Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình

phiên họp sáu và bẩy

 

Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình, phiên họp sáu và bẩy.

Roma (VietCaholic News 10/10/2014) - Trong phiên họp chung chiều mùng 8 tháng Mười năm 2014, các nghị phụ Thượng Hội Ðồng đã thảo luận về "Các Hoàn Cảnh Mục Vụ Khó Khăn (Phần II, chương 3 của TLLV). Các Hoàn Cảnh trong Các Gia Ðình / Liên Quan Tới Các Vụ Kết Hợp Của Những Người Cùng Phái".

Trước nhất, việc Giáo Hội không phải là nhà quan thuế mà đúng hơn là nhà Cha đã được nhấn mạnh; cho nên, ta phải tình nguyện đồng hành một cách kiên nhẫn với hết mọi người, cả những người đang sống trong các hoàn cảnh khó khăn về mục vụ. Giáo Hội Công Giáo đích thực bao gồm cả các gia đình lành mạnh lẫn các gia đình đang gặp khủng hoảng, và do đó, trong cố gắng thánh hóa hàng ngày, Giáo Hội không được tỏ ra dửng dưng trước sự yếu đuối của họ, vì đức kiên nhẫn hàm nghĩa phải tích cực giúp đỡ người yếu ớt nhất.

Liên quan tới diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu, nói chung, nhu cầu đơn giản hóa các thủ tục đã được nhiều vị nhấn mạnh, cùng với nhu cầu phải thu nhận nhiều giáo dân có khả năng vào các tòa án Giáo Hội, nhưng phiên họp cũng ghi nhận sự nguy hiểm của tính phiến diện và nhu cầu phải luôn bảo vệ lòng kính trọng đối với sự thật và quyền lợi của các bên. Cũng có nhận xét cho rằng diễn trình hiện nay không đi ngược đức ái mục vụ, và thừa tác vụ pháp chế phải tránh mọi mưu toan nhằm quy kết lỗi lầm, thay vì thế, phải khuyến khích việc thanh thản thảo luận vụ án. Một lần nữa, liên quan tới án vô hiệu hôn nhân, phiên họp cũng đã xem sét giả thuyết phải sử dụng tới các ngả hành chánh, không hẳn để thay thế diễn trình pháp chế mà đúng hơn để bổ túc cho diễn trình này. Ðã có đề nghị cho rằng giám mục sẽ có trách nhiệm quyết định đơn xin án vô hiệu nào được xử lý qua ngả hành chánh này.

Cũng đã có nhấn mạnh khá mạnh mẽ rằng cần phải có thái độ kính trọng đối với những người ly dị và tái hôn, vì họ thường phải sống trong những hoàn cảnh bất ổn hay bất công xã hội, âm thầm đau khổ và, trong nhiều trường hợp, tìm đường từ từ trở lại tham dự đầy đủ hơn vào đời sống Giáo Hội. Do đó, việc chăm sóc mục vụ không được có tính áp chế, mà cần phải đầy xót thương.

Liên quan tới đa hôn, một đàng, có ý kiến cho rằng đây là một khuynh hướng đang giảm dần vì phần lớn chỉ diễn ra ở các môi trường thôn quê và do đó có thể khắc phục bằng việc phát triển đô thị hóa; đàng khác, có ý kiến nhắc nhở rằng đã có những người đa hôn trở lại Ðạo Công Giáo và muốn lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô Giáo, thành thử câu hỏi là liệu có các biện pháp mục vụ chuyên biệt nào để biện phân thích đáng các hoàn cảnh này chưa.

Phiên họp lại hướng chú ý trở lại việc chuẩn bị hôn nhân kỹ hơn, nhất là đối với giới trẻ, những người phải được trình bày vẻ đẹp của hôn nhân bí tích, cùng với việc giáo dục thích đáng về xúc cảm chứ không chỉ là những khuyên bảo luân lý học, có nguy cơ sản sinh ra một thứ mù chữ về tôn giáo và nhân bản. Con đường tiến tới hôn nhân phải bao gồm sự tăng trưởng đích thực cho con người.

Trong giờ thảo luận tự do từ 6 tới 7 giờ tối, các tham luận đã trình bày các trải nghiệm và các mô thức thực tiễn cho việc chăm sóc mục vụ đối với các người ly dị và tái hôn, sử dụng rộng rãi các nhóm lắng nghe. Có nhận xét cho rằng điều quan trọng là phải cẩn trọng tránh phê phán luân lý hay nói tới "trạng thái tội lỗi vĩnh viễn", thay vào đó phải tìm cách hiểu cho bằng được điều này: việc không được phép lãnh nhận bí tích Thánh Thể không hoàn toàn loại trừ khả thể ơn thánh trong Chúa Kitô mà chỉ vì hoàn cảnh khách quan họ vẫn còn bị trói buộc bởi dây bí tích bất khả tiêu trước đây. Về phương diện này, sự quan trọng của việc rước lễ thiêng liêng đã liên tiếp được nhắc đi nhắc lại. Cũng có nhận định cho rằng hiện có nhiều giới hạn hiển nhiên đối với các đề xuất này và điều chắc chắn là không hề có những giải pháp "dễ dãi" cho vấn đề.

Cũng liên quan tới việc chăm sóc mục vụ cho người đồng tính, sự quan trọng của việc lắng nghe và việc sử dụng các nhóm lắng nghe đã được nhấn mạnh.

Nhiều tham luận khác đã tập chú vào vấn đề nhũng người Công Giáo chuyển qua các tuyên tín khác của Kitô Giáo, hay ngược lại; những người này có thể gặp các hậu quả khó khăn phát sinh từ các cuộc hôn nhân liên tuyên tín và việc hữu hiệu hóa tính thành sự của các cuộc hôn nhân này dưới ánh sáng có thể có ly dị, như trong các Giáo Hội Chính Thống.

Có vị, dựa vào THÐ Thường Lệ năm 1980 về chủ đề "Gia Ðình Kitô Hữu", đã nhận xét rằng từ đó đã có sự biến hóa lớn trong nền văn hóa pháp chế quốc tế và do đó điều cần là Giáo Hội nên ý thức việc này, và đối với các định chế văn hóa như các đại học Công Giáo, chẳng hạn, cần phải đối diện với hoàn cảnh này ngõ hầu duy trì được một vai trò nào đó trong cuộc tranh luận đang tiếp tục diễn ra.

Phiên họp chung thứ bẩy

Phiên họp chung thứ bẩy đã diễn ra sáng thứ Năm, 9 tháng Mười năm 2014, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu tiếp tục bàn tới các đề tài của chiều hôm trước, "Các Hoàn Cảnh Mục Vụ Khó Khăn" (Phần II, chương 3. Các Hoàn Cảnh Trong Gia Ðình / Liên Quan Tới Các Cuộc Kết Hợp Của Những Người Ðồng Tính), và giai đoạn hai bàn tới vấn đề "Các Thách Ðố Mục Vụ Liên Quan Tới Việc Cởi Mở Ðối Với Sự Sống".

Bởi thế, ở phần đầu, phiên họp tiếp tục các suy nghĩ về vấn đề lãnh nhận bí tích Thánh Thể của những người ly dị và tái hôn. Thứ nhất, phiên họp tái nhấn mạnh bản chất bất khả tiêu của hôn nhân, không nhân nhượng gì cả, dựa trên sự kiện: sợi dây bí tích là một thực tại khách quan, công trình của Chúa Kitô trong Giáo Hội. Một giá trị như thế phải được bảo vệ và chăm sóc bằng một nền giáo lý tiền hôn nhân thỏa đáng, để các cặp đính hôn ý thức được trọn vẹn đặc tính bí tích của sợi dây này và bản chất ơn gọi của nó. Việc đồng hành mục vụ với các cặp vợ chồng sau khi họ kết hôn cũng là điều rất hữu ích.

Ðồng thời, có ý kiến cho rằng cần phải xét từng trường hợp một và những hoàn cảnh đời thực, cả những người đang đau khổ lớn lao, thí dụ, phải phân biệt giữa những người bỏ rơi người phối ngẫu của mình và những người bị bỏ rơi. Thực sự có vấn đề đó (điều này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong phiên họp) và Giáo Hội không nên làm ngơ nó.Việc chăm sóc mục vụ không nên có tính loại trừ (exclusive), theo kiểu "tất cả hay không có gì" mà phải nhân từ, vì mầu nhiệm Giáo Hội vốn là một mầu nhiệm ủi an.

Dù sao, có ý kiến cho rằng đối với các người ly dị và tái hôn, sự kiện không được lãnh nhận Thánh Thể không có nghĩa họ không còn là thành viên của cộng đồng Giáo Hội nữa; trái lại, phải xem xét điều này: hiện có nhiều thứ trách nhiệm khác nhau cần phải thực thi. Hơn nữa, nhu cầu đơn giản hóa và nhanh chóng giải quyết các thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu đã được nhấn mạnh.

Liên quan tới việc sống chung tại một số vùng, có ý kiến chứng minh rằng việc này thường do các nhân tố kinh tế và xã hội gây ra chứ không hẳn là một hình thức bác bỏ các giáo huấn của Giáo Hội. Hơn nữa, các cuộc sống chung này và nhiều loại kết hợp trên thực tế khác thường được sống trong khi vẫn duy trì ước muốn được sống cuộc sống Kitô Hữu và do đó, đòi một nền chăm sóc mục vụ thích hợp. Cũng thế, dù nhấn mạnh việc không thể thừa nhận hôn nhân đồng tính, việc cần có một cách tiếp cận đầy kính trọng và không kỳ thị đối với người đồng tính trong bất cứ trường hợp nào đã được nhấn mạnh.

Nhiều chú ý hơn đã được dành cho vấn đề hôn nhân khác tín ngưỡng, bằng cách chứng ỏ rằng bất chấp các khó khăn có thể có, điều hữu ích là cũng nên xem xét các khả thể do các cuộc hôn này cung cấp, như là các chứng tá đối với sự hòa hợp và đối thoại liên tôn. Phiên họp, sau đó, quay trở lại đề tài ngôn ngữ, làm sao để Giáo Hội có thể mời gọi tín hữu, người không tin và mọi người có thiện chí tham dự việc tìm ra các mô thức cho đời sống gia đình có thể cổ vũ được việc phát triển toàn diện con người và phục vụ phúc lợi xã hội. Có ý kiến đề nghị rằng nên sử dụng "thứ văn phạm đơn giản" để nói về gia đình, một văn phạm đi thẳng vào lòng tín hữu.

Làm cha mẹ

Trong phần thứ hai, đề tài làm cha mẹ có trách nhiệm đã được bàn thảo, bằng cách nhấn mạnh rằng hồng phúc sự sống (và nhân đức trong sạch) là các giá trị nền tảng của hôn nhân Kitô Giáo và nhấn mạnh tới sự nghiêm trọng của tội ác phá thai. Ðồng thời, phiên họp nhắc tới nhiều trải nghiệm của các gia đình, thí dụ, tại một số bối cảnh Á Châu, có những điều như sát nhi, bạo lực đối với phụ nữ và buôn bán người. Phiên họp đã nhấn mạnh tới việc cần phải nêu rõ ý niệm công lý, coi nó như là một trong các nhân đức nền tảng của gia đình.

Cuộc tranh luận sau đó quay qua vấn đề trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái về đức tin và các giáo huấn đức tin: trách nhiệm này có tính căn bản, phiên họp nói vậy, và điều quan trọng là phải lưu tâm thích đáng tới nó. Phiên họp cũng ghi nhận điều này: việc chăm sóc mục vụ con cái có thể tạo nên điểm tiếp xúc với các gia đình đang sống trong các hoàn cảnh khó khăn.

Liên quan tới con cái, tác động tiêu cực của ngừa thai đối với xã hội và việc nó đem lại sa sút về sinh suất cũng đã được nhấn mạnh. Có ý kiến nhận xét rằng người Công Giáo không nên im lặng đối với vấn đề này, ngược lại phải đem đến một sứ điệp hy vọng: con cái là điều quan trọng, chúng đem sức sống và niềm vui lại cho cha mẹ, và chúng củng cố đức tin và các htự chành tôn giáo.

Sau cùng, phiên họp bàn tới vai trò chủ chốt của giáo dân trong lãnh vực tông đồ gia đình và việc phúc âm hóa của nó, cũng như các phong trào giáo dân có khả năng đồng hành với các gia đình gặp khó khăn.

 

Vũ Văn An

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page