An tâm về Thượng Hội Ðồng Giám Mục

vào tháng 10 năm 2014

 

An tâm về Thượng Hội Ðồng Giám Mục vào tháng 10 năm 2014.

Roma (VietCatholic News 17-09-2014) - Theo tin Zenit ngày 16 tháng Chín năm 2014, Ðức Hồng Y Renato Raffaele Martino, chủ tịch danh dự Viện Dignitatis Humanae, tuyên bố rằng: "Tại Thượng Hội Ðồng, chắc chắn sẽ có nhiều phát biểu và tham luận không tương ứng với tín lý của Giáo Hội, nhưng cuối cùng, Thượng Hội Ðồng sẽ không thể làm gì khác hơn là tái khẳng định những gì Giáo Hội luôn luôn dạy về gia đình".

Ngài tuyên bố như thế trong một cuộc phỏng vấn đăng ngày 16 tháng Chín năm 2014 trên tờ La Nuova Bussola Quotidiana. Tưởng cũng nên biết Ðức Hồng Y Martino năm nay 82 tuổi, vừa được bổ nhiệm làm đệ nhất Hồng Y Trưởng Phó tế (proto-deacon), với nhiệm vụ loan báo tân giáo hoàng, sau một đời hoạt động trong lãnh vực truyền bá và bảo vệ học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Thực vậy, ngài là sứ thần Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc trong 16 năm, từ năm 1986 tới năm 2002, rồi sau đó là chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình. Ngài từng du hành khắp thế giới trong vai trò này, như lời ngài cho hay: "tôi đã viếng thăm 195 trong số 205 quốc gia hiện có, chưa có vị Hồng Y nào làm hơn" và lãnh nhận 35 huy chương và 14 bằng danh dự. Trong những năm tại Liên Hiệp Quốc, ngài từng cổ vũ việc bảo vệ gia đình và quyền sống, vốn là chủ đề bị tấn công chưa từng thấy. Và trận chiến lớn nhất, tranh chấp khủng khiếp nhất, chắc chắn là tại Hội Nghị Quốc Tế Cairo về Dân Số và Phát Triển vào dịp này cách nay 20 năm. Lúc đó, chủ đề trổi vượt là nạn nhân mãn và Hoa Kỳ cũng như Liên Hiệp Âu Châu tìm đủ mọi cách để áp đặt bất cứ phương tiện hạn chế sinh đẻ nào, nhất là đòi cho được quyền phá thai.

Ðược hỏi về lập trường của Tòa Thánh lúc ấy, Ðức Hồng Y Martino cho hay: được sự hỗ trợ của các phái đoàn Phi Châu và Mỹ Châu La Tinh, ngài lên tiếng đề nghị rằng không nên coi phá thai là một phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Nhờ sự lên tiếng này, Chương Trình Hành Ðộng, do Hội Nghị Cairo biểu quyết, có đoạn viết: "Bất luận trong trường hợp nào, cũng không nên cổ vũ phá thai như một phương pháp kế hoạch hóa gia đình" (Ðoạn 8.25). Ðây quả là một chiến thắng vẻ vang mà người Âu Châu, vốn phò phá thai, không bao giờ chịu thấu. Ðiều quan trọng là câu phát biểu trên không bao giờ bị bất cứ văn kiện nào của Liên Hiệp Quốc hủy bỏ, dù có nhiều mưu toan làm việc này. Mưu toan đầu tiên nhằm xóa bỏ câu này diễn ra tại Bắc Kinh, chỉ vài tháng sau vào năm 1995, trong một hội nghị về phụ nữ. Mọi quốc gia bị đánh bại tại Cairo đã kết hợp với nhau tại Bắc Kinh và làm mọi cách để loại bỏ câu trên, nhưng không thành công.

Ðược hỏi về động thái của chính phủ Clinton cương quyết đạt cho bằng được quyền phá thai tại hội nghị trên, Ðức Hồng Y Martino cho biết ngài bị Timothy Wirth, lúc đó là thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, vặn hỏi: "Sao ngài làm thế?". Ngài trả lời rằng "chúng tôi bảo vệ phẩm giá con người, phẩm giá mọi người". Wirth bảo: "ngài chỉ là một quan sát viên, ngài không thể làm thế". Ông ta có ý nói tới sự kiện một liên minh gồm các nước Phi Châu và Mỹ Châu La Tinh đã được thành lập quanh Tòa Thánh. Ngài bèn cho Wirth hay: tại Liên Hiệp Quốc, Tòa Thánh quả chỉ là một quan sát viên, nhưng khi hội nghị này được triệu tập, Tòa Thánh tham dự trên cùng một bình diện như mọi nước khác, nên có quyền can thiệp nếu cần. Cuộc đàm thoại đến đó kết thúc.

Ðức Hồng Y Martino cho biết thêm: tại hội nghị Cairo, người ta cố gắng tái định nghĩa quan niệm về gia đình bằng cách nhấn mạnh đến gia đình ở số nhiều. Nhưng các mưu toan này đã bị liên minh đánh bại. Ðược hỏi tại sao các nước này liên minh với Tòa Thánh, Ðức Hồng Y trả lời: "vì họ là nạn nhân của các chính sách của chủ nghĩa đế quốc ngừa thai".

Dù thế, sau hội nghị Cairo, các chính sách hạn chế sinh đẻ tại các quốc gia nghèo đã được tài trợ gấp bội. Ðức Hồng Y Martino nhìn nhận việc đó và cho đó là một nỗi đau buồn do việc các nước giầu không ngừng can thiệp và truyền bá các chính sách này.

Trước hội nghị Cairo, Ðức Gioan Phaolô II đã can thiệp nhiều lần để ngăn cản các lập trường phản gia đình và phản sự sống không được thông qua. Ngài còn viết thư cho các nguyên thủ quốc gia và trên hết còn dùng các buổi đọc kinh Truyền Tin để dạy giáo lý về gia đình, về sự sống và về luật tự nhiên, một luật xem ra bị quên lãng ngay bên trong Giáo Hội.

Ðức Hồng Y Martino cho rằng Ðức Gioan Phaolô II rất thông hiểu mọi điều diễn ra tại Liên Hiệp Quốc. Mỗi lần Ðức Hồng Y tới Rôma, ngài đều được Ðức Gioan Phaolô II mời dùng bữa tại Vatican và trong những lần như thế, Ðức Giáo Hoàng được thông tri tất cả những gì đang được thảo luận tại Liên Hiệp Quốc và các công trình chuẩn bị cho một số hội nghị quốc tế. "Giữa điều ngài nói và điều tôi làm tại New York, có một hoà điệu lớn. Ðó là lý do ngài chống đối việc thuyên chuyển tôi khỏi Liên Hiệp Quốc vào năm 1992".

Thực vậy, năm ấy, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh muốn cử Ðức Hồng Y Martino làm sứ thần tại Ba Tây, nhưng Ðức Gioan Phaolô II ngăn cản. Ngài bảo: "Martino ở lại Liên Hiệp Quốc. Còn phải ở lại đấy 10 năm nữa!". Ngài giữ đúng lời trong mọi chuyện. Năm 1992, các việc chuẩn bị cho hội nghị Cairo đang được thực hiện dưới sự điều hợp của Ðức Hồng Y Martino và tuyên bố về ngừa thai đang được soạn thảo, nên Ðức Giáo Hoàng bảo: "không, ngài phải ở lại". Năm 2002, Ðức Gioan Phaolô II cho vời ngài tới và bảo: "ở Liên Hiệp Quốc đủ rồi, về Rôma làm chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình". Và mọi sự đã diễn ra như thế. Rồi năm 2003, Ðức Giáo Hoàng nâng ngài lên hàng Hồng Y.

Ðược hỏi có phải ngài là soạn giả của Tuyển Tập Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội không, Ðức Hồng Y Martino cho biết từ năm 1998, Ðức Gioan Phaolô II đã nhận được một thỉnh cầu của các vị giám mục Mỹ Châu La Tinh muốn có một tài liệu về giáo huấn xã hội. Khi Ðức Hồng Y Martino bắt đầu đảm trách Hội Ðồng Công Lý Và Hòa Bình, đã có một bản dự thảo cho Tuyển Tập này rồi, nhưng chưa đầy đủ; về môi trường chẳng hạn, chỉ có một đoạn nhỏ duy nhất, ngài đã khai triển nó thành một chương, tức chương mười. Phải mất hai năm, tới tháng Mười năm 2004, Tuyển Tập mới được công bố. Liền sau cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Ðức Hồng Y Martino đem sách đi gặp Ðức Gioan Phaolô. Ðức Giáo Hoàng chỉ phát ra một câu "Cuối cùng cũng đã xong!". Rồi trong bữa ăn trưa, Ðức Giáo Hoàng không làm gì khác ngoài việc đọc mục lục rồi phần sách tham chiếu. Người hầu phòng thỉnh thoảng lại phải lấy cuốn sách khỏi tay ngài để đặt dĩa thức ăn trước mặt ngài. Ngài ăn qua loa rồi đẩy dĩa đồ ăn qua một bên để lấy lại cuốn sách. Cuối bữa ăn, ngài nói một câu mát tai: "Nó quả là một cuốn sách hay!" được Ðức Hồng Y Martino nhớ mãi.

Chỉ có điều đáng tiếc: Ðức Hồng Y Martino không nhắc gì tới công lao của vị tiền nhiệm của ngài tại Hội Ðồng Công Lý và Hòa Bình. Ai cũng biết nền tảng Tuyển Tập trên là công lao của Tôi Tớ Chúa, Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, mà lễ giỗ 12 năm đang được tổ chức khắp nơi, nhất là trong các cộng đồng Công Giáo Việt Nam khắp thế giới.

Về Ðức Gioan Phaolô II, phải nói đây là vị giáo hoàng hết lòng nhấn mạnh tới gia đình và sự sống: đối với lương tâm ngài, tương lai nhân loại hệ ở hai chủ đề này. Chính vì thế, ngài đã giải thích chúng bằng luật tự nhiên. Ngày nay, hình như người ta đã quên lãng việc này. Ðức Hồng Y Martino không hẳn nghĩ thế. Ngài cho hay ngày nay, ta không thảo luận các chủ đề này cùng một cách như Ðức Gioan Phaolô II, nhưng chúng vẫn là những nguyên tắc nền tảng mà Giáo Hội phải theo.

Ðược hỏi: cuộc tấn công vào gia đình hiện vẫn còn đang tiếp diễn bằng nhiều cách khác và với nhiều luận chứng khác, vậy Giáo Hội đã phản ứng ra sao, vì hiện không có hội nghị quốc tế nào? Ðức Hồng Y Martino trả lời rằng ngài tin Thượng Hội Ðồng sắp tới sẽ là một dịp để làm sáng tỏ giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về gia đình. Trong cuộc thảo luận lần này "thậm chí sẽ có nhiều phát biểu và tham luận không tương ứng với tín lý của Giáo Hội, nhưng cuối cùng, Thượng Hội Ðồng sẽ không thể làm gì khác hơn là tái khẳng định những gì Giáo Hội luôn luôn dạy về gia đình".

Còn đối với những người công khai cho rằng tín lý là một chuyện, mục vụ là một chuyện khác hẳn, Ðức Hồng Y Martino cho hay: mục vụ đã đành là phải quan tâm tới mọi tình huống đặc biệt tìm thấy nơi nhiều xứ sở khác nhau và trong nhiều môi trường khác nhau, nhưng Giáo Hội sẽ không thể thay đổi những gì mình vốn tuyên xưng từ trước đến nay.

Ðức Hồng Y cho biết ngài biết Ðức Phanxicô từ ngày Ðức Phanxicô còn là Tổng Giám Mục ở Á Căn Ðình. Ðức Hồng Y từng gặp ngài ở Buenos Aires trong các cuộc du hành của mình và cả ở Rôma khi ngài đã được bầu làm giáo hoàng. Theo Ðức Hồng Y Martino, mỗi vị giáo hoàng đều có các đặc điểm riêng. Nhưng vượt quá các nét bên ngoài, Ðức Phanxicô rất giống Ðức Gioan Phaolô II, trung thành với giáo huấn của Giáo Hội. Ðối với Ðức Phanxicô, gia đình cũng là điều nền tảng. Hơn nữa, một giáo hoàng không thể làm những điều mới lạ, chưa ai nghe thấy bao giờ. Chỉ có phong thái thay đổi thôi, còn tín lý là điều vẫn vậy và giáo hoàng phải công bố nó.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page