Thượng Hội Ðồng Về Gia Ðình

Phiên họp chung thứ tám và thứ chín

 

Thượng Hội Ðồng Về Gia Ðình, Phiên họp chung thứ tám và thứ chín.

Roma (VietCatholic News 10-10-2014) - "Vì hôn nhân là ơn gọi phục vụ sự sống, nên việc chuẩn bị cho nó cần phải lâu dài và chi tiết, giống như việc chuẩn bị cho cuộc sống tu trì vậy".

Theo Tài Liệu Làm Việc, trong phiên họp chung lần thứ tám, cuộc tranh luận tập chú vào đề tài "Giáo Hội và Gia Ðình trong Thách Ðố Dưỡng Dục (Phần III, chương 2). Thách Ðố Dưỡng Dục Nói Chung / Giáo Dục Kitô Giáo trong Các Hoàn Cảnh Gia Ðình Khó Khăn".

Trước nhất, ơn gọi phục vụ sự sống như yếu tố căn bản của gia đình đã được nhấn mạnh; điều này dẫn tới lời mời tín hữu đào sâu hiểu biết của họ về Thông Ðiệp Sự Sống Con Người của Ðức Phaolô VI, nhờ thế hiểu rõ hơn ý nghĩa việc sử dụng các phương pháp tự nhiên để kiểm soát khả năng sinh nở và không chấp nhận ngừa thai. Kết hợp và sinh sản vốn không biệt lập đối với hành vi vợ chồng. Do đó, phiên họp đã mạnh mẽ tái lên án việc thao túng di truyền học và việc trữ lạnh các phôi thai.

Từ một số khu vực đang xuất hiện khuynh hướng của một số quốc gia và tổ chức có trụ sở tại thế giới Tây Phương muốn trình bày, đặc biệt trong bối cảnh Phi Châu, một số quan niệm, trong đó có phá thai và kết hợp đồng tính, như là "nhân quyền", cột chặt chúng vào viện trợ kinh tế và nhiều chiến dịch gây áp lực mạnh để cổ vũ các quan niệm này. Về phương diện này, phiên họp đã nhấn mạnh rằng kiểu nói "các quyền được hưởng sự lành mạnh về tính dục và sinh sản" không hề được định nghĩa rõ ràng trong luật pháp quốc tế và kết cục đã bao gồm nhiều nguyên tắc trái ngược nhau như kết án việc cưỡng ép phá thai và cổ vũ việc phá thai an toàn, hay bảo vệ việc làm mẹ và cổ vũ việc ngừa thai. Lại nữa, tuy không có giá trị trói buộc, việc cổ vũ "các quyền" này vẫn là một nguy cơ, vì nó ảnh hưởng tới lối giải thích các qui luật khác, nhất là trong việc chống kỳ thị phụ nữ.

Phiên họp nhắc lại tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn nhân thỏa đáng, vì việc cử hành nó xem ra càng ngày càng bị thu gọn chỉ còn có vị thế xã hội và luật pháp mà thôi, chứ không hẳn là một sợi dây tôn giáo và thiêng liêng. Có nhận định cho rằng khóa chuẩn bị thường bị các cặp đính hôn coi như một áp đặt, một trách vụ phải hoàn tất chứ không xác tín chi cả, và do đó, hết sức vắn vỏi. Vì hôn nhân là một ơn gọi phục vụ sự sống, việc chuẩn bị lãnh nhận nó cần phải lâu dài và chi tiết, giống trường hợp chuẩn bị bước vào cuộc sống tu trì vậy. Phiên họp cũng chứng minh rằng các cặp vợ chồng thường không biết tới giá trị bí tích của dây hôn phối, đến nỗi có ý kiến cho rằng việc cử hành nghi thức hôn phối không tự động là việc cử hành bí tích hôn phối.

Liên quan tới việc đơn giản hóa các thủ tục trong diễn trình chứng thực tính vô hiệu của hôn nhân, phiên họp nhắc nhở rằng một ủy ban nghiên cứu đặc biệt để cải tổ diễn trình này theo giáo luật đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô thiết lập ngày 20 tháng Chín năm 2014, và phiên họp hy vọng rằng ủy ban này sẽ giúp thực thi một thủ tục đơn giản hơn, một thủ tục phải đơn nhất và thống nhất đối với toàn thể Giáo Hội. Hơn nữa, liên quan tới việc xác nhận kép các phán lệnh tiếp theo việc kháng án, có câu hỏi muốn biết liệu có hay chăng khả thể để vị giám mục, tùy theo khôn ngoan, quyết định việc kháng án này. Ðồng thời, có đóng góp mong rằng sẽ có sự hiện diện lớn hơn của nhiều thẩm phán giáo dân được chuẩn bị kỹ càng, nhất là thẩm phán phụ nữ.

Phiên họp tiếp tục nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc chuẩn bị tốt cho các linh mục về việc chăm sóc mục vụ cho hôn nhân và gia đình, và nhận định rằng có thể dùng các bài giảng lễ làm những giây phút đặc biệt và hữu hiệu cho việc công bố Tin Mừng gia đình cho tín hữu. Có nhận định cho rằng cần cả đào luyện lẫn thông tri, vì sự thánh thiện thiêng liêng của linh mục, óc sáng tạo và mối liên hệ trực tiếp của ngài với các gia đình được tín hữu đặc biệt qúy trọng.

Phiên họp suy nghĩ nhiều hơn nữa về mối liên hệ giữa việc di dân và gia đình, trong đó, các nghị phụ nhắc lại rằng đơn vị gia đình là một quyền căn bản phải được ban cấp cho mọi di dân, và các ngài nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền được hưởng tính hợp nhất của gia đình trong các chính sách di dân quốc tế. Cũng có nhận định cho rằng gia đình là yếu tố chủ chốt trong việc hội nhập di dân vào các quốc gia chủ nhà.

Trong giờ dành cho việc thảo luận tự do, từ 6 tới 7 giờ tối, ba đề tài đặc biệt đã được nêu ra: liên quan tới người ly dị và tái hôn, nhu cầu cần một con đường thống hối đã được nhấn mạnh, tiếp theo là suy nghĩ về trường hợp những người ly dị vẫn sống một mình và âm thầm đau khổ, đứng bên lề sinh hoạt xã hội. Thứ hai, phiên họp nhắc đến nhu cầu phải bảo vệ trẻ em của các cặp ly dị khỏi chịu các hậu quả tâm lý của việc cha mẹ chúng ly dị. Về phương diện này, phiên họp nhắc nhở rằng một nền chăm sóc mục vụ thỏa đáng cho các em thường dẫn cha mẹ các em xích lại gần Giáo Hội hơn.

Thứ ba, tầm quan trọng của mối liên hê giữa gia đình và việc giáo dục con cái đã được khẳng định, đặc biệt nhắc đến quyền của cha mẹ được chọn kế hoạch giáo dục nào thích hợp nhất cho con cái họ, để chúng nhận được một nền giáo dục có phẩm chất.

Sau cùng, Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng, Ðức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, công bố rằng trong 8 phiên họp chung vừa qua, đã có tất cả 180 tham luận của các nghị phụ, thêm 80 tham luận nữa trong các giờ thảo luận tự do.

Phiên họp chung thứ chín

"Có nhận định cho rằng giới trẻ không cần lý thuyết, nhưng họ hiểu rõ tính trung tâm của gia đình nếu nó được chứng tỏ bởi chính các gia đình, vốn là nhân chứng đáng tin và là chủ thể của phúc âm hóa".

Phiên họp chung thứ chín đã nghe 15 tham luận (6 tham luận của các cặp vợ chồng và 9 tham luận của các dự thính viên độc thân), hầu hết đều là các giáo dân đang dấn thân trong các lãnh vực chăm sóc mục vụ gia đình, đạo đức sinh học và sinh thái nhân bản. Xuất thân từ nhiều nước khác nhau trên thế giới và đại diện cho hầu hết các lục địa, các dự thính viên đem tới phiên họp chứng từ sống động của họ về việc sống tông đồ gia đình trong cuộc sống hàng ngày.

Trước nhất, phiên họp nhắc tới những khó khăn do các gia đình sống tại Trung Ðông trải nghiệm, nhất là tại Iraq: các tranh chấp khá nhiều ở đấy đã gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các gia đình, bị phân chia bởi cái chết của người thân, bị buộc phải di cư để tìm nơi an toàn sinh sống, mất tương lai đối với giới trẻ vì mất học hành hay đối với người già vì bị bỏ rơi mặc tình xoay trở. Sự hợp nhất của gia đình Kitô hữu tại Trung Ðông gặp trở ngại sâu xa, tác động lên cả sự hợp nhất xã hội và quốc gia của các nước trong vùng. Trước các hoàn cảnh bi thảm này, Giáo Hội thực sự là nơi trú ẩn an toàn, một "gia đình của các gia đình" đem lại an ủi và hy vọng. Ðiều cũng cần thiết là chuẩn bị cho các cặp vợ chồng để họ trở thành người trung gian của hòa bình và hoà giải.

Một điểm nữa cũng được các dự thính viên làm nổi bật, đó là việc Giáo Hội cần lắng nghe giáo dân nhiều hơn trong việc mưu tìm giải pháp cho các vấn đề về gia đình, nhất là các vấn đề liên quan tới lãnh vực thân mật trong cuộc sống vợ chồng. Vì lý do này, điều quan trọng là phải có sự hiệp lực (synergy) giữa thế giới khoa bảng và thế giới mục vụ, để đào tạo không hẳn "các kỹ thuật viên" mà là các nhân viên mục vụ biết và hiểu cách cổ vũ các chủ đề về gia đình và sự sống dưới viễn kiến nhân học Công Giáo toàn diện và vững chắc.

Ngoài ra, các dự thính viên cho thấy nhu cầu phải có cuộc đối thoại lớn hơn giữa Giáo Hội và Nhà Nước, cũng qua các cố gắng của những tín hữu giáo dân, không vì tham vọng bản thân, biết cách cổ vũ việc bảo vệ quyền lợi gia đình và bảo vệ sự sống trong khi làm việc cho Nhà Nước với một bộ mặt người. Phiên họp nhận định rằng hàng ngũ giáo dân phải tích cực và có khả năng trong cuộc tranh đấu công khai cho các giá trị của sự sống và của gia đình.

Các tham luận tập chú vào nhu cầu phải chuẩn bị thỏa đáng và thường xuyên cho các linh mục trong các đề tài liên quan tới gia đình, nhất là liên quan tới việc cởi mở đối với sự sống, để các ngài có khả năng giải thích và ăn nói tự nhiên cũng như rõ ràng về tình yêu vợ chồng. Phiên họp cũng ghi nhận điều này: nếu việc kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên được giải thích sâu sắc, bằng cách làm nổi bật giá trị tích cực của nó, nó sẽ có thể tăng cường cuộc sống vợ chồng. Về phương diện này, phiên họp lặp lại rằng các bài giảng lễ, nếu được chuẩn bị tốt, chắc chăn sẽ khiến tín hữu tham dự trọn vẹn hơn vào việc cử hành Thánh Lễ.

Một khởi điểm suy nghĩ nữa giúp người ta thấy rõ tầm quan trọng của chứng từ: có lời trình bày rằng người trẻ không cần lý thuyết, nhưng họ hiểu rõ tính trung tâm của gia đình nếu tính này được chứng tỏ bởi chính các gia đình, vốn là các nhân chứng đáng tin và là chủ thể của phúc âm hóa. Vì vậy, phiên họp đã suy nghĩ về việc các cặp vợ chồng phải được đồng hành bằng một nền chăm sóc mục vụ thỏa đáng cả trước lẫn sau khi kết hôn.

Sau đó, các dự thính viên đề cập tới nỗi đau khổ của những người mất một thành viên trong gia đình: các người góa chồng và góa vợ, các trẻ mồ côi hay cha mẹ mất con. Ðối với những người này, việc Giáo Hội đồng hành với họ là điều căn bản, qua các nhóm hỗ trợ và chia sẻ, để họ không trở thành lạc lõng trong nỗi buồn sâu xa của mất mát, và nỗi sợ của một "sa mạc" xúc cảm, nhưng kiên vững trong đức tin.

Các nghị phụ Thượng Hội Ðồng tiếp tục nói đến tầm quan trọng của "sinh thái nhân bản" là điều giúp đánh trả các hậu quả tiêu cực của việc hoàn cầu hóa về kinh tế, một việc thường đề ra những mô thức trái ngược với tín lý Công Giáo. Các ngài cương quyết lên án mọi hình thức bạo hành trong gia đình, nhất là đối với phụ nữ, trong khi chứng minh rằng việc này thường hay bị người trẻ vi phạm.

Sau cùng, phiên họp đã nhấn mạnh tới việc phải có thông đạt trong gia đình, vợ chồng chia sẻ với nhau, cả hai cha mẹ tham dự vào việc giáo dục con cái, và trên hết, phải cầu nguyện trong gia đình, tất cả đều góp phần củng cố đơn vị gia đình.

 

Vũ Văn An

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page