Ðại diện Tòa Thánh yêu cầu Liên Hiệp Quốc

đưa ra các biện pháp cụ thể

chấm dứt bách hại tại Iraq

 

 

Ðại diện Tòa Thánh yêu cầu Liên Hiệp Quốc đưa ra các biện pháp cụ thể chấm dứt bách hại tại Iraq.

Iraq (VietCatholic News 1-09-2014) - Lên tiếng tại Phiên Họp Ðặc Biệt thứ 22 của Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Ðức Tổng Giám Mục Tomasi, Ðại Diện Thường Trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc và Các Cơ Quan Quốc Tế khác ở Genève, khuyên cộng đồng quốc tế đưa ra các biện pháp cụ thể để chấm dứt các bạo động hiện nay và việc bách hại các nhóm thiểu số tại Bắc Iraq, và để tái lập một nền hòa bình công chính cũng như che chở các nhóm yếu thế của xã hội.

Nhà ngoại giao của Ðức Giáo Hoàng, khi lên tiếng với Hội Ðồng vào hôm thứ Hai 1 tháng 9 năm 2014, nói rằng "cần phải đưa ra các biện pháp thích đáng để đạt được các mục tiêu trên".

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ngài:

Thưa ông chủ tịch,

1. Tại một số vùng trên thế giới, hiện đang có những trung tâm bạo lực, đặc biệt tại Bắc Iraq, thách thức các cộng đồng địa phương và quốc tế phải đổi mới các cố gắng theo đuổi hòa bình của họ. Một đòi hỏi không thể thiếu, ngay trước khi xem sét luật nhân đạo quốc tế và luật chiến tranh, và bất kể các hoàn cảnh, là phải tôn trọng phẩm giá không thề nào vi phạm của con người nhân bản, vốn là nền tảng của mọi nhân quyền. Một thất bại đầy thảm họa trong việc tuân giữ các quyền căn bản này thấy rất rõ trong thực thể phá phách là cái tự gọi là "Nhà Nước Duy Hồi Giáo". Nhiều người bị chặt đầu chỉ vì họ duy trì niềm tin của họ; phụ nữ bị xâm phạm không thương tiếc và bị bán làm nô lệ trên thị trường; trẻ em bị buộc phải chiến đấu; các tù nhân bị thảm sát ngược với mọi dự liệu của luật pháp.

2. Trách nhiệm che chở quốc tế, nhất là khi một chính phủ không có khả năng bảo đảm an toàn cho các nạn nhân, chắc chắn áp dụng trong trường hợp này, và các biện pháp cụ thể cần được đưa ra một cách khẩn cấp và cương quyết ngõ hầu chặn đứng kẻ gây hấn bất chính, để tái lập một nền hòa bình công chính và che chở mọi nhóm yếu thế trong xã hội. Các biện pháp thích đáng cần được đưa ra để thực hiện cho bằng được các mục tiêu này.

3. Mọi tác nhân trong vùng và quốc tế phải minh nhiên kết án tác phong tàn bạo, man rợ và thiếu văn minh của các nhóm phạm nhân đang chiến đấu tại Ðông Syria và Bắc Iraq.

4. Trách nhiệm che chở phải được đảm nhiệm với thiện chí, bên trong khuôn khổ luật quốc tế và luật nhân đạo. Xã hội dân sự nói chung, và các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc nói riêng, không được trở thành phương tiện của cuộc cờ địa chính trị trong vùng và quốc tế. Họ cũng không nên bị coi như một "đối tượng dửng dưng" vì căn tính tôn giáo của mình hay vì những tay chơi khác coi họ như một "khối lượng không đáng kể". Che chở, nếu không hữu hiệu, không phải là che chở.

5. Các cơ quan thích hợp của Liên Hiệp Quốc, hợp tác với các nhà cầm quyền địa phương, phải cung cấp trợ giúp nhân đạo thích đáng, thực phẩm, nước uống, thuốc men, và chỗ ở, cho những người đang chạy trốn bạo lực. Tuy nhiên, sự trợ giúp này, nên là một trợ giúp khẩn cấp tạm thời. Các Kitô hữu, người Yazidis và các nhóm khác đang bị cưỡng bức rời cư có quyền trở về nhà cửa của họ, nhận trợ giúp để tái thiết nhà cửa và các nơi thờ phượng của họ, và được sống yên ổn.

6. Chặn đứng việc chuyển vận vũ khí và thị trường dầu hỏa lậu cũng như bất cứ trợ giúp chính trị gián tiếp nào, cho nhóm tự gọi là "Nhà Nước Hồi Giáo", sẽ giúp chấm dứt bạo lực.

7. Những kẻ phạm các tội ác này chống lại nhân loại phải bị cương quyết truy tầm. Không được cho phép chúng hành động vô tội vạ, do đó có nguy cơ lặp lại các tàn bạo mà nhóm tự gọi là "Nhà Nước Hồi Giáo" đã vi phạm từ trước tới nay.

Thưa ông chủ tịch,

8. Như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô từng nhấn mạnh trong lá thư của ngài gửi Tổng Thư Ký Ban Ki-moon: "các cuộc tấn công bạo lực chỉ có thể thức tỉnh lương tâm mọi người nam nữ có thiện chí để họ liên đới hành động cụ thể bằng cách bảo vệ những người đang khốn khổ hay bị bạo lực đe dọa và đảm bảo sự trợ giúp cần thiết và cấp bách cho nhiều người rời cư cũng như giúp họ an toàn trở về thành thị và nhà cửa của họ". Ðiều hiện đang xẩy ra tại Iraq cũng đã từng xẩy ra trong quá khứ và có thể xẩy ra vào ngày mai tại nhiều nơi khác. Kinh nghiệm dạy ta rằng một đáp ứng không đầy đủ, hay tệ hơn, không hành động chi cả, thường kết cục ở chỗ leo thang thêm bạo lực. Không che chở được mọi người dân Iraq, để họ thành nạn nhân vô tội của các phạm nhân này trong một bầu khí nói năng xuông, đến độ im tiếng khắp hoàn cầu, sẽ đem lại nhiều hậu quả thảm hại cho Iraq, cho các lân bang nước này và cho toàn thế giới. Nó cũng sẽ là một đòn đau đánh vào tính khả tín của những nhóm và cá nhân luôn cố gắng tôn trọng nhân quyền và luật nhân đạo. Cách riêng, các nhà lãnh đạo các tôn giáo có trách nhiệm đặc biệt phải minh xác rõ ràng rằng không tôn giáo nào có thể biện minh cho các tội phạm đáng chê trách về luân lý, tàn ác và man rợ này, và nhắc nhở mọi người rằng như một gia đình nhân loại, chúng ta đều là người trông coi chăm sóc anh em chúng ta.

Các tàn bạo đang diễn ra tại Iraq có quy mô không thể nào tưởng tượng được

Thứ Hai 1 tháng 9 năm 2014, Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng họ đã nhận được các báo cáo từ Iraq cho thấy "các hành vi vô nhân đạo trên một qui mô không thể nào tưởng tượng được".

Phó Tổng Ủy Nhân Quyền Flavia Pansieri nói rằng người ta tin Hồi Giáo Trị ISIS đã tấn công một cách có hệ thống và cố ý vào thường dân. Những cuộc tấn công này bao gồm giết người đã nhắm trước, buộc người ta cải đạo, bắt làm nô lệ, hành hạ tính dục, và bao vây trọn cả các cộng đồng.

Theo BBC, Pansieri cũng cho biết có chứng cớ cho thấy các lực lượng chính phủ Iraq đã giết hại các người bị giam giữ và oanh kích các khu vực dân sự

Tình thế bất ổn tại Iraq đã leo thang một cách bi thảm trong mấy tháng qua khi Nhà Nước Hồi Giáo, vốn được biết dưới danh ISIS, và các quân phản loạn đồng minh Sunni của họ, kiểm soát được nhiều phần rộng lớn phía Bắc và phía Tây Iraq. Hàng ngàn người, trong đó, nhiều người là Kitô hữu, đã bị giết, và hơn một triệu người khác đã buộc phải chạy trốn khỏi nhà.

Vào ngày thứ Hai 1 tháng 9 năm 2014, Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã thảo luận các lời yêu cầu phải có một sứ bộ khẩn cấp qua Iraq để điều tra liệu các tội phạm chiến tranh chống lại nhân loại có đang diễn ra hay không.

Hãng tin Zenit nhờ các nguồn tin ngoại giao biết được rằng một số đã khẩn cấp yêu cầu thiết lập một tòa án quốc tế để truy tố các tội phạm chiến tranh đặc biệt diễn ra tại vùng Trung Ðông này.

Mặc dù những vụ như thế thuộc quyền tài phán của Tòa Hình Sự Quốc Tế, nhưng những người đề nghị suy luận rằng một toà án chuyên điều tra tội ác của ISIS và các nhóm khác, theo đường hướng các phiên tòa Nuremburg trước đây vào cuối Thế Chiến II, chắc chắn có hiệu quả hơn.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page