Khóa hội học về truyền thông

cho các Giám Mục Bolivia, Ecuador và Perù

 

Khóa hội học về truyền thông cho các Giám Mục Bolivia, Ecuador và Perù.

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội.

Bolivia (RG 31-08-2014; Vat. 16-09-2014) - Trong các ngày 1 đến 4 tháng 9 năm 2014 một khóa hội học về truyền thông đã được tổ chức tại Cochabamba bên Bolivia. Tham dự khóa hội học, do Hội Ðồng Tòa Thánh về Truyền Thông tổ chức, có các Giám Mục ba nước Bolivia, Ecuador và Perù. Trong số các thuyết trình viên cũng có Ðức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội Ðồng.

Bolivia rộng hơn 1 triệu 98 ngàn cây số vuông, có hơn 10 triệu dân, 30% là người Quechua, 25% là người Aymara, 30% là người lai giống, và 15% là người Âu châu. Tuy nhiên hơn phân nửa bao gồm 40 chủng tộc bản địa, trong đó có các nhóm chính sau đây: Tupi Guarani, Arawak, Tacaná, Moselén, Zamucco, và Chapacura. Ngoài ra còn có các nhóm khác không thuộc các gia đình ngôn ngữ chuyên biệt như: Chiquitos, Yuracané, Cayudaba, Movima vv...

Tại Bolivia, các người sinh trong các vùng đất phía đông bao gồm hai phần ba diện tích toàn nước, là những người gốc âu châu, lai giống hay người dân bản địa được gọi là Camba. Còn những người dân sinh sống trong các vùng núi Ande thì được gọi là người Colla.

Trên bình diện tôn giáo 75% tổng số dân theo Công Giáo, số còn lại bao gồm các tín hữu tin lành hay các phong trào và giáo phái kitô khác. Giáo Hội công giáo có 4 tổng giáo phận, 7 giáo phận, 2 giáo quận và 5 giám quản. Giáo Hội điều khiển nhiều trường học và đại học. Năm 1988 Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng thăm mục vụ Bolivia. Vị Hồng Y tiên khởi người Bolivia là Ðức Hồng Y Julio Terrazas Sandoval, Tổng Giám Mục Santa Cruz de la Sierra.

Ecuador rộng hơn 283 ngàn cây số vuông, với hơn 15 triệu rưỡi dân, 71.9% là người lai giống, 7.4% là người Montubi, tức chủng tộc lẫn lộn da trắng, da đen và dân bản địa, sống trong vùng duyên hải, 7.2% là người gốc Phi châu, 7% là các chủng tộc bản địa sống tại Ecuador từ hơn ngàn năm nay, 6.1% gồm những người gốc Tây Ban Nha, Ðức, Italia và Ba Lan, 0.4% gồm các chủng tộc nhỏ khác.

Trên bình diện tôn giáo 80.44% tổng số dân Ecuador theo Công Giáo, 11.3% theo Tin Lành. Các nhóm tôn giáo khác gồm giáo phái Mormon 0.37%, Phật giáo 0.29% và 0.12% theo thuyết duy linh. Cũng có vài trăm gia đình Do thái và 1,800 tín hữu Hồi.

Perù rộng hơn 1 triệu 285 ngàn cây số vuông, có hơn 29 triệu dân, gồm 46% là người Amerindi tinh tuyền, 31% lai giống, 12% da trắng, 2% da đen và 2% gốc Á châu. Tôn giáo chính là Công Giáo chiếm 81.3 %, Tin lành chiếm 12.5% các tôn giáo khác chiếm 3.3% và 2.9% không tôn giáo.

Khóa hội học về truyền thông nói trên đã được sự hưởng ứng của nhiều Giám Mục. Nó thực tiễn và cần thiết vì cho tới nay trong lãnh vực truyền thông Giáo Hội Công Giáo kể là chậm trễ so với các Giáo Hội Tin Lành. Thật ra phải nói rằng nhiều Giám Mục công giáo chưa ý thức đủ về tầm quan trọng và ích lợi của các phương tiện truyền thông trong việc rao giảng Tin Mừng và loan báo Chúa Kitô cho mọi người. Trong các Giáo Hội trên thế giới có lẽ chỉ có hàng Giám Mục Brasil là xác tín nhất đối với việc sử dụng các phương tiện truyền thông cho việc loan báo Tin Mừng. Giáo Hội Brasil có hơn 190 đài phát thanh công giáo. Giáo phận nào cũng có đài phát thanh riêng và do chính các tín hữu tài trợ. Ngoài các tiết mục riêng liên quan tới các sinh hoạt giáo phận, các đài phát thanh này được nối với đài Vaticăng và phát lại chương trình tiếng Bồ Ðào Nha của đài Vaticăng, qua đó tín hữu có thể biết tin tức của Giáo Hội hoàn vũ và các sinh hoạt của Ðức Giáo Hoàng và của Tòa Thánh.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli dành cho phóng viên Sergio Centofanti của đài Vaticăng ngày 31 tháng 8 năm 2014.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Chủ tịch, đâu là mục đích của khóa hội học này tại Cochabamba bên Bolivia?

Ðáp: Khóa hội học có sự tham dự của các chuyên viên truyền thông nhắm mục đích giúp các Giám Mục hiểu điều gì đang xảy ra trên thế giới truyền thông ngày nay, đồng thời cũng giúp các vị tái khám phá ra sứ mệnh truyền thông của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội mà không truyền thông, thì không phải là Giáo Hội, bởi vì sứ mệnh riêng đích thật của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng, rao giảng Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay. Và Giáo Hội phải làm điều đó bằng cách sử dụng tất cả mọi phương tiện mình có trong tay. Liên quan tới điểm này tôi luôn thích nhắc tới điều Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đề cập đến trong Tông huấn "Loan báo Tin Mừng" năm 1975: "Giáo Hội sẽ cảm thấy mình có lỗi trước mặt Chúa, nếu không sử dụng tất cả các phương tiện, mà kỹ thuật đặt để trong tầm tay, để loan báo Tin Mừng".

Hỏi: Ðâu là con đường mà Hội Ðồng Tòa Thánh về Truyền Thông đang làm với các Giám Mục châu Mỹ Latinh?

Ðáp: Với các Giám Mục châu Mỹ Latinh chúng tôi đang làm một lộ trình loại này: đó là tái khám phá ra sự cần thiết này, sứ mệnh mạnh mẽ này mà Giáo Hội có đó là loan báo Tin Mừng. Qúy vị chắc chắn nhớ rằng các Giám Mục châu Mỹ Latinh đã nhóm hội nghi tại Aparecida, và các ngài đã viết trong tài liệu chung kết rằng mỗi một môn đệ của Chúa Giêsu đều phải là thừa sai trong môi trường sống của mình, và điều này lại càng phải đúng hơn cho các Giám Mục có sứ mệnh chủ chăn bên trong cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Truyền Thông, đâu là thách đố lớn ngay nay đối với Giáo Hội?

Ðáp: Theo tôi thì thách đố lớn ngày nay đó là cũng tái khám phá ra rằng chúng ta không chỉ có các phương tiện truyền thông trong tay - như ngày trước vào thời Công Ðồng Chung Vaticăng II, các phương tiện truyền thông đã vô cùng đơn sơ, đã chỉ có báo chí, truyền thanh truyền hình và xinê - nhưng mà ngày nay các kỹ thuật số mới mẻ đã tạo ra một môi trường, đã làm nảy sinh ra một đại lục vi tính. Và thách đố lớn đối với Giáo Hội là xem mình có thể loan báo Tin Mừng như thế nào, loan báo Chúa Giêsu chính trong môi trường sống đó, mà ngày nay chúng ta gọi là "đại lục số". Qúy vị cứ nghĩ tới các mạng lưới xã hội, mà dân chúng sống ở trong đó hết giờ này sang giờ khác, họ ở trong mạng - đó, thách đố lớn đối với Giáo Hội là xem mình có thể loan báo Tin Mừng như thế nào trong bối cảnh này. Tại sao vậy? Bởi vì trong môi trường sống này, có nhiều người hiện diện và họ sẽ không có phương tiện khác để lắng nghe sứ điệp Tin Mừng, nếu không phải là qua một ai đó có cùng đại lục vi tính ấy. Và trong đại lục này, một lần nữa, cùng lời loan báo Tin Mừng ấy hướng tới họ.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, trong các quốc gia châu Mỹ Latinh có biết bao nhiêu cảnh nghèo túng. Làm thế nào để đến với những người nghèo khổ nhất với các phương tiện truyền thông?

Ðáp: Trong bối cảnh sống này, trong môi trường này, chúng ta có phần lớn các vùng ngoại biên của cuộc sống, mà Ðức Thánh Cha Phanxicô nói tới, và nó rất là thật. Và đối với chung ta đó là lý do của một suy tư sâu xa. Ðó là lời mời gọi mà Ðức Thánh Cha đã hướng tới chúng ta với sứ điệp cho Ngày quốc Tế Truyền Thông. Nghĩa là chúng ta phải tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ. Ðiều Ðức Thánh Cha Phanxicô nói thật là hay đẹp: đó là các cửa nhà thờ phải rộng mở, để người qua đường có thể vào, nhưng cũng để cho các môn đệ của Chúa nhận thức ra rằng sứ mệnh của họ là đi ra, đi ra để gặp gỡ con người nam nữ ngày nay. Ðức Thánh Cha dùng kiểu nói "các vùng ngoại biên cuộc sống". Theo tôi, điều quan trọng đó là nhận thức rằng Giáo Hội phải ở bên cạnh con người, phải sống gần gũi với con người. Ðó là lý do tại sao trong sứ điệp năm nay Ðức Thánh Cha nói tới truyền thông như sự gần gũi. Ðó, truyền thông đối với chúng ta có nghĩa đó: gần gũi con người nam nữ ngày nay, mà trong nỗi vất vả của cuộc sống họ đi trên các con đường của chúng ta; và chúng ta phải ở bên cạnh họ, không phải để phán xét, nhưng để chia sẻ, đồng hành trên cùng một con đường.

(RG 31-8-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page