice Heinzen thuộc Giáo Phận La Cross, Hoa Kỳ.

Theo lời giới thiệu của Ðức Hồng Y Tagle, Ông Heinzen là chủ tịch Hệ Thống Trường Công Giáo McDonnell, trực thuộc Hội Hiệp Sĩ Columbus và là giám đốc Văn Phòng Hôn Nhân và Ðời Sống Gia Ðình của Giáo Phận La Cross. Vợ Ông, Bà Alice là phối trí viên Kế Hoạch Hóa Gia Ðình Cách Tự Nhiên của cùng Văn Phòng vừa kể. Ông Heinzen có cao học khoa học về Phục Hồi Chức Nghiệp và cử nhân văn chương về Tâm Lý Học. Bà Heinzen có cao học khoa học về Huấn Luyện và Phát Triển và cử nhân khoa học về Giáo Dục Thể Lý. Bà cũng là thành viên của Hội Ðồng Kế Hoạch Hóa Gia Ðình của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ và của Hiệp Hội Toàn Quốc Các Thừa Tác Viên Ðời Sống Gia Ðình Công Giáo.

Văn Phòng Hôn Nhân và Ðời Sống Gia Ðình của Giáo Phận La Crosse phụ giúp Ðức Giám Mục trong việc trợ giúp các linh mục và các giáo xứ thuộc 19 quận hạt phía tây Wisconsin trong việc chuẩn bị hôn nhân xa, gần và cận kề và chăm sóc mục vụ cho các cặp đã kết hôn qua các dịch vụ như phong phú hóa, hướng dẫn và cố vấn hôn nhân Công Giáo. Văn Phòng hợp tác với Văn Phòng Giáo Lý và Phúc Âm Hóa để cổ vũ một nền giáo lý thấu đáo về các bí tích khai tâm: Rửa Tội, Thánh Thể và Thêm Sức. Văn Phòng này cung cấp tín liệu làm cha mẹ với loạt bài Dạy Cách Thức Yêu Thương và Trang Mạng Vị Thế Cha Mẹ. Thêm vào đó, Văn Phòng còn hợp lực trong việc bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên, cổ vũ và cung cấp dịch vụ Kế Hoạch Hóa Gia Ðình Cách Tự Nhiên và cung cấp hỗ trợ cũng như huấn luyện cho các giáo xứ thuộc Thừa Tác Vụ An Ủi.

Sau đâu là bài phát biểu của Ông Bà Heinzen:

* * *

"Hôn nhân, Hành Trình Suốt Ðời của Yêu Thương Chân Chính"

Chồng con với con tự hỏi mình câu hỏi này "Cha mẹ chúng con đã sống cuộc sống của các ngài ra sao trong tình nghĩa vợ chồng khiến chúng con được dẫn tới chỗ như ngày nay, được là những người Công Giáo kết hôn tràn đầy niềm tin?"

Nhờ suy nghĩ, chúng con nhận ra rằng chứng tá của cha mẹ chúng con biểu lộ kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và đời sống gia đình trong các hành động thường ngày của các ngài. Con có nhiều ký ức đáng yêu về việc tham dự các cuộc Rước Kiệu Mình Thánh tại khu xóm và thói quen ba con dậy sớm đi làm để có giờ tham dự Thánh Lễ hàng ngày. Trong tháng Năm, con nhớ gia đình con đọc kinh Mân Côi. Con còn nhớ những nụ hôn trìu mến cha mẹ con thường xuyên trao cho nhau một cách sẵn sàng. Chúng con quỳ bên giường mỗi đêm cầu xin sự che chở và chúc phúc cho gia đình chúng con. Mỗi Chúa Nhật, chúng con tham dự Thánh Lể cả gia đình, rồi từ Nhà Thờ, chúng con đi thăm thân nhân họ hàng. Ngoài những điều này ra, chúng con có thể thêm điều này nữa là mẹ chúng con thường nhắc nhở chúng con phải luôn yêu mến anh chị em mình, phải có những cử chỉ tốt nhất đối với nhau, và để dành mấy xu giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Căn nhà của chúng con là trường dạy yêu thương và nhân đức và cha mẹ chúng con là những nhà giáo dục đầu hết.

Cha mẹ chúng con là chứng nhân trung thành của niềm vui và vẻ đẹp trong kế hoạch Thiên Chúa dành cho tình yêu và sự sống. Bất hạnh thay, không những trong các lượng giá của chúng con về nền văn hóa đương đại, nhưng còn do các kinh nghiệm mục vụ của chúng con, chúng con biết: nhiều người trẻ không gặp được chứng tá của tình yêu vợ chồng như chúng con đã được gặp. Do đó, quá nhiều giới trẻ đã lớn lên trong những gia đình bị đổ vỡ vì ly dị hay không có cảm nghiệm gì về cha mẹ kết hôn do những vụ thai nghén ngoài hôn nhân. Như một số nhà khoa học xã hội từng mô tả, chúng con đã bước vào một thời đại trong đó cấu trúc gia đình bị thu nhỏ. Ðiều này trầm trọng hơn một cuộc khủng hoảng. Chúng con xin trích dẫn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II "vai trò của cha mẹ trong tư cách nhà giáo dục có tính quyết định đến nỗi ít có điều gì có thể bù trừ cho sự thất bại của họ trong lãnh vực này". Các nghiên cứu xã hội học chứng thực cho vấn đề này và tín liệu trong Tài Liệu Làm Việc đã xác nhận nó. Con cái được dưỡng dục mà thiếu cái phúc có cha mẹ kết hôn, những người tạo lập một mái ấm được sinh động hóa bởi yêu thương và đức tin, chắc chắn phải lao đao lắm mới tin tưởng vào Chúa và người lân cận của mình. Làm sao họ tạo được những cuộc hôn nhân mãn đời?

Giáo phận của chúng con tại Hoa Kỳ không khác gì các giáo phận khác trên thế giới. Chúng con vốn chứng kiến con số hôn nhân giảm dần hàng năm và tỷ số sống chung gia tăng. Chúng con chứng kiến con số rửa tội bớt dần đều đặn. Chúng con thấy người trẻ trở thành mồi cho nền văn hóa hưởng lạc đầy mù mờ. Chúng con biết con số đếm không xuể những người trưởng thành ly dị tham gia các cộng đồng đức tin khác vì họ cảm thấy họ không được Giáo Hội Công Giáo chào đón. Và lòng chúng con nhói đau đối với những cha mẹ đơn lẻ đang lao đao trong việc chăm sóc con cái. Giống như qúy vị, chúng con cố gắng tìm ra những cách thế đơn giản hơn, hữu hiệu hơn để chia sẻ tốt hơn các ơn phúc trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình.

Tài Liệu Làm Việc đưa ra nhiều chương trình mục vụ nhằm cố gắng giải quyết các vấn đề tiêu cực ảnh hưởng tới hôn nhân và đời sống gia đình. Ðáng buồn thay, các cố gắng này không tương ứng với mức độ lớn lao trong các thách đố văn hóa đang đặt ra trước chúng ta. Chúng ta phải triển khai nhiều phương pháp mạnh mẽ và có tính sáng tạo hơn để chia sẻ sự thật nền tảng này: hôn nhân vốn là một hồng phúc thần linh do Thiên Chúa ban, chứ không phải chỉ là một định chế do con người làm ra. Ðiều này buộc chúng ta phải xem sét các phương pháp nhờ đó chúng ta giáo dục con cái về bản chất tính dục con người và ơn gọi hôn nhân. Khi nói đến ơn Chúa gọi để phục vụ, hôn nhân phải được bao gồm trong mọi chương trình nhằm thăm dò ơn gọi. Và, nó cũng nên thúc đẩy ta tự hỏi phải làm thế nào để cung cấp được một nền chăm sóc hậu hôn nhân có thể giúp các cặp vợ chồng thâm hậu hóa mối liên hệ của họ. Do đó, chúng ta nhìn vấn đề trước mắt không như một cuộc khủng hoảng đức tin, mà đúng hơn, như một cuộc khủng hoảng phương pháp học. Làm thế nào để chúng ta, như một Giáo Hội, có thể chia sẻ cách hữu hiệu điều chúng ta biết là sự thật, một cách thực tiễn, đơn giản và thuyết phục, để mọi người nam nữ được thúc đẩy và nâng đỡ trong việc sống cuộc hôn nhân mãn đời và xây dựng mái ấm phản ảnh Giáo Hội tiểu gia?

Trong tất cả mọi việc đặt kế sách cho mục vụ, chúng ta phải nhớ rằng "với Chúa, không điều gì là không thể làm được" (Lc 1:37). Chúng ta có thể tìm ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng đã được nhận diện. Chúng ta hãy mở tâm trí ra cho Chúa Thánh Thần để Thánh Ý Thiên Chúa được thể hiện.

4. Lời phát biểu của Bà Jeannette Toure, Bờ Biển Ngà, Phi Châu

Hồi 9 giờ sáng ngày 9 tháng Mười năm 2014, tại Phòng Họp của THÐ, phiên họp chung thứ năm đã diễn ra theo trình tự của Tài Liệu Làm Việc. Hôm nay, Thượng Hội Ðồng bàn thảo Phần II, Chương 2: "Các Thách Ðố Mục Vụ về Gia Ðình" qua 4 chủ đề: a) Cuộc Khủng Hoảng Ðức Tin và Ðời Sống Gia Ðình; b) Các Hoàn Cảnh Khủng Hoảng Bên Trong Gia Ðình; c) Các Áp Lực Bên Ngoài Ðối Với Gia Ðình; d) Một Số Hoàn Cảnh Ðặc Thù.

Phiên họp được mở đầu với lời trình bày ngắn ngủi của Chủ Tịch Thừa Nhiệm luân phiên, Ðức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, Tổng Giám Mục của Aparecida, Ba Tây. Sau đó, Ðức Hồng Y Chủ Tịch giới thiệu Bà Jeannette Toure, chủ tịch toàn quốc Hiệp Hội Phụ Nữ Công Giáo Bờ Biển Ngà, Phi Châu, người vốn kết hôn với một người Hồi Giáo, lên phát biểu.

Trong lời trình bày của ngài, Ðức Hồng Y Assis nói rằng: trong một Giáo Hội mà Ðức Thánh Cha không ngần ngại ví như một "bệnh viện dã chiến sau trận đánh" (La Civilta Cattolica, August 2013), chúng ta muốn đi ra ngoài, trong tư cách mục tử, để gặp gỡ nhiều gia đình đang gặp khủng hoảng ngõ hầu đem lại cho họ một câu trả lời được Tin Mừng của lòng xót thương gợi hứng.

Thứ hai, chúng ta không thể làm ngơ nhiều hoàn cảnh khủng hoảng trong đời sống gia đình, do các nhân tố bên trong và bên ngoài tạo ra. Tài Liệu Làm Việc liệt kê các nhân tố bên trong: khó khăn giao tiếp và thông đạt giữa các thành viên gia đình (số 64), giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái và giữa anh chị em với nhau; sự phân mảnh và tan rã (số 65), do ly dị hay ly thân gây ra, hay do nhiều hoàn cảnh khủng hoảng khác, đi từ thực tại gia đình mở rộng với nhiều liên hệ đa phương có tính pha mình tới các cuộc kết hợp thực tế (de facto), và nhiều hình thức khác vốn đòi ta phải chú ý và thực thi bác ái mục vụ; các hình thức bạo hành khác nhau trên bình diện tâm lý, thể lý và tính dục có hại cho phụ nữ và trên hết cho trẻ em vốn chất vấn không những xã hội mà cả Giáo Hội nữa (các số 68-69). Với mọi thực tại này, Giáo Hội muốn cung hiến câu trả lời thoả đáng đối với thời đại ta.

Thứ ba, chúng ta không muốn niềm vui sống bị dập tắt bởi việc không tôn trọng và bạo lực (xem Niềm Vui Tin Mừng, số 52) gây ra bởi các áp lực bên ngoài đối với gia đình, như ảnh hưởng của việc làm đối với gia đình (các số 70-71), hiện tượng di dân (số 72), sự nghèo đói và tranh đấu sống còn (số 73), chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân (số 74), các phản chứng từ trong Giáo Hội (số 75).

Sau hết, ta không thể quên nhiều hoàn cảnh đặc thù khác như mong chờ có tính áp chế của xã hội đối với cá nhân (số 76), tác động của chiến tranh (số 77), khác nhau về tín ngưỡng (số 78) và nhiều thực tại khác (số 79).

Rồi Ðức Hồng Y Assis giới thhiệu bà Toure: "vì lưu tâm tới các dấu chỉ thời đại, chúng ta mốn được lắng nghe chứng từ của Bà Jeannette Toure, Chủ Tịch Tòan Quốc Hiệp Hội Phụ Nữ Bờ Biển Ngà. Thực vậy, từ Phi Châu, lục địa vĩ đại này, trong đó hiện một phần đáng lưu ý Dân Chúa đang sinh sống, tiếng nói dân nghèo đã được gióng lên, và chúng ta, được Tin Mừng của lòng thương xót và tình yêu đối với người khác hướng dẫn, muốn được lắng nghe tếng kêu của những người tìm kiếm công lý.

Bà Jeannette Toure:

* * *

Kính thưa qúy Ðức Hồng Y, qúy Ðức Giám Mục, Thưa Quý Cha, Qúy Dì,

Thưa qúy bạn dự thính viên Phiên Họp Toàn Thể Ðặc Biệt Lần Thứ Ba của Thượng Hội Ðồng Giám Mục,

Ðối với Kitô hữu chúng ta, điều hiển nhiên để nói là: chính Thiên Cúa đã nẩy sinh ý niệm gia đình và khi làm như vậy, Người ban cho chúng ta một vài nguyên tắc bằng chính lời Người liên quan tới cấu trúc của nó, cũng như vai trò mỗi thành viên phải đóng. Do đó, đối với con, dường như là điều hợp lý khi nghĩ rằng Người đã tự đặt mình vào chỗ tốt nhất để chỉ cho thấy các gia đình phải vận hành ra sao để tránh các hố thẳm có thể tiêu diệt mình. Dù sao, vấn đề cũng đáng ta lưu ý.

Gia đình là gì, hay đúng hơn, phải chăng ta vẫn có thể nói tới gia đình ở số ít?

Câu hỏi đáng được nêu ra khi ta biết rằng thời ta, gia đình hiện đại bị đánh gục bởi cảnh gia tăng con số ly dị, thất bại hôn nhân, gia tăng con số trẻ em sinh bên ngoài hôn nhân. Phải nói gì đây, khi ta thấy quanh ta thật nhiều các kiểu mẫu gia đình cực kỳ đa dạng: gia đình với cha hay mẹ đơn lẻ, gia đình "cạp" lại (re-constituted), gia đình với nhiều hình thức trung thành tiếp nối nhau (successive fidelities), gia đình tan vỡ, cộng đồng các gia đình, các gia đình đồng tính... Có phải đây là thứ gia đình như lòng Chúa muốn không?

Sự thực, gia đình như lòng Chúa muốn và yêu thương, chỉ là thứ gia đình phải là "Người đã dựng nên họ có nam có nữ, để sinh hoa trái, làm tràn đầy thế giới và được hạnh phúc (St 1:27). Và với tước hiệu này, gia đình phải là hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, bất kể họ hiện diện ở đâu. Ðối với chúng con, trong những cuộc hôn nhân hỗn hợp, chủ đề này "Các Thách Ðố Mục Vụ của Gia Ðình trong Bối Cảnh Phúc Âm Hóa" lại càng quan trọng hơn nhiều khi áp dụng vào thực tế của chúng con: làm thế nào để một người đàn ông, theo Hồi Giáo, và một người đàn bà, theo Công Giáo, trong hơn 52 năm qua đã yêu nhau, và tiếp tục yêu nhau cho tới ngày nay, trở thành chứng tá của Tin Mừng cho con cái họ, cho khu xóm họ, cho bằng hữu của họ, cho các cộng đồng tôn giáo khác?

Chúng con muốn chứng tá đời sống của chúng con trở thành một đóng góp cho chủ đề trên: 52 năm chung sống trong khoan dung, tôn trọng hỗ tương các niềm tin của nhau, nâng đỡ nhau, giáo dục con cái theo Kitô Giáo (tất cả đều chịu phép rửa trong Giáo Hội Công Giáo với sự thỏa thuận của chồng con), tất cả những điều này trong khi tiếp nhận được nhiều niềm vui do Chúa ban và trong khi giữ vững hy vọng trước nhiều nỗi khó khăn. Từ cuộc phối hợp này, chúng con được 5 đứa con và 6 đứa cháu: với tất cả, chúng con vun xới lòng kính trọng người khác dù dị biệt và đem lại niềm tin cho chúng.

Con cám ơn chồng con, người đã chấp nhận việc đó, tức việc tất cả các con của chúng con đều là người Công Giáo. Ðến lượt chúng, chúng cũng cố gắng trở thành những người đem Tin Mừng tới những người xung quanh. Gia đình, nhất là gia đình Phi Châu, có nhiệm vụ làm chứng cho đức tin của mình ở giữa đời và ở khu vực xung quanh. Cũng là một thách đố khi ta ý thức được sức mạnh của truyền thống. Các chọn lựa và quyết định của ta phải giúp người xung quanh hiểu biết hơn, chấp nhận và yêu mến Thiên Chúa hơn.

Ðứng trước những kiểu mẫu không luôn luôn chói sáng, ta nên quả quyết rằng điều tốt nhất là tìm hạnh phúc của từng người và của mọi người và rằng vì gia đình là nơi của những hoài mong lớn lao, nên thế giới cần có những kiểu mẫu cho gia đình, cũng như cho nhiều bình diện khác. Do đó, đứng trước đủ thứ đe dọa đang đè nặng lên gia đình, đối với con, điều xem ra khẩn cấp là các gia đình phải trở về với sứ mệnh của mình để biết rằng:

* Gia đình là nơi người ta là chính mình, bỏ hết mặt nạ mà không bị phê phán; là nơi người ta học tự tin nhờ cái nhìn đầy khâm phục nhưng đồng thời sáng suốt của cha mẹ dành cho con cái. Nó là nơi người ta sống tình yêu hàng ngày, nơi người ta thoát được cô đơn, nơi người ta học chia sẻ, lớn lên trọn vẹn.

* Gia đình là nơi người ta học sống cuộc sống xã hội trong hòa nhã và là nơi họ thực tập các dị biệt; là nơi người ta chuyển giao các giá trị. Vì gia đình cổ vũ thông đạt giữa các thành viên để trở thành nơi biểu lộ, đúng hơn, phải biểu lộ, tình yêu và sự âu yếm của cha mẹ.

* Qúy vị chắc hẳn biết rằng việc xây dựng một gia đình cần sự dấn thân quảng đại của các người phối ngẫu vào công việc kỳ diệu này, một thách đố được phát động trong thời gian bằng quyết định sống trung thành, sống yêu thương, không nhìn lại và, bằng cách biết sử dụng các phương tiện để sống trung thành, không chỉ ước mơ sự lớn mạnh và tiện nghi cho riêng mình.

* Cũng thế, qúy vị sẽ thấy rằng các gia đình mà các ranh giới không rõ ràng, nơi người ta làm bất cứ điều gì họ muốn và chỉ nghĩ tới mình trước nhất, sẽ không bao giờ tiến xa, giống hệt các gia đình chuyên chế, tức các gia đình tự cho mình là đủ.

Sự thực là đối với các gia đình ngày nay, vấn đề là dấn thân phục vụ thành phố, gia nhập các hiệp hội, bước vào liên hệ với Thiên Chúa. Và đây là toàn bộ thách đố mà ta phải cùng nhau làm cho nổi bật.

Xin cám ơn qúy vị!

(Còn tiếp)

 

Vũ Văn An

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page